Cuộc đua hạt nhân mới (Kỳ 1)

2 siêu cường tái xuất (ĐTTCO) - Trong thế chiến thứ 2, Hoa Kỳ đã phát triển thành công vũ khí hạt nhân và đã dùng nó để hủy diệt 2 thành phố của Nhật Bản. Trước sức mạnh quân sự của loại vũ khí này, Liên Xô cũng bắt tay nghiên cứu và sau đó là Pháp, Anh, Trung Quốc. Thế giới rơi vào cuộc chạy đua đầy nguy hiểm có thể đẩy nhân loại đến bờ vực diệt vong. Rất may mắn cuộc đua đã được dừng lại kịp thời bằng Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 1968. Tuy nhiên, nguy cơ tái chạy đua hạt nhân đang hiển hiện.

 2 siêu cường tái xuất

(ĐTTCO) - Trong thế chiến thứ 2, Hoa Kỳ đã phát triển thành công vũ khí hạt nhân và đã dùng nó để hủy diệt 2 thành phố của Nhật Bản. Trước sức mạnh quân sự của loại vũ khí này, Liên Xô cũng bắt tay nghiên cứu và sau đó là Pháp, Anh, Trung Quốc. Thế giới rơi vào cuộc chạy đua đầy nguy hiểm có thể đẩy nhân loại đến bờ vực diệt vong. Rất may mắn cuộc đua đã được dừng lại kịp thời bằng Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 1968. Tuy nhiên, nguy cơ tái chạy đua hạt nhân đang hiển hiện.

Thời điểm NPT được ký kết, kho vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ và Liên Xô (Nga) lên đến hàng chục ngàn đầu đạn. Hiện nay, 2 nước này đang sở hữu hơn 1.500 đầu đạn chiến lược, chiếm tới 90% kho vũ khí hạt nhân toàn cầu. Gần đây 2 nước này còn có ý định nâng cấp kho vũ khí hạt nhân của mình.

Ngư lôi hủy diệt

Tháng 11-2015, các phương tiện truyền thông nhà nước Nga đã "vô tình" tiết lộ kế hoạch về một ngư lôi hạt nhân mới. Đúng ra nên gọi nó là một loại “tàu ngầm không người lái”, vì được thiết kế để “bơi” 6.000 dặm - đủ xuyên qua lòng đại dương giống như tên lửa tầm xa bay trong không khí.

Các cấp độ hủy diệt trong kho vũ khí của Hoa Kỳ và Nga đang vượt xa bất cứ điều gì cần thiết để răn đe. Tại sao không thừa nhận rằng vũ khí hạt nhân là quá khủng khiếp. Và nó sẽ là một thảm họa nhân đạo ngay cả khi chỉ ném một quả bom duy nhất.

Chuyên viên phân tích Jeffrey Lewis

Nó có thể kích nổ 1 đầu đạn lớn, 1 quả bom hydro có sức công phá bằng 1 triệu tấn TNT hay hơn, sẽ tạo ra một cơn sóng thần phóng xạ. Mục đích, theo truyền hình Nga, để tàn phá các thành phần quan trọng của nền kinh tế đối thủ tại một khu vực ven biển và gây thiệt hại không thể đo lường đến lãnh thổ của một quốc gia, bằng cách tạo ra các khu vực nhiễm phóng xạ rộng lớn, khiến các nơi này trở thành vùng đất chết, không thể thực hiện các hoạt động quân sự, kinh tế trong một thời gian dài.

Mới đây nhất, ngày 25-10, Kremlin giới thiệu loại tên lửa hạt nhân mới nhất có tên Satan 2. Tên lửa này thực sự có sức mạnh hủy diệt của quỷ Satan, có thể quét sạch một diện tích rộng gấp đôi nước Anh. Các chuyên gia cho biết Satan 2 sẽ khiến những quả bom hạt nhân từng thả xuống Hiroshima và Nagasaki chỉ như đồ chơi trẻ con.

Trong những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, Tổng thống Hoa Kỳ Douglas MacArthur đã có ý định thả hàng chục quả bom bức xạ xuống biên giới Hàn Quốc để tạo ra một rào cản độc hại, hòng ngăn cản bước tiến của quân đội Trung Quốc. Sau đó 20 năm, các nhà khoa học hạt nhân Hoa Kỳ thiết kế một quả bom neutron có sức nổ bức xạ dữ dội để tăng số lượng người thiệt mạng nhưng giảm bớt số lượng các tòa nhà bị phá hủy. Các loại vũ khí trên đều bị Hoa Kỳ hủy bỏ và chưa từng được chế tạo. Tuy nhiên, những năm gần đây, loại vũ khí nguy hiểm đối với loài người này đang có nguy cơ trở lại trong thực tế. Chính là thứ vũ khí như của Nga tiết lộ. Đặc biệt, bom H bẩn mới của Nga là động thái mới nhất trong cuộc chạy đua vũ trang mới có thể khiến Nga và Hoa Kỳ trở lại bờ vực hạt nhân.

