Cuộc thanh trừng thương hiệu “dế” (Kỳ 1)

(Kỳ 1): Những thương hiệu đình đám

(Kỳ 1): Những thương hiệu đình đám

(ĐTTCO) - Ngày nay, điện thoại di động (ĐTDĐ) - “con dế” theo cách gọi của người Việt Nam - đã trở thành món hàng thời trang của đa số người dân thế giới. Sự phổ biến và đa dạng của ĐTDĐ đã giúp nhiều công ty thu về bạc tỷ, tuy nhiên không ít gã khổng lồ phải “bỏ xác”. Trong tương lai, vẫn không ai dám chắc ai sẽ là người cầm cờ cuối cùng.

Cách đây hơn 10 năm, nhắc đến ĐTDĐ không thể không nói đến những cái tên như Nokia, Motorola, Sony Erisson hay Siemens... Tuy nhiên, những thương hiệu này đến nay đã gần như “tuyệt chủng”. Sự biến mất của các thương hiệu đình đám một thời đã minh chứng cho sự thanh trừng khốc liệt của thị trường ĐTDĐ toàn cầu.

Motorola - Đi trước về sau

Những người thuộc thế hệ 8X hẳn không thể quên câu slogan nổi tiếng của Motorola, ông tổ ĐTDĐ của thế giới: "Cho thế giới biết bạn là ai". Năm 1973, Motorola trình làng Motorola Dyna Tac, được xem là chiếc ĐTDĐ đúng chuẩn đầu tiên của thế giới. Với bề dày phát triển, hãng điện thoại có trụ sở ở Hoa Kỳ này đã sở hữu lượng bằng sáng chế khổng lồ. Không chỉ khai sinh ra ĐTDĐ đầu tiên của thế giới, Motorola còn là người mở đầu cho ý tưởng "điện thoại xếp hình" Ara, có thể nâng cấp phần cứng bằng cách tối ưu hóa các thành phần linh kiện thành một block để lắp vào khung xương màn hình. Trong kỷ nguyên điện thoại thông minh (smartphone), Motorola cũng đạt được những thành tựu đáng nể với chiếc Motorola Droid thế hệ đầu tiên, được ca ngợi không kém iPhone của Apple.

Tuy nhiên, từ năm 2007-2009, hãng này thua lỗ 4,3 tỷ USD và phải tách thành 2 công ty vào tháng 1-2011, gồm Motorola Mobility (chuyên về di động) và Motorola Solutions (chuyên về giải pháp công nghệ). Dù vậy, Motorola Mobility vẫn không thể vực dậy và đành phải “bán mình” cho gã khổng lồ Google trong thương vụ 12,5 tỷ USD vào tháng 8 cùng năm. Vào tay Google, Motorola Mobility vẫn không thể trụ vững và lại bị bán tiếp cho đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc là Levono vào tháng 10-2014, với giá chỉ 2,91 tỷ USD. Công ty vẫn đặt trụ sở tại Chicago và tiếp tục sử dụng thương hiệu Motorola, nhưng Liu Jun - Chủ tịch kinh doanh thiết bị di động của Lenovo - trở thành chủ nhân mới của công ty.

Nokia - ông hoàng lỡ vận

Trong quá khứ, nhà khổng lồ Phần Lan được xem là ông vua của thị trường ĐTDĐ khi có thời điểm chiếm đến 41% thị trường di động thế giới. Từ chiếc điện thoại “cục gạch” Nokia 8250 cho đến Nokia 7610, Nokia 7260 và đến dòng N-series, tất cả đều khiến người dùng tưởng thưởng và thán phục vì tính dẫn đầu và sự sáng tạo. Năm 2013, trước khi quyết định bán bộ phận di động cho Microsoft, Nokia vẫn là gã khổng lồ với doanh thu 12,73 tỷ EUR, cung cấp việc làm cho 61.656 người ở 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, thời hoàng kim của Nokia đã mất dần khi để thị phần lao dốc không phanh từ 41% năm 2007 xuống còn 15% năm 2013. Người ta cho rằng  chính sự bảo thủ, trì trệ cũng như những chiến lược sai lầm đã dẫn đến sự xuống dốc của ông vua di động một thời. Thứ nhất, Nokia đã quá chung thủy với kiểu dáng điện thoại thanh kẹo cổ điển, không sản xuất điện thoại vỏ gập. Điều này tuy không làm ảnh hưởng đến “ngai vàng” của Nokia lúc đó, nhưng đã khiến người khổng lồ của Phần Lan phải trả giá bằng việc đánh mất thị trường Hoa Kỳ và báo hiệu cho sự đi xuống sau này.

