Đập nước-Hiểm họa rình rập (kỳ 1): “Đại hồng thủy” Sheffield

Đập nước nói chung và đập thủy điện bị Luật Nhân quyền quốc tế xem là “nơi chứa các lực lượng nguy hiểm” vì có tác động phá hoại quy mô lớn đối với dân số và môi trường. Dù việc vỡ đập rất hiếm nhưng một khi xảy ra sẽ gây nên một thảm kịch thật sự. Trong lịch sử đã có nhiều vụ vỡ đập gây mất mát cho cả một thế hệ trên một khu vực rộng lớn. Trong loạt bài này, ĐTTC điểm lại một số thảm họa từ những con đập, theo trình tự thời gian.

Đập nước nói chung và đập thủy điện bị Luật Nhân quyền quốc tế xem là “nơi chứa các lực lượng nguy hiểm” vì có tác động phá hoại quy mô lớn đối với dân số và môi trường. Dù việc vỡ đập rất hiếm nhưng một khi xảy ra sẽ gây nên một thảm kịch thật sự. Trong lịch sử đã có nhiều vụ vỡ đập gây mất mát cho cả một thế hệ trên một khu vực rộng lớn. Trong loạt bài này, ĐTTC điểm lại một số thảm họa từ những con đập, theo trình tự thời gian.

Lời cảnh báo đầu tiên

Đập Dale Dike cách Sheffield chừng 8 dặm (12,9km), là tài sản của Công ty Sheffield Waterworks. Trước khi bị vỡ năm 1864, con đập chứa 3 triệu m3 nước. Sheffield Waterworks là đơn vị xây dựng và vận hành hơn 8 con đập cỡ lớn ở khắp nước Anh và chuẩn bị xây thêm nhiều con đập mới.

Đập Dale Dike được hình thành bằng cách đắp bờ chặn ngang một hẻm núi, khiến nước dâng lên từ từ và đầy cả vùng thung lũng Loxley. Đập được khởi công vào ngày 1-1-1859, kỹ sư tư vấn là ông Leather. Ông Gunson là kỹ sư trưởng, chịu trách nhiệm giám sát quá trình thi công.

Con đập được xây dựng nhằm cung cấp nước tưới tiêu cho nông dân ở Loxley, phần còn lại sẽ cấp cho thị trấn Sheffield. Con đập có diện tích vào khoảng 30,7ha, ở khu vực trung tâm có chiều sâu từ 24-27m.

Khung cảnh hoang tàn ở Sheffield sau khi đập Dale Dike bị vỡ.

Khung cảnh hoang tàn ở Sheffield sau khi đập Dale Dike bị vỡ.

Khoảng 5 giờ chiều ngày 11-3-1864, William Horsefield, một nhân công của Water Company, phải đi ngang bờ đập để về nhà. Gió quá mạnh nên ông không dám đi trên mặt bờ đập, mà đi dọc ở bên dưới lưng chừng bờ đập. Tình cờ, Horsefield phát hiện có một vết nứt ở lưng chừng bờ đập.

Lúc đó, vết nứt chỉ nhỏ như lưỡi dao nhíp, nằm cách bề mặt bờ đập khoảng 3,6m và kéo dài chừng 45m. Horsefield nghĩ đó là một vết nứt do đóng băng, vì ông thường thấy những vết nứt tương tự trên mặt đất vào mùa đông. Ông không nghĩ nó nguy hiểm, nhưng cũng nói với một nhân công khác là Greaves.

Greaves sau đó lại nói với một nông dân tên Samuel Hammerton, người sống ở bờ Bắc đối diện con đập và thường đi qua con đập để làm ruộng. Hammerton đến xem vết nứt và ngay lập tức báo cho ông G. Swinden, một trong những người giám sát của Công ty Waterworks.

Ông Swinden cùng một số người, trong đó có ông Fountain - một trong những nhà thầu xây dựng con đập, ngay trong đêm đó xách lồng đèn đến xem vết nứt. 2 ông Fountain và Swinden cùng cho rằng vết nứt không có gì nguy hiểm. Dù vậy, ông Fountain cũng sai con trai là Stephenson Fountain cưỡi ngựa đến thị trấn Sheffield để báo với kỹ sư trưởng Gunson.

