Diễn biến quốc tế hóa nhân dân tệ (K2): Xu thế bấp bênh, khó dự báo

(ĐTTCO) - Sự trỗi dậy quốc tế đáng chú ý của nền kinh tế Trung Quốc tất yếu làm dấy lên câu hỏi về cách thức mà quốc gia này sẽ sử dụng sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của mình.
 Một trong những lĩnh vực mấu chốt mà sức ảnh hưởng này được nhận thấy rõ là hệ thống tiền tệ quốc tế. Khi Trung Quốc nỗ lực từng bước quốc tế hóa nhân dân tệ (NDT), nó sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiến hóa của hệ thống tiền tệ quốc tế. Trong tương lai vai trò của USD sẽ ra sao và khả năng NDT tiến bước tới đâu, là vấn đề nhiều người quan tâm. 
Duy trì sự kiểm soát gắt gao
Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với cải cách tỷ giá hối đoái cũng cho thấy chiến lược thử nghiệm và thực hiện theo từng bước. Sau khi gắn chặt NDT vào USD từ năm 1997 đến năm 2005, Trung Quốc đã dần cho phép nâng giá đồng tiền một cách thất thường. Các nhà hoạch định chính sách của nước này đã không lựa chọn tự do hóa hoàn toàn, mà thay vào đó là tiến trình nâng giá từng bước với sự kiểm soát của nhà nước. 
Chính sách này có ưu điểm là tạo một cơ chế rộng hơn để kiểm soát lạm phát trong nước; làm cho việc sản xuất các mặt hàng giá rẻ có giá trị gia tăng thấp trở nên kém hấp dẫn, từ đó tạo động lực cho các nhà xuất khẩu chuyển lên nấc thang công nghệ cao hơn; và nó cũng làm giảm phần nào sự chỉ trích của quốc tế đối với chính sách tiền tệ của Trung Quốc, trong khi vẫn giữ biện pháp ổn định và tính có thể dự báo đối với tỷ giá hối đoái. Từ đó tỷ giá NDT cũng trở nên linh hoạt hơn.
Sau nhiều động thái mở rộng biên độ dao động để giao dịch NDT, vào tháng 3-2014, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã mở rộng biên độ dao động lên đến 2%, xoay quanh tỷ giá tham chiếu hàng ngày của ngân hàng nhà nước. NDT bắt đầu dịch chuyển hai chiều, xoa dịu những quan điểm cho rằng NDT chỉ có biến động một chiều duy nhất theo hướng tăng giá.
Về khu vực tài chính, những cải cách bao gồm một loạt thí điểm chính sách ở địa phương, nơi tự do hóa lãi suất từng bước được thực hiện. Tuy nhiên, việc thả nổi lãi suất tiền gửi tiềm ẩn rủi ro cao hơn vẫn chưa được thực hiện. Về tổng thể, xu hướng hiện tại cho thấy cách tiếp cận vô cùng cẩn trọng được tiến hành từng bước đối với việc tự do hóa hoàn toàn lãi suất. Nếu thành công, nó sẽ gỡ bỏ sự áp chế tài chính trong nước, tạo cơ hội để hợp thức hóa khu vực “ngân hàng ngầm” và điều chỉnh mô hình tăng trưởng trong suốt những thập niên qua. Tuy nhiên, ngay cả nếu lãi suất được tự do hóa hoàn toàn trong nước, các biện pháp định hướng của nhà nước và hoạt động kiểm soát vốn vẫn sẽ tồn tại. Có thể nhìn thấy được trong tương lai, NDT nhiều khả năng vẫn sẽ là “tiền tệ mang quá nhiều yếu tố nhà nước”.
Diễn biến quốc tế hóa nhân dân tệ (K2): Xu thế bấp bênh, khó dự báo ảnh 1 Nhân dân tệ hiện diện, giao dịch tại một số nước châu Á, châu Phi nhưng liệu có chỗ đứng ở các trung tâm tài chính thế giới? 
