Đập nước - Hiểm họa rình rập (kỳ 4)

Còn gọi là “đập Sắt”, đập Bản Kiều được xây dựng như một giải pháp kiểm soát nạn lũ lụt ở lưu vực sông Hoài (miền Trung Trung Quốc) và cung cấp điện năng cho cả nước. Tuy nhiên, trong trận mưa lớn tháng 8-1975, con đập bị vỡ, dòng lũ từ đập Bản Kiều tràn xuống làm vỡ tiếp 60 con đập khác dưới hạ lưu, gây nên một trận lũ kinh hoàng, cướp đi sinh mạng của hơn 171.000 người.

Còn gọi là “đập Sắt”, đập Bản Kiều được xây dựng như một giải pháp kiểm soát nạn lũ lụt ở lưu vực sông Hoài (miền Trung Trung Quốc) và cung cấp điện năng cho cả nước. Tuy nhiên, trong trận mưa lớn tháng 8-1975, con đập bị vỡ, dòng lũ từ đập Bản Kiều tràn xuống làm vỡ tiếp 60 con đập khác dưới hạ lưu, gây nên một trận lũ kinh hoàng, cướp đi sinh mạng của hơn 171.000 người.

Phớt lờ chỉ trích

Công trình đập Bản Kiều được khởi công tháng 5-1951 trên sông Nhữ với sự giúp sức của các cố vấn Liên Xô và hoàn thành vào tháng 6-1952. Vì thiếu dữ liệu thủy học, thiết kế của đập thấp hơn bình thường. Mặt nước của đập cao hơn 117,64m so với mực nước biển, với sức chứa 492 triệu m3.

Con đập được xây bằng đất sét với chiều cao 24,5m, khả năng xả nước 1.742m3/giây. Trong quá trình xây dựng đập Bản Kiều đã xuất hiện nhiều tranh cãi.

Đáng chú ý, Chen Xing - 1 nhà thủy học lỗi lạc - cho rằng nên xây ít nhất 12 cửa cống xả, nhưng thiết kế cuối cùng được phê duyệt chỉ có 5 cửa cống. Ông Chen là người lớn tiếng chỉ trích các chính sách xây dựng đập nước và đập thủy điện của chính phủ. Ông Chen lúc đầu có tham gia trong đội ngũ thiết kế cả đập Bản Kiều và đập Thượng Mạn Than (thượng lưu của đập Bản Kiều).

Tuy nhiên, vì mạnh mẽ chỉ trích các thiết kế an toàn của 2 con đập này, ông đã bị “mời” ra khỏi dự án. Gần như ngay sau khi con đập vừa hoàn thành, trên bờ đập và cống xả xuất hiện nhiều vết nứt do lỗi thiết kế và xây dựng. Nhà chức trách đã mời các kỹ sư Liên Xô đến để gia cố lại con đập. Sau khi gia cố, con đập được chính quyền gọi ưu ái là “đập Sắt”, thể hiện niềm tin vào sự vững chắc của nó.

Xóa sổ làng, xã

Con đập được thiết kế có thể chịu đựng những cơn lũ 1.000 năm/lần (lượng mưa 300mm/24 giờ). Tuy nhiên, vào tháng 8-1975, dưới tác động của bão Nina và áp thấp, một cơn mưa lớn chưa từng có (khoảng 1.060mm) đã trút xuống.

Trước đó, hãng tin nhà nước Tân Hoa Xã đưa ra dự báo của Đài Khí tượng Trung ương rằng cơn mưa chỉ 100mm. Mưa lớn khiến 5 cống xả không đủ khả năng điều tiết mực nước. 0 giờ 30 ngày 8-8, đập Thạch Mạn Than ở thượng nguồn sông Hoài bị vỡ, tạo ra một bức tường nước khổng lồ dội vào đập Bản Kiều.

Nửa giờ sau, mực nước ở đập Bản Kiều dâng lên cao hơn 0,3m so với ngưỡng cho phép. Con đập bị đổ sập, tạo ra một dòng lũ cao 6m đổ xuống hạ lưu, cuốn phăng 60 con đập khác dọc đường đi. Ước tính có 15,7 tỷ m3 nước từ các con đập đã đổ xuống, tạo nên cơn lũ lớn chưa từng có.

Quang cảnh sau trận vỡ đập Bản Kiều năm 1975.

