IMF và chiếc ghế “nóng”: Kỳ 1: Những đóng góp tích cực

Sự nghiệp của Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn, một trong những người đàn ông quyền lực nhất hành tinh, bỗng chốc sụp đổ vì xìcăngđan đáng xấu hổ: tấn công tình dục một cô hầu phòng khách sạn Sofitel New York, Hoa Kỳ. Trong lúc ông Strauss-Kahn và đoàn luật sư hùng hậu của mình bận rộn với việc bào chữa, các quốc gia ráo riết chạy đua giành ngôi vị Tổng giám đốc IMF đang bỏ trống.

Sự nghiệp của Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn, một trong những người đàn ông quyền lực nhất hành tinh, bỗng chốc sụp đổ vì xìcăngđan đáng xấu hổ: tấn công tình dục một cô hầu phòng khách sạn Sofitel New York, Hoa Kỳ. Trong lúc ông Strauss-Kahn và đoàn luật sư hùng hậu của mình bận rộn với việc bào chữa, các quốc gia ráo riết chạy đua giành ngôi vị Tổng giám đốc IMF đang bỏ trống.

66 năm hoạt động, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) là một thể chế đầy quyền lực mà vị trí Tổng giám đốc chẳng khác nào một “ông vua” đang ngự trị trên “ngai vàng” IMF.

Giám sát hệ thống tiền tệ quốc tế

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) quy tụ 187 quốc gia với tôn chỉ thúc đẩy hợp tác tiền tệ toàn cầu, bảo đảm ổn định tài chính, thuận lợi hóa thương mại quốc tế, gia tăng việc làm và tăng trưởng kinh tế bền vững, giảm đói nghèo trên toàn thế giới. Được thành lập ngay sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, trải qua 66 năm, IMF đã góp phần định hình nền kinh tế toàn cầu. Điểm lại lịch sử IMF, có thể chia làm 5 giai đoạn chính: 1944-1971: Hợp tác và tái thiết; 1972-1981: Hệ thống Bretton Woods thoái trào; 1982-1989: Khủng hoảng nợ và những cuộc cải cách đầy đau đớn; 1990-2004: Thay đổi xã hội tại Đông Âu và bước tiến châu Á; 2005 đến nay: Toàn cầu hóa và khủng hoảng.

Trụ sở IMF tại Washington D.C., Hoa Kỳ.

Trụ sở IMF tại Washington D.C., Hoa Kỳ.

Trở ngược thời gian, trong cuộc đại suy thoái vào những năm 30 của thế kỷ trước, các nước đã cố gắng bảo vệ nền kinh tế bằng cách đua nhau dựng lên những rào cản thương mại, phá giá đồng tiền để cạnh tranh xuất khẩu, hạn chế người dân giữ ngoại tệ… Hệ quả từ việc “mạnh ai nấy lo” là thương mại thế giới từ trên 3 tỷ USD (năm 1929) giảm tuột xuống dưới 1 tỷ USD (năm 1933), thất nghiệp gia tăng, các tiêu chuẩn sống sa sút.

Sự đổ vỡ trong hợp tác tiền tệ quốc tế dẫn tới ý tưởng phải thành lập một thể chế giữ vai trò giám sát hệ thống tiền tệ quốc tế. Tháng 7-1944, đại diện 45 nước họp tại Bretton Woods (New Hampshire, Hoa Kỳ) đã đồng ý về khung hợp tác kinh tế quốc tế, dự kiến sẽ được thiết lập sau chiến tranh thế giới II, nhằm tránh lặp lại những chính sách kinh tế tai hại đã dẫn tới cuộc đại suy thoái trước đó.

Hệ thống Bretton Woods - cố định tỷ giá

Tháng 12-1945, 29 thành viên đầu tiên ký thỏa thuận chính thức ra đời tổ chức IMF và đến tháng 3-1947, quỹ này đi vào hoạt động. Cuối năm 1947, Pháp đã trở thành nước đầu tiên vay của IMF. Cuối thập niên 50 và trong suốt những năm 60, nhiều nước châu Phi giành độc lập và nộp đơn xin làm thành viên IMF. Tuy nhiên, chiến tranh lạnh đã hạn chế sự mở rộng IMF vì hầu hết các nước trong tầm ảnh hưởng của Liên Xô không tham gia IMF.

