Hai mặt Trí tuệ nhân tạo (K1): Đe dọa việc làm

(ĐTTCO) - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và nền văn minh nhân loại. Các lĩnh vực ứng dụng AI rất đa dạng và có nhiều tiềm năng.
 Những cải tiến gần đây trong phần cứng máy tính, các thuật toán AI đã vượt khả năng của các chuyên gia hàng đầu. Có thể ngày nào đó AI sẽ đạt được mức độ trí tuệ siêu nhiên. Bên cạnh những lợi ích mang lại, AI cũng tạo ra những rủi ro.
Sự phát triển của AI đang khiến máy móc ngày càng trở nên đắc lực hơn trong tất cả ngành nghề, không chỉ những công việc phổ thông mà cả những việc đòi hỏi kỹ năng, trình độ cao như bác sĩ, kỹ sư...
Từ lao động phổ thông

Công ty Bảo hiểm Fukoku Mutual Life Insurance của Nhật Bản vừa mua một hệ thống AI để đánh giá mức lương hưu bảo hiểm, thay thế 34 nhân viên. Một công ty đầu tư mạo hiểm ở Hồng Công, Deep Knowledge Ventures đã chỉ định VITAL (Công cụ Xác nhận đầu tư) vào ban điều hành của mình năm 2014. Và vào năm 2011, một bệnh viện đại học ở San Francisco (Hoa Kỳ) đã cài đặt robot để xử lý thuốc. Trong thời gian chạy thử, nó đã chuẩn bị 350.000 liều thuốc mà không xuất hiện lỗi nào.

 Tương lai có thể thấy trước được sẽ không phải là con người đấu với máy móc, mà là con người hợp sức với máy móc để đấu với người không có máy móc, và người hợp sức với máy móc sẽ chiến thắng.

Ông Keith Dreyer
Phó Chủ tịch Bệnh viện đa khoa  Massachusetts, Hoa Kỳ

Theo một báo cáo nghiên cứu mới công bố của Trung tâm Nghiên cứu Doanh nghiệp và Kinh tế thuộc Đại học Ball State (Hoa Kỳ), robot có thể chiếm một nửa số việc làm tại nước này trong những năm tới.
Báo cáo mang tên “Xã hội Hoa Kỳ có thể bị tổn thương thế nào trước tự động hóa, thương mại và đô thị hóa?”, tổng hợp nhiều nghiên cứu gần đây về xu hướng việc làm, chỉ ra rằng khoảng một nửa số việc làm tại Hoa Kỳ có nguy cơ bị thay thế bởi robot, và 1/4 số việc làm của Hoa Kỳ có nguy cơ bị chuyển ra nước ngoài trong những năm tới. Những thay đổi đó sẽ khiến một số nơi và một số người được nhiều, nhưng những người khác sẽ mất nhiều, và điều đó sẽ tác động lớn đến kinh tế, xã hội và chính trị của Hoa Kỳ. 

Nghiên cứu cho thấy những công việc có nguy cơ bị robot chiếm chỗ nhiều nhất là những việc làm có thu nhập thấp, nghĩa là nhóm lao động hưởng lương trung bình dưới 38.000USD/năm. Những người may vá thủ công, tiếp thị qua điện thoại và nhân viên nhập dữ liệu nằm trong số 10 nghề dễ bị tự động hóa thay thế nhiều nhất, vì đều có mức lương trung bình dưới 30.000USD/năm. Các nhà nghiên cứu của Đại học Ball State cho rằng họ không có ý cảnh báo, nhưng những nguy cơ về bất ổn chính trị và xã hội đi kèm với các cú sốc lớn do tự động hóa và thương mại mang lại là có thật.

