Hoa Kỳ: Lung lay vị thế siêu cường - Bài 2: Đa khủng hoảng

Trong tháng 4, hãng đánh giá tín dụng Standard and Poor's (S&P) hạ dự báo tín dụng của Hoa Kỳ từ mức “ổn định” xuống “tiêu cực”. Cùng lúc, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo Hoa Kỳ không đáng tin cậy khi nói về chuyện cắt giảm thâm hụt ngân sách. Những diễn biến này chỉ là một phần nhỏ trong hàng loạt cuộc khủng hoảng Hoa Kỳ đang hoặc sắp phải đối mặt.

Trong tháng 4, hãng đánh giá tín dụng Standard and Poor's (S&P) hạ dự báo tín dụng của Hoa Kỳ từ mức “ổn định” xuống “tiêu cực”. Cùng lúc, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo Hoa Kỳ không đáng tin cậy khi nói về chuyện cắt giảm thâm hụt ngân sách. Những diễn biến này chỉ là một phần nhỏ trong hàng loạt cuộc khủng hoảng Hoa Kỳ đang hoặc sắp phải đối mặt.

Trái phiếu sụp đổ?

Nhà kinh tế Martin Hutchinson, được nhiều người vị nể, vừa xuất bản một loạt dự báo về tình hình kinh tế Hoa Kỳ. Trong đó, ông tin rằng nền kinh tế số một hành tinh có thể sớm rơi vào một cuộc khủng hoảng trái phiếu toàn diện do sự suy yếu của USD và những nhân tố bất ổn khác của nền kinh tế. Theo Hutchinson lợi suất trái phiếu của Hoa Kỳ hiện ở mức rất thấp, 10 năm chỉ đạt 3,4%, khiến trái phiếu đang trở thành một kênh đầu tư lợi nhuận cực thấp. Trong thực tế, những nhà đầu tư mua vào trái phiếu 10 năm hồi tháng 1 đang chứng kiến khoản thua lỗ 0,76% so với tiền vốn. Trong khi đó, có 3 nhân tố khiến thị trường trái phiếu càng trở nên kém hấp dẫn, bao gồm chính sách tiền tệ bất hợp lý của Chính phủ, lạm phát và thâm hụt ngân sách.

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) Ben S. Bernanke đã duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục (0%) trong suốt 30 tháng qua khiến lạm phát đang có dấu hiệu tăng ngoài kiểm soát. Kể từ tháng 11-2010, FED mua vào khoảng 2/3 trái phiếu được phát hành với lãi suất thấp trên. Điều này sẽ khiến lạm phát càng tăng nhanh và khi FED ngừng mua trái phiếu, thị trường này sẽ ế ẩm. Dù chỉ số lạm phát chính thức vẫn ở mức thấp, nhưng chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 10% so với năm ngoái, trong khi giá năng lượng tăng 7,3%, đặc biệt giá xăng tăng tới 13,4%. Giới chuyên môn tin rằng lạm phát thực ở Hoa Kỳ hiện đang ở mức 8-9%. Ngoài ra, chương trình kích cầu 787 tỷ USD của Chính phủ trước đây đang tạo ra khoản thâm hụt lên đến 1.600 tỷ USD.

Hutchinson tin rằng sự kết hợp của các nhân tố trên khiến nguy cơ sụp đổ hoàn toàn thị trường trái phiếu rất cao và sẽ tồi tệ hơn những gì đã xảy ra vào thập niên 70 của thế kỷ trước. Hutchinson dự báo cuộc khủng hoảng trái phiếu Hoa Kỳ có thể xảy ra vào quý III năm nay, sau khi chương trình nới lỏng định lượng thứ 2 (QE2) của FED kết thúc vào ngày 30-6. 

Thâm hụt ngân sách

S&P duy trì mức tín nhiệm nợ của Hoa Kỳ ở hạng AAA, nhưng đổi sang dự báo “tiêu cực”, một dấu hiệu cho biết họ có thể hạ bậc tín nhiệm nếu Hoa Kỳ không có chuyển biến tích cực. Trong thông báo của mình, S&P giải thích động thái của họ xuất phát từ các quan ngại xung quanh gánh nặng nợ công của nền kinh tế lớn nhất thế giới, tin rằng các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ có thể không đạt được một thỏa thuận để giải quyết các áp lực tài chính dài hạn của đất nước.