Cuộc đua hạt nhân mới (Kỳ 1) ảnh 1

Tên lửa hạt nhân Satan 2 vừa được Nga giới thiệu.

1.000 tỷ USD

Người Nga đang xây mới kho vũ khí hạt nhân tên lửa, máy bay ném bom và tàu ngầm để thay thế những vũ khí đã chế tạo vào những năm 1980 và nay đã sắp hết hạn sử dụng. Họ cho rằng phải hiện đại hóa kho vũ khí và tăng cường vai trò của vũ khí hạt nhân để đối phó với tên lửa đánh chặn của Hoa Kỳ được triển khai ở châu Âu. Những điều này có thể "trung hòa" răn đe hạt nhân đối với Nga, không cho phép Hoa Kỳ và NATO thống trị Nga, Moscow cho biết.

Trong khi đó, Hoa Kỳ cũng đang tái vũ trang. Chính quyền Obama lên kế hoạch dành hơn 1.000 tỷ USD trong 30 năm tới để chế tạo thế hệ mới bom hạt nhân, máy bay ném bom, tên lửa và tàu ngầm, thay thế những khí tài chế tạo từ thời Tổng thống Reagan.

Đầu tiên, Hoa Kỳ sẽ triển khai gần 200 quả bom hạt nhân mới ở châu Âu. Những quả bom này có độ chính xác cao hơn, có thể được sử dụng nhiều hơn trong các trận chiến. Bên cạnh đó, Hải quân Hoa Kỳ đang phát triển 12 tàu ngầm mới để kiểm soát các đại dương trên thế giới, mang theo hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân trên những tên lửa có thể bắn trúng bất kỳ vị trí nào trên trái đất. Không quân Hoa Kỳ cũng phát triển một máy bay ném bom chiến lược mới và 1.000 tên lửa hành trình, cộng với gần 650 tên lửa đạn đạo liên lục địa mới. Nếu tính từng loại, không loại nào mang đầu đạn lớn cỡ ngư lôi hạt nhân mới của Nga, nhưng gộp chung lại chúng có thể gây ra chết chóc và hủy diệt trên quy mô lớn. Các hệ thống này có thể mang bom hydro - loại vũ khí mạnh hơn 10, 20, thậm chí 30 lần so với những quả bom nguyên tử đã tàn phá Hiroshima và Nagasaki.

Cuộc chạy đua vũ trang mới này sẽ cực kỳ tốn kém, ngay cả một nước giàu có như Hoa Kỳ cũng cảm thấy khó khăn. Kiểm soát viên Lầu Năm góc Michael McCord cho biết: “Chi phí cho các vũ khí hạt nhân mới là vấn đề khá nan giải đối với ngân sách quốc phòng”. Thí dụ, khi tàu ngầm hạt nhân mới của Hải quân đi vào sản xuất, nó sẽ nuốt gần một nửa ngân sách đóng tàu hàng năm của Hải quân Hoa Kỳ. Những vũ khí hạt nhân đe dọa sẽ hút hết khoản tiền cần thiết cho các loại vũ khí thông thường thực sự được sử dụng bởi quân đội trong chiến đấu, thí dụ tại cuộc chiến chống lại IS. Trong cuốn sách mới "Hành trình bờ vực hạt nhân của tôi", cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ William Perry cảnh báo: “Trái ngược với việc giải trừ vũ khí hạt nhân đã được tiến hành trong 2 thập niên qua, chúng tôi đang bắt đầu cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới”.

Vậy trước nguy cơ 2 cường quốc hạt nhân Nga và Hoa Kỳ đang lao vào cuộc đua chế tạo vũ khí hạt nhân thế hệ mới, thế giới phải làm gì? Chắc chắn sẽ có ai đó kêu gọi một chương trình sản xuất vũ khí hàng loạt khổng lồ để chống lại các loại vũ khí hủy diệt này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Perry cho rằng phải đấu tranh để cấm các loại vũ khí "cực kỳ nguy hiểm" như các loại vũ khí như ngư lôi Nga. Theo đó, thế giới cần nỗ lực hơn trong việc cấm phát triển những loại vũ khí vô nhân đạo này. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã kêu gọi một lệnh cấm tất cả loại vũ khí hạt nhân tại Liên hiệp quốc vào tháng 9-2015, nói rằng chúng "đe dọa hủy diệt lẫn nhau", là "một sự sỉ nhục đối với toàn bộ định hướng của Liên hiệp quốc".

(Còn tiếp)

Các tin khác