F1: Đỉnh cao tốc độ và tốn kém - Kỳ 2: Cuộc đua kim tiền

(ĐTTCO) - Với số tiền một chiếc F1 có thể mua được 2.200 chiếc Lada Kalina của Nga, hoặc 158 chiếc Porsche 911 Carrera hay 11 chiếc Ferrari LaFerrari lịch lãm, 1 hoặc 3 ngôi biệt thự cổ tiện nghi theo kiểu Anh. 
Máy in tiền tốc độ cao
“F1 là máy in tiền tốc độ nhất cho các ông chủ”, ai đó đã không ngoa khi nói như vậy. Không có gì ngạc nhiên khi các thương hiệu đại gia đã dành ngân sách đáng kể cho môn thể thao tốc độ và hào nhoáng này. Rồi các hãng truyền hình cũng nhảy vào chiếm phần của mình trong chiếc bánh to. Có thể nói F1 là ngành kinh doanh lớn nhất trong tất cả môn thể thao vì nó được nhiều người quan tâm. Theo ước tính những “quái thú” F1 thu hút cả tỷ khán giả mỗi năm và số lượng này đang ngày càng tăng, tạo ra doanh số 4 tỷ USD/năm. Chỉ riêng quyền thương mại của cuộc đua cũng đã đến 1 tỷ USD. Sở hữu 1 đội đua có nghĩa sở hữu hàng trăm triệu USD. “F1 là lĩnh vực kinh doanh hầu hết thương hiệu lớn đều muốn tham gia, từ xe hơi, dầu nhớt cho đến máy tính, phần mềm, rượu, bia, dịch vụ bảo hiểm…” - Bernie Ecclestone, Giám đốc điều hành Tập đoàn F1, cho biết.
Vì vậy có thể nói doanh thu của các đội đua là từ nhà tài trợ. Thí dụ, mỗi cm trên chiếc xe danh giá F1 ước tính hàng triệu USD. Tương tự, mỗi cm trên chiếc áo, mũ của tay đua và cả nhóm kỹ thuật, những cô người mẫu bốc lửa cũng tính bằng 6 số 0. Mỗi đội đua có danh sách riêng các nhà tài trợ và thường cam kết ít nhất 5 năm. Như đội McLaren, được thành lập năm 1963 được xem là một những đội đua đáng nể của F1, do nhiều hãng tài trợ như Mercedes, Mobil, Johnnie Walker, Tag Heuer…
Các thương hiệu đồng hành với F1 thường có chiến lược riêng để tiếp cận đến khách hàng mê tốc độ. Các công ty quảng cáo, dịch vụ tiếp thị cũng có phần. Họ sản xuất phim quảng cáo, thiết kế quảng cáo, tổ chức các sự kiện… Nói chung, mỗi đồng USD bỏ vào F1, các nhà tài trợ sẽ thu về gấp nhiều lần qua những hoạt động quảng cáo tiếp thị ăn theo. Rồi các hãng truyền hình cũng không bỏ qua cơ hội làm ăn béo bở này. Họ sẵn sàng trả giá cao trong cuộc chạy đua giành quyền phát sóng độc quyền. Ngược lại họ lại bán lại các spot quảng cáo giá cao ngất cho các thương hiệu, đặc biệt là những thương hiệu tài trợ cho vòng đua. Đây cũng là một phần thu nhập cho ban tổ chức F1, ngoài tiền bán vé, đặt bảng quảng cáo…
F1: Đỉnh cao tốc độ và tốn kém - Kỳ 2: Cuộc đua kim tiền ảnh 1 Việt Nam chính thức là nước thứ 22 đăng cai tổ chức giải đua F1, sẽ diễn ra tại trường đua Mỹ Đình, Hà Nội vào tháng 4-2020. 