Tương tự như các quốc gia đi sau, phát triển lên từ đói nghèo trong thời đại công nghiệp, Trung Quốc đã sử dụng chiến lược tăng trưởng dựa trên xuất khẩu để tích lũy vốn và tiếp thu công nghệ nước ngoài. Trái ngược với quan điểm được Hoa Kỳ và các nước công nghiệp phát triển khác ủng hộ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc không xem tỷ giá hối đoái là một loại giá cả nên được quyết định bởi thị trường.
Dưới góc nhìn chính sách phát triển do nhà nước nắm vai trò chủ đạo của chủ nghĩa tư bản mang màu sắc Trung Quốc, giá cả và các cơ chế thị trường đơn thuần chỉ là công cụ để phục vụ mục đích tối thượng: Phát triển Trung Quốc trở thành quốc gia phồn thịnh và quyền lực.
Do vậy, chiến lược quốc tế hóa NDT của Trung Quốc luôn hướng đến những lợi ích có được từ một tiền tệ quốc tế nhưng không được làm suy giảm những động lực của “Chủ nghĩa tư bản mang màu sắc Trung Quốc”. Và như rất nhiều chính sách cải cách được thực hiện trong nước, quốc tế hóa NDT về cơ bản, là một giải pháp tạm thời tập trung vào quá trình tự do hóa được đo lường và xây dựng thể chế một cách thận trọng, trong khi vẫn duy trì sự kiểm soát của nhà nước.
Giám đốc ngân hàng ở Thượng Hải đã cho biết: “Những nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ tiếp tục thử nghiệm, thử nghiệm và thử nghiệm cho đến khi tìm được giải pháp cải cách hệ thống tài chính trong nước và quốc tế hóa NDT, mà không từ bỏ sự kiểm soát cuối cùng của nhà nước. Sự ổn định, bao gồm ổn định tài chính, được xem là điều kiện tiền đề cho sự tồn tại của Đảng cộng sản Trung Quốc”. 

Chưa thể so kè, sánh vai
Vì Trung Quốc vẫn chưa phát triển được các thị trường vốn nội địa đủ sâu, cởi mở và thanh khoản, đồng thời NDT vẫn chưa được sử dụng rộng rãi làm phương tiện thanh toán, đơn vị tài khoản và cách lưu trữ giá trị cho các hướng sử dụng tài sản công và tư nhân trên thị trường quốc tế, cho thấy vẫn còn chặng đường dài để NDT trở thành tiền tệ dự trữ khả thi và thách thức vị thế của USD. 
Mặt khác, rất nhiều nhóm lợi ích trong nước được hình thành tác động đến chính sách của chính phủ, dẫn đến bị chi phối bởi lợi ích nhóm hỗn loạn. Theo cách giải thích này, triển vọng của quá trình quốc tế hóa NDT thấp bởi các đối lập chính trị trong nước. Tuy nhiên, qua phân tích cho thấy, mức độ ảnh hưởng của các nhóm lợi ích này và những ưu tiên của họ được xem là hoàn cảnh cụ thể và dễ thay đổi. Khung phân tích dựa trên những tranh cãi chính trị nội bộ trong nước vì thế không chỉ rõ cách thức các chính sách quốc tế hóa NDT của Trung Quốc có bước tiến triển như thế nào trong tương lai.
Về mặt lịch sử, những nỗ lực chủ động quốc tế hóa NDT trong khi nền kinh tế của Trung Quốc vẫn còn trong giai đoạn đang phát triển và xếp thứ hai sau Hoa Kỳ, là rất đáng chú ý. Thậm chí các nỗ lực còn lớn hơn vì NDT vẫn chưa được chuyển đổi tự do. Vì thế, Hoa Kỳ vẫn chần chừ thực hiện quốc tế hóa USD những năm 1900 được coi là bất thường, việc Trung Quốc mong muốn quốc tế hóa NDT ở thời điểm sớm như vậy cũng tương tự, được coi là bất thường.
