Giải quyết nợ xấu-Kinh nghiệm từ các nước (kỳ 3)

Cách làm Trung Quốc, Nhật Bản

Cách làm Trung Quốc, Nhật Bản

Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều rơi vào cuộc khủng hoảng nợ xấu nghiêm trọng. Để giải quyết vấn đề này, Bắc Kinh và Tokyo đã có những cách làm khác nhau.

> Giải quyết nợ xấu-Kinh nghiệm từ các nước (kỳ 1): “Đại ứng cứu” của Hoa Kỳ

> Giải quyết nợ xấu - Kinh nghiệm từ các nước (kỳ 2): Bài học Đông Âu

Trung Quốc: Sức mạnh của AMC

Ngành ngân hàng (NH) của Trung Quốc bị chi phối bởi 4 đại NH quốc doanh (SOB), gồm NH Trung Quốc (BOC), NH Xây dựng Trung Quốc (CCB), NH Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) và NH Thương mại và Công nghiệp Trung Quốc (ICBC), chiếm hơn 70% thị trường tín dụng doanh nghiệp và tiêu dùng.

Từ cuối giai đoạn 1970-1999, nhiệm vụ cấp ngân sách cho các doanh nghiệp nhà nước (SOE) được chuyển từ ngân sách chính phủ sang SOB. Trong giai đoạn này, doanh thu tài chính giảm từ 30% xuống còn 12%, trong khi các khoản cho vay của NH tăng từ 50% GDP lên 120% GDP. Đến giữa thập niên 90, hơn 1/2 SOE làm ăn thua lỗ và khoảng 3/4 các khoản cho vay của NH là cho SOE vay.

Đến năm 1999, 3 trong 4 SOB có thể đã phá sản nếu những tài sản này được công khai, dù tất cả 4 NH trên đều có thanh khoản cao do chi phối thị trường tiền gửi tiết kiệm trong một nền kinh tế có tỷ lệ tiết kiệm cao như Trung Quốc. Theo ước tính của Moody’s Investors Service, tỷ lệ nợ xấu trong các NH này khoảng 30-70% vào năm 1996, nhưng số liệu của chính phủ là 25% năm 1997 và 10% năm 1998.

Chính phủ ước tính tổng nợ xấu trong hệ thống tài chính vào khoảng 2.800 tỷ NDT (340 tỷ USD), nhưng Pricewaterhouse Cooper ước tính khoảng 500 tỷ USD.

Năm 1999, nhà chức trách Trung Quốc đối phó với các khoản nợ xấu bằng việc thành lập 4 công ty quản lý tài sản (AMC). Mỗi AMC được cấp 10 tỷ NDT và phụ trách xử lý nợ xấu 1 NH. 4 AMC phải xử lý số nợ xấu trị giá 1.900 tỷ NDT, tương đương 19% nợ của các SOB và 16% GDP Trung Quốc năm 1999.

Bước đi này được cho là học theo việc thành lập Công ty Quyết định tín thác (RTC) của Hoa Kỳ (xem kỳ 1) và kinh nghiệm của một số nước ở Đông Âu, đặc biệt là Hungary (xem kỳ 2). Các AMC vừa có nhiệm vụ giải quyết nợ xấu, vừa phải tái cấu trúc SOE bằng các khế ước chuyển tiền vay thành vốn đầu tư do Ủy ban Kinh tế - Mậu dịch quốc gia (SETC) phê chuẩn.

Các AMC thuộc quyền quản lý của SETC, Bộ Tài chính và NH Trung ương. Sự kết hợp quan hệ trực tiếp giữa AMC với NH mẹ và sự giám sát này để lại vài vấn đề chưa được giải quyết. Thứ nhất, các AMC có cơ chế như SOE, nên việc quản trị gặp phải những vấn đề truyền thống.

Thứ 2, các AMC được mong đợi tham gia vào một loạt hoạt động tài chính nhưng lại thiếu nguồn nhân lực. Thứ 3, quan hệ chồng chéo với các NH mẹ khiến việc xử lý nợ của các SOE rất khó khăn. Giới chuyên môn cho rằng để giải quyết nợ xấu triệt để, vấn đề mấu chốt là ngăn dòng chảy nợ xấu mới, tức không để phát sinh thêm nợ xấu. Nhưng cả NH và con nợ SOE vẫn còn những mối quan hệ tài chính, nên việc ngăn chặn phát sinh thêm nợ xấu rất khó khăn.

