Giải quyết nợ xấu - Kinh nghiệm từ các nước (kỳ 2)

Bài học Đông Âu

Bài học Đông Âu 

Trong giai đoạn chuyển đổi sau khi Liên Xô tan rã (1990-1998), các nước Đông Âu đã sa vào một cuộc khủng hoảng ngân hàng sâu rộng. Các nước này đã giải quyết vấn đề nợ xấu như thế nào để có thể đẩy lui được khủng hoảng ngân hàng?

> Giải quyết nợ xấu-Kinh nghiệm từ các nước (kỳ 1): “Đại ứng cứu” của Hoa Kỳ

Có 3 cách cơ bản để giải quyết nợ xấu ở các nước Đông Âu lúc đó, gồm: tập trung (centralized), phân cấp (decentralized) và “ngân hàng tốt/ngân hàng xấu”. Theo cách thứ nhất, nợ xấu sẽ được tập trung từ các ngân hàng vào một công ty quản lý tài sản (AMC), hoặc một cơ quan tương tự, có nhiệm vụ thu hồi các khoản nợ xấu. Trong cách phân cấp, nợ xấu vẫn nằm yên trong bảng cân đối của ngân hàng, nhưng các ngân hàng sẽ tự thành lập đơn vị quản lý nợ xấu để thu hồi các loại nợ này.

Trong cách này, các ngân hàng thường đóng vai trò “tác nhân thay đổi”, thúc đẩy việc cơ cấu lại doanh nghiệp (con nợ) để thu hồi nợ. Mô hình ngân hàng tốt/ngân hàng xấu là một biến thể của cách phân cấp. Trong đó, các ngân hàng sẽ tự thành lập thêm “ngân hàng xấu” và dồn hết các khoản nợ xấu qua đó.

Tập trung hóa

Các nước Đông Âu đã thiết lập 3 loại cơ quan khác nhau để tập trung hóa nợ xấu, gồm: AMC, cơ quan thanh khoản ngân hàng (BLA) và đơn vị đặc biệt trong ngân hàng trung ương để quản lý thanh khoản của ngân hàng và/hoặc thu hồi tài sản. AMC được thành lập ở các nước như Czech, Lithuania, Kazakhstan và Macedonia.

Tại Hungary, một đơn vị đặc biệt của ngân hàng phát triển được thành lập để thu hồi tài sản. Ở Kyrgyz, Georgia và Ukraine, chính phủ thành lập các đơn vị quản lý thanh khoản ngân hàng trong ngân hàng trung ương. AMC ở hầu hết các nước Đông Âu lúc đó đều sở hữu nhà nước.

Tại Czech, Chính phủ thu hồi nợ xấu theo 2 cách. Thứ nhất, bảo đảm ngầm hoặc công khai việc mua lại nợ xấu từ 3 cơ quan thu hồi nợ thông qua một mạng lưới ngân sách phức tạp. Ngoài ra, việc sở hữu các khoản nợ xấu được chuyển cho 2 cơ quan thu hồi nợ là Ceska Financni và Ceska Inkasni, nhưng các tài sản này vẫn lưu lại trong bảng cân đối của các ngân hàng với mục đích thúc các ngân hàng thu hồi nợ. Tuy nhiên, vì không còn sở hữu chúng, các ngân hàng không mấy mặn mà trong việc thu nợ.

Một cơ quan thanh khoản ngân hàng hay đơn vị đặc biệt trong ngân hàng trung ương có nhiệm vụ quản lý tài sản xấu cho các ngân hàng và giúp chúng lấy lại thanh khoản. Chất lượng các tài sản chuyển giao cho những cơ quan này thường khá hơn nợ xấu.

Trong 12 nước được các nhà kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nghiên cứu, chỉ Kyrgyz cung cấp được dữ liệu về hiệu suất thu hồi nợ, với 10%. Một số nước thành lập nhiều đơn vị đặc biệt để phụ trách nhiều loại nợ khác nhau, trong đó có nợ nông nghiệp và nợ nước ngoài.

