Facebook - Rủi ro thời đại số (K2): Khó đảm bảo quyền riêng tư

(ĐTTCO) - Trong buổi điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg thừa nhận mô hình kinh doanh của Facebook là dựa trên quảng cáo. 

Và để quảng cáo hiệu quả, công ty đương nhiên phải thu thập dữ liệu người dùng. Nhưng đằng sau đó người dùng phải chấp nhận trả giá cho cái gọi là “miễn phí”.

Con dao 2 lưỡi
Không thể phủ nhận những đóng góp của mạng xã hội (MXH). Từ khi MXH ra đời, cách thực hiện các chiến dịch vận động bầu cử cũng như cách các chính trị gia tương tác với cử tri đã có nhiều thay đổi. Nhờ MXH, các chính trị gia trở nên dễ tiếp cận hơn, và vì thế đáng tin hơn trong mắt người dân. Với khả năng đăng tải các thông tin và hình ảnh về chính trị gia cho hàng triệu người cùng một lúc, MXH làm cho chiến dịch vận động bầu cử dễ dàng và bớt tốn kém hơn. Chỉ cần bỏ thời gian trau chuốt hình ảnh và câu từ, chiến dịch bầu cử đưa chính trị gia vào mỗi gia đình qua màn hình điện thoại hoặc máy tính. Các ứng cử viên có thể nói chuyện trực tiếp với cử tri mà không cần phải di chuyển tốn kém. 
Trong một diễn biến mới, hãng Business Insider đưa tin Facebook hiện đang có ý định phát hành song song một bản có phí, bên cạnh phiên bản miễn phí như hiện nay. Trong phiên bản thu phí sẽ không có quảng cáo, nên Facebook cũng không cần thu thập dữ liệu người dùng. Tuy nhiên, vấn đề là liệu có mấy ai sử dụng phiên bản thu phí? Người dùng internet hiện nay vẫn có tâm lý những dịch vụ trên internet là phải miễn phí. Dường như họ chấp nhận trao thông tin cá nhân để đổi lại dịch vụ miễn phí, hơn là trả tiền để hưởng dịch vụ an toàn với quyền riêng tư. 
Tuy nhiên, MXH cũng có không ít mặt trái. Các MXH có lượng người sử dụng lớn nhất hiện nay như Facebook, Twitter hay Youtube hứa hẹn rằng sẽ làm tất cả để thúc đẩy nền chính trị ổn định, công bằng, minh bạch nhờ vào việc truyền tải thông tin chính xác, nhanh chóng và dễ tiếp cận cho mọi cá nhân. Họ cũng hứa hẹn sẽ chống lại tham nhũng, kỳ thị, gian dối chính trị. Thế nhưng, giờ đây nhiều thứ diễn ra trên MXH đang thể hiện điều ngược lại. Nhiều chuyên gia cho rằng thay vì mang lại sự tiến bộ, MXH đang rải đầy "thuốc độc" cho người sử dụng. Với những thông tin thất thiệt, giả mạo lan tràn, MXH dần tác động đến người dân, dẫn đến việc đánh giá sai lệch vấn đề. Ở góc nhìn này, MXH đang xói mòn những điều kiện tiên quyết để có một nền chính trị lành mạnh.

