Chính sách kiểm soát vốn của Trung Quốc (Kỳ 2)

(ĐTTCO) - Bất chấp những nhận định cho rằng sự nới lỏng kiểm soát vốn có thể làm suy yếu vị thế đối địch của Trung Quốc, sự tự do hóa đã dần hình thành, được củng cố và đẩy nhanh sau khủng hoảng kinh tế 2007.
 
 
Chương trình QFII do Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) triển khai, với hạn mức tăng dần từ 10 tỷ USD lên 150 tỷ USD vào tháng 7-2003. Tuy nhiên, con số hiện tại dừng ở mức 59,7 tỷ USD vào tháng 8-2014, chỉ là một phần không đáng kể của toàn bộ vốn hóa thị trường tài chính Trung Quốc.

Kỳ 2: Thách thức tự do chuyển đổi

Mở rộng từng bước
Một chương trình mới cũng được ban hành với tên gọi “Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đủ điều kiện NDT” (RQFII) - còn được gọi là tiểu chương trình QFII - cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư các khoản tiền bằng NDT ở ngoại quốc vào thị trường cổ phiếu Trung Quốc. Hạn mức của RQFII tăng dần từ mức ban đầu 20 tỷ NDT đã nâng lên mức 294 tỷ NDT vào tháng 10-2014. Tiềm năng cho dòng vốn tài chính đầu tư ra ngoài Trung Quốc cũng gia tăng.
Hạn mức đầu tư của chương trình QDII đã tăng từ 4.217 tỷ USD năm 2007 lên 87.373 tỷ USD tháng 10-2014. Dù chương trình QDII đã mở rộng đáng kể nhưng hạn mức chương trình này vẫn khá nhỏ so với tiết kiệm trong dân chúng. Một điểm sáng nữa đó là chương trình Hợp tác hữu hạn nội địa đủ điều kiện (QDLP) cho phép các quỹ phòng vệ nước ngoài thu hút vốn từ tiết kiệm trong dân chúng.
Tuy vậy, mức trần thấp (khoảng 5 tỷ USD) vẫn chưa phải là một cơ hội đáng kể đối với dòng vốn ra. Cuối cùng, hạn mức cho mua sắm cá nhân cần chuyển đổi ngoại tệ để thanh toán tăng từ 20.000USD năm 2007 lên 50.000USD. Dù vẫn có một bức tường giữa thị trường NDT ngoài Trung Quốc và thị trường vốn nội địa, những con số gần đây cho thấy những “lỗ hổng” được phá ra trên bức tường đó. Theo nhiều nhà phân tích, kế hoạch được đặt ra là làm cho NDT có thể chuyển đổi tự do.
 Nếu vấn đề kiểm soát vốn về cơ bản đại diện cho vị thế của Trung Quốc thì ngay cả khi Trung Quốc là một đối trọng của Hoa Kỳ, dường như nó sẽ không đối địch với các nước phương Tây, vì sự gia nhập về kinh tế tài chính vào khu vực này có khả năng sẽ còn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Bởi Trung Quốc có thể tiếp cận hoàn toàn và phát triển thịnh vượng trong hệ thống này. Và nếu điều này xảy ra, Trung Quốc vẫn sẽ trỗi dậy trong khi trật tự phương Tây, nếu được quản lý hợp lý, vẫn sẽ tiếp tục được duy trì. Nói cách khác, dù những đối đầu về địa kinh tế vẫn còn diễn ra, Trung Quốc có khả năng cao sẽ hòa mình với nền kinh tế phương Tây trong tương lai gần.
Nhà nghiên cứu chính sách Ikenberry
Với nhiều người, cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát năm 2007 đã cho thấy khả năng của Trung Quốc trong việc huy động nền kinh tế hỗ trợ trong một nỗ lực mang tính quốc gia, khi cần thiết. Điều này xuất phát từ bài học rút ra từ khủng hoảng toàn cầu, là mô hình tích lũy của Trung Quốc, đặc biệt là sự tăng trưởng tập trung vào xuất khẩu dựa trên nhân công giá rẻ, không còn hữu hiệu.
Mặt khác có nhiều mối lo ngại về sự phụ thuộc của Trung Quốc vào USD, được miêu tả bằng thuật ngữ “bẫy đôla”. Trung Quốc đã nhận ra cần thay đổi mô hình tích lũy nếu muốn giữ vị thế thách thức đối với phương Tây và sự thống trị của Hoa Kỳ, vì 2 lý do sau: Việc tái cân bằng là cần thiết để giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế; mô hình tích lũy hiện nay dẫn tới dự trữ USD lớn nên được thay đổi để có thể thách thức đến sự thống trị của đồng tiền này.
Cụ thể, để thách thức sự thống trị của USD, Trung Quốc cần một đồng tiền được quốc tế hóa và chấp nhận trên toàn thế giới. Điều này đòi hỏi phải có những thị trường tài chính sâu, thanh khoản cao và được tự do hóa, cùng với đó là sự tự do hóa tài khoản vốn. Dù vậy, việc tự do hóa tài khoản vốn hoàn toàn không tương thích với mô hình tích lũy chú trọng xuất khẩu và đầu tư.