Phân cấp

Xử lý nợ xấu theo kiểu phân cấp cho phép tiếp cận được những yếu kém của các ngân hàng và nêu bật được vấn đề của nền kinh tế thực. Phương pháp này được cho là tốt đối với các nước đang trong giai đoạn chuyển đổi ở Đông Âu, nơi các vấn đề của ngân hàng xuất phát từ những yếu kém của khu vực doanh nghiệp.

Phương pháp phân cấp đã giúp Ba Lan đạt hiệu suất thu hồi nợ xấu 17% (trong ảnh: Ngân hàng Trung ương Ba Lan).

Phương pháp phân cấp đã giúp Ba Lan đạt hiệu suất thu hồi nợ xấu 17%
(trong ảnh: Ngân hàng Trung ương Ba Lan).

Trong các nước được nghiên cứu, Ba Lan và Bungaria thực hiện theo phương pháp này. Hungary và Czech theo đuổi phân cấp sau khi thất bại trong phương pháp tập trung hóa. Trong khi đó, Georgia, Kyrgyz, Kazakhstan và Ukraine thực hiện song song cả tập trung hóa và phân cấp. Estonia vừa thực hiện phân cấp hóa vừa thực hiện “ngân hàng tốt/ngân hàng xấu”.

Trong phân cấp, việc thu hồi nợ chỉ thành công khi ngân hàng có khả năng thúc ép các doanh nghiệp con nợ. Tuy nhiên, trong những nền kinh tế đang chuyển đổi, các ngân hàng chủ nợ không muốn thúc ép con nợ vì nhiều lý do, như ràng buộc “ngân sách mềm” giữa ngân hàng và doanh nghiệp, sự phổ biến của tình trạng “cho vay liên kết”, cấu trúc độc quyền của hệ thống ngân hàng...

Phương pháp phân cấp ở Bulgaria được cho là thất bại do các ngân hàng không thể thu hồi nợ vì “ràng buộc mềm”. Trong khi đó, sự độc quyền cho phép các ngân hàng lớn vẫn có biên lợi nhuận lớn và không có nhu cầu bức thiết phải thu hồi nợ xấu.

Ngoài ra, tại một số nước Liên Xô cũ, ngân hàng không có khả năng trở thành “tác nhân thay đổi” cho lĩnh vực thực, nên phương pháp phân cấp không hiệu quả. Nhìn chung, phương pháp phân cấp vẫn không mang lại hiệu suất thu hồi nợ tốt cho các nước, ngoại trừ Ba Lan, nơi hiệu suất thu hồi nợ bình quân của các ngân hàng đạt 17%. Ở Kazakhstan, phương pháp này cũng khá thành công khi các ngân hàng thúc đẩy được việc tái cơ cấu ở khu vực doanh nghiệp.

Ngân hàng tốt/ngân hàng xấu

Theo phương pháp này, ngân hàng có nợ xấu sẽ thành lập một đơn vị con gọi là “ngân hàng xấu” để chuyển tất cả nợ xấu sang nhằm làm “sạch” bản cân đối của ngân hàng mẹ, giúp ngân hàng mẹ trở thành “ngân hàng tốt”. Ngân hàng xấu có nhiệm vụ thu hồi nợ được chuyển giao và thanh lý chúng. Hungary và Estonia đã thực hiện phương pháp này vào năm 1995 và 1996.

Ở Hungary, ngân hàng xấu Risk Kft được thành lập từ Ngân hàng Magyar Hitel Banka và hoạt động trong 3 năm. Ngân hàng mẹ sau đó tư hữu hóa thành công. Ưu điểm của phương pháp này là giúp ngân hàng nhanh chóng “tốt” mà không cần đến AMC của chính phủ.

Tuy nhiên, không phương pháp nào trong 3 phương pháp trên được đánh giá “thành công tốt đẹp”, vì hiệu suất thu hồi nợ thấp. Hiệu suất thu hồi nợ của các AMC ở Đông Âu chỉ 3-5% như các trường hợp ở Czech và Lithuania, chỉ Hungary đạt 16%. Nước đạt hiệu suất thu hồi nợ cao nhất là Ba Lan, với 17%, bằng phương pháp phân cấp. Tuy nhiên, tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với hiệu suất thu hồi nợ ở các nơi khác trên thế giới 30-40%.

(Còn tiếp)

Các tin khác