cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung" Ai tổn thương?

(ĐTTCO) - Căng thẳng quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại tiếp tục lên một nấc thang mới sau khi cuối tuần qua, chính phủ Hoa Kỳ đã khiếu nại Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Từ nhôm, thép đến rượu, thịt và sở hữu trí tuệ
Đây cũng là một phần trong gói các biện pháp siết chặt thương mại được Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công bố trước đó với cáo buộc Trung Quốc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trước đó, hôm 22-3, Tổng thống Trump đã ký quyết định áp gói thuế quan trị giá tới 60 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời hạn chế các hoạt động đầu tư của quốc gia này vào Hoa Kỳ. 
Bắc Kinh ngay lập tức đã lên tiếng phản đối, khẳng định sẽ "đáp trả đến cùng" nếu Washington "khăng khăng muốn đối đầu". Đồng thời, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo sẽ tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng giấy ảnh nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ và Nhật Bản với lý do các sản phẩm này gây thiệt hại cho ngành công nghiệp sản xuất giấy ảnh trong nước.
Theo đó, mức thuế chống bán phá giá sẽ từ 23,5-28,8%, tương đương mức thuế năm 2012 và 2016. Biện pháp chống bán phá giá này có thời hạn 5 năm, kể từ từ ngày 23-3. Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cho biết đang xem xét áp mức thuế cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ với tổng trị giá khoảng 3 tỷ USD để "bù đắp" khoản thiệt hại do Washington tăng thuế nhập khẩu sản phẩm thép và nhôm của Bắc Kinh. Biện pháp mới này của Trung Quốc sẽ nhằm vào 128 nhóm hàng nhập khẩu nhập khẩu của Hoa Kỳ, từ thịt heo đến hoa quả và các loại rượu. 
Theo đó, Bộ Thương mại Trung Quốc cảnh báo lộ trình tăng thuế sẽ qua 2 giai đoạn, giai đoạn đầu tiên áp mức thuế 15% đối với hoa quả tươi, các loại hạt, rượu và ống thép đúc nếu 2 bên không đạt được một thỏa thuận về thương mại trong khung thời gian đã định. Ở giai đoạn 2, mức thuế 25% sẽ được áp đặt với nhóm hàng hóa gồm thịt heo, nhôm miếng sau khi đánh giá thêm về thiệt hại của các biện pháp Hoa Kỳ áp đặt đối với Trung Quốc. Mặc dù vậy, danh sách trên không có đậu nành, bởi nếu có mặt hàng này, đây sẽ là đòn mạnh giáng vào các nông dân Hoa Kỳ, vốn xuất khẩu 1/3 sản lượng thu hoạch sang Trung Quốc với trị giá lên tới 14 tỷ USD trong năm 2017.
cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung" Ai tổn thương? ảnh 1 Cảng biển nước sâu Dương Sơn ở Thượng Hải. 
Nước Mỹ trước tiên, nước Mỹ đơn độc
Trên thực tế, việc ông Donald Trump cao giọng tăng thuế lần này chẳng khác nào đối đầu với toàn thế giới. 10 quốc gia Hoa Kỳ nhập khẩu thép nhiều nhất lần lượt là Canada, Brazil, Hàn Quốc, Mexico, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Đức… trong khi đó Trung Quốc chỉ đứng thứ 11. Tuy là nước sản xuất thép lớn nhất thế giới, nhưng Trung Quốc chỉ chiếm không đến 2% thép nhập khẩu của Hoa Kỳ. Về nhập khẩu nhôm, Trung Quốc cũng là nước sản xuất nhôm lớn nhất thế giới, nhưng do nhu cầu trong nước rất lớn, nên Trung Quốc chỉ bán 10% sản phẩm nhôm ra nước ngoài. Canada mới là nước xuất khẩu nhôm lớn nhất sang Hoa Kỳ.
Theo các chuyên gia, chính sách thuế của Tổng thống Trump có thể thành công theo nghĩa hẹp nhất của việc khắc phục một số hậu quả do Trung Quốc gây ra trong ngắn hạn. Nếu xảy ra cuộc chiến thương mại, các nước láng giềng và đồng minh của Hoa Kỳ là bên bị tổn thất nhiều nhất. Sau khi Donald Trump đưa ra chính sách tăng thuế, những nước ngay lập tức có phản ứng mạnh mẽ chính là các đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ bị tổn thất lớn nhất như Canada, Đức, Nhật Bản…
Vì thiếu phối hợp khiến Ủy ban châu Âu mở rộng trả đũa đối với hàng hóa của Hoa Kỳ lên quần jeans và quả việt quất, còn Ngoại trưởng Hàn Quốc ám chỉ đến một quan điểm ít hợp tác hơn về giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân của Triều Tiên. Chính quyền của ông Trump cuối cùng đã nhận ra áp lực này và chấp nhận miễn thuế thêm một số đối tác thương mại khác. 
Ngày 22-3, giới chức EU đã hoan nghênh một cách thận trọng quyết định của Washington trao cho khối này quy chế "vào phút chót" miễn áp mức mới đối với mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu. Theo Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh tạm hoãn việc áp dụng khoản thuế nhập khẩu mới này đối với một số đối tác trong khi tiến hành thảo luận để tìm kiếm một giải pháp dài hạn hơn.
Bên cạnh EU, 6 nước được tạm thời được miễn trừ bao gồm Argentina, Australia, Brazil, Canada, Mexico và Hàn Quốc. Nhưng nước đồng minh then chốt nhất của Hoa Kỳ là Nhật Bản vẫn nằm trong danh sách mục tiêu. Đây không phải là lần đầu tiên Hoa Kỳ gây sức ép thương mại với các nước đồng minh, trước đó trong chuyến thăm Nhật Bản năm 2017, ông Donald Trump đã trực tiếp phê phán sự không công bằng trong thương mại Trung-Nhật đối với Hoa Kỳ. 

