Khiếu kiện đất đai Trung Quốc (kỳ 1): Những vụ nổi cộm

Tăng trưởng thần tốc đã đưa Trung Quốc lên vị trí cường quốc kinh tế số 2 thế giới, nhưng đồng thời tạo ra những bất ổn ngày càng nghiêm trọng trong xã hội. Một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Landesa cho biết trong năm 2010 nước này có khoảng 187.000 vụ gây rối tập thể, trung bình mỗi ngày 500 vụ.

Tăng trưởng thần tốc đã đưa Trung Quốc lên vị trí cường quốc kinh tế số 2 thế giới, nhưng đồng thời tạo ra những bất ổn ngày càng nghiêm trọng trong xã hội. Một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Landesa cho biết trong năm 2010 nước này có khoảng 187.000 vụ gây rối tập thể, trung bình mỗi ngày 500 vụ.

Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) cho biết có đến 65% các vụ gây rối tập thể bắt nguồn từ tranh chấp đất đai giữa chính quyền địa phương và nông dân, trong đó phần lớn người dân đã bị bức đến bước đường cùng. Các vụ việc ở Ô Khảm, Vọng Cương, Phán Hà… là những thí dụ điển hình.

Điểm nóng Ô Khảm

Ô Khảm là một làng ven biển ở huyện Lục Phong, tỉnh Quảng Đông, nơi có khoảng 20.000 dân sống bằng nghề trồng trọt và đánh bắt hải sản. Từ tháng 6-2009, người dân Ô Khảm 11 lần khiếu kiện lên chính quyền cấp tỉnh về việc các quan chức địa phương bán đất của dân làng cho một công ty bất động sản Hồng Công.

Nhưng tất cả đơn kiện này đều không có phản hồi. Ngày 21-9-2011, người dân Ô Khảm quyết định đấu tranh vì quyền lợi của mình. Cuộc đấu tranh kéo dài 3 tháng này đã dẫn tới đụng độ với quan chức và cảnh sát địa phương. Nhiều người phản đối đã bắt, bị đánh đập.

Một cuộc biểu tình của người dân làng Ô Khảm.

Một cuộc biểu tình của người dân làng Ô Khảm.

Một trong các đại diện của dân làng là ông Tiết Cẩm Ba bị bắt và tử vong trong đồn cảnh sát, nhưng chính quyền từ chối trả thi thể ông, dẫn đến nghi ngờ ông “bị đánh chết”. Diễn biến này khiến dân Ô Khảm phẫn nộ đánh đuổi cảnh sát và lãnh đạo chi bộ đảng ở địa phương ra khỏi làng, đồng thời lập hàng rào quanh làng không cho quan chức và cảnh sát xâm nhập.

Trước sự kiên quyết của dân làng và sự ủng hộ của giới truyền thông, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Uông Dương ra lệnh trao trả thi thể ông Tiết Cẩm Ba và thả hết những người bị bắt. Đích thân Phó Bí thư Tỉnh ủy Chu Minh Quốc đã đến Ô Khảm để điều đình với dân làng.

Ông Chu đồng ý trả lại đất đai cho dân làng, rút cảnh sát về và cho phép dân làng tự bầu lãnh đạo mới. Ông Lâm Tổ Loan, một trong những người lãnh đạo đợt biểu tình, được bầu làm Bí thư chi bộ Ô Khảm. Giới quan sát tin rằng sự kiện Ô Khảm sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến cục diện chính trị và xã hội Trung Quốc về sau.

Vọng Cương vọng động

Sau Ô Khảm, một ngôi làng khác cũng ở Quảng Đông là Vọng Cương đã nổi sóng gió. Ngày 17 và 18-2, khoảng 3.000 người dân Vọng Cương đã kéo lên trụ sở chính quyền tỉnh để biểu tình phản đối giới chức địa phương.

Họ đòi được đền bù thỏa đáng đất đai đã bị chính quyền địa phương tịch thu và cách chức bí thư chi bộ làng Lê Chí Hàng.

