Cuộc đua tên lửa toàn cầu (B2): Thế giới trong tầm ngắm

(ĐTTCO) - Tờ báo Pháp Le Figaro nhận định trên khắp thế giới, từ Trung Đông cho tới châu Á-Thái Bình Dương, hàng loạt quốc gia đã phô trương các giàn tên lửa hiện đại với tầm bắn ngày càng xa. Cuộc chạy đua tên lửa tốn kém đang thực sự nóng. 

Không còn đặc quyền của vài nước
Giai đoạn phổ biến tên lửa đạn đạo đầu tiên, tức là các loại vũ khí phóng vào không gian và được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân, thuộc về Liên Xô. Trong Chiến tranh Lạnh, Mátxcơva đã trang bị tên lửa cho hàng loạt nước đồng minh. Kể từ đó, lĩnh vực này đã có nhiều thay đổi.
Trước đây, tên lửa đạn đạo là đặc quyền của các cường quốc lớn, nhưng tới nay các loại tên lửa tầm xa đã nằm trong tầm tay của rất nhiều nước. Việc mở rộng phạm vi tiếp cận các chương trình tên lửa đạn đạo đã đặt dấu chấm hỏi về sức mạnh thực sự của phương Tây. Đó cũng là một dấu hiệu báo trước những thay đổi chiến lược làm rung chuyển thế giới kể từ đầu những năm 2000. 
 Trong cuộc chiến tranh hiện đại, tên lửa đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Dù là tàu nổi, tàu ngầm, chiến đấu cơ hiện đại đến mấy, vũ khí trang bị chủ yếu vẫn là tên lửa. Trên mặt đất, các hệ thống tên lửa cố định hoặc cơ động, chiến lược, chiến thuật, hay chiến trường cũng đang được hiện đại hóa. Các chiến xa ngày nay cũng được trang bị các loại tên lửa với các tầm bắn thích hợp. Chính vì thế hiện đại hóa tên lửa được xem là cuộc đua toàn cầu không có hồi kết. 
Kinh nghiệm của Iran hay Libya, những nước đều đã bị quân đội nước ngoài tấn công hoặc xâm chiếm sau khi chấp nhận từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của họ, đã nhắc nhở các cường quốc mới trỗi dậy rằng vũ khí hạt nhân và cả tên lửa đi cùng vẫn là lựa chọn tốt nhất để bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ.
Vào giờ phút Hoa Kỳ muốn rút khỏi diễn đàn quốc tế, khi Nga đang trở lại một cách mạnh mẽ và châu Âu bị giằng xé bởi các vấn đề nội bộ - từ Brexit cho tới cuộc khủng hoảng người tị nạn, khi người Sunni và Shiite đối đầu nhau quyết liệt ở Trung Đông, ngày càng có nhiều nước chạy đua để giành quyền tiếp cận thứ sức mạnh này.
Iran đang phát triển chương trình tên lửa đạn đạo và cung cấp tên lửa cho đồng minh quan trọng của họ là lực lượng Hezbollah tại Lebanon và quân nổi dậy sắc tộc Houthi ở Yemen. Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.
Triều Tiên thách thức thế giới bằng các vụ thử tên lửa đạn đạo. Nga triển khai tên lửa hành trình có khả năng đặt toàn bộ Tây Âu trong tầm ngắm. Dù không vượt qua bầu khí quyển Trái đất hay vươn cao vào không gian, có tầm bắn ngắn hay xa, được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân hay chỉ thực hiện nhiệm vụ thông thường, quỹ đạo phát triển tên lửa hiện nay định hình so sánh cán cân sức mạnh quốc tế. Nó tạo ra sức ảnh hưởng cho các cường quốc đang trỗi dậy: Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia... 
Trong khi đó, theo Hãng tin Sputnik trích nguồn tin từ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc), nửa đầu năm 2018, quân đội Trung Quốc sẽ lên kế hoạch đưa vào sử dụng loại tên lửa đạn đạo liên lục địa đa đầu đạn và có thể tấn công “bất kỳ nơi nào trên thế giới”. Có tên gọi Dongfeng-41, tên lửa trên có thể đạt tới vận tốc siêu thanh Mach 10 (tương đương 12.348km/giờ) và có khả năng vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ trên không của kẻ thù.
Cuộc đua tên lửa toàn cầu (B2): Thế giới trong tầm ngắm ảnh 1
Nỗi lo của châu Âu
Từ khi quyết định giành lại địa vị cường quốc lớn, Nga đã đầu tư rất lớn vào các chương trình tên lửa. Nhờ ngân sách quân sự tăng liên tục, quân đội Nga đã tiến hành rất nhiều vụ thử mới. Vụ thử gần đây nhất diễn ra ngày 26-12-2017 là của tên lửa liên lục địa Topol, được trang bị phương tiện mang đầu đạn hạt nhân có khả năng chọc thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Hoa Kỳ. Trong khi NATO lo ngại sự trở lại của tư duy Chiến tranh Lạnh, Nga cho rằng họ chỉ làm để đáp trả việc Hoa Kỳ triển khai các hệ thống đánh chặn tên lửa tại Romania và sắp tới là Ba Lan.
Châu Âu cũng quan ngại về sự xuất hiện nhiều hơn các hệ thống tên lửa tấn công và phòng thủ Nga sát biên giới của mình. Việc Nga chuyển các hệ thống tên lửa S-300 và S-400 tới Kaliningrad, Belarus và Đông Địa Trung Hải đặt ra cho các cường quốc phương Tây một vấn đề mới về chiến lược chống tiếp cận. 
Sau khi triển khai ở Syria để tạo ra một vùng đệm bảo vệ các căn cứ của Nga cũng như các địa điểm chiến lược của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong chiến dịch can thiệp quân sự vừa qua, các hệ thống vũ khí này đã thu hẹp phạm vi hành động của lực lượng không quân trong liên minh quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo (IS) do Hoa Kỳ đứng đầu. 
Không chỉ có vậy, năm 2020, Nga sẽ giao 4 giàn phóng S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ, khiến nước này trở thành thành viên đầu tiên của NATO trang bị hệ thống vũ khí hoàn toàn không tương thích với cơ cấu chung của tổ chức. Một chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ nhận xét: “Bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đã đạt được nhiều mục đích: khiến Ankara khó chịu với NATO, thậm chí có thể cắt đứt quan hệ”.
 