Vấn đề này được kiểm soát thành công ở Hungary bằng việc tách biệt khách hàng “yếu” khỏi các NH cần tái cấu trúc. Thứ 4, sự khó khăn trong việc triển khai các chính sách dùng một lần có thể khiến xuất hiện thêm tình trạng vỡ nợ và những vấn đề nghiêm trọng về đạo đức. Một vấn đề khác là trong khi thị trường nợ của Hoa Kỳ đã “chín”, thị trường nợ của Trung Quốc chỉ mới hình thành và còn rất nhiều lỗ hổng.

Nhật Bản: Tái cấu trúc NH

Trong thập niên mất mát của Nhật Bản, giá bất động sản lao dốc khiến các khoản cho vay của NH nhanh chóng trở thành nợ xấu, đẩy nước này vào một cuộc khủng hoảng NH sâu rộng (xem thêm ĐTTC ngày 2-7). Vì vậy, việc giải quyết nợ xấu của Nhật Bản trong giai đoạn này cũng là cuộc tái cấu trúc hệ thống NH.

Để giải quyết cuộc khủng hoảng, Chính phủ Nhật Bản đề ra 2 mục tiêu. Thứ nhất, chấm dứt tình trạng các NH yếu tiếp tục cho con nợ “thây ma” vay. Có 2 cách để tiếp cận vấn đề này, gồm chú trọng vào NH và chú trọng vào con nợ.

Với cách tiếp cận thứ nhất, từ tháng 3-1998 đến tháng 3-1999, Chính phủ Nhật Bản dùng các quỹ công để mua lại các khoản nợ xấu và cổ phần của các NH lớn, sau đó buộc các NH tái cơ cấu để mua lại các khoản nợ/cổ phần đã bị chính phủ mua. Bank of Tokyo Mitsubishi và Sumitomo Trust and Banking là những NH đầu tiên thành công trong việc này.

Ở cách tiếp cận thứ 2, Nhật Bản đã thành lập Tập đoàn Tái thiết công nghiệp Nhật Bản (IRCJ), với ngân sách chủ yếu từ các NH. Thông qua IRCJ, các NH giúp khách hàng tái cấu trúc để có thể sinh lời và trả nợ.

Bank of Tokyo Mitsubishi đã thành công trong việc tái cấu trúc để xử lý nợ xấu.

 Bank of Tokyo Mitsubishi đã thành công trong việc tái cấu trúc để xử lý nợ xấu.

Cách làm của IRCJ thường là tách các công ty con nợ thành nhiều phòng, ban và đánh giá hiệu quả hoạt động của từng phòng, ban. Nếu một ban không sinh lời, IRCJ có thể bán ban đó kèm chiết khấu dựa vào giá trị tài sản sau khi định giá. Cuối cùng, nguồn lực sẽ được dồn một cách có chọn lọc vào những phòng, ban làm ăn có lãi hoặc có sức cạnh tranh.

Trong giai đoạn 2004-2006, IRCJ đã tái thiết được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong các lĩnh vực như siêu thị, mỹ phẩm, bất động sản, khách sạn, vận tải, công nghệ cao… Điều này đã tạo nên một làn sóng sáp nhập và mua bán trong giai đoạn này, giúp tái cơ cấu nền công nghiệp Nhật Bản.

Mục tiêu thứ 2 là chấm dứt tình trạng có quá nhiều NH lớn. Theo các nhà chuyên môn, những NH quá lớn sẽ khiến hoạt động cho vay trải qua nhiều bước trung gian, từ đó làm chậm việc phát triển thị trường, khiến NH thu lợi nhuận chậm. Để thúc đẩy quá trình tái cấu trúc NH, Chính phủ đã thực hiện theo 2 cách trái ngược nhau.

Trong giai đoạn đầu, chính phủ nới lỏng các quy định để giúp các NH tái cấu trúc, mua bán, sáp nhập thuận lợi hơn. Giai đoạn sau, chính phủ lại tăng các quy định, thúc đẩy quá trình đóng cửa hoặc quốc hữu hóa các NH yếu kém.

Các tin khác