Chợ đen nội tạng người (K2): Điểm đen Trung Quốc

(ĐTTCO) - Ngày 13-6-2016, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua Nghị quyết 343 (NQ343) lên án hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức được nhà nước bảo hộ ở Trung Quốc đại lục. Động thái này cho thấy sự nghiêm trọng của hoạt động cấy ghép tạng đã và đang diễn ra tại Trung Quốc.

(ĐTTCO) - Ngày 13-6-2016, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua Nghị quyết 343 (NQ343) lên án hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức được nhà nước bảo hộ ở Trung Quốc đại lục. Động thái này cho thấy sự nghiêm trọng của hoạt động cấy ghép tạng đã và đang diễn ra tại Trung Quốc.

Chợ đen nội tạng người (K1): Bùng nổ
Cáo buộc của Đồi Capitol

Sau gần 1 năm thảo luận và điều tra kể từ khi được giới thiệu vào ngày 25-6-2015, NQ343 của Hạ viện Hoa Kỳ khóa 114 đã được 180 thành viên lưỡng đảng thông qua. Điều đáng chú ý trong nghị quyết này là Đồi Capitol nhấn mạnh sự liên quan của chính phủ Trung Quốc trong hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Cụ thể, lời kêu gọi đầu tiên trong 6 lời kêu gọi của NQ343 là: “Lên án hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức được nhà nước bảo hộ ở nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Như vậy, theo các nhà lập pháp xứ cờ hoa, hoạt động cấy ghép nội tạng phi pháp ở Trung Quốc không còn là vấn đề của các cá nhân, tổ chức tội phạm nữa, mà chính là vấn đề của nhà nước.

1. Lên án hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức được nhà nước bảo hộ ở Trung Quốc.
2. Kêu gọi chính phủ Trung Quốc lập tức chấm dứt hoạt động thu hoạch nội tạng từ tất cả các tù nhân lương tâm.
3. Yêu cầu ngay lập tức chấm dứt cuộc bức hại người tu tập PLC kéo dài 16 năm do chính phủ Trung Quốc tiến hành, lập tức thả tất cả các tù nhân bị bức hại.

Trích Nghị quyết 343

Hạ viện Hoa Kỳ khóa 114

Theo tạp chí y khoa quốc tế The Lancet (được thành lập từ năm 1823), hoạt động ghép tạng ở Trung Quốc gia tăng đột biến từ đầu những năm 2000, đỉnh cao là năm 2004 với 13.000 ca cấy ghép được ghi nhận; đến năm 2006, con số giảm xuống 11.000 ca, trở thành cường quốc thứ hai thế giới về ghép tạng xét về số ca cấy ghép hàng năm. Điều này thực sự gây chú ý đối với cộng đồng chuyên môn quốc tế vì nhiều lý do. Thứ nhất, Trung Quốc đột nhiên bùng nổ lĩnh vực cấy ghép tạng kể từ năm 2000, trở thành cường quốc ghép tạng, trong khi chưa đạt được tiến bộ theo tỷ lệ tương ứng trong các lĩnh vực y khoa tương tự. Thứ hai, thời gian chờ đợi để nhận cơ quan tạng ở Trung Quốc ngắn một cách bất thường. Theo tuyên bố trên website của Trung tâm Hỗ trợ cấy ghép quốc tế Trung Quốc (CITAC), họ chỉ cần mất 1 tuần để tìm được thận thích hợp cho khách hàng, lâu nhất cũng chỉ 1 tháng. Trong khi đó, thời gian chờ có tạng phù hợp ở các quốc gia khác là hàng năm trời, ở Hoa Kỳ là 3 năm rưỡi. Thứ ba, các nhân chứng lên tiếng về vấn đề vi phạm nhân quyền. Năm 2006 một nhân chứng đã đưa ra lời chứng về việc Trung Quốc đang mổ cướp tạng của 3.000-4.000 tù nhân chỉ trong hơn 2 năm ở một bệnh viện.
Bắc Kinh thừa nhận

Theo văn hóa truyền thống Trung Quốc, người chết cần được "nhập thổ vi an", do đó rất bài xích việc động đến thân thể người đã khuất. Tuy nhiên, từ năm 1984, Trung Quốc ban hành một đạo luật hợp pháp hóa việc thu hoạch tạng từ tù nhân bị kết án tử hình với điều kiện tù nhân và/hoặc gia đình đồng ý, hoặc trong trường hợp không có ai nhận xác. Hiện nay, Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới còn chính thức lấy tạng từ tù nhân. Nhưng vấn đề đặt ra là Trung Quốc không có những cơ chế minh bạch để bảo đảm có đúng những tù nhân bị lấy tạng hoặc gia đình họ đã thực sự tình nguyện hay không. Cần nhấn mạnh, trên toàn thế giới, mổ cắp tạng là phạm pháp và phi đạo đức.

