IMF và chiếc ghế “nóng”: Kỳ 2: Cuộc đua giành “ngai vàng”

Trong cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 2008 đến nay, dưới tài năng của Tổng giám đốc Dominique Strauss-Kahn, IMF đã đạt được những thành công quan trọng trong việc huy động vốn, trợ giúp một số quốc gia khỏi phá sản. Nhưng mới đây, ông Strauss-Kahn phải từ chức khi bị bắt và buộc tội tấn công tình dục một nữ hầu phòng ở New York, Hoa Kỳ.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 2008 đến nay, dưới tài năng của Tổng giám đốc Dominique Strauss-Kahn, IMF đã đạt được những thành công quan trọng trong việc huy động vốn, trợ giúp một số quốc gia khỏi phá sản. Nhưng mới đây, ông Strauss-Kahn phải từ chức khi bị bắt và buộc tội tấn công tình dục một nữ hầu phòng ở New York, Hoa Kỳ.

Anh hùng tuyệt lộ

Sau khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 và Liên Xô tan rã năm 1991, IMF bắt đầu trở thành một thể chế mang tính toàn cầu. Trong 3 năm này số lượng thành viên tăng từ 152 lên 172. Để thực hiện vai trò mới, IMF mở rộng 30%, ban giám đốc tăng từ 22 lên 24 ghế (thêm Nga và Thụy Sĩ), một số giám đốc được quyền đại diện cho nhiều nước hơn.

Nhưng IMF tiếp tục thói quen đính kèm với những gói cho vay khẩn cấp với nhiều điều kiện khắc nghiệt, buộc các quốc gia phải chấp nhận biện pháp đau đớn nếu muốn nhận trợ giúp. Lề lối này đã bị nhiều nước chỉ trích mà cực điểm là những điều kiện của IMF bị kết tội “lửa đổ thêm dầu” thổi bùng cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Nguyên Tổng giám đốc IMF Strauss-Kahn và Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Christine Lagarde.

Nguyên Tổng giám đốc IMF Strauss-Kahn và Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Christine Lagarde.

Ngày 28-9-2007, Tổng giám đốc IMF đời thứ 10 Dominique Strauss-Kahn (Pháp) nhậm chức, tiếp nối “luật bất thành văn”: Tổng giám đốc IMF người châu Âu, Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) người Hoa Kỳ. Trong 10 đời tổng giám đốc IMF, người Pháp 4 lần, Thụy Điển 2 lần, Bỉ, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha mỗi nước 1 lần ngồi trên “ngai vàng”. Strauss-Kahn lên nắm IMF khi tổ chức này có dấu hiệu già cỗi và mờ nhạt dần trong các vấn đề quốc tế.

Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế nổ ra trên toàn thế giới, là cuộc thử lửa đầy khó khăn với vị tân chủ nhân “ngai vàng” IMF, nhưng cũng là dịp để ông Strauss-Kahn chứng tỏ tài năng của mình. Ông thuyết phục được các nước lớn gia tăng đóng góp cho IMF, nâng khả năng cho vay của IMF tăng gấp 3 lần đạt khoảng 750 tỷ USD.

Một số cải cách được IMF ban hành mang tính đột phá rất quan trọng, cho thấy tầm nhìn của ông Strauss-Kahn hướng tới các nước đang phát triển. Có thể kể đến cải cách cho phép IMF giải ngân nhanh những khoản tiền lớn căn cứ theo nhu cầu của nước đi vay, chứ không bị trói buộc bởi những quy định hạn ngạch như trước đây. Tháng 10-2010, với sự tác động của Strauss-Kahn, các bộ trưởng tài chính nhóm G20 đã đồng ý chuyển giao 6% phiếu có quyền biểu quyết cho nhóm nước đang lên.

Ông Strauss-Kahn cũng đạt được những gói cứu trợ các con nợ Hy Lạp, Romania, Ukraine, Hungary và đang trên đường thuyết phục tăng cứu trợ Bồ Đào Nha, nhằm nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công khu vực đồng euro. Nhiều chuyên gia đánh giá Strauss-Kahn là một trong số các tổng giám đốc IMF thành công nhất, có ảnh hưởng rộng nhất, đã tăng cường vị thế cho IMF. Nhưng sự nghiệp của “người hùng IMF” giữa đường gãy gánh một cách đáng xấu hổ vì tật mê gái. Ngày 14-5-2011, ông Strauss-Kahn bị Hoa Kỳ bắt vì cáo buộc tấn công tình dục cô hầu phòng khách sạn Sofitel New York.

