Hoa Kỳ từ bỏ vai trò dẫn dắt thế giới K2: “Cuộc chiến” giới tinh hoa

(ĐTTCO) - Sau 5 tháng Donald Trump cầm quyền, “cuộc chiến” nội bộ ở Hoa Kỳ vẫn diễn ra dai dẳng. Ngày 2-7, tờ Independent đưa tin hàng ngàn người ở hàng chục thành phố lớn Hoa Kỳ đã tham gian tuần hành đòi phế truất D. Trump.
Cáo buộc Tổng thống vi hiến, ngăn cản tư pháp trong cuộc điều tra các sai phạm trong chiến dịch tranh cử... 
Tờ Washington Post bình luận: Dù là lãnh đạo đảng, Tổng thống D. Trump hiện vẫn gặp khó khăn trong việc thuyết phục các nghị sĩ đảng Cộng hòa - chiếm đa số ở cả 2 viện - đứng về phía mình thông qua những quyết định quan trọng. Hệ quả là chưa quyết sách nào thực sự đột phá được đưa ra trong tháng 5 tháng đầu ông nhậm chức. Một nghị sĩ Cộng hòa nhận định về người lãnh đạo của mình: “Khi bạn đạt mức tín nhiệm chỉ 35% và bị FBI điều tra, tiếng nói của bạn không thể có trọng lượng”.
Khẩu chiến liên miên
Hơn 40 nghị sĩ cả Cộng hòa và Dân chủ đã lên tiếng chỉ trích ông D. Trump, vì cho rằng tổng thống liên tiếp tấn công báo chí với hàng loạt các dòng tweets lời lẽ nặng nề, dùng ngôn từ không phù hợp với vị trí của một người đứng đầu Hoa Kỳ. Ngoài việc phê phán, nhiều nghị sĩ còn cho rằng D. Trump tăng cường chỉ trích trên mạng xã hội còn nhằm để dư luận phân tán, thoát sự chú ý khỏi những vấn đề quan trọng của đất nước. Mới đây nhất D. Trump hạ bệ 2 người dẫn chương trình “Morning Joe” của kênh MSNBC, là Joe Scarborough và Mika Brzezinski. Hãy đọc những dòng tweets sau: “Joe Scarborough điên khùng và Mika ngu như đá không phải là người xấu, nhưng chương trình có tỷ suất người xem rất thấp của họ đang bị chỉ đạo bởi những ông chủ NBC”. NBC từ chối bình luận về những dòng tweets này, song công bố số liệu cho biết chương trình “Morning Joe” vừa đạt một quý có tỷ suất người xem cao nhất của lịch sử chương trình này. Trong khi đó kênh MSNBC khẳng định Tổng thống D. Trump nói dối về việc phóng viên kênh này nỗ lực tiếp cận ông trước đó. Cũng trong chuỗi những dòng tweets đó, ngày 1-7, Tổng thống D. Trump đã lên Twitter chỉ trích: “Tôi vô cùng hài lòng được thấy CNN cuối cùng đã lộ chân tướng là tin tức giả, là báo chí rác rưởi”. Sau đó 9 tiếng, Trump lại tiếp tục tấn công: “Tôi cân nhắc đổi tên CNN Tin giả thành CNN Tin lừa đảo”. Và “truyền thông giả mạo và dối trá đang cố thuyết phục người Cộng hòa và những người khác rằng tôi không nên sử dụng mạng xã hội. Nhưng hãy nhớ rằng tôi chiến thắng cuộc bầu cử năm 2016 bằng các bài phỏng vấn, diễn thuyết và mạng xã hội. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến thắng. Việc sử dụng mạng xã hội của chúng tôi không giống một tổng thống. Đó là cách của một tổng thống thời hiện đại: Hãy làm Hoa Kỳ vĩ đại trở lại”. Cũng cần nói thêm cuộc chiến với báo chí tiếp tục tiếp diễn trong khi có rất nhiều việc rất quan trọng đang đặt ra với ông chủ Nhà trắng: Tình hình Triều Tiên ngày càng diễn biến phức tạp, tổng thống đang chật vật tìm kiếm sự ủng hộ cho dự luật thay thế Obamacare - một cam kết chủ chốt của ông khi ứng cử, chuẩn bị dự hội nghị G20 với nhiều nội dung nóng bỏng, gặp gỡ các đối tác trong xu thế đối đầu... Vậy các cuộc khẩu chiến nội bộ liên miên liệu có cần thiết và thật sự vị tổng thống này có cần vai trò của báo chí? Mới đây báo chí đưa tin hình ảnh ông D. Trump trên cả trang bìa tạp chí Time với hàng tít: Donald Trump thành công trên mọi vị trí, kể cả truyền hình!, số phát hành ngày 1-3-2009 là giả mạo. Hình bìa này được phóng lớn, treo tại nhiều câu lạc bộ golf thuộc sở hữu ông Trump, được xem như vật lưu niệm đánh dấu những bước đi thành công trong sự nghiệp của ông! Tuy nhiên, tạp chí Time cho biết nhân vật trên trang bìa Time số đó là ngôi sao điện ảnh Kate Winslet chứ không phải Trump, và không có ấn phẩm nào phát hành trong năm 2009 có đăng hình ảnh ông Trump lên trang bìa. Bà Kerri Chyka, phát ngôn viên Time trả lời báo Washington Post: “Tôi có thể khẳng định đây không phải là bìa của tạp chí Time”. Ngày 27-6 tạp chí Time đã yêu cầu Tập đoàn Trump Organization gỡ bỏ các trang bìa giả đang treo tại các câu lạc bộ.