Thị trường trái phiếu Hoa Kỳ đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng mới.

Thị trường trái phiếu Hoa Kỳ
đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng mới.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài CNBC, David Beers - Giám đốc đánh giá nợ quốc gia toàn cầu của S&P - cho biết ông lo ngại trước những biện pháp giải quyết áp lực tài chính của Chính phủ, dù Nhà Trắng đang cố gắng loan truyền tin tức tích cực về những cuộc đàm phán ngân sách và các mục tiêu cắt giảm thâm hụt. Bởi ngay cả kế hoạch ngân sách do đảng Cộng hòa đề xuất đã được Hạ viện thông qua rất ít thuyết phục. “Kế hoạch này chưa đủ nghiêm túc bởi nó không được thực hiện trong năm nay, mà phải tới 10 năm sau, khi những người tại nhiệm hiện nay có lẽ không còn chịu trách nhiệm” - nhà kinh tế Paul Krugman nhận xét.

Trong khi đó, việc thông qua kế hoạch ngân sách đang phơi bày điểm yếu nhất của Chính phủ hiện nay. Đó là sự bất đồng sâu sắc giữa 2 đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện và đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện (xem thêm bài “Cuộc chiến ngân sách ở đồi Capitol” trong số báo 411 ngày 18-4-2011). Nhưng dù là kế hoạch cắt giảm 6.200 tỷ USD chi tiêu công của đảng Cộng hòa, hay kế hoạch giảm 4.000 tỷ USD của Tổng thống Obama đều kém xa những con số cần thiết. Đó là lý do vì sao IMF tỏ ra không tin tưởng việc cắt giảm thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ, đã cảnh báo: “Chỉ với việc cắt giảm 38,5 tỷ USD ngân sách cho năm 2011, Chính phủ Hoa Kỳ đã suýt rơi vào cảnh đóng cửa. Và điều gì sẽ xảy ra vào 10 năm tới khi nước này phải cắt giảm tới 600 tỷ USD mỗi năm?”.

Phân hóa xã hội

Theo một phúc trình của Global Research (GR), số người nghèo sống nhờ vào tem phiếu trợ cấp lương thực ở Hoa Kỳ hiện nay đang ngang ngửa thập niên 30 của thế kỷ trước. Theo nghiên cứu của GR, hiện có tới 45 triệu dân Hoa Kỳ (16% dân số) phải sống nhờ tem phiếu trợ cấp lương thực của Chính phủ do tình trạng thất nghiệp cao. Đây chính là yếu tố khiến nhiều nhà quan sát cho rằng tỷ lệ thất nghiệp thực tế ở nền kinh tế lớn nhất hành tinh hiện nay có thể trên 20%, cao hơn nhiều so với con số 8,8% do Chính phủ đưa ra. 

Tỷ lệ thất nghiệp cao đồng nghĩa với thu nhập của hộ gia đình, đặc biệt tầng lớp bình dân, đang suy giảm, tức người nghèo càng nghèo đi. Nhưng những điều này ít ảnh hưởng tới tầng lớp thượng lưu ở Hoa Kỳ. Các đại gia Phố Wall và các công ty tài chính vẫn nặng túi với những khoản tiền thưởng khổng lồ. Trong năm 2011, những người có thu nhập từ 1 triệu USD trở lên chỉ phải đóng thuế thu nhập 23,1%, trong khi vào năm 1961, những người có thu nhập hơn 1 triệu USD (theo thời giá hiện tại) phải trả tới 43,1% tiền thuế. Nếu kế hoạch ngân sách của đảng Cộng hòa ở Hạ viện trở thành luật, tầng lớp trung lưu càng phải chứng kiến những đau đớn nhiều hơn từ các chương trình cắt giảm chi tiêu, trong khi giới người giàu lại hưởng thêm nhiều chương trình miễn giảm thuế. Phúc trình của GR dự báo xã hội Hoa Kỳ sẽ nhanh chóng phân hóa thành 2 tầng lớp: 20% giàu và 80% nghèo.

--------

> Bài 1: USD mất thế

Các tin khác