Diễn biến quốc tế hóa nhân dân tệ (K1): Nỗ lực vươn tầm thế giới

(ĐTTCO) - LTS: Christopher A. McNally là Giáo sư kinh tế-chính trị ở Trường Đại học Chaminade, được công nhận Học giả cao cấp của Hoa Kỳ. 
Các nghiên cứu của ông tập trung vào chủ nghĩa tư bản so sánh, đặc biệt là tính chất và logic của quá trình chuyển sang “Chủ nghĩa tư bản mang màu sắc Trung Quốc”. Ông đã tổ chức nhiều chương trình nghiên cứu tại các trung tâm, viện nghiên cứu ở châu Á, Australia, Trung Quốc… Ông  nhận bằng Tiến sĩ về khoa học chính trị của Đại học Washington.
Ông đã biên tập 4 tập sách, và nhiều bài viết, là tác giả của rất nhiều bài phân tích chính trị, kinh tế của nhiều tạp chí nổi tiếng. Để có cái nhìn bao quát về bức tranh thị trường tài chính Trung Quốc, ĐTTC tóm lược giới thiệu bài viết của TS. Christopher A. McNally với tựa đề: “Logic kinh tế chính trị của việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ”.
Dò đá qua sông
 HSBC và Standard Chartered đang thúc đẩy quá trình quốc tế hóa  NDT. Các ngân hàng này xem sự nổi lên của hoạt động kinh doanh NDT là một cơ hội phát triển, bởi lẽ các công ty và cá nhân sẽ cần mua, chuyển tiền và đầu tư lượng NDT mà  họ nhận được. Lãnh đạo HSBC đã phát biểu: “HSBC đã luôn đi đầu trong quá trình phát triển của NDT cả trong và ngoài nước. Tập đoàn đã thiết lập tiềm năng phát triển cho  NDT ở hơn 53 thị trường trên toàn thế giới, và đã phát hành trái phiếu quốc tế bằng NDT đầu tiên ở London…
Bắt đầu công cuộc cải cách và thực hiện chính sách mở cửa từ năm 1978, Trung Quốc đã sử dụng một “sự kết hợp hiếm có giữa việc thí điểm chính sách và ưu tiên chính sách trong dài hạn” để thực hiện cải cách kinh tế. Tự do hóa hoàn toàn và cải cách thể chế trong nước theo một loại hình lý tưởng luôn được né tránh để thiên về hướng thử nghiệm các giải pháp mang tính chắp nối có lộ trình.
Từ đó, Trung Quốc đã cố gắng “phát triển vượt ngoài kế hoạch” mà không phải trải qua những cú sốc tạo ra bởi các cuộc cải cách đột ngột như các nước Đông Âu và Nga. Từ đó, nền kinh tế chính trị của Trung Quốc chuyển hóa từ một hệ thống có đặc trưng là sở hữu nhà nước hoàn toàn sang hệ thống tích hợp đa dạng quyền sở hữu và kiểm soát tư nhân.
Các sáng kiến chính sách của “Chủ nghĩa tư bản mang màu sắc Trung Quốc” hầu như vẫn luôn thận trọng và mang tính thí điểm, mặc dù Trung Quốc đã chứng kiến những bước cải cách nhảy vọt với việc điều phối và hoạch định chính sách của nhà nước từ trên xuống.
Dù vậy, vai trò trung  tâm của nhà nước trung ương được dung hòa bởi các thí điểm chính sách được địa phương hóa. Những thử nghiệm này bao gồm một loạt các dự án thí điểm, các đặc khu kinh tế và công nghiệp cùng các quy định về quản lý xuất phát từ địa phương để giải quyết vấn đề.
Về bản chất, chu kỳ cải cách mang tính thí điểm của Trung Quốc đã hình thành sự tương tác biện chứng giữa quy hoạch phát triển từ trên xuống (thông qua các kế  hoạch 5 năm và những phương thức khác) và các sáng kiến địa phương rộng khắp từ dưới lên. Kết quả là vô số các cuộc thử nghiệm mang tính thăm dò và sáng tạo được tiến hành ở cấp địa phương để chứng thực các ưu tiên chính sách, chẳng hạn như: cải tiến công  nghiệp, cải cách tài chính, hòa nhập nông thôn-thành thị, tái cấu trúc phúc lợi xã hội.