Giai đoạn 1945-1971, các nước gia nhập IMF cam kết cố định tỷ giá hối đoái (giá bản tệ các nước tính theo USD, giá USD tính theo vàng), chỉ được điều chỉnh khi cần sửa chữa “sự mất cân đối cơ bản” trong cán cân thanh toán nhưng phải có sự đồng ý của IMF. Đây gọi là hệ thống giá trị danh nghĩa, hay còn có tên khác là Hệ thống Bretton Woods, rất phổ biến cho tới năm 1971 khi Chính phủ Hoa Kỳ dừng quy đổi USD ra vàng.

Tái chế đôla dầu mỏ - khủng hoảng nợ quốc tế

Hệ thống Bretton Woods sụp đổ, các thành viên IMF không còn bị ràng buộc, bắt đầu được tự do lựa chọn bất cứ hình thức hối đoái nào, ngoại trừ neo giá bản tệ vào vàng. Sự lựa chọn có thể là thả nổi bản tệ, định giá theo một đồng tiền khác hoặc một rổ tiền tệ, sử dụng đồng tiền của một nước khác, hoặc tham gia vào một liên minh tiền tệ (tiền thân sự hình thành khu vực đồng euro). Tới năm 1973, các đồng tiền chính đã bắt đầu lên xuống tự do.

Thoạt đầu, nhiều người lo ngại Hệ thống Bretton Woods sụp đổ sẽ kết liễu thời kỳ tăng trưởng nhanh. Nhưng trên thực tế, quá trình chuyển tiếp sang tỷ giá thả nổi đã diễn ra khá suôn sẻ và đúng lúc. Tỷ giá linh hoạt giúp các nền kinh tế dễ điều chỉnh hơn trước những cú sốc bên ngoài, vừa đúng thời điểm giá dầu bắt đầu leo thang từ tháng 10-1973.

Để đối phó những thách thức từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ, IMF đã áp dụng công cụ cho vay để giúp các nước nhập khẩu dầu giải quyết tình trạng thâm hụt và lạm phát vì giá dầu cao. IMF cũng giúp những nước nghèo nhất thế giới vượt qua khó khăn cân đối thanh toán bằng cách cung cấp các chương trình tài chính ưu đãi Trust Fund (nửa cuối những năm 70), SAF (1986), ESAF (1987).

Cơn sốc giá dầu những năm 70 đã buộc nhiều nước nhập khẩu dầu phải đi vay. Lúc này, các ngân hàng thương mại phương Tây đã sáng kiến chiêu thức “tái chế đôla dầu mỏ”, tức lấy tiền gửi của các nước xuất khẩu dầu đem cho các nước đang phát triển và nhập khẩu dầu vay với lãi suất thả nổi. Khi các nước công nghiệp phát triển kiểm soát lạm phát bằng cách tăng lãi suất, lãi suất thả nổi đang treo lơ lửng trên đầu các nước đang phát triển cũng vọt theo.

Ước tính trong vòng 3 năm 1978-1981, lãi suất tăng đã khiến các nước đang phát triển (không sản xuất dầu mỏ) tốn thêm ít nhất 22 tỷ USD. Cần tiền, lại phải vay thêm. Khủng hoảng nợ quốc tế bùng nổ trước nhất tại Mexico năm 1982. IMF đã phát huy vai trò phối hợp hành động toàn cầu, gồm cả các ngân hàng thương mại. Rõ ràng, chẳng ai được lợi nếu như hết nước này đến nước khác không còn khả năng trả nợ. IMF đã thành công giúp hạ nhiệt cơn hoảng loạn.

-----------

Kỳ 2: Cuộc đua giành “ngai vàng”

Các tin khác