Thay đổi cán cân Trung Đông và châu Á
Iran, cùng với Triều Tiên, đã trở thành một trong những nhân tố phổ biến vũ khí lớn trên thế giới. Tehran sử dụng tên lửa đạn đạo và tên lửa thông thường để mở rộng ảnh hưởng trong vùng, bảo vệ lãnh thổ và đẩy lùi ảnh hưởng của kẻ thù ra xa đường biên giới của mình. Theo đánh giá của một chuyên gia Pháp, tất cả các đồng minh của Iran đều sở hữu tên lửa, đây là yếu tố đang làm thay đổi cục diện khu vực.
Trong cuộc chiến tranh giành quyền lãnh đạo toàn bộ Trung Đông giữa Hồi giáo dòng Sunni và Shiite, tên lửa đã mang lại cho Tehran, một lợi thế to lớn. Thời gian qua, lực lượng nổi dậy người Houthi tại Yemen thân Tehran đã 2 lần bắn tên lửa được cho là có nguồn gốc từ Iran vào thủ đô Riyadh của Saudia Arabia. 
Sự mở rộng ảnh hưởng của Iran cũng khiến Israel lo ngại. Tel Aviv theo dõi chặt chẽ kho tên lửa-trong đó không ít tên lửa đạn đạo-ngày một phình to xung quanh họ do Hezbollah, lực lượng dân quân người Shiite thân Iran hoạt động ở Lebanon và Syria, nắm giữ. Israel đã không kích một số đoàn xe chở tên lửa tại Syria. Ông Emile Hokayem, một chuyên gia của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Anh (IISS), mới đây phát biểu tại Diễn đàn Manama (Bahrain): “Tên lửa Iran đang làm cho cán cân lực lượng Israel và Iran thay đổi”.
Liệu có thể xảy ra một cuộc chiến tranh giữa Israel và các đồng minh của Iran tại Lebanon hay Syria hay không? Theo Hokayem, không ai muốn điều đó nhưng tất cả đều chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống này. Ngay cả Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng muốn bổ sung thêm điều khoản ngăn chặn Iran phát triển tên lửa đạn đạo vào thỏa thuận hạt nhân, một văn kiện quan trọng được coi là thắng lợi ngoại giao của Hoa Kỳ sau một thời gian thương lượng rất dài nhưng hiện đang bị Washington đe dọa xé bỏ. 
Kể từ khi Triều Tiên chứng tỏ họ không chỉ là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân mà còn nắm trong tay chương trình phát triển tên lửa đạn đạo đủ để chế tạo tên lửa có khả năng phóng tới lãnh thổ Hoa Kỳ, cán cân chiến lược tại châu Á-Thái Bình Dương đã thay đổi. Sự suy giảm niềm tin vào các cam kết và chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ trong khu vực đã thúc đẩy Nhật Bản và Hàn Quốc xem xét lại hệ thống phòng thủ của mình. Nhật Bản đã quyết định mua một hệ thống đánh chặn tên lửa tầm xa hơn và hiện đại hóa các tên lửa Patriot.
Tokyo và Seoul có thể sẽ còn đi xa hơn một ngày nào đó, cân nhắc việc phát triển vũ khí hạt nhân để bảo vệ mình trước nguy cơ từ Triều Tiên và Trung Quốc nếu họ cho rằng các đảm bảo từ Hoa Kỳ không đủ. Đó là vì cuộc khủng hoảng tên lửa Triều Tiên đã làm xói mòn khả năng tìm kiếm một lối thoát cho cuộc đàm phán bế tắc hiện nay, một mặt do chưa có sự tác động đủ lớn của Trung Quốc và Nga và mặt khác, quan trọng hơn, do bom nguyên tử và chương trình tên lửa đi kèm cho phép nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đủ sức bảo vệ vững chắc chế độ trước sự đe dọa của Hoa Kỳ.

Các tin khác