Hoa Kỳ từ bỏ vai trò dẫn dắt thế giới K2: “Cuộc chiến” giới tinh hoa ảnh 1 Bìa tạp chí Time ngày 1-3-2009 đăng ảnh Trump được cho là giả mạo (phải)
và bìa ngày xuất bản đó (trái). 
Không tạo được sự đồng thuận
Tổng thống D. Trump không chỉ “chủ chiến” với cánh báo chí uy lực với chính trường ở Hoa Kỳ, mà còn quay lưng với cả giới tinh hoa góp phần làm nên sự hùng mạnh của đất nước này. Nói về thành quả 5 tháng đầu nhậm chức của ông chủ Nhà trắng mới, Hạ nghị sĩ Carlos Curbelo bình luận: “Tổng thống vẫn một mình đi một đường, chứ không phải một phần của đảng Cộng hòa truyền thống. Tôi trao cho ông Trump chính quyền theo cách đã trao cho ông Obama. Khi đồng thuận, tôi làm việc với họ. Khi bất đồng, tôi từ chối”. Ông Obama rất kín tiếng sau khi mãn nhiệm với những chính sách phủ định kết quả mà ông đã đạt được một cách rất khó khăn sau hai nhiệm kỳ làm Tổng thống Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sau khi D.Trump chính thức tuyên bố Hoa Kỳ rút lui khỏi thỏa thuận về biến đổi khí hậu Paris - một di sản quan trọng của mình, B. Obama đã lên tiếng chỉ trích, bày tỏ sự tiếc nuối: “Khu vực tư nhân từ lâu đã chọn lựa tương lai ít khí thải carbon. Những quốc gia nào còn ở lại với Hiệp định Paris sẽ là những quốc gia gặt hái những lợi ích từ số việc làm và các ngành nghề mà hiệp định này tạo ra. Tôi tin rằng Hoa Kỳ lẽ ra nên dẫn đầu nhóm các quốc gia này”. Reuters đã phát lời kêu gọi của ông Obama: “Dù thiếu sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, dù chính phủ này chọn đứng về phía số ít nước từ chối tương lai, tôi vẫn tin các quốc gia, các bang và doanh nghiệp của chúng ta sẽ phải làm tốt thỏa thuận đạt được, giúp bảo vệ tương lai hành tinh chúng ta!”. Mục đích của ông Trump khi rút khỏi thỏa thuận là để phát triển các ngành khai thác dầu khí và than. Tuy nhiên, các tập đoàn dầu khí, than lớn như Shell, Exxon, Cloud Peak Energy... đều công bố ủng hộ thỏa thuận. Nhiều nghị sĩ cả 2 đảng sau đó đều bày tỏ thái độ: Quyết định này là bước đi chính sách tệ nhất thế kỷ 21, vì hệ lụy to lớn của nó đến kinh tế, môi trường  và cả vị thế địa chính trị của Hoa Kỳ.  Ông D. Trump thành lập hội đồng cố vấn kinh doanh vào cuối năm trước, trước khi chính thức nhậm chức tổng thống. Hội đồng này có chức năng hỗ trợ ông chủ Nhà Trắng trong việc đưa ra các chính sách quốc gia quan trọng, bao gồm những người có kinh nghiệm lẫy lừng điều hành các tổ chức, doanh nghiệp lớn: Quỹ đầu tư Blackstone, Ngân hàng JPMorgan Chase, Tập đoàn Pepsi, Hãng xe điện Tesla, Hãng giải trí Walt Disney... Các nhân vật kể trên đã tuyên bố đồng loạt rời khỏi hội đồng cố vấn của Nhà trắng sau khi Tổng thống D. Trump rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris.