Phần mình, ông Fountain và một số nhân công bắt đầu tiến hành các biện pháp khắc phục. Lúc đó, hai bộ ống dùng để rút nước bị đóng lại và mực nước trong đập chỉ thấp hơn đập tràn khoảng 10cm. Những người đàn ông đã nỗ lực mở lại các đường ống hòng hạ bớt mực nước trong đập. Sau đó, họ kiểm tra lại vết nứt.

Ông Joseph Ibbotson, một người giám sát, tuyên bố mực nước ở bên trong đập đã thấp hơn vị trí vết nứt ở bên ngoài bờ đập. Đến khoảng 9 giờ tối, tất cả những người đến xem vết nứt đều về nhà, mang theo lời bảo đảm của nhà thầu và các công nhân rằng không có gì nguy hiểm. Không có ai cảnh báo với dân làng ở vùng hạ lưu về vết nứt trên đập.

Thảm họa

Trong khi đó, khoảng 8 giờ 30 tối 11-3, kỹ sư trưởng Gunson đã nhận được tin tức về vết nứt do con trai Fountain đưa đến. Ngay lập tức, ông và John Craven, một nhà thầu khác, trải qua hành trình 8 dặm trong đêm đông cùng đi đến con đập. Vào khoảng 10 giờ tối, họ đến được con đập.

Sau khi kiểm tra, ông Gunson kết luận rằng vết nứt chỉ đơn thuần là một vết nứt trên bề mặt, có lẽ do trời lạnh giá gây nên hoặc do kết cấu mới chưa ổn định của bờ đập. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, ông quyết định trước tiên hạ mực nước trong đập để giảm bớt áp lực lên bờ đập. Ông phát hiện ra các ống xả đều đã được mở, nhưng lượng nước thoát ra quá chậm, nên quyết định dùng thuốc nổ để phá một nơi trên đập tràn cho nước chảy nhanh hơn.

Sau đó, ông quay lại chỗ vết nứt, thấy nó vẫn bình thường. Tuy nhiên, khi nhìn xuống bên dưới, ông giật mình khi phát hiện nước đang xuyên qua bờ đập “như một tờ giấy bạc trong đêm tối”. Ông vội quay lại phòng kiểm soát ống xả để xem có thông tin về lưu lượng nước chảy qua bờ đập hay không.

Tuy nhiên, một người đi cùng đã phát hiện nguy hiểm, gọi ông phải dời bờ đập ngay lập tức. Khi ông vừa chạy khỏi bờ đập, con đập bắt đầu vỡ, nước cuồn cuộn đổ tới, Gunson chỉ cần chậm một vài giây có lẽ đã bị nước cuốn trôi.

Nhưng gần 250 người dân ở ngôi làng phía hạ lưu lại không may mắn như vậy, vì đó là đêm cuối cùng của họ. 3 triệu m3 nước đã nhấn chìm thung lũng Loxley và cả thị trấn Sheffield, khiến cả vùng như bị một trận đại hồng thủy thật sự. Nạn nhân đầu tiên của cơn “đại hồng thủy” nhân tạo là một bé trai chỉ mới 2 tuổi. Vẻn vẹn chỉ 30 phút sau khi vỡ đập, dòng nước chết chóc đã hủy diệt toàn bộ khu vực trải dài hơn 13km.

Thống kê sau đó cho biết sự cố đã cướp đi sinh mạng của 244 người, phá hủy 5.000 ngôi nhà và nhà tạm, 106 nhà máy và cửa hàng, 64 tòa nhà, 20 cây cầu. Tai nạn được xem là một trong các thảm họa nhân tạo lớn nhất trong lịch sử nước Anh.

------------

Kỳ 2: Vụ vỡ đập tồi tệ nhất lịch sử Hoa Kỳ

Các tin khác