Các thí điểm thành công cấp địa phương thường được nhân rộng lên phạm vi tỉnh và cả nước với những dẫn dắt và nỗ lực mạnh mẽ nhằm chuẩn hóa từ chính quyền trung ương. Việc kết hợp giữa hoạch định phát triển từ trên xuống, các thí điểm chính sách ở địa phương và nhân rộng các thử nghiệm thành công, đã góp phần vào thành công trong phát triển kinh tế của Trung Quốc. Nó đã đem lại cho quá trình phát triển của “Chủ nghĩa tư bản mang màu sắc Trung Quốc” khả năng thích  nghi và linh hoạt cao.
Về cơ bản, có 5 nhân tố liên quan tạo thành nỗ lực quốc tế hóa đồng NDT của Trung Quốc, đó là: Vai trò của doanh nghiệp tư nhân cùng mạng lưới rộng khắp tiên phong sử dụng NDT trong các giao dịch quốc tế; sự điều phối của nhà nước qua việc thúc đẩy các hiệp định hoán đổi song phương với các ngân hàng nhà nước trên thế giới; việc sử dụng các trung tâm tài chính quốc tế một cách chủ động; các thể chế và mạng lưới để xây dựng nền tảng hạ tầng cho việc quốc tế hóa NDT; vai trò chủ đạo của nhà nước được tiếp tục để kiểm soát dòng lưu chuyển vốn bằng NDT vào và ra khỏi Trung Quốc; và cuối cùng, là các công cuộc cải cách đối với lĩnh vực tài chính và tỷ giá, đặc biệt là những nỗ lực từng bước trong việc thả nổi lãi suất và giảm dần sự áp chế tài chính trong nước.
Diễn biến quốc tế hóa nhân dân tệ (K1): Nỗ lực vươn tầm thế giới ảnh 1 Trung Quốc đang nỗ lực quốc tế hóa NDT. 
Quốc tế hóa NDT, vì sao?
Trong những năm cuối thập niên 1990, những doanh nghiệp tư nhân có hoạt động  mua bán và đầu tư ra nước ngoài đã bắt đầu sử dụng NDT trong các giao dịch của họ, từ đó mang một lượng đáng kể tiền tệ này vào lưu thông bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Gần đây, NDT đã đổ vào châu Phi thông qua sự đổ bộ của các doanh nghiệp Trung Quốc và mạng lưới giao dịch tư nhân.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nigeria, ông Lamido Sanusi cho biết, sau khi Nigeria phát tín hiệu dự định ký kết hiệp định hoán đổi NDT, “NDT đã và đang được giao dịch trên đường phố Nigeria, điều này cho thấy thị trường đang đi trước và chúng ta chỉ đang cố gắng đuổi kịp” - ông Lamido nói.
Mạng lưới rộng lớn các doanh nghiệp và thương lái Trung Quốc đã khiến NDT trở thành một trong những cách thức thanh toán được chấp nhận ở nhiều nền kinh tế đa dạng như Pakistan, Nigeria, Mông Cổ và Campuchia. Để quốc tế hóa NDT, chính là khuyến khích việc sử dụng đồng tiền này trong giao dịch quốc tế. Ở trong nước, 5 khu vực tiên phong thuộc vùng đồng bằng sông Châu Giang và sông Dương Tử đã được lựa chọn để thực hiện thí điểm việc giao dịch với Hồng Công sử dụng NDT.
Thử nghiệm này sau đó được mở rộng từng bước một, nhưng nhanh chóng, cho đến tháng 8-2011 đã bao gồm cả nước Trung Quốc và tất cả đối tác thương mại nước ngoài. Hoàn toàn bắt đầu từ con số 0 vào năm 2009, đến giữa năm 2014, gần 18% tổng giá trị thương mại quốc tế của Trung Quốc đã được thanh toán bằng NDT. Thậm chí ấn tượng hơn, NDT còn vượt qua EUR vào tháng 10-2013 để trở thành đồng tiền được sử dụng phổ biến thứ hai trong hoạt động tài chính thương mại quốc tế dưới hình thức thư tín dụng và ủy thác nhờ thu.
