Giã từ xe chạy diezel (K1): Xu hướng tất yếu

(ĐTTCO) - Ngày 27-2-2018, Tòa án Hành chính Tối cao của Đức ở thành phố Leipzig ra phán quyết ủng hộ các phán quyết của tòa cấp dưới về việc cho phép các thành phố cấm lưu thông các loại xe chạy bằng dầu diesel gây ô nhiễm nhất. Động thái này phản ánh một xu hướng đang ngày càng lan rộng trên thế giới: Giã từ ô tô chạy diezel.

Phán quyết của Tòa án Hành chính Tối cao Đức chỉ là diễn biến mới nhất của những nỗ lực bắt đầu từ cách nay 3 năm. Nhiều thành phố trên toàn cầu đã bắt đầu tẩy chay xe chạy bằng diezel sau khi hãng xe hàng đầu nước Đức Volkswagen thừa nhận gian lận kiểm tra khí thải ở Hoa Kỳ vào năm 2015.
97% không đạt chuẩn
Theo sau bê bối của Volkswagen, năm 2016 hãng phân tích khí thải  Emissions Analytics (EA), đã tiến hành nghiên cứu các mẫu xe chạy bằng diezel hiện đại và công bố kết quả khiến nhiều người giật mình: Gần như toàn bộ (97%) xe diezel đời mới đang bán trên thị trường có mức khí thải nitrogen oxide (NOx) cao hơn giới hạn cho phép. Nghiên cứu được tiến hành với hơn 250 dòng xe được thử nghiệm trong các điều kiện thực tế khác nhau.
EA cho biết Skoda Octavia TDI là mẫu xe duy nhất trong số 201 xe đạt chứng nhận Euro 5 không vượt quá mức khí thải cho phép. Chỉ 7/62 xe theo tiêu chuẩn Euro 6 đáp ứng các yêu cầu. Điều thú vị là phần lớn xe đạt tiêu chuẩn lại thuộc về “ông lớn bê bối” Volkswagen, hãng xe đã trở thành trung tâm của cơn bão gian lận khí thải trong thời gian qua.
Trong khi đó, gần 1/4 xe thử nghiệm có mức phát thải cao gấp 6 lần quy định. Thậm chí, kết quả của Audi A8 và Fiat 500X còn cao hơn giới hạn cho phép 12 lần.
Theo các chuyên gia từ EA, xe diezel sạch có thể được sản xuất. Nhưng trên thực tế, các hãng xe đã không làm được như vậy. CEO Nick Molden cho biết: “Tình trạng ô nhiễm không khí là vấn đề ngày càng đáng lo ngại. Tuy nhiên, trong khi một số nhà sản xuất đã chủ động hơn trong việc khắc phục, số còn lại dường như không có động thái gì”.
Các bài thử nghiệm thực tế của EA được thực hiện trên cùng một con đường ở Tây Nam London với một tài xế và trọng tài, chạy cùng thời điểm trong ngày. Các thử nghiệm được thực hiện khi thời tiết - nhiệt độ, mưa và gió - trong điều kiện ổn định và giống nhau.
 NOx là một hợp chất gồm nitric oxide và nitrogen dioxide, có trong thành phần mưa acid và sương mù, gây khó thở và các bệnh về đường hô hấp. Nếu bị phơi nhiễm loại khí này trong khoảng thời gian dài, con người có thể gặp phải các vấn đề về mắt, mất cảm giác thèm ăn, đau đầu và suy giảm chức năng của phổi. Nguy hiểm hơn, việc hít phải quá nhiều NOx cũng gây ra hiện tượng tắc mạch máu, đột quỵ.
Theo Daily Mail
Sát thủ thầm lặng
Theo một nghiên cứu công bố vào ngày 18-9-2017 trên Environmental Research Letters, nhiều khả năng nguyên nhân của 10.000 ca tử vong do ô nhiễm tại châu Âu bắt nguồn từ lượng phát thải vượt mức cho phép của các dòng ô tô chạy bằng động cơ diezel.
Trong nghiên cứu này, các chuyên gia Na Uy và Áo ước tính khoảng 425.000 người tử vong mỗi năm do ô nhiễm không khí tại các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), trong đó có 10.000 trường hợp do hít trực tiếp lượng khí thải, đặc biệt là NOx vượt quá mức cho phép từ các động cơ diezel trong khoảng thời gian dài.
Nếu lượng khí thải từ ô tô chạy bằng động cơ diezel lưu thông trên đường tương ứng các mức tiêu chuẩn được đưa ra trong phòng thí nghiệm, số lượng người tử vong mỗi năm do ô nhiễm không khí có thể giảm 4.000-5.000 ca tại khu vực này.