WHO đã nhiều lần lên án việc mua bán cơ quan tạng người ở Trung Quốc, chẳng hạn tại Brussels năm 1985, tại Madrid năm 1987 và tại Stockholm năm 1994. Tương tự, năm 1995 Ủy ban Đối ngoại thuộc Thượng nghị viện Hoa Kỳ đã tổ chức buổi điều trần về vấn đề mua bán bộ phận cơ thể người ở Trung Quốc. Sau đó, Tổ chức Y khoa Thế giới (WMA), Tổ chức Y khoa Hàn Quốc và Tổ chức Y khoa Trung Quốc đã đi tới thỏa thuận năm 1998 rằng có thể tiến hành liên kết điều tra, nhưng Trung Quốc không hợp tác như đúng thỏa thuận và đã rút lui vào năm 2000.

Năm 2001, bác sĩ Vương Quốc Kỳ đã ra làm chứng trước Quốc hội Hoa Kỳ rằng ông đã từng tham gia thu hoạch tạng từ những tù nhân bị hành quyết dù họ và gia đình chưa đồng ý. Ông Vương kể đã tham gia hơn 100 ca như vậy tại Thiên Tân, trong đó có ít nhất 1 ca nạn nhân lúc bị mổ lấy tạng vẫn còn thở. Lúc đó Trung Quốc thẳng thừng phản đối và tuyên bố ông Vương nói dối. Tuy nhiên 4 năm sau (2005), Trung Quốc đã công khai thừa nhận tù nhân bị hành quyết đúng là nguồn cung của hoạt động ghép tạng. Thứ trưởng bộ Y tế, ông Hoàng Khiết Phu công nhận rằng 95% tạng ghép là từ tù nhân và tuyên bố Trung Quốc sẽ có biện pháp về vấn đề này.

Con số đáng ngờ

Từ năm 2000 đến 2006, tổng số ca ghép tạng ở Trung Quốc khoảng 60.000 ca. Ngay cả khi Trung Quốc đã thừa nhận nguồn tạng của hoạt động cấy ghép là tù nhân bị hành quyết, thì số tù nhân bị kết án tử hình dù rất lớn (khoảng 1.700 người/năm) vẫn không thể giải thích được nguồn tạng của 60.000 ca cấy ghép nói trên. Điều này càng đáng ngờ hơn vì tại Trung Quốc không hề có chương trình khuyến khích hiến tạng, tức chỉ có một nguồn tạng duy nhất là từ tù nhân bị hành quyết. Nhưng các tù nhân mang án tử hình trên rõ ràng không thể nào đủ số. Vậy câu hỏi đặt ra là phải chăng những tù nhân không mang án tử hình cũng nằm trong số bị hành quyết để trở thành nguồn tạng?

Nghị sĩ Ileana Ros-Lehtinen trình bày về vấn đề mổ cướp tạng ở Trung Quốc tại Đồi Capitol.

Nghị sĩ Ileana Ros-Lehtinen trình bày về vấn đề mổ cướp tạng ở Trung Quốc tại Đồi Capitol.

Nhìn lại, thời điểm bắt đầu bùng nổ hoạt động này trùng với thời điểm Trung Quốc bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công (PLC - một môn tu tập khí công Phật gia) năm 1999, dẫn đến giam giữ hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu học viên PLC như những tù nhân, trong khi gia đình và thân nhân không biết được họ đang ở đâu. Chính sách đàn áp PLC cũng bức hại cả người nhà của học viên, do đó khi bị bắt, phần đông học viên không dám tiết lộ danh tính để bảo vệ gia đình họ. Theo báo cáo của ông Manfred Nowak, báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về vấn đề tra tấn và những hành vi độc ác khác, trong năm 2004-2005, hơn một nửa số người bị giam ở các trại tạm giam và trại lao động là học viên PLC.

Vì những nghi ngờ này, ông David Kilgour (cựu quốc vụ khanh Canada) và David Matas (luật sư nhân quyền) đã tiến hành điều tra. Báo cáo đầu tiên được đưa ra vào năm 2006, và mới đây là ngày 22-6-2016, đã xác nhận các học viên PLC bị giết hại để lấy tạng khoảng 1,5 triệu người. Báo cáo cũng cho biết ở Trung Quốc không chỉ các cơ sở y tế có liên quan trực tiếp mà quân đội và tòa án cũng liên quan. Trong những bệnh nhân được phỏng vấn, có người gặp khó khăn trong việc tìm tạng ở bệnh viện dân sự, nhưng dễ dàng tìm được tạng từ bệnh viện quân đội. Phát biểu tại Hạ viện Hoa Kỳ trong buổi bỏ phiếu NQ343, nghị sĩ Chris Smith cho rằng hoạt động mổ cướp nội tạng cưỡng bức tại Trung Quốc là tội ác lớn nhất của thế kỷ 21.

(còn tiếp)

Các tin khác