Tiến trình cải cách khó khăn
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) là cơ quan có tầm ảnh hưởng nhất trong nền kinh tế nước này, khẳng định vai trò từ những năm cuối thế kỷ 20. Thống đốc PBOC, Châu Tiểu Xuyên, được xem là một nhà cải cách đầy quyền lực và quyết tâm. Năm 2011, ông Châu đã phát biểu: “Chúng ta phải làm cho đồng nội tệ trở nên có thể chuyển đổi và tự do hóa tài khoản vốn”.
Những nhà kỹ trị và cải cách này không chỉ ủng hộ sự tự do hóa tài khoản vốn như một mục tiêu cuối cùng mà còn coi đó như một động lực thúc đẩy sự thay đổi trong mô hình tích lũy. Về mặt này, có thể nói tương tự như việc Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001, đã cung cấp cho các nhà cải cách trong nước “một công cụ bên ngoài để gây áp lực lên những lực lượng bảo thủ trong nước buộc họ chấp nhận sự tự do hóa hơn”.
Nhóm thứ hai ủng hộ sự tự do hóa các dòng vốn tài chính là giới nhà giàu Trung Quốc. Như đã nói, đầu tư tại các doanh nghiệp nhà nước phụ thuộc vào nguồn vốn rẻ từ ngân hàng quốc doanh, các ngân hàng này lại phụ thuộc vào mức lãi suất thấp từ lượng lớn tiền gửi trong dân chúng. Rõ ràng là những nhà giàu ở Trung Quốc, thường có quan hệ chặt chẽ với chính quyền, đang tìm kiếm một mức lợi tức trên vốn cao hơn.
Kết quả tính toán cho biết nhóm 1% những người giàu nhất Trung Quốc nắm giữ từ 30-50% giá trị tiền gửi ngân hàng. Bởi vậy dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các cá nhân giàu có có thể sẽ tạo sự thay đổi lớn trong nền kinh tế Trung Quốc. Họ trở nên giàu có nhờ chính chiến lược tích lũy tập trung xuất khẩu và đầu tư, vậy nên họ có thể có những mâu thuẫn lợi ích. Dù thế nào có vẻ như giới nhà giàu Trung Quốc không hài lòng với mức lợi nhuận trên vốn đầu tư thấp hay thậm chí âm, và việc chuyển vốn ra nước ngoài (dù hợp pháp hay không hợp pháp) dường như là một trong những chiến lược của họ nhằm thu được lợi nhuận cao hơn.
Gỡ bỏ sự kiểm soát không chỉ gây nên những sự phản đối từ các lực lượng có thế lực chính trị, những người hưởng lợi từ mô hình chú trọng xuất khẩu và đầu tư, mà còn từ một bộ phận cán bộ nhà nước không muốn mất đi quyền chỉ huy sự phát triển kinh tế Trung Quốc. Theo ý kiến của nhiều nhà phân tích, sự tự do hóa tài khoản vốn sâu hơn có thể dẫn đến những dòng vốn mang nhiều sự bất ổn và càng khó giữ được tính hiệu quả trong hoạt động kiểm soát nguồn vốn.
Điều này gây nguy hiểm đặc biệt tới quá trình tái thiết nền kinh tế sang một mô hình dựa nhiều vào tiêu dùng nội địa. Có thể diễn tả ngắn gọn: Tự do hóa là “từ bỏ sự kiểm soát”, nghĩa là quyền lực của nhà nước sẽ bị suy giảm đáng kể, vị thế đối địch của Trung Quốc sẽ bị hạ thấp. Theo nhận định chung của các chuyên gia Trung Quốc và quốc tế, kiểm soát vốn là trở ngại lớn nhất trong quá trình quốc tế hóa NDT. 
Nhưng dù khả năng chuyển đổi của tài khoản vốn vẫn còn được tranh cãi trong giới tinh hoa Trung Quốc và công luận, việc quốc tế hóa NDT có vẻ sẽ đạt được sự đồng thuận từ các lực lượng trong xã hội bởi 2 lý do. Thứ nhất, việc thách thức sức mạnh của USD qua việc quốc tế hóa NDT “nhận được sự đồng tình chung với cảm xúc mang tính dân tộc và giúp làm dịu đi sự phản đối nội bộ về cải cách tiền tệ”.
