Cuộc đua tên lửa toàn cầu

(ĐTTCO) - LTS: Hệ thống tên lửa phòng không S-400 đang là cái tên được săn đón trên thị trường vũ khí thế giới, khi rất nhiều quốc gia mong muốn được sở hữu hệ thống tên lửa tối tân này.
BÀI 1: Sức mạnh đáng nể S-400
Những bản hợp đồng liên quan đến S-400 đã góp phần vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về cuộc chạy đua tên lửa nóng rực đang diễn ra trên toàn cầu. Các đơn đặt hàng S-400 đến với Nga dồn dập, không chỉ từ các đối tác truyền thống của Nga ở Balkan mà còn cả các đồng minh của Hoa Kỳ như Saudi Arabia, hay ở châu Á là Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á.
Khách hàng từ Âu sang Á
Hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời Đại sứ Qatar tại Nga Fahad bin Mohammed Al-Attiyah, ngày 25-1 vừa qua, cho biết Qatar đang đàm phán với Nga để mua hệ thống tên lửa phòng không S-400. Theo ông Attiyah, một thỏa thuận về hợp tác kỹ thuật quân sự giữa 2 nước được ký hồi tháng 10-2017, đã mở cánh cửa cho hợp tác hơn nữa giữa Nga và Qatar trong lĩnh vực quốc phòng. Việc hợp tác này bao gồm cung cấp vũ khí và các thiết bị quân sự, đào tạo sĩ quan và binh sĩ. Ngày 23-1, trong chuyến thăm Việt Nam, chặng dừng chân trong chuyến công du một số nước Đông Nam Á, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết: “Các nước Trung Đông và Đông Nam Á đang muốn mua S-400. Hiện các cuộc đàm phán đang được tiến hành”. 
 Việc Nga xuất khẩu hệ thống phòng S-400 ra nhiều nước nhắm tới nhiều mục đích. Thông qua các hợp đồng mới, phát triển công nghệ mới, nước Nga đã chuẩn bị rất kỹ cho tương lai của ngành xuất khẩu vũ khí khi chủ động trong cuộc chiến giành khách hàng, thị trường mới và tiềm năng, đem lại tăng trưởng cho nền kinh tế trong bối cảnh Hoa Kỳ và phương Tây thực hiện các biện pháp trừng phạt Nga.
Trước đó, ngày 18-1, TASS cũng dẫn nguồn tin trong Cơ quan hợp tác kỹ thuật quân sự của Nga, cho biết Nga đã bắt đầu chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Trung Quốc theo hợp đồng ký năm 2014. Bắc Kinh là khách hàng nước ngoài đầu tiên mua S-400, khách hàng nước ngoài thứ 2 là Thổ Nhĩ Kỳ. Nga sẽ bắt đầu chuyển giao S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 3-2020. Ngoài ra, Nga cũng đã ký thỏa thuận bán hệ thống S-400 cho Ấn Độ và Saudi Arabia. 
S-400 là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa và trung, có thể tiêu diệt các phương tiện do thám và tấn công bằng đường không như các loại máy bay, kể cả máy bay tàng hình và mọi mục tiêu trên không khác trong điều kiện hỏa lực, cũng như thiết bị gây nhiễu điện tử của đối phương hoạt động mạnh.
Ông Viktor Bondarev, phụ trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) cho hay Syria, Iraq, Sudan và Ai Cập cũng là những ứng viên tiềm năng có thể đặt mua S-400. “Các quốc gia này đang tìm cách sở hữu hệ thống tên lửa phòng không hoàn hảo này, bởi họ đang cảm thấy mối đe dọa với an ninh từ phía các tổ chức khủng bố” - ông Bondarev nói. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Nga nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng nhận thấy mối đe dọa trong quan hệ của nước này với ban lãnh đạo NATO, nên đã dành ưu tiên củng cố khả năng quốc phòng. Ông Bondarev nhận định các tổ hợp tên lửa hiện đại này là đỉnh cao độc đáo và nhu cầu đối với loại trạng bị này của Nga chắc chắn sẽ còn tăng cao.