Không ai hiểu bạn hơn Facebook
Tại phiên điều trần ngày 10-4, ông Zuckerberg nói: "Nhìn chung, chúng tôi tin rằng mô hình quảng cáo là một trong những mô hình lý tưởng cho chúng tôi. Dĩ nhiên chúng tôi xem điều đó là hợp lý”. Đây cũng chính là một thực tế chung của đa số các mô hình kinh doanh “miễn phí” trên internet hiện nay, từ những trang tin tức cho tới các mạng truyền thông xã hội. Để cung cấp các dịch vụ miễn phí cho người dùng, các mô hình này phụ thuộc việc bán quảng cáo cho các bên thứ 3.
Và trong một thị trường quảng cáo trực tuyến ngày càng cạnh tranh, những gã khổng lồ quảng cáo trực tuyến như Facebook hay Google phải làm sao thuyết phục được khách hàng rằng quảng cáo của họ là trúng đích. Chẳng hạn, những mẩu quảng cáo về các nhãn hàng chuyên dụng cho đàn ông sẽ không hiện trên tài khoản của phụ nữ... Để làm được điều này, chỉ có một cách duy nhất là phải thu thập dữ liệu người dùng. 
Một nghiên cứu cho biết dựa vào 70 lượt “like” của bạn, một máy tính sẽ biết nhiều hơn về tính cách của bạn hơn là bạn bè hoặc bạn cùng phòng; dựa trên 150 lượt “like” nó sẽ biết về bạn tốt hơn là người thân trong gia đình bạn, và từ 300 lượt “like” nó còn hiểu bạn hơn là vợ/chồng của bạn. Điều này cho phép nhắm mục tiêu vi mô của người dùng cho các thông điệp tiếp thị. Đây là sản phẩm của Facebook, từ đó nó tạo ra hàng tỷ đô la. Nó cho phép quảng cáo vô cùng hiệu quả dựa trên thao tác của người dùng. 
Facebook - Rủi ro thời đại số (K2): Khó đảm bảo quyền riêng tư ảnh 1 Làm sao để Facebook không trở thành Fakebook (Fake = giả). 
Khó phân định đúng sai
Sau khi thông tin dữ liệu của 50 triệu người dùng Facebook bị Công ty Cambridge Analytica sử dụng bất hợp pháp, trong một cuộc phỏng vấn với Recode, Tim Cook, người đứng đầu Apple, đã bóng gió chỉ trích mô hình kinh doanh của Facebook: "Thực tế chúng tôi có thể kiếm hàng tấn tiền từ dữ liệu của người dùng - khi đó khách hàng là một sản phẩm của chúng tôi. Nhưng chúng tôi không làm điều đó". Apple hiện có khoảng 1,3 tỷ khách hàng. CEO Apple cũng kêu gọi có các quy định về bảo mật và nói rằng khách hàng có quyền được bảo mật thông tin.
Vậy mô hình “miễn phí” dịch vụ và đổi lại bằng thu hút quảng cáo như Facebook, Google là đúng? Hay thu phí thật cao như Apple với các sản phẩm hàng hiệu của họ là đúng? Zuckerberg đã đáp trả Tim Cook trong một cuộc phỏng vấn ngày 2-4, vài tháng sau khi Apple tung ra phiên bản iPhone đắt nhất của hãng: “Tôi cho rằng quan trọng là chúng ta không bị “tẩy não”, để cho những công ty tìm mọi cách tính phí nhiều hơn thuyết phục rằng họ đang thực sự quan tâm tới chúng ta". Ông chủ Facebook còn chỉ đích danh Apple: "Ngày càng có nhiều người cho rằng mô hình kinh doanh quảng cáo không hợp nhất với lợi ích của khách hàng. Tôi cho rằng đó là quan điểm lố bịch. Nếu như muốn hợp nhất với lợi ích của khách hàng, Apple đã làm cho các sản phẩm của họ rẻ hơn nhiều”.
Dù CEO đứng đầu 2 mô hình kinh doanh trái ngược liên tục công kích nhau, thực tế đây là những mô hình cộng sinh: Mô hình này không thể phát triển nếu thiếu mô hình kia. Thử tưởng tượng, nếu một chiếc iPhone mà không sử dụng được Facebook, Zalo, không thể tra Google, xem Youtube, đọc báo miễn phí... chẳng khác gì… cục gạch. Ngược lại, nếu không có những chiếc điện thoại thông minh như iPhone, hoặc các nền tảng khác như máy vi tính, máy tính bảng, Facebook, Zalo sẽ... chạy trên cái gì? Theo dữ liệu của eMarketer, gần như tất cả người dùng Facebook đều sử dụng ứng dụng di động. Và gần 70% người sở hữu điện thoại thông minh có sử dụng Faecbook. Và sức hút của việc nhắn tin miễn phí trên Facebook cũng thúc đẩy người dùng mua smartphone - điều mang lại lợi ích cho Apple cũng như nhiều nhà sản xuất di động khác.
Chính vì vậy, quan trọng là việc kiểm soát của các nhà làm luật. Cần phải buộc các công ty tôn trọng quyền riêng tư đến mức nào. Hiện nay, Quy định về bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của châu Âu (sẽ có hiệu lực vào ngày 25-5 tới) mạnh hơn so với những gì Facebook đang áp dụng. Đây có thể là mô hình cho các quy định tại Hoa Kỳ và những nơi trong tương lai. Ông Zuckerberg xác nhận, Facebook sẽ thực thi các tiêu chuẩn GDPR đối với người dùng tại châu Âu trong tháng tới, và một số quy định sẽ được áp dụng với người dùng tại Hoa Kỳ và các nơi khác sau đó.

Các tin khác