Công nghiệp vũ khí toàn cầu-Kinh doanh hốt bạc (P2)

Chạy đua công nghệ

Chạy đua công nghệ

Trước tiềm năng và nguồn lợi to lớn của ngành công nghiệp vũ khí, cũng như tầm quan trọng của nó trong việc bảo vệ và tranh giành quyền lợi quốc gia, các công ty, chính phủ đua nhau tung ra những loại vũ khí tối tân nhất.

> Công nghiệp vũ khí toàn cầu-Ngành kinh doanh hốt bạc (P1)

Cuộc đua trên không

Trong các cuộc chiến tranh hiện đại, chiến đấu cơ luôn là lực lượng mang tính quyết định. Vì vậy, đây là một phân khúc luôn mang lại những hợp đồng béo bở cho các nhà sản xuất vũ khí, đặc biệt với những loại chiến đấu cơ hiện đại.

Theo xếp hạng của đa số các tổ chức nghiên cứu vũ trang, dòng chiến đấu cơ hiện đại nhất cho đến nay là những chiếc F-22 do Công ty Lockheed Martin (Hoa Kỳ) chế tạo. Đây cũng là dòng chiến đấu cơ đắt nhất hiện nay.

Theo tính toán của Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Hoa Kỳ đưa ra năm 2006, giá trị mỗi chiếc F-22 khoảng 361 triệu USD nếu tính cả chi phí phát triển. Lockheed Martin là nhà thầu chính và chịu trách nhiệm chính về khung, các hệ thống vũ khí và lắp ráp hoàn thành chiếc F-22. Boeing cung cấp cánh, khung đuôi và các hệ thống điện tử tích hợp.

Tính đến năm 2006, Lockheed Martin bán được tổng cộng 183 chiếc F-22 cho Lầu Năm góc. Đến tháng 7-2007, công ty này nhận được đơn đặt hàng thêm 60 chiếc trị giá 7,3 tỷ USD. Cho đến nay, F-22 vẫn bị cấm bán ra nước ngoài. Tuy nhiên, Hoa Kỳ có phiên bản “phổ thông” của F-22 là F-35, tích hợp đa số các ưu điểm của F-22 nhưng có giá thành rẻ hơn và được bán ra nước ngoài.

Nhằm bắt kịp công nghệ không quân của Hoa Kỳ, Nga và Ấn Độ đã hợp tác để phát triển chiếc Sukhoi PAK FA T-50, loại chiến đấu cơ tích hợp kỹ thuật từ cả Su-47 và MiG 1.44, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2015. Có một số xếp hạng để T-50 ở vị trí chiến đấu cơ hiện đại nhất, điều này cho thấy sự kỳ vọng đối với loại chiến đấu cơ này. Tuy nhiên, cho đến nay chỉ có F-22 mới đáp ứng đầy đủ các điều kiện để xếp vào thế hệ chiến đấu cơ thứ 5.

Nga cũng rất ít khi so sánh T-50 với F-35 mà chỉ cạnh tranh với F-22, nhưng giới quan sát tin rằng F-35 mới là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của T-50, vì cả 2 loại chiến đấu cơ này đều được phép xuất khẩu, Nga hy vọng T-50 sẽ chiếm 1/33 thị trường chiến đấu cơ thế hệ thứ 5.

Tuy nhiên, so với F-35, T-50 vẫn thua nhiều mục: T-50 cần đường băng 300m để cất cánh, nhưng F-35 có thể cất cánh gần như thẳng đứng; khả năng tàng hình của T-50 không được hoàn hảo như F-35; T-50 kém hơn F-35 trong các tình huống giao tranh với mặt đất, dù trội hơn một ít trong không đối không; T-50 có tốc độ tối đa cao hơn F-35, nhưng bị hạn chế lớn trong việc khai hỏa tên lửa và bom thông minh khi đang bay với vận tốc qua ngưỡng âm thanh; hiện T-50 mới chỉ bắt đầu giai đoạn thử nghiệm thứ 2, trong khi Hoa Kỳ đã có một trường đào tạo phi công cho cả 3 phiên bản của F-35...

