CN vũ khí toàn cầu-ngành kinh doanh hốt bạc (P3)

Doanh thu khổng lồ

Doanh thu khổng lồ

Gia tăng chi tiêu quân sự, chạy đua vũ khí tối tân đã mang đến doanh thu khổng lồ cho những tập đoàn buôn bán vũ khí, những kẻ được mệnh danh “lái buôn thần chết”.

Nhộn nhịp mua bán

Quốc gia xuất khẩu vũ khí nhiều nhất hành tinh không ai khác hơn là cường quốc quân sự Hoa Kỳ. Tính theo thang giá trị SIPRI Trend Indicator Value lấy thời giá 1990 làm chuẩn, năm 2008 Hoa Kỳ thu được 6,46 tỷ USD từ việc xuất khẩu vũ khí.

Doanh thu buôn bán vũ khí không ngừng tăng lên bất chấp xảy ra các cuộc khủng hoảng tài chính hay suy thoái kinh tế toàn cầu và đạt 10 tỷ USD vào năm ngoái.

Tính chung giai đoạn 2008-2011, kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Hoa Kỳ lên tới 31,21 tỷ USD, chiếm 30% tổng xuất khẩu vũ khí trên thế giới. Đối thủ Nga về nhì với 25 tỷ USD, chiếm 24%. Cách khá xa, xếp ở vị trí thứ 3 là Đức với 8,56 tỷ USD, kế đó là Pháp 4,3 tỷ USD, Trung Quốc 4,3 tỷ USD, Anh 4,2 tỷ USD.

Nếu xét theo tốc độ tăng trưởng %, Trung Quốc nổi lên như một hiện tượng khi xuất khẩu nhảy vọt từ 593 triệu USD năm 2008 lên 1,01 tỷ USD năm 2009 và bắt đầu nhỉnh hơn Anh vào năm 2010 với 1,33 tỷ USD.

Về khách hàng nhập khẩu vũ khí giai đoạn năm 2008-2011, các quốc gia châu Á chi tiêu mạnh tay nhất. Ấn Độ đứng đầu với 10,4 tỷ USD, thứ nhì là Pakistan 6,3 tỷ USD, phần nào biểu hiện mối quan hệ nhiều gút mắc giữa 2 quốc gia láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân.

Các nước Đông Á gồm Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản xếp thứ 3, 5 và 20 với giá trị nhập khẩu lần lượt là 5,3 tỷ USD, 4,56 tỷ USD và 1,66 tỷ USD. Trong khối ASEAN, Singapore nhập khẩu vũ khí nhiều nhất, với kim ngạch nhập khẩu 4,7 tỷ USD, Malaysia đứng nhì với 2,5 tỷ USD và thứ 3 là Việt Nam với 1,38 tỷ USD.

Hoa Kỳ tuy là nước xuất khẩu số 1 nhưng đồng thời họ cũng nhập khẩu không ít, xếp thứ 8 với 3,65 tỷ USD.

Điểm mặt các “đại gia”

Các tập đoàn quốc phòng của Hoa Kỳ chiếm ưu thế trên thị trường. Trong 3 năm 2009-2011, Hoa Kỳ đã gia tăng bán vũ khí sang các nước như Australia gần 3 tỷ USD, Hàn Quốc 2,8 tỷ USD, Singapore 2,15 tỷ USD, Pakistan 1,8 tỷ USD, Các tiểu vương quốc A rập thống nhất 1,5 tỷ USD, Iraq 1,2 tỷ USD, Hy Lạp 1,09 tỷ USD, Afghanistan 1,06 tỷ USD.

Chạy đua vũ khí tấn công - phòng thủ, vòng lẩn quẩn mang lại tiền bạc cho các “lái buôn thần chết”.

Chạy đua vũ khí tấn công - phòng thủ, vòng lẩn quẩn
mang lại tiền bạc cho các “lái buôn thần chết”.

Những “chiến binh” dũng mãnh nhất của Hoa Kỳ tung ra tấn công, giành giật thị trường vũ khí toàn cầu bao gồm các loại chiến đấu cơ (mang về 15,8 tỷ USD), tên lửa (3,43 tỷ USD), xe bọc thép (2,94 tỷ USD)… Trong 3 tập đoàn quốc phòng lớn nhất thế giới, có 2 là của Hoa Kỳ gồm Lockheed Martin, Boeing và 1 của Anh là BAE Systems.

