Donald Trump có xoay chuyển trật tự kinh tế thế giới?

(ĐTTCO) - Kể từ ngày nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump là một hiện tượng không những đối với chính trị mà còn cả đối với kinh tế thế giới nói chung. Ông bước vào Nhà Trắng trong bối cảnh có nhiều dự báo không mấy tốt đẹp về vị trí dẫn đầu của kinh tế nước Mỹ. Và ông có làm cuộc cải tổ kinh tế toàn cầu?
Mỹ phải là số 1
Trên bảng xếp hạng tổng sản phẩm quốc nội GDP trên toàn thế giới, vị trí số 2 thời gian dài từ những năm 1970 đến khoảng 2009 là Nhật Bản. Trung Quốc chính thức chiếm giữ vị trí thứ 2 thế giới về GDP kể từ năm 2010 cho đến nay. Quốc gia này ngày càng tiếp tục tăng trưởng mạnh và bỏ xa những quốc gia ở vị trí số 3 trở xuống. Vị trí số 1 thế giới về GDP luôn thuộc về Hoa Kỳ từ năm 1960 cho đến nay. 
Từ những năm cuối nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Obama, nhiều chuyên gia kinh tế đã đưa ra dự báo về việc Trung Quốc sẽ sớm lấy ngôi số 1 về kinh tế của Mỹ vào năm 2028. Dự báo mới nhất từ ông Wang Zhimin, Giám đốc Trung tâm Toàn cầu hóa và Hiện đại hóa, thuộc Viện Kinh tế và Thương mại Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc sẽ soán ngôi Mỹ sớm hơn dự báo, cụ thể vào khoảng năm 2020. Bên cạnh đó, nhiều dự báo xa hơn cũng cho rằng Mỹ không những sẽ rớt khỏi vị trí số 1 thế giới, mà còn mất luôn vị trí số 2. Theo đó, nếu không có những cú sốc kinh tế xảy ra để thay đổi bối cảnh, vị trí số 1 và 2 thế giới lần lượt sẽ là 2 cường quốc kinh tế thuộc châu Á: Trung Quốc và Ấn Độ, đẩy Mỹ xếp ở hạng 3 vào năm 2059. 
Donald Trump có xoay chuyển trật tự kinh tế thế giới? ảnh 1 Tổng thống Mỹ Donald J. Trump đề xuất tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ và Triều Tiên tại Việt Nam vào 2 ngày 27 và 28-2-2019.  
Đối với người dân Mỹ, sự thịnh vượng theo quan điểm ông Trump gắn liền với hình ảnh công dân Mỹ tất bật làm việc trong những công ty, nhà máy, công trường. Quan điểm này khá trái ngược với quan niệm xã hội thịnh vượng của cựu Tổng thống Obama. Ông Obama dày công đấu tranh xây dựng Obama Care để công dân Mỹ được an nhàn sống trong một xã hội có phúc lợi cao, được chăm sóc sức khỏe tốt dù có bất trắc gì xảy ra trong cuộc sống. 
Song theo quan điểm của ông Trump, thương mại công bằng đòi hỏi cả mặt giá trị và số lượng. Ông Trump là tác giả của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung quả không sai. Ông luôn nêu bật những tình huống thương mại không công bằng kể từ ngày còn là ứng viên tranh cử Tổng thống. Ông lên án tình hình thâm hụt cán cân thương mại của Mỹ ngày càng gia tăng, bất đồng với việc Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ ngày càng nhiều, trong khi không mua lượng hàng hóa tương ứng từ Mỹ. Để thay đối cục diện, ông cho rằng khai thác sức mua từ thị trường Trung Quốc cho hàng hóa xuất khẩu của Mỹ. Cần nhìn Trung Quốc như một thị trường phân phối tiềm năng để khai thác thêm. 
Ông Trump có thâm niên trong việc tận dụng toàn cầu hóa trong sản xuất, từ kinh nghiệm nhiều năm điều hành Tập đoàn Trump trước khi đắc cử Tổng thống. Bản thân Tập đoàn Trump cũng là doanh nghiệp kinh doanh trên nhiều quốc gia, trong đó có cả Trung Quốc. Những hiểu biết và kinh nghiệm thương trường về lợi ích thương mại, là lý do vì sao có thể đánh giá Trump khó có khả năng ủng hộ một nền kinh tế đóng, hay nền kinh tế bảo hộ. Ông Trump cho rằng, người Mỹ có sức mua lớn, và Mỹ là thị trường quan trọng đối với Trung Quốc. Mang lên bàn cân, vị thế của thị trường lớn như Mỹ khiến Trung Quốc phải cân nhắc lợi ích, buộc phải lựa chọn sẽ mất dần thị trường xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ vì lá chắn thuế của chính phủ Mỹ, hay sẽ từ bỏ việc mua hàng hóa từ những quốc gia khác, quay về mua hàng hóa Mỹ nhằm giữ thị trường lớn nhất này cho hàng hóa xuất khẩu. Và đây chính là điểm tựa của Trump nhằm chiếm thế thượng phong trong đàm phán thương mại, để cuối cùng kết quả là một cán cân thương mại cân bằng hơn, mang lại lợi ích kinh tế cho nước Mỹ.