Mặc dù kinh nghiệm lịch sử không cho thấy một trường hợp tương tự, nó vẫn chỉ ra rằng việc quốc tế hóa NDT có thể sẽ diễn ra theo cách khá khác biệt với những nỗ lực trước đó trong việc tạo ra đồng tiền được quốc tế chấp nhận. Quá trình này chắc chắn phản ánh những kiểm chứng logic về kết quả công cuộc cải cách của chủ nghĩa tư bản mang màu sắc Trung Quốc. Quốc tế hóa NDT thực chất đã cho thấy một chiến lược mới trong việc tự do hóa tiền tệ, quá trình mà nhà nước nắm giữ những biện pháp đặc thù để kiểm soát tỷ giá hối đoái và lưu chuyển vốn. Giải pháp tạm thời không chính thống với nỗ lực “quốc tế hóa nhưng không tự do chuyển đổi hoàn toàn” có vẻ vô lý và báo trước khả năng thành công và hội nhập thị trường tài chính thế giới. 

Vẫn giữ định hướng điều tiết của Nhà nước
Đối với câu hỏi liệu rằng NDT một ngày nào đó có trở thành đối thủ cạnh tranh vị thế đồng tiền dự trữ của USD hay không, câu trả lời phụ thuộc vào một loạt yếu tố, mà rất nhiều trong số đó nằm ngoài tầm kiểm soát của Trung Quốc. Một điều chắc chắn cho đến nay, USD vẫn rất hấp dẫn do chưa có một sự thay thế khả dĩ. Điều này không có nghĩa vị thế mỏ neo đối với hệ thống tiền tệ quốc tế của USD sẽ tiếp tục không bị hoài nghi bởi giới tài chính. Tuy nhiên, những ứng viên cho vai trò này, điển hình là EUR, đang có nhiều hạn chế và cả yen Nhật, lẫn “Quyền rút vốn đặc biệt”(SDRs) của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng không phải là ứng viên sáng giá. Điều này khiến NDT được mặc định vẫn có tư thế bấp bênh trong tương lai.
Những nỗ lực chủ động và quyết tâm nhằm quốc tế hóa NDT có thể đẩy nhanh các khuôn mẫu lịch sử. Theo logic của chủ nghĩa tư bản mang màu sắc Trung Quốc, NDT có thể đạt được vị thế quốc tế quan trọng nhờ vào những sáng kiến được đo đạc và định hướng, bao gồm mạng lưới các doanh nghiệp, sự điều phối của nhà nước, trung tâm giao dịch ở nước ngoài, khu vực tự do thương mại đặc biệt và những “ống dẫn” được mở rộng, từng bước tự do hóa dòng lưu chuyển vốn dưới sự kiểm soát của nhà nước. Những chính sách quốc thế hóa NDT đã báo hiệu một thái độ hoàn toàn khác đối với vai trò của thị trường, cả trong và ngoài nước. Chủ nghĩa tư bản mang màu sắc Trung Quốc là một hệ thống sử dụng thị trường một cách chiến lược, nhưng không theo chủ nghĩa bản chất  hay cơ yếu. 
Do đó quá trình quốc tế hóa NDT, ngay cả trong tương lai, có thể sẽ được định hình bởi một phần nhỏ kiểm soát của nhà nước đối với dòng lưu chuyển vốn và tỷ giá. Khi dịch chuyển từ cấp độ quốc gia sang cấp độ quốc tế, một suy diễn rõ ràng nhất của “Chủ nghĩa tư bản mang màu sắc Trung Quốc” là hệ thống toàn cầu sẽ chứng kiến quá trình lớn mạnh của một hệ thống điều tiết bởi nhà nước, định hướng thị trường, có độ thực dụng cao.
Trong suốt 7 năm qua, chính phủ Trung Quốc đã quyết tâm tiến hành quá trình quốc tế hóa đồng tiền ở mức độ lớn hơn. Khi xét đến quá trình quốc tế hóa đồng NDT, thực tế chỉ ra rằng các biện pháp tự do hóa hoàn toàn, đặc biệt là đối với tài khoản vốn của Trung Quốc, sẽ khó được thực thi trong tương lai gần. Tuy nhiên, logic của “Chủ nghĩa tư bản mang màu sắc Trung Quốc” cũng mở ra những hướng đi mới, theo đó, khi Trung Quốc trở thành một bộ phận ngày càng lớn của nền kinh tế chính trị toàn cầu, dần dà Trung Quốc có thể sẽ tạo ra một đồng tiền quốc tế.

Các tin khác