Nay đã khác xưa
Theo báo cáo do Hiệp hội sắt thép Hoa Kỳ (AISI) đưa ra năm 2017, số công nhân ngành thép Hoa Kỳ trực tiếp thuê hiện nay vào khoảng 140.000 người, ngành này đã hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp gần 1 triệu việc làm tại Hoa Kỳ. Tuy việc tăng thuế có thể nâng cao giá thép, làm ngành thép được hưởng lợi, nhưng mặt khác giá cả tăng sẽ làm cho nguyên liệu của thép sẽ trở nên đắt đỏ hơn, làm suy yếu khả năng cạnh tranh toàn cầu của hàng hóa Hoa Kỳ. Hơn nữa việc này có thể làm cho ngành sản xuất của Hoa Kỳ bị chuyển dịch ra nước ngoài, từ đó khiến công nhân viên trong các ngành nghề liên quan đến thép thất nghiệp.
Hoa Kỳ được coi là nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm tài chính 2017 đạt 140,5 tỷ USD, cao nhất trong lịch sử. Xuất siêu thương mại đạt 21,3 tỷ USD. Nếu các nước khác lựa chọn biện pháp thương mại để tiến hành đáp trả, ngành nông nghiệp Hoa Kỳ sẽ đứng mũi chịu sào. Thí dụ như trong tranh chấp thương mại xe tải Mexico từ năm 1995-2001, sự trừng phạt thuế của Hoa Kỳ làm Mexico trả đũa thu thuế 10-20% đối với hơn 10 loại nông sản của Hoa Kỳ. 
Trong chính trị thương mại của Hoa Kỳ, tập đoàn lợi ích nông nghiệp với các đại diện là Hiệp hội Nông nghiệp Hoa Kỳ, Hội liên hiệp các chủ trang trại quốc gia, Tổ chức các chủ nông sản quốc gia… đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong quyết sách thương mại của Hoa Kỳ. Lịch sử cũng chứng minh, nếu Nhà Trắng xử lý không tốt quan hệ với tập đoàn lợi ích nông nghiệp, nhẹ thì sẽ ảnh hưởng đến sự thúc đẩy chính sách, nặng thì đe dọa đến bầu cử nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo. 
Chưa kể lần này, thái độ tự tin về thương mại Trung Quốc-Hoa Kỳ của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cho thấy Trung Quốc có định hướng chiến lược đầy đủ đối với thế tấn công thương mại của Hoa Kỳ. Không giống với các đối tác thương mại khác như Canada, Mexico, địa vị của Trung Quốc trên cộng đồng quốc tế đã khác so với trước kia. Số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy kim ngạch thương mại Trung Quốc-Hoa Kỳ tăng từ 2,5 tỷ USD năm 1979 lên 519,6 tỷ USD năm 2016 (tăng gần 208 lần trong 37 năm), trở thành sự giải thích tốt nhất cho xu hướng quan hệ kinh tế thương mại song phương. Có thể nói, hành động này của ông Trump không phải là trực tiếp đứng trên phương diện đối lập với Trung Quốc trên vũ đài thương mại tự do, mà là đang chống lại toàn thế giới. Điều không thể phủ nhận là hành động này của ông Trump đã làm rối loạn thị trường thép và nhôm trên toàn thế giới, tinh thần hoang mang trong thương mại toàn cầu bắt đầu xuất hiện tràn lan. Và các nhà phân tích khẳng định bên tổn thương nhất trong cuộc chiến nếu xảy ra không phải là Trung Quốc. 
 Hoa Kỳ là quốc gia thường sử dụng cuộc chiến thương mại trên thế giới. Từ cuộc chiến thương mại trong thời kỳ Đại suy thoái đến cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ-Nhật vào thế kỷ 20, có thể nói Hoa Kỳ đã tích lũy được kinh nghiệm phong phú và sự tự tin trong các cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, thời đại Hoa Kỳ chỉ dựa vào cuộc chiến thương mại để thu được lợi ích từ toàn thế giới đã qua, việc phát động cuộc chiến thương mại không có những tính toán cẩn thận có lẽ còn phải đối diện với rủi ro “gậy ông đập lưng ông”. Bên đứng mũi chịu sào trong cuộc chiến thương mại lần này có thể là ngành thép của Hoa Kỳ. 

Các tin khác