Trước đó, một nghiên cứu công bố vào tháng 5-2017, cho thấy ít nhất 38.000 người chết sớm mỗi năm vì ô nhiễm khí thải động cơ diezel. Nghiên cứu ghi nhận trên toàn cầu lượng khí thải ô tô và xe tải trên đường đều vượt quá giới hạn cho phép, sản sinh ra nhiều NOx hơn quy định và lượng phát thải thừa này lên tới 4,6 triệu tấn vào năm 2015. Điều này dẫn đến ít nhất 38.000 trường hợp tử vong sớm do bệnh tim, phổi và đột quỵ.
Hầu hết ca tử vong ở châu Âu - nơi ô tô là thủ phạm chính, hay ở Trung Quốc và Ấn Độ - nơi xe chất lượng thấp xuất hiện đầy đường. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ngay cả khi xe ô tô chạy bằng dầu diezel đạt giới hạn về lượng khí thải, vẫn còn 70.000 ca tử vong sớm/năm. Vì thế, các biện pháp kiểm soát ô nhiễm nghiêm ngặt cần phải được thực hiện để tránh số người chết tăng lên 174.000 vào năm 2040.
GS. Roy Harrison, chuyên gia về sức khỏe môi trường tại Đại học Birmingham, Anh, nói: "Nghiên cứu này nhấn mạnh đến hậu quả nghiêm trọng do những hành động vô trách nhiệm của các nhà sản xuất động cơ khi đánh giá thấp hậu quả đến sức khỏe cộng đồng". GS. Jonathan Grigg, chuyên gia y học về hô hấp và hô hấp trẻ em tại Đại học Queen Mary ở London, đánh giá: "Nghiên cứu này cho thấy NOx dư thừa có ảnh hưởng đáng kể đối với tình trạng tử vong sớm. Việc loại bỏ các loại xe động cơ diezel gây ô nhiễm môi trường cao là vấn đề y tế công cộng cấp bách".
Giã từ xe chạy diezel (K1): Xu hướng tất yếu ảnh 1 Nhiều xe diezel đời mới đang bán trên thị trường có mức khí thải cao hơn giới hạn cho phép. 
Những thành phố tiên phong
Dù không phải là nước đầu tiên đưa ra ý tưởng cấm xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nhưng Đức lại là nước đầu tiên trên thế giới chính thức thực hiện lệnh cấm. Tại cuộc họp của Hội đồng liên bang Đức vào tháng 10-2016 đã thông qua nghị quyết yêu cầu cấm hoàn toàn động cơ đốt trong vào năm 2030. Ngay trong tháng 4 tới, chính quyền thành phố Hamburg sẽ bắt đầu hạn chế lưu thông một số loại xe chạy bằng diezel.
Quyết định cấm xe chạy động cơ đốt trong mang một ý nghĩa quan trọng, vì Đức là nước có ngành sản xuất ô tô lớn thứ tư trên thế giới. Với quyết định này, các nhà sản xuất xe hơi kỳ cựu như Mercedes Benz và Volkswagen đã nỗ lực phát triển động cơ xe chạy hydro và xe điện.
Tháng 2-2017, Na Uy đã quyết định cấm các loại xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, với mục tiêu đến năm 2025 chỉ bán ô tô chạy điện 100%. Theo Cơ quan Quản lý Đường công cộng Na Uy, mục tiêu đến năm 2030, xe tải hạng nặng, 75% xe buýt và 50% xe tải không phát thải.
Trong khi đó, Pháp và Anh cấm tất cả xe chạy bằng xăng và dầu diezel vào năm 2040. Còn Hà Lan đã xem xét và đưa ra lệnh cấm xe chạy xăng và diezel vào năm 2030. Tại châu Á, Ấn Độ và Trung Quốc cũng đang hướng đến việc sản xuất phương tiện chạy bằng nhiên liệu sạch. Ấn Độ đặt ra mục tiêu đến năm 2030 chỉ cho phép bán xe điện. Trong khi đó, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ cấm các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.
Hiện tại, các thành phố như Paris (Pháp), Madrid (Tây Ban Nha), Mexico City (Mexico) và Athens (Hy Lạp) đã lên các kế hoạch cấm xe chạy bằng diezel ở các khu vực trung tâm vào năm 2025. Trong khi đó, Copenhagen (Đan Mạch) muốn cấm các xe diezel đi vào thành phố ngay từ năm sau.
(còn tiếp)

Các tin khác