Người biểu tình đe dọa sẽ biến Vọng Cương thành một “Ô Khảm thứ 2” nếu không được giải quyết thỏa đáng các yêu sách. Lê Hồng Đỉnh, một người dân Vọng Cương, cho biết đây là cuộc biểu tình thứ 3 của họ trước trụ sở ủy ban thành phố, bởi những yêu sách đưa ra tại các cuộc biểu tình trước đã bị phớt lờ.

Ông nói rằng dân làng lo ngại đất đai của họ sẽ bị cướp hết nếu việc thanh tra các hoạt động của chính quyền địa phương bị trì hoãn. “Chúng tôi mong muốn tiếng nói của người dân sẽ được chính quyền lắng nghe.

Luật pháp đang bị thay thế bằng quyền lực tham nhũng cấu kết với các băng nhóm xã hội đen. Đất đai này là của tổ tiên để lại, chúng tôi sẽ đấu tranh đến cùng để lấy lại” - ông Đỉnh nói.

Tạ Hiểu Đan, Phó Thị trưởng thành phố Quảng Châu vừa được bổ nhiệm, phụ trách các lĩnh vực an ninh công cộng và tiếp dân, đã được cử đến gặp dân làng. 5 người dân được chọn ra để đi gặp ông Tạ Hiểu Đan tại văn phòng tiếp dân cạnh trụ sở ủy ban thành phố. Sau cuộc gặp gỡ này, ông Đỉnh cho biết chính quyền hẹn có câu trả lời rõ ràng và thỏa đáng cho người dân Vọng Cương vào ngày 19-2.

Phán Hà theo chân

Ngày 1-2, hàng nghìn người dân ở 2 ngôi làng Phán Hà Đông và Phán Hà Tây, thuộc Thương Nam, Chiết Giang cũng đổ ra đường chống đối chính quyền địa phương vì đã âm thầm bán đất của họ cho các công ty bất động sản mà không hề bồi thường. Sau khi dân chúng nổi dậy, các quan chức cơ sở đảng địa phương đã bỏ trốn, theo tờ Epoch Times. 5.000 dân làng đã tự quản 2 ngôi làng của mình.

Theo truyền thông Trung Quốc, bức xúc trên xuất phát từ dự án “vây biển tạo đất liền” của chính quyền Thương Nam khởi động từ năm 2003. Phán Hà Đông và Phán Hà Tây là 2 làng có diện tích lớn nhất liên quan tới dự án trên.

Tháng 6-2011, khi đơn vị trúng thầu bắt đầu tiến hành triển khai xây dựng, người dân mới biết đất đai mà nhiều thế hệ gia đình họ sinh sống bấy lâu đã bị bán. Tất cả đất ruộng, đất hương hỏa, diện tích nước nuôi trồng thủy sản... đều bị lấy trong khi người dân không nhận được một xu bồi thường.

Theo sau 2 làng Phán Hà, dân làng Long Cương, cũng thuộc Thương Nam, xuống đường phản đối các vụ mua bán và bồi thường mờ ám liên quan đến dự án “vây biển tạo đất liền” vào ngày 2-2. Do đặc thù đất bị thu hồi ở Thương Nam nằm ven biển với nhiều dải cát ngầm, cho tới nay chính quyền vẫn chưa có tiêu chuẩn chia tách rõ ràng.

Ông Lý Hiểu Bân thuộc Hiệp hội Luật sư Bắc Kinh nhận định có dấu hiệu chính quyền Thương Nam đã lợi dụng những điểm mập mờ này để chiếm đất.

Ngày 26-1, dân làng ở Wangpeng, Giản Tây, Hà Nam đã tự thành lập “Liên đoàn Nông dân Tự trị”, với tinh thần bảo vệ quyền lợi người nông dân, chống lại tình trạng bị chính quyền địa phương chiếm đoạt đất đai và các quyền lợi khác một cách phi pháp.

(Còn tiếp)

Các tin khác