Phải chặn lại hàng hóa giá rẻ Trung Quốc
Tác quyền, quyền sở hữu trí tuệ là một trong những yếu tố hàng hóa Trung Quốc thường xuyên bỏ qua, nhằm sản xuất được sản phẩm có sức cạnh tranh về giá mà tương tự về công năng. Chi phí đầu tư cho mảng nghiên cứu và phát triển cũng như chi phí tác quyền giảm thiểu, khiến sản phẩm Trung Quốc rẻ hơn, từ đó thu hút thị hiếu người tiêu dùng. 
Với động thái Mỹ tiếp tục truy tố Tập đoàn Huawei và Phó Chủ tịch Mạnh Vãn Châu, cho dù đàm phán chiến tranh thương mại đang dự định diễn ra, cho thấy quyết tâm giải quyết mạnh vấn nạn vi phạm quyền này từ chính quyền ông Trump. Quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ khá nghiêm ngặt ở Mỹ và khu vực châu Âu, nhưng lại bị lợi dụng từ những kẽ hở ở Trung Quốc và Ấn Độ. Nếu tình trạng này được giải quyết, sản phẩm của Trung Quốc sẽ không thể rẻ đến mức có thể cạnh tranh được về giá và chất lượng với hàng hóa có nguồn gốc từ Mỹ và châu Âu. 
Nếu giải quyết được tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, sẽ đặt ra cho Trung Quốc, Ấn Độ phải tự mình sáng chế và phát minh, một công việc vốn đòi hỏi đầu tư và tiêu tốn chi phí nhiều. Trung Quốc khi đó phải lựa chọn, hoặc chỉ có thể tiếp tục bán sản phẩm của mình giá rẻ nếu họ định giá rẻ và trả chi phí nhân công thấp cho những phát minh, sáng chế đó, (lưu ý rằng hiện tại Trung Quốc không còn là quốc gia có lao động giá rẻ nữa); hoặc họ phải nâng giá hàng hóa lên và không còn cạnh tranh được nhiều về giá nữa với sản phẩm từ Mỹ, châu Âu. Đồng thời, Trung Quốc còn buộc phải giữ cam kết mua nhiều hàng hóa từ Mỹ, như một thỏa thuận thương mại song phương giữa 2 quốc gia. Do đó, việc bán rẻ sản phẩm của mình sản xuất và mua sản phẩm nhập khẩu với giá cao từ Mỹ cũng không có lợi cho thặng dư thương mại của Trung Quốc.

Nhiệm vụ đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại
Tiến trình xây dựng bức tường biên giới, cùng những điều gặt hái được từ tranh chấp thương mại với Trung Quốc, là những yếu tố then chốt giúp Tổng thống Trump có thể tiếp tục tái đắc cử kỳ bầu cử tiếp theo năm 2020. Kết quả gặt hái cần phải rõ ràng và cụ thể mới giúp ông Trump vượt qua được tình hình nước Mỹ đang chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ.
Mặc dù vừa qua đã đóng cửa chính phủ Mỹ với số ngày dài kỷ lục trong lịch sử, nhưng ông Trump vẫn chưa thành công trong việc thuyết phục tiến hành xây dựng bức tường/hàng rào biên giới bảo vệ Mỹ khỏi làn sóng nhập cư trái phép, vốn được cho là mang lại nhiều tệ nạn cho xã hội Mỹ. Bức tường bảo vệ biên giới cũng là một lời hứa của ông Trump với cử tri, những người đặt niềm tin vào tài năng và tầm nhìn sẽ mang nước Mỹ vĩ đại trở lại. 
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc chưa đến hồi kết, và cả 2 quốc gia đều chịu thiệt hại ở mức độ nhất định. Đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã cam kết sẽ mua nhiều hàng hóa hơn từ Mỹ. Chưa tính đến việc Mỹ có giảm lượng hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ Trung Quốc hay không, việc Trung Quốc gia tăng mua hàng hóa Mỹ chắc chắn sẽ cải thiện cán cân thương mại trong thời gian tới. 
 Nếu chính quyền ông Trump có thể giải quyết tốt các vấn đề và làm chủ Nhà Trắng 2 nhiệm kỳ, khả năng cao Trung Quốc sẽ phải chủ động giải quyết những bất ổn hơn thời điểm hiện tại. Đây là những vấn đề then chốt mang lại lợi ích thương mại trong dài hạn cho nước Mỹ. Đồng thời là yếu tố hãm đà, làm chậm lại dự báo về việc Trung Quốc sẽ sớm soán ngôi số 1 thế giới của Mỹ. Từ đó thay đổi trật tự kinh tế thế giới đã được dự báo trước, ít nhất là trên phương diện trật tự thế giới khi so sánh về GDP. 

Các tin khác