Thứ hai, Nokia đã ngủ quên trong chiến thắng khi không nhận ra mối đe dọa từ Apple. Năm 2007, khi iPhone của Apple xuất hiện làm rúng động thị trường và thay đổi quan niệm về điện thoại thông minh bởi công nghệ cảm ứng chạm bấm thay cho bàn phím, Nokia vẫn cho rằng “quả táo” sẽ không thể đuổi kịp mình do giá bán quá cao (500USD). Tuy nhiên, sau khi thỏa thuận được với AT&T, Apple đã hạ giá iPhone xuống 200USD, biến nó thành sản phẩm đại trà. Ngoài ra, Apple còn có một vũ khí lợi hại khác là App Store, một sản phẩm trói chân khách hàng với hàng trăm ngàn ứng dụng, cập nhật mới liên tục, trong khi Ovistore của Nokia bắt đầu nhàm chán vì không thỏa mãn được nhu cầu của người dùng. Thứ ba, Nokia vẫn sử dụng hệ điều hành Symbian và sau đó là Windows Phone, thay vì chuyển qua dùng hệ điều hành mở Android của Google. Vì những điều này, Nokia dần lụn bại và cuối cùng phải bán lại mảng di động cho Microsoft vào tháng 8-2014.

Dù vậy, Nokia chưa chết và những con người cũ của Nokia vẫn đang tiếp tục chèo chống với  khó khăn. Sau khi bị mua lại mảng thiết bị di động, Nokia chỉ hoạt động trong mảng dịch vụ viễn thông nhưng tham vọng quay trở lại của hãng vẫn còn. Vào tháng 11-2014, Nokia đã kết hợp với nhà máy Foxconn để ra mắt máy tính bảng Nokia N9. Những ngày đầu năm 2017, Nokia cũng xuất hiện trở lại trên thị trường ĐTDĐ với việc ra mắt chiếc Nokia 6 cấu hình khá tốt với giá trung bình (245USD) ở thị trường Trung Quốc. Lần này, thương hiệu Nokia thuộc quyền sở hữu Công ty HMD Global Oy. Công ty này cũng có trụ sở Phần Lan và được điều hành bởi những nhân viên cũ của Nokia.

“Dâu đen”, Siemens và Sony Erisson

Trong quá khứ, RIM với thương hiệu ĐTDĐ BlackBerry (dâu đen) cũng nổi tiếng không kém Nokia, với những mẫu điện thoại sở hữu bàn phím QWERTY đi vào lịch sử. Bên cạnh đó là phím con lăn độc đáo, đã làm nên phong cách nam tính cho chiếc BlackBerry. Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua các tính năng bảo mật cũng như các ứng dụng tiện dụng được nhà sản xuất tích hợp bên trong. Ở thời điểm hoàng kim, RIM đã hút hồn người dùng bằng các mẫu BlackBerry 8700, Bold 9700 hay Bold 9900. Tuy nhiên, sự chậm chạp trong thay đổi công nghệ đã khiến BackBerry phải đóng cửa bộ phận di động vào năm 2016, sau khi thua lỗ 372 triệu USD vào quý III-2016.

Khi trào lưu nghe nhạc số trở nên “hot” vào đầu thập niên 2000, liên minh Sony Ericsson đã nổi lên bằng dòng điện thoại W, trong đó nổi bật là W800i sở hữu biệt danh "Nữ hoàng nhạc số". Không chỉ là khả năng chơi nhạc, điện thoại của Sony Erricson còn gây ấn tượng mạnh với người dùng nhờ khả năng chụp ảnh tốt, chất lượng như K750i, K790i, K810i. Tuy nhiên, sự chậm chạp trong việc bắt kịp xu hướng smartphone khiến người dùng dần xa rời các sản phẩm của liên minh này. Tháng 2-2012, Sony đã mua lại cổ phần Ericsson trong liên minh, chính thức khai tử thương hiệu Sony Ericsson.

Tương tự Sony Ericsson, trào lưu nghe nhạc số cũng mang đến thành công cho gã khổng lồ Siemens. Khi đó, giới sành chơi di động bỗng dưng rộ lên mốt săn máy Siemens SL45 để về nghe nhạc. Tuy nhiên, cuộc chơi cũng sớm tàn canh bởi sự ra mắt hàng loạt điện thoại nghe nhạc giá rẻ xấp xỉ 2 triệu đồng, hỗ trợ thẻ nhớ, chân cắm tai nghe. Thị phần của của Siemens tụt từ 8% xuống còn 5,5% năm 2004, báo hiệu những tháng ngày tươi đẹp đã kết thúc. Siemens từ vị trí thứ 5 trong số các hãng sản xuất mới nổi đã tụt dốc không phanh vào cuối năm ấy. Năm 2005, Siemens bỏ cuộc và bán mảng di động cho hãng BenQ, từ đó cái tên BenQ Siemens ra đời. Thế nhưng cuộc hành trình cùng BenQ cũng chẳng mang lại lợi ích như trông đợi. BenQ mất tới 40% thị phần và tuyên bố phá sản vào tháng 9-2006. Đến ngày 31-12-2006, tất cả hoạt động sản xuất đều bị chấm dứt, thương hiệu Siemens Mobile bị khai tử.

(còn tiếp)

Các tin khác