Vũ khí thay đổi quy tắc trò chơi
Tạp chí National Interest của Hoa Kỳ đánh giá hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga là loại vũ khí làm thay đổi quy tắc trò chơi. Theo tạp chí này, S-400 vượt trội hơn những mẫu tương tự của phương Tây về nhiều tham số.
Thứ nhất, mẫu vũ khí Nga có thể phóng cùng lúc nhiều tên lửa có điều khiển với tầm xa khác nhau. Cụ thể có 4 tên lửa như vậy với tầm bay xa lần lượt đạt 40, 120, 250 và 400km. Trong khi đó, hệ thống tên lửa Patriot của Hoa Kỳ chỉ có khả năng phóng tên lửa với tầm bay 96km.
Thứ hai, National Interest lưu ý đến một tính năng vượt trội nữa của 1 trong những tên lửa phòng không (9M96E2 với tầm bay xa 120km) mà S-400 có thể phóng ra. Loại tên lửa này không chỉ bay với vận tốc 5km/giây, mà còn có khả năng triệt hạ các mục tiêu đang bay ở độ cao 5m so với mặt đất.
Cuộc đua tên lửa toàn cầu ảnh 1 Các bệ phóng của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400.  
Tạp chí của Hoa Kỳ dẫn đánh giá của chuyên gia quân sự hàng đầu Australia Carlo Kopp, cho rằng S-400 có thể trang bị radar đặc biệt được thiết kế để tiêu diệt máy bay hiện đại ở tầng thấp như F-22 và F-35. National Interest nhấn mạnh, S-400 tạo điều kiện cho Nga đạt lợi thế so với Hoa Kỳ và các nước NATO khi sở hữu dàn chiến đấu cơ không lớn.
Các chuyên gia cũng lưu ý rằng tên lửa phòng không của Nga là mối đe dọa hiện thực với các tổ hợp dò tìm và giám sát vô tuyến trên không của Hoa Kỳ và một số nước NATO khác. Cụ thể, National Interest nhắc đến chiếc máy bay với radar phát hiện tầm xa Boeing E-3 Sentry của Hoa Kỳ, hóa ra đang sơ hở trước S-400 của Nga. Chuyên gia phân tích quân sự Nga Viktor Baranets lưu ý rằng S-400 của Nga hiện là loại vũ khí độc đáo bởi hiệu suất chiến thuật và kỹ thuật của nó không hề có thứ tương tự trên thế giới. 

Đối phó với biện pháp trừng phạt
Phát biểu trước Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu hồi cuối tháng 10 năm ngoái, Ngoại trưởng Nga Sergei Larvov tuyên bố những biện pháp trừng phạt Hoa Ký áp dụng với Nga chính là để đẩy Mátxcơva ra khỏi thị trường năng lượng và vũ khí của châu Âu. Theo ông Lavrov, dưới cái cớ chống lại mối đe dọa Nga, Washington muốn “vá víu” lại quan hệ xuyên Đại Tây Dương, không chỉ buộc châu Âu phải tăng chi phí cho quốc phòng mà còn thúc đẩy vị thế kinh tế và năng lượng của Hoa Kỳ tại châu Âu, đẩy bật các dự án chung giữa Nga và châu Âu, hất cẳng Nga ra khỏi thị trường vũ khí.
Ông Lavrov khẳng định, đến nay cả Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) đều chưa hề đưa ra một bằng chứng nào cho thấy Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ và châu Âu. Do đó những cáo buộc này là vô căn cứ và là sản phẩm của trí tưởng tượng, tạo cảm giác rằng bất kỳ một hiện tượng tiêu cực nào tại EU, từ một cuộc phản đối cho đến một công ty phá sản, đều có thể đổ lỗi cho Nga.
Theo một thống kê, số tiền bán vũ khí của Nga trong năm 2017 đạt gần 15 tỷ USD. Năm 2016, Nga duy trì vị trí nước xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới về công nghệ quốc phòng, chiếm 23% thị phần, chỉ đứng sau Hoa Kỳ (33%). Kể từ năm 2010, nguồn cung các khí tài quân sự của Nga đã tăng lên rõ rệt vì hai lý do chính.
Trước tiên, kể từ năm 2009, Nga đã đưa ra một chương trình tái vũ trang đầy tham vọng. Đến năm 2016, Nga đã phân bổ 4,6% GDP, giúp làm tăng khả năng xuất khẩu trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Mặt khác, các thị trường quốc phòng đã phát triển một cách hoàn toàn đặc biệt tại châu Á và khu vực Trung Đông, nơi mà Nga có các khách hàng truyền thống.
Một trong những thế mạnh làm nên thành công trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng Nga là do cách quản lý tổ chức thực hiện tập trung. Trong lĩnh vực này, các công ty như Tập đoàn công nghệ quốc gia Nga Rostec và Công ty Rosoboronexport được giao trách nhiệm độc quyền xuất khẩu các loại khí tài của Nga.
Các công ty Nga đã xuất khẩu những sản phẩm mà cả thế giới phải công nhận và đánh giá cao. Đỉnh điểm trong năm 2015, Nga đã bán cho các khách hàng một lượng lớn khí tài quân sự, chiếm 46% tổng số lượng xuất khẩu của thế giới, hệ thống phòng không chiếm 22%, các hệ thống hải quân chiếm 10%... Trong số đó có các loại như máy bay chiến đấu MiG và Sukhoi, hệ thống tên lửa S-300 và S-400 hoặc xe tăng T-90. Đây là các thiết bị đã được thế giới công nhận và có tầm uy tín quốc tế.

Các tin khác