Hoa Kỳ từ bỏ vai trò dẫn dắt thế giới K2: “Cuộc chiến” giới tinh hoa ảnh 2 Các công ty lớn, các trường đại học đều phản đối chính sách nhập cư của Tổng thống D. Trump, cho rằng hạn chế nguồn nhân lực chất lượng cao vào Hoa Kỳ. Trong ảnh: Các sinh viên tìm hiểu cơ hội việc làm tại đại bản doanh Microsoft (Seattle). 
Chính trường bất ổn?
Vậy di sản Tổng thống D. Trump được khẳng định là gì? Mới đây Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã ra phán quyết mới, giới hạn sắc lệnh di trú gây tranh cãi của Tổng thống đưa ra hồi cuối tháng 3, thay vì chặn đứng hoàn toàn sắc lệnh như phán quyết của tòa cấp dưới, các thẩm phán tòa án tối cao cho phép chính quyền nhập cảnh một số đối tượng đến từ 6 quốc gia theo đạo Hồi “chứng minh được quan hệ có thật với công dân hoặc tổ chức của Hoa Kỳ, như có quan hệ thân nhân gần gũi với công dân Hoa Kỳ, có giấy tiếp nhận từ các trường đại học hoặc được doanh nghiệp Hoa Kỳ nhận vào làm”. Sau thông báo của Tòa án tối cao, Tổng thống Trump tuyên bố đây là “chiến thắng rõ rệt đối với an ninh quốc gia”. Tuy nhiên, điều này lại nảy ra một cuộc tranh luận mới, dự đoán có thể còn dẫn đến nhiều rối rắm hơn. Nguyên nhân là cụm từ “quan hệ có thật” không được giải thích một cách cặn kẽ, có thể dẫn đến cách diễn giải khác nhau, các cơ quan chức năng có thể xét cho nhập cảnh cũng được, bác bỏ cũng được, có thể gây ra tình trạng hỗn loạn tại các phi trường như trước đây.  Chính trường Hoa Kỳ cũng đang bày tỏ thái độ băn khoăn về một con bài khác mà D. Trump chưa mở ra. Trong chiến dịch tranh cử trước đây, ông Trump từng tuyên bố “WTO là một thảm họa và sẽ tìm cách đàm phán lại hoặc rời khỏi tổ chức”. Hoa Kỳ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, đóng vai trò then chốt trong tồn tại của WTO. Việc nước này rút khỏi tổ chức trên không những gây ra những xáo trộn, bất ổn lớn ở Hoa Kỳ, mà còn tạo ra hệ lụy khó lường đối với phần còn lại của thế giới. Điều trớ trêu là hiện nay Tổng thống D. Trump vẫn gặp khó khăn trong việc thu phục sự ủng hộ của các nghị sĩ, kể cả từ các thành viên của đảng Cộng hòa của mình, trong việc thông qua các quyết sách quan trọng. Cản ngại mới là Dự luật chăm sóc sức khỏe thay thế Obamacare đang chờ thông qua tại Thượng viện, bởi có quá nhiều nghị sĩ phản đối. Washington Post viết: “Trong các cuộc đối thoại ở Đồi Capitol, ông Trump thường không được coi trọng. Họ đôi khi kiệt sức và tức giận trước cách ông liên tục nhảy từ chủ đề này sang chủ đề khác, hay những dòng trạng thái gây kích động trên Twitter”. 
 Cập nhật triển vọng kinh tế thế giới mới nhất, IMF đã giảm dự báo tăng trưởng của Hoa Kỳ trong năm nay từ 2,3% xuống còn 2,1% và hạ kế hoạch trong năm tới từ 2,5% xuống còn 2,1%. Tổ chức này cũng nghi ngờ về dự báo ngân sách lạc quan của Nhà Trắng, rằng tăng trưởng sẽ tăng lên 3% vào năm 2020 và tiếp tục tăng tốc trong 7 năm nữa. Ông Alejandro Werner, Giám đốc Khu vực Tây Bán cầu của IMF, phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington: “Do biến động mạnh về chính sách ở Hoa Kỳ, chúng tôi quyết định loại bỏ các chính sách kích thích tài khóa giả định và các chính sách thúc đẩy tăng trưởng được thực thi. Cản ngại là các chính sách kinh tế của ông D. Trump dường như chưa được quyết định, mặc dù Nhà Trắng cho rằng ưu tiên, vẫn phải chờ được Quốc hội phê chuẩn”.
IMF cũng dự báo triển vọng trung hạn Hoa Kỳ khá ảm đạm do tình trạng kinh tế mất cân bằng, nợ công tăng, chưa tận dụng hết tiềm năng để phát triển.

Các tin khác