Boeing từng chiếm ngôi đầu bảng với doanh số 30,48 tỷ USD năm 2007 nhưng đến năm 2008 bị BAE System và Lockheed Martin vượt qua. Năm 2008 đánh dấu thành công lớn của BAE Systems khi họ soán ngôi Boeing để trở thành nhà phát triển vũ khí số một thế giới với doanh số bán vũ khí lên tới 32,42 tỷ USD.

Tuy nhiên, năm 2009 Lockheed Martin bằng doanh số 33,43 tỷ USD đã hạ bệ BAE Systems, giành lại ngôi vị số 1 cho các tập đoàn Hoa Kỳ.

Mặc dù BAE Systems được ca ngợi là công ty phi Hoa Kỳ đầu tiên đạt được vị trí dẫn đầu, nhưng thực ra thành công của họ có yếu tố Hoa Kỳ. Trong số các hợp đồng BAE đã giành được có hợp đồng béo bở ký kết với Lầu Năm Góc cung cấp các xe bọc thép chống mìn sử dụng tại 2 cuộc chiến lớn Iraq và Afghanistan.

Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm cho biết riêng chi nhánh BAE Hoa Kỳ đóng góp tới 61,5% doanh số bán vũ khí của tập đoàn. Bên cạnh đó, BAE đã nhận được đơn đặt hàng quan trọng từ quốc gia giàu dầu mỏ Saudi Arabia mua 72 máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon (Chiến binh châu Âu Cuồng phong).

Đàng sau những hợp đồng

Xoay quanh hợp đồng với Saudi Arabia có những diễn biến ly kỳ. Tháng 8-2006, tin cho biết Saudi Arabia sẽ mua 72 chiếc Typhoon nhưng đến tháng 11 xuất hiện tin rằng Saudi Arabia dọa bỏ Typhoon chuyển sang mua Rafale của Pháp vì Văn phòng Điều tra các vụ gian lận nghiêm trọng Anh đã để mắt tới hợp đồng mua bán vũ khí Al-Yamamah.

Tuy nhiên, đến giữa tháng 12, Văn phòng đã dừng các cuộc điều tra BAE và tháng 1-2007, có thông báo Saudi Arabia sẽ tiếp tục đơn đặt hàng. Người ta ngầm hiểu BAE đã xoay xở, vận động, dàn xếp với những bên có liên quan, nhưng họ đã làm như thế nào thì tới nay vẫn nằm trong màn bí mật.

Thương vụ “Cuồng phong” phần nào cho thấy quyền lực của giới buôn bán vũ khí. Quyền lực của các “lái buôn thần chết” được vun đắp bằng những mối quan hệ chặt chẽ với các chức sắc chính trị tay to mặt lớn.

Đối với Hoa Kỳ, báo cáo đặc biệt của Viện Chính sách thế giới tiết lộ rằng dưới danh nghĩa chống khủng bố, chính quyền Tổng thống George W. Bush đã tăng ngân sách quân sự từ 300 tỷ USD khi mới nắm quyền lên 420 tỷ USD vào năm 2004.

Trong vòng 3 năm đầu, các hợp đồng dành cho top 10 nhà thầu quân sự của Lầu Năm Góc đã tăng vọt 75% từ 46 tỷ USD lên 80 tỷ USD, tập đoàn lớn nhất Lockheed Martin tăng 50% từ 14,7 tỷ USD lên 21,9 tỷ USD, tập đoàn Halliburton (công ty cũ của Phó Tổng thống Dick Cheney) tăng gấp 9 lần từ 400 triệu USD lên 3,9 tỷ USD.

Như một sự đáp lễ, đến cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ 2004, ngành công nghiệp vũ khí đóng góp ủng hộ 13 triệu USD, trong đó 62% số tiền chạy thẳng vào túi các ứng viên hoặc ủy ban thuộc đảng Cộng hòa, riêng G.W.Bush nhận được 766.355USD, trong lúc phe Dân chủ được 38% và John Kerry nhận 399.000USD.

Sự thiên lệch càng rõ ràng hơn khi nhìn vào sự phân bổ đóng góp của Halliburton, họ dành 86% cho phe Cộng hòa và chỉ vỏn vẹn 14% cho bên Dân chủ.

Chi tiêu quân sự lớn của một nước có thể làm tăng mối quan ngại của nước khác, dẫn tới chạy đua vũ trang, phá hoại hòa bình và an ninh quốc tế. Các nước đang phát triển đã khó khăn trong cuộc chiến chống đói nghèo, dịch bệnh và thất học, nếu phải dành nguồn tài chính lớn để mua sắm vũ khí sẽ kéo giảm nguồn lực dành cho phát triển kinh tế và xã hội.

--------

(còn tiếp)

Các tin khác