Cuộc đua

Trong hơn 6 thập niên qua, một sự thỏa hiệp giữa châu Âu và Washington đã bảo đảm rằng người châu Âu đứng đầu IMF và người Hoa Kỳ đứng đầu WB. Tháng 4-2009, các nhà lãnh G20 cường quốc kinh tế đã thông qua quy trình “lựa chọn mở, minh bạch và dựa trên phẩm chất” những người đứng đầu của các tổ chức toàn cầu, nhưng vẫn chưa nhất trí về việc loại bỏ tiêu chí quốc tịch.

Trong thông cáo đưa ra vào cuối tuần trước, IMF một lần nữa nhắc lại nguyên tắc trên khi tiến hành lựa chọn các ứng viên (được đề cử bắt đầu từ ngày 23-5 đến 10-6) và dự kiến đến 30-6 sẽ có kết quả cuối cùng). Giới quan sát nhận định nếu quá trình chọn người kế nhiệm Strauss-Kahn trái với các cam kết của G20, sẽ không chỉ làm hoen ố hình ảnh của IMF và tính hợp pháp, hiệu quả của bất cứ ai được chọn, mà còn “bôi tro trát trấu” vào bộ mặt G20.

Hiện tại, ứng viên Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Christine Lagarde được Đức và nhiều nước châu Âu lên tiếng ủng hộ. Một số nhân viên IMF cho biết họ muốn nhìn thấy một sếp nữ lên ngôi, xem như tăng tính bình đẳng giới trong IMF. Cũng có người nói phụ nữ làm lãnh đạo sẽ tránh được thói trăng hoa thường thấy ở những ông lớn giàu quyền lắm của. Cũng có ý kiến cho rằng bà Lagarde chưa đủ sức thuyết phục vì không xuất thân từ trường lớp kinh tế hay tài chính. Bà chỉ là người thực thi những chính sách của Tổng thống Sarkozy, thậm chí còn bị tố cáo là lạm dụng chức vụ để giúp bạn bè ông Sarkozy trong một vụ tranh chấp thương mại.

Trong lúc các nền kinh tế phát triển phải vật lộn với tăng trưởng thấp và khủng hoảng tài chính, nhóm quyền lực mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ đã trở thành nhân tố quan trọng lèo lái nhu cầu toàn cầu, đang tìm cách gây ảnh hưởng nhiều hơn trong các tổ chức quốc tế. Các phiếu đại diện các nền kinh tế thị trường mới nổi trong IMF cũng được tăng lên, mang đến tiếng nói lớn hơn cho các nước như Brazil, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico và Hàn Quốc. Điều đó có nghĩa các thị trường mới nổi sẽ đóng góp nhiều nguồn lực hơn vào IMF và các khoản cho vay khẩn cấp những nước có nhu cầu.

Vì thế các nước đang phát triển vẫn muốn có sự xem xét nghiêm túc các ứng viên từ những quốc gia khác. Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Surin Pitsuwan cuối tuần qua đã kêu gọi các nước châu Á phối hợp đề cử ứng viên. Báo chí Australia còn đưa tin cựu Thủ tướng Paul Keating và cựu quan chức tài chính Peter Costello “có hứng thú với cuộc đua này”.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, tình hình chưa chín muồi để châu Á có thể “cầm cân nẩy mực” IMF. Ngay từ khi bùng lên vụ bê bối của ông Strauss-Kahn, châu Âu đã “bắn tin” cho biết sẽ không từ bỏ chức lãnh đạo mà từ trước đến nay vẫn dành cho họ. Hơn nữa, hiện nay, IMF đang phải xử lý cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Cục diện này cần một người có kinh nghiệm và chỉ có người châu Âu mới hội tụ đủ điều kiện đó. Nhưng về lâu dài, triển vọng châu Á giữ vị trí đứng đầu trong IMF cũng không thể loại trừ.

Kỳ 1: Những đóng góp tích cực

Các tin khác