Tàu sân bay

Hiện nay, tàu sân bay là khao khát của nhiều nước trong bối cảnh những tranh chấp về lãnh hải ngày một gay gắt hơn. Trong lĩnh vực tàu sân bay hiện đại, dù nhiều nước cũng đang chạy đua sản xuất, nhưng Hoa Kỳ là nước vượt trội nhất, với 11 tàu sân bay đang hoạt động, hơn tất cả các nước khác cộng lại.

Dòng tàu sân bay được đánh giá cao nhất hiện nay là tàu hạt nhân lớp Nimitz của Hoa Kỳ, do Công ty Newport News Shipbuilding Company ở Virginia chế tạo.

Hiện nước này có tới 10 chiếc tàu sân bay lớp Nimitz, trong đó những chiếc đáng kể như George H.W. Bush trị giá 6,2 tỷ USD với boong tàu có thể chứa 90 máy bay và trực thăng chiến đấu; USS George Washington dài 332m, nặng 97.000 tấn, có sức chứa hơn 5.500 người, 70 máy bay và trực thăng, được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân cho phép tàu hoạt động trong 18 năm không cần tiếp tế nhiên liệu; USS Ronald Reagan có thể chạy liên tục trong suốt 20 năm mới phải nạp năng lượng; USS Theodore Roosevelt (ảnh) rộng 1,8ha, trọng tải 88.000 tấn, chở gần 5.000 thủy thủ, được trang bị 90 trực thăng và máy bay chiến đấu...

Xếp sau Hoa Kỳ về số tàu sân bay là Anh và Italia, những nước có 2 tàu sân bay đang hoạt động. Nhưng trong tương lai, Anh sẽ vượt lên vì nước này hiện đang đóng thêm 2 tàu sân bay khác. Trong các nước đang phát triển, Ấn Độ là nước có tiềm năng lớn nhất về lực lượng tàu sân bay, với 1 chiếc đang hoạt động và 2 chiếc đang đóng.

Xe tăng - cuộc chiến trên bộ

Chiếc xe tăng được đánh giá cao nhất hiện nay thuộc về Đức, với dòng xe Leopard 2, ra đời từ những năm 80 của thế kỷ trước. Tính đến nay, Leopard 2 là loại xe tăng duy nhất trên thế giới có khả năng tham gia đầy đủ một cuộc chiến tranh hóa học. Leopard 2 A7+ là phiên bản mới nhất của dòng tăng này, được phát triển bởi Krauss-Maffei Wegmann và Rheinmetall.

Chi phí phát triển của dòng xe tăng này vào khoảng 5,74 triệu USD/chiếc. Dòng tăng này được đánh giá cao nhờ tính linh động do có động cơ vượt trội diezel 4 kỳ công suất 1.500 mã lực MV-873. Đối thủ nặng ký của Leopard 2 trong danh sách các dòng xe tăng được ưa chuộng nhất là T-90 của Nga. Dù vậy, đa số các bảng xếp hạng xe tăng do các tổ chức nghiên cứu phương Tây đều không có T-90 ở vị trí top 3.

Thay vào đó là các dòng tăng Challenger 2 của Anh và Merkava Mk 4 của Israel hoặc M1A2 Abrams của Hoa Kỳ. Về hỏa lực và khả năng bảo vệ (thiết giáp), T-90 được đánh giá rất cao. Tuy nhiên, tính linh động của T-90 không chỉ thua kém nhiều so với Leopard 2 mà còn ngay cả đối với “người anh em” T-80U.

Chính điều này đã khiến T-90 mất điểm và có lẽ đây cũng là lý do khiến Bộ Quốc phòng Nga cho đến nay vẫn còn nghi ngại khi trang bị đại trà T-90.

Vào tháng 7-2011, tờ Der Spiegel của Đức đưa tin Berlin đã phê chuẩn thương vụ bán 200 xe tăng Leopard 2A7+ cho Saudi Arab, mang về hợp đồng hàng tỷ EUR cho 2 Công ty Kraus-Maffei và Rheinmetall.

(Còn tiếp)

Các tin khác