Trung Quốc cũng khởi xướng ký kết hầu hết các hợp đồng hoán đổi tiền tệ song phương với các ngân hàng trung ương trên toàn cầu. Những sáng kiến quan trọng nhất trong lĩnh vực này diễn ra từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008. Trung Quốc ký kết hiệp định hoán đổi tiền tệ song phương đầu tiên với Hàn Quốc năm 2008, và nhanh chóng tiếp tục với nhiều hiệp định hơn trong năm 2009 và 2010, với nhiều nền kinh tế khác nhau như Hồng Công, Argentina, Belarus và Iceland. 
Đến cuối năm 2014, việc ký kết các hiệp định này đã được mở rộng với hơn 28 NHNN, bao gồm các NHNN lớn trên thế giới như Nhật Bản, Australia, Anh, Thụy Sĩ, Canada và cả Ngân hàng Trung ương châu Âu.
Có phần đi xa hơn nữa so với những hiệp định này, Nigeria đã công bố sẽ chuyển đổi 5-10% tổng dự trữ ngoại hối sang tài sản NDT để đa dạng  hóa nguồn dự trữ và tăng cường quan hệ hợp tác với Trung Quốc. Một số quốc gia khác như Belarus, Nga, Tanzania, Chile và Australia cũng từng bước xem NDT là một loại tiền tệ dự trữ tiềm năng.
Tuy nhiên, những hiệp định thúc đẩy giao thương bằng NDT đã trở nên quan trọng hơn so với việc dùng làm đồng tiền dự trữ. Những hiệp định hoán đổi tiền tệ với các ngân hàng trung ương lớn cũng ngày càng tăng về giá trị. Thí dụ, hiệp định hoán đổi với Ngân hàng Trung ương châu Âu có giá trị lên đến 350 tỷ NDT hoặc 45 tỷ EUR.

Gầy dựng vị thế
Những hiệp định hoán đổi lớn hơn đã góp phần tạo nền tảng cho việc tăng tốc quá trình quốc tế hóa NDT. Vào tháng 9-2014, NDT đã xếp  thứ 7 trong số những tiền tệ được giao dịch nhiều nhất trên thế giới, với thị phần khoảng 1,72% toàn cầu, vượt qua các đồng tiền được tự do giao dịch hơn như  franc Thụy Sĩ, đô-la Hồng Công và krona Thụy Điển. Chính  phủ Trung Quốc cũng đã cố gắng đa dạng hóa sàn giao dịch ngoại hối cho NDT. Hiện nay, việc mua bán trực tiếp NDT với hầu hết các tiền tệ mạnh khác đều có thể thực hiện được, ví dụ như với đô-la Australia và bảng Anh.
Trong số các trung tâm tài chính quốc tế, Hồng Công nổi lên là trung tâm giao dịch NDT hàng đầu ở nước ngoài. Kể từ năm 2004, Hồng Công cho phép các dịch vụ ngân hàng ở nước ngoài tự do hoạt động bằng NDT, bao gồm nhận tiền gửi, mua bán ngoại tệ và dịch vụ chuyển tiền. Hiện nay, hơn 80% tất cả các thanh toán quốc tế bằng NDT được thực hiện đều đi qua Hồng Công. Các giao dịch NDT thực tế ở nước ngoài khác hiện nay chiếm khoảng 3,25% tổng giá trị thanh toánh của NDT.
Vào ngày 16-4-2012, HSBC trở thành tổ chức đầu tiên ở London phát hành trái phiếu bằng NDT. Tháng 10-2013, các hiệp định ở nhiều lĩnh vực đa dạng giữa Anh và Trung Quốc đã được công bố để đặt nền tảng thể chế thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc sử dụng NDT ở London. Thành quả có được từ những nỗ lực biến London trở thành đầu mối tài chính phương Tây của Trung Quốc là việc chính phủ Anh phát hành 3 tỷ NDT trái phiếu chính phủ vào tháng 10-2014. Anh vì thế trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên phát hành trái phiếu chính phủ bằng NDT. Điều này càng cho thấy bước tiến xa hơn trong tiềm năng NDT được sử dụng là đồng tiền dự trữ trên thế giới.
(Còn tiếp)

Các tin khác