Chiến lược xây dựng thương hiệu xe hơi
Đua xe F1 luôn là cuộc chơi tốn kém và đòi hỏi sự đầu tư dài hơi. Vậy tại sao các hãng xe chấp nhận sự đầu tư đắt đỏ đó? Bởi lẽ, thể thao tốc độ luôn gắn liền với lịch sử phát triển của ngành công nghiệp xe hơi. Những ngày đầu, các cuộc đua được thực hiện nhằm mục đích kiểm tra sự bền bỉ và tính tin cậy của những chiếc xe mới ra đời. Theo thời gian các cuộc đua trở thành sân chơi của các ông lớn trong làng xe hơi thế giới. Trong suốt lịch sử hơn 90 năm của đua xe F1 luôn gắn với những hãng xe nổi tiếng, như Renault của Pháp cung cấp động cơ cho đội đua Red Bull; Ferrari của Italia với đội xe cùng tên; Mercedes-Benz của Đức với các đội đua Mercedes, Williams và Lotus; Honda của Nhật Bản với đội đua McLaren... 
Theo đó, 20 chặng đua trong 1 năm được coi là 20 nơi thử nghiệm công nghệ chế tạo thân vỏ, khung gầm hay động cơ, thậm chí là nơi thử nghiệm của nhiên liệu cũng như các sản phẩm phụ trợ khác. Thí dụ, Audi và Peugeot cung cấp một số chi tiết cho các đội đua để thử nghiệm hệ thống động cơ diezel; trong khi Porsche thử nghiệm hybrid. Tất cả những gì thu được đều được các hãng xe áp dụng trên các dòng xe thương mại và người tiêu dùng sẽ được hưởng thành quả.
Trong thời gian 4 năm (2010-2013) doanh số bán xe của hãng Renault đột nhiên tăng vọt, thậm chí vượt qua cả 2 kình địch tên tuổi là Peugeot và Citroen. Lượng xe mang các thương hiệu của Renault bán trên toàn cầu đạt xấp xỉ 10 triệu chiếc, thu về gần 10 tỷ EUR. Hóa ra do đội đua Red Bull sử dụng động cơ vượt trội về khí động học của Renault, đã liên tiếp 4 lần vô địch thế giới. Tuy nhiên, từ năm 2014, hãng Mercedes-Benz của Đức đã lấy lại vị thế số 1 trên thị trường, cũng nhờ đội đua Mercedes của họ giành đến 5 chức vô địch. 

Thu khủng, chi cũng khủng
Nhiều khán giả xem F1 cảm thấy thích thú trước những pha va chạm với những mảnh cánh trước chiếc xe bay lả tả. Và họ sẽ cảm thấy phấn khích hơn khi biết rằng những mảnh vỡ này, lúc còn nguyên vẹn có giá 160.000USD. Cánh đuôi sau giảm độ nén xuống mặt đường có giá thấp hơn chút ít là 131.000USD. Mỗi vết móp trên thân xe cũng khiến mái đầu những người đặt chế tạo chú ngựa sắt thêm bạc hơn, vì thân xe cùng với vỏ động cơ, hốc thông gió, chi phí sơn… lên đến 3,26 triệu USD. 
Bộ khung xương vững chắc bao toàn bộ chiếc xe khoảng 1,39 triệu USD, cùng phần gầm xe tiêu tốn thêm 80.000USD. Chiếc ghế ngồi cho tay đua 2.000USD. Bình chứa nhiên liệu 20.000USD chỉ là số lẻ so với hỗn hợp nhiên liệu bị đốt trong 1 chặng đua gần 1 triệu USD. Chưa hết, các lốp xe do Công ty Pirelli cung cấp cũng tốn 1.000USD/chiếc, trong khi mỗi chặng đua, 1 chiếc xe sử dụng ít nhất 12 chiếc lốp. Đặc biệt, chiếc F1 không thể thiếu thiết bị điện tử như máy tính, cảm biến, dữ liệu và hệ thống thông tin tự động. Các thiết bị điện tử này có giá khoảng 4 triệu USD.