Những đề xướng của chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế theo đó giúp sức cho quá trình quốc tế hóa NDT, bởi nó có thể dẫn tới một trật tự thế giới bớt lệ thuộc vào Hoa Kỳ. Có thể nói rằng tự do hóa tài khoản vốn có thể giúp sức cho kế hoạch tái cân bằng, giúp các công ty vừa và nhỏ tiếp cận nhiều khoản vay hơn, và đẩy nhanh quá trình chuyển hóa từ lợi nhuận sang tiền lương, một sự chuyển biến từ mô hình chú trọng xuất khẩu sang mô hình dựa trên tiêu dùng nội địa. 
Chính sách kiểm soát vốn của Trung Quốc (Kỳ 2) ảnh 1 Ngân hàng Trung Quốc tại Hồng Công đặt trong tòa cao ốc (giữa) 72 tầng, cao 267m - là tòa nhà cao thứ 4 ở Hồng Công, biểu hiện sức mạnh tài chính của Trung Quốc lục địa. Tuy nhiên về đẳng cấp quốc tế vẫn thua các ngân hàng khác tại trung tâm tài chính này. 
“Mỹ hóa” để thách thức Hoa Kỳ
Trong bài viết này, tôi (tác giả) đã chỉ ra quá trình phát triển của chính sách kiểm soát vốn của Trung Quốc. Có thể thấy rằng sự kiểm soát vốn trên diện rộng của Trung Quốc được chống lưng bởi một khối liên kết lịch sử vì 2 lý do sau đây.
Thứ nhất, kiểm soát là thiết yếu để duy trì mô hình tích lũy của Trung Quốc, mang lợi ích cho tư bản công nghiệp Trung Quốc (chú trọng đầu tư nhà nước) và nước ngoài (định hướng xuất khẩu), tư bản ngân hàng Trung Quốc. Thứ hai, một bộ phận cán bộ cấp cao Trung Quốc ủng hộ kiểm soát, vì điều đó cho phép họ chỉ huy, định hướng nền kinh tế đối trọng với các nước phương Tây tiến bộ hơn.
Tuy nhiên, bất chấp sự thống trị của khối liên kết lịch sử này, việc kiểm soát đã được nới lỏng đáng kể, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Lý do chủ yếu là bởi chiến lược thách thức Hoa Kỳ bằng con đường “Mỹ hóa” của nhà nước Trung Quốc. Họ nhận được sự ủng hộ từ các nhà kỹ trị, tư bản tài chính Trung Quốc dưới hình thức các cá nhân giàu có và tư bản tài chính nước ngoài.
Đối lập với khối liên kết lịch sử mong muốn tiếp tục mô hình tích lũy hiện tại, lực lượng này sử dụng chính sách quốc tế hóa NDT như một chiến lược chủ đạo. Và hiện tại vẫn chưa rõ chiến lược này có thể vượt qua sự phản đối từ  trong nước hay không. Vì vậy, hiện nay kiểm soát vốn của Trung Quốc vẫn rất chặt chẽ so với phương Tây và thậm chí so với các nền kinh tế mới nổi khác. Việc những kiểm soát này bị gỡ bỏ một cách nhanh chóng là không thể xảy ra. 
Mặc dù vậy, xu hướng tự do hóa tài khoản vốn và gia nhập kinh tế toàn cầu dường như khá rõ ràng. Kế hoạch 5 năm lần thứ 11 và 12 đều đã nhận thức rõ sự tự do chuyển đổi tài khoản vốn là một mục tiêu trong chính sách. Trong phiên họp toàn thể thứ 3 (2013), Trung Quốc xác định rằng tự do chuyển đổi NDT có thể sẽ hoàn thành trước năm 2020.
Sau phiên họp này, Thống đốc PBOC Châu nói rằng hạn mức trong cả chương trình QFII và QDII sẽ được nới rộng và sau đó là bị gỡ bỏ. Đó có thể là một bước tiến khổng lồ trong việc tự do hóa tài khoản vốn Trung Quốc. Động thái gần nhất tiến tới một tài khoản vốn tự do hơn đã được bắt đầu với Khu thương mại tự do Thượng Hải. Vì vậy, có thể nói rằng cam kết với một tài khoản vốn tự do chuyển đổi là rất rõ ràng. Mặc dù có ý kiến cho rằng Trung Quốc đang đi chậm lại so với khung thời gian được đặt ra, do lo ngại về sự bất ổn tài chính.

Các tin khác