Quang cảnh sau trận vỡ đập Bản Kiều năm 1975.

Dòng nước lũ tạo ra con sóng rộng 10km và cao 7m, đổ xuống hạ lưu với tốc độ 50km/giờ, gần như quét sạch mọi thứ trên khu vực 55x15km, tạo ra những hồ nước rộng tới 13.000km2. 7 đô thị gồm Tây Bình, Nhữ Nam, Bình Dư, Tân Thái, Tháp Hà và Lâm Tuyền ngập trong lũ cùng hàng ngàn km2 vùng quê.

Lệnh sơ tán lại không hề được truyền tới dân cư ở những vùng này vì thời tiết xấu và các phương tiện liên lạc kém. Trong khi khu vực dân cư 6.000 người ngay dưới đập Bản Kiều chỉ chết 872 người do chạy kịp, thì việc thiếu thông tin khiến một nửa trong số 36.000 cư dân ở xã Wencheng bị nước lũ cuốn trôi.

Xã Daowencheng hoàn toàn bị xóa sổ khỏi bản đồ khi tất cả 9.600 cư dân đều thiệt mạng. Sau trận lũ 9 ngày, ước tính còn 1 triệu người bị mắc kẹt giữa biển lũ, phải sống nhờ đồ cứu trợ thả xuống từ máy bay. Bệnh dịch và nạn đói sau đó lại hoành hành khắp vùng.

Theo chính quyền tỉnh Hà Nam ước tính có 26.000 chết trực tiếp trong cơn lũ, 145.000 người chết vì dịch bệnh và nạn đói. Ngoài ra, khoảng 5,96 triệu căn nhà bị phá hủy, 11 triệu người bị mất chỗ ở. Trong khi đó, con số không chính thức ước tính số người chết vì lũ và dịch bệnh/nạn đói sau đó phải lên đến 230.000 người.

Sự cố này cũng đã phá hủy 1 nguồn năng lượng khổng lồ đang cung cấp cho Trung Quốc. Với công suất lên đến 18GW, tương đương 9 nhà máy nhiệt điện hay 20 lò phản ứng hạt nhân, nhà máy thủy điện này được xem là có khả năng đáp ứng 1/3 nhu cầu sử dụng vào lúc cao điểm của cả nước Anh.

Mối đe dọa thường trực

Trong vòng 11 năm sau vụ vỡ đập, vùng hạ lưu sông Nhữ, như thành phố Trú Mã Điếm, chứng kiến thêm nhiều cơn lũ thảm khốc khác. Sau nhiều nghiên cứu khảo sát, việc xây dựng lại đập Bản Kiều được liệt vào dự án quốc gia chính trong kế hoạch 5 năm lần thứ 7. Chủ dự án là Ủy ban Tài nguyên nước sông Hoài. Nhà thầu xây dựng là Văn phòng Kỹ sư Trường Giang Cát Châu.

 Tháng 5-1993, dự án được Chính phủ Trung Quốc thông qua. Đập Bản Kiều được sửa lại có khả năng chứa nước tới 675 triệu m3, cao hơn 34% so với đập bị vỡ. Khả năng xả nước tối đa là 15.000m3/giây.

Sau thảm họa Bản Kiều, Chính phủ Trung Quốc rất chú trọng đến việc giám sát và gia cố các đập nước. Trung Quốc có tới 87.000 đập nước trên toàn quốc, trong đó hầu hết đều xây dựng từ những năm 1950-1970, dùng công nghệ lạc hậu. Hầu hết các đập đều trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, là một nguy cơ tiềm ẩn vô cùng lớn, đe dọa thường trực mạng sống của ít nhất 130 triệu người.

Theo Bộ Tài nguyên nước, từ sau trận lũ sông Trường Giang năm 1998, Bắc Kinh chi 9,72 tỷ USD để tu bổ 9.197 đập nước bị xuống cấp, trong đó có 2.397 đập cỡ lớn và vừa, 6.800 đập cỡ nhỏ. Tuy nhiên, ước tính còn ít nhất 5.400 đập nước nhỏ khác cần sửa chữa (đập nước nhỏ có khả năng trữ nước từ 100.000-1 triệu m3). Theo kế hoạch, Bắc Kinh sẽ tu bổ những con đập nhỏ này trước khi kết thúc năm 2012.

Các tin khác