Doanh thu lớn nên chi phí cho các đội đua cũng rất lớn. Mỗi đội đua đều có một trung tâm nghiên cứu riêng với hàng trăm nhà nghiên cứu về động cơ, vỏ xe, hệ thống thắng… Cứ mỗi chiếc xe va chạm, coi như hơn triệu USD đi đứt. Rồi chi phí cho nhóm kỹ thuật chuyên trách bảo trì, hậu cần. Đặc biệt là những con số chóng mặt trong chuyển nhượng những tay đua xuất sắc với mức lương cứng hàng năm.
Như tay đua Sebastian Vettel sau khi rời Red Bull, đã ký với đội đua Ferrari bản hợp đồng khủng trị giá 110 triệu USD. Theo đó, tay đua 27 tuổi người Đức sẽ nhận được 50 triệu USD trong năm đầu tiên. 3 năm tiếp theo, mỗi năm nhận 30 triệu USD, chưa kể các khoản thưởng sau mỗi cuộc đua và chi phí nhà cửa, đi lại, vui chơi giải trí. Cộng với tiền thưởng khủng từ nhà tài trợ, thu nhập bình quân hàng năm của tay đua người Đức lên đến 60 triệu USD, cao hơn 10 triệu USD so với nhà vô địch thế giới năm 2018 Lewis Hamilton. 

Nhiều quốc gia tháo chạy khỏi F1
“Không ai biết khi nào nước Đức mới tổ chức lại đua F1 nữa” - nhà báo Andrew Benson, chuyên gia về đua xe F1 từng cảm thán trong bài viết trên BBC vào tháng 3-2015. Điều tương tự xảy ra với nước Pháp, nơi những chặng đua đầu tiên được diễn ra. Nước Đức, quê hương của hai huyền thoại F1 Michael Schumacher, 7 lần vô địch thế giới, và Sebastian Vettel, 4 lần vô địch thế giới, sau này sở hữu thêm Nico Rosberg tài năng.
Tuy nhiên, điều này vẫn không giúp Đức duy trì liên tục chặng đua F1, khi đã từng 2 lần hủy kế hoạch tổ chức các chặng đua vào mùa 2015 và 2017. Trước đó, chặng đua ở Đức từng biến mất trong lịch trình thi đấu năm 1955. Theo BBC, do chi phí để tổ chức sự kiện F1 quá cao, trong khi người Đức không còn mặn mà với F1 nữa. Ở các chặng đua thử, nhiều hàng ghế trống xuất hiện. Năm 2014, trong ngày thi đấu chính thức, chỉ có 50.000 khán giả tới trường đua.
Ở châu Á, năm 2017, Malaysia chính thức rút lui khỏi làng F1 sau khi đã đăng cai chặng đua từ năm 1999. Khi đó, Thủ tướng Malaysia Najib Razak giải thích tình trạng vé ế ẩm, lượng người xem thưa thớt đã dẫn đến quyết định đóng cửa trường đua Sepang International Circuit. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến Malaysia rút lui khỏi F1 nằm ở vấn đề tài chính khi đơn vị hậu thuẫn cho chặng đua là Tập đoàn Dầu khí Petronas làm ăn thua lỗ.
 Ngày 7-11-2018, UBND TP Hà Nội, Tập đoàn F1 Thế giới, Tập đoàn Vingroup và Công ty Grand Prix Việt Nam công bố Việt Nam chính thức là nước thứ 22 đăng cai tổ chức giải đua F1, sẽ diễn ra tại trường đua Mỹ Đình, Hà Nội vào tháng 4-2020. Như vậy, cùng với Thượng Hải (Trung Quốc), Suzuka - Nagoya (Nhật Bản), Singapore và Bahrain, Hà Nội (Việt Nam) là vòng đua thứ 5 ở châu Á nằm trong hệ thống đua xe F1 vô địch thế giới từ năm 2020.

Các tin khác