Đến lực lượng cổ trắng

Nghề lái xe được xếp vào nhóm lao động có kỹ năng, nhưng hiện nay xe hơi tự lái đã không còn là chuyện khoa học viễn tưởng. Nhiều hãng xe hơi và công nghệ đã liên tục đưa vào thử nghiệm các loại xe hơi tự lái. Trong một tương lai không xa, có lẽ nghề tài xế sẽ bị khai tử vì sự phổ biến của công nghệ này. Không chỉ những công nghệ đơn thuần là kỹ năng như tài xế hay công nhân kỹ thuật, những công việc cần đến kỹ năng lẫn tri thức ở mức cao cũng bị AI đe dọa. Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, những người được đào tạo nhiều năm và thuộc nhóm được trả lương cao nhất, đang nằm trong số những bác sĩ đầu tiên sẽ phải thay đổi cho phù hợp khi AI “tấn công” vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sử dụng hình ảnh y khoa, như X-quang, CT, MRI, siêu âm và PET, để chẩn đoán và điều trị bệnh nhân. Lĩnh vực này giúp cải thiện việc chăm sóc bệnh nhân nhưng cũng khiến chi phí chăm sóc sức khỏe tăng lên. Ngày nay, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh hiện phải đối mặt với kho dữ liệu ngày càng tăng khi họ phục vụ bệnh nhân. Theo đó, trước đây họ phải xem xét 20-50 hình ảnh cho các ca chụp CT và PET, nhưng nay họ phải đối diện khoảng 1.000 bức ảnh cho 1 ca chụp như thế. 

Arterys, một startup chuyên về hình ảnh y khoa, hiện có khả năng đọc được các ảnh chụp MRI của tim và đo lượng máu chảy qua các tâm thất. Nếu sử dụng nhân lực thường phải mất 45 phút cho quá trình này, còn Arterys chỉ mất... 15 giây. Sức mạnh đáng chú ý của các máy tính hiện nay đã làm dấy lên câu hỏi về việc liệu con người có nên làm bác sĩ chẩn đoán hình ảnh nữa không. Geoffrey Hinton, một chuyên gia trong lĩnh vực AI, cho rằng các trường học nên ngừng đào tạo bác sĩ chẩn đoán hình ảnh.

Hai mặt Trí tuệ nhân tạo (K1): Đe dọa việc làm ảnh 1 Robot phục vụ trong một nhà hàng ở Multan, Pakistan. 

Robot tăng 400%

Các tập đoàn tư vấn như BGA dự đoán số robot thế giới có thể tăng gấp 4 lần vào năm 2025. Cũng có lo ngại rằng việc tạo ra việc làm mới sẽ không đủ để bù đắp những tổn thất. Ủy ban Phát triển Kinh tế Australia ước tính 2 trong số 5 người Australia đang làm việc hiện nay có nguy cơ cao bị mất việc làm vì tự động hóa trong vòng 10-15 năm tới, với ước tính 3,2 triệu việc làm hiện nay trong ngành lái xe có thể bị cắt giảm khi công nghệ lái xe tự động được phổ biến.

Tương tự, Viện nghiên cứu McKinsey dự báo 45% nhân công Hoa Kỳ có nguy cơ mất việc làm vì tự động hóa trong 20 năm tới, trong khi Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính 57% việc làm tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) có thể được tự động trong cùng thời gian. Hồi tháng 3, một nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts đã cho thấy mỗi robot được bổ sung vào nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ thay thế việc làm của 5,6 công nhân, và điều này mới dựa trên số liệu tiền AI - tức trước khi ứng dụng AI cho robot.
Tại khu vực Đông Nam Á, một nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra hơn một nửa lực lượng lao động được trả lương ở Campuchia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam (khoảng 137 triệu người), có nguy cơ mất việc làm vì tự động hóa trong 20 năm tới.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều người tin rằng con người và máy móc có thể hợp tác tốt. Chẳng hạn trước lo ngại robot chẩn đoán hình ảnh y khoa có thể làm tận diệt nghề bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, Carla Leibowitz, trưởng bộ phận chiến lược và marketing tại Arterys, nói: “Một chatbot được lập trình đảm nhiệm mọi công việc của bác sĩ chẩn đoán hình ảnh cũng chỉ nhằm giúp công việc của bác sĩ được chính xác hơn, không thể thay thế bác sĩ được”. Theo Leibowitz, tương lai cho các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có thể tương tự như những phi công: Dù máy bay thường bay với chế độ tự động, nhưng vẫn cần có người trong buồng lái.
(còn tiếp)

Các tin khác