Chiến tranh lạnh 2.0 (K2): Cuộc chiến ngầm Mỹ-Trung

(ĐTTCO) - Sau hơn 1 thập niên đạt mức tăng trưởng thần kỳ, nền kinh tế Trung Quốc hiện nay đã vượt Hoa Kỳ về sức mua và kho dự trữ ngoại tệ.

 Đó là tiền đề để Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gác sang một bên chiến lược "giấu mình chờ thời" của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, tiến tới hiện thực hóa “Giấc mơ Trung Hoa” với những bước đi đe dọa trực tiếp vị thế của Washington.

Bẫy Thucydides 

Sự lớn lên nhanh chóng của Trung Quốc, cả về kinh tế lẫn chính trị, đang đe dọa trực tiếp tới lợi ích của Hoa Kỳ. Trong khi đó, Đô đốc hải quân Hoa Kỳ Harry Harris, đề xuất “Một phản ứng “cơ bắp” đối với hành vi xây dựng đảo phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông” - một động thái cho thấy cuộc chiến ngầm giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã bắt đầu.
Trong cuốn sách xuất bản năm 2012, học giả quan hệ quốc tế Graham Allison đã giới thiệu thuật ngữ “Bẫy Thucydides”, theo đó một thế lực mới nổi sẽ đe dọa quyền lực của thế lực hiện hữu, dẫn tới thù hằn, thiếu tin tưởng và leo thang thành chiến tranh.
Bẫy Thucydides đặt theo tên câu chuyện nổi tiếng của sử gia Hy Lạp Thucydides về cuộc chiến Peloponnes giữa Athens và Sparta, mang lại tai họa cho cả hai phía. Vào năm 431 trước Công nguyên, dưới sự lãnh đạo của Pericles, Athens đã trở thành một cường quốc hàng hải, có đế chế mở rộng sang tận khu vực Đông Địa Trung Hải. Thách thức của nó đối với uy quyền tối cao của Sparta, quốc gia hùng mạnh ở bán đảo Peloponnesia. “Sự phát triển của quyền lực Athens đã làm cuộc chiến Peloponnesian không thể tránh khỏi” - Allison viết.

Trong cuốn sách “Destined for War” mới xuất bản năm nay, Allison tin rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ đã rơi vào cái bẫy này. Ngân sách quân sự hàng năm của Trung Quốc trong thập niên qua tăng gấp đôi, và Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có số binh lính trong quân ngũ cao hơn Hoa Kỳ gần 1 triệu người. Mãi cho đến năm 2004, nền kinh tế Trung Quốc chỉ bằng một nửa so với Hoa Kỳ. Nhưng đến năm 2014, xét về sức mua Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ và dự báo năm 2019 sẽ lớn hơn Hoa Kỳ 20%. Rõ ràng, Trung Quốc đang mong muốn trở thành “tay chơi lớn” trên bàn cờ địa chính trị thế giới. 

Đối chọi lợi ích

Về kinh tế, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã lôi kéo được sự ủng hộ mạnh mẽ trong chiến dịch tranh cử khi tuyên bố sẽ lấy lại việc làm cho người dân từ tay nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Ông D.Trump từng cáo buộc Bắc Kinh là “gian lận”, là “kẻ trộm lớn nhất lịch sử thế giới”.
Ông cho biết sẽ tuyên bố Trung Quốc là “nước thao túng tiền tệ” ngay ngày đầu tiên ông làm tổng thống, và sẽ áp thuế 45% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Mới đây nhất, Hội nghị G20 dưới áp lực của Hoa Kỳ đã ra tuyên bố thế giới đang dư cung ngành thép. Đây được xem là đòn của ông D.Trump đối với Trung Quốc, vì Trung Quốc hiện đang sản xuất một lượng thép bằng 1/2 thế giới.

Về chính trị, Trung Quốc đang muốn khẳng định vị thế cường quốc ở Đông và Đông Nam Á, và điều này làm cho Hoa Kỳ và các đồng minh ngày càng lo lắng. Ở cấp độ lớn hơn, xung đột xoay quanh sự nổi lên của Trung Quốc như một cường quốc trong khu vực và đe dọa sự kiểm soát của Hoa Kỳ trên Thái Bình Dương. Nó cũng liên quan đến những xung đột với hệ thống các quy tắc quốc tế và các định chế Washington và các đồng minh tạo ra sau thế chiến 2.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần phàn nàn hệ thống này ủng hộ Hoa Kỳ trong khi ngăn chặn Bắc Kinh vươn lên vị trí xứng đáng của nó như là thế lực thống trị ở châu Á. John Pilger, một nhà báo từng đoạt giải BAFTA và cũng là một nhà làm phim, cho rằng nguy cơ chiến tranh, thậm chí chiến tranh hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang đến rất gần. 
Chiến tranh lạnh 2.0 (K2): Cuộc chiến ngầm Mỹ-Trung ảnh 1 Bẫy Thucydides khiến Hoa Kỳ-Trung Quốc tiến tới chiến tranh lạnh. 
Cuộc chiến đã khai mào? Tháng 9-2015, nhà phân tích Mike Adams của Natural News cho rằng một "cuộc chiến ngầm giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã bắt đầu". Adams đưa ra 3 lý lẽ để giải thích cho nhận định của mình. Thứ nhất là những vụ nổ đáng ngờ liên quan đến Trung Quốc và Hoa Kỳ. Đầu tiên là những vụ nổ lớn đã xảy ra ở Thiên Tân 1 ngày sau khi Trung Quốc phá giá NDT, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Hoa Kỳ. Vài tuần sau đó, vụ nổ khác xảy ra ở 1 kho đạn dược và hóa chất của Hoa Kỳ.
Theo Adams, có bằng chứng rõ ràng cho thấy nhiều khả năng đó là sự phá hoại hơn là tai nạn. Thứ hai, ngày 2-9-2015, 5 chiếc tàu hải quân Trung Quốc lần đầu tiên được phát hiện cách bờ biển Alaska của Hoa Kỳ 12 hải lý. Và trong lễ kỷ niệm Ngày chiến thắng năm 2015, Trung Quốc đã phô diễn sức mạnh quân sự quá mức cần thiết, trong đó có việc khoe tên lửa Đông Phong 21D, được cho có khả năng nhấn chìm tàu sân bay chỉ bằng 1 cú bắn.

Có lẽ ông Adams quá lo xa, nhưng thực tế trước sự vươn lên của Trung Quốc tại châu Á, Hoa Kỳ không ngồi yên. Ở khu vực Đông Nam Á, vào tháng 7-2010 Hoa Kỳ đã khôi phục quan hệ với lực lượng đặc biệt của Indonesia sau 12 năm gián đoạn. Sau đó khoảng 1 tháng, Hoa Kỳ cũng đã có cuộc hội đàm quốc phòng đầu tiên với Việt Nam, kể từ khi kết thúc chiến tranh ở Việt Nam.
Ngoài khu vực Đông Nam Á, Hoa Kỳ còn có các hoạt động quân sự với các nước như tập trận chung với Hàn Quốc, Nhật Bản… Vào tháng 4-2016, tờ Thời báo Hải quân Hoa Kỳ đưa tin người đứng đầu quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, tuyên bố có thể đưa máy bay và tiến hành các hoạt động quân sự cách các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc tại biển Đông chỉ trong 12 hải lý. 

Đặc biệt, vào cuối tháng 6 vừa qua, chính phủ Tổng thống D.Trump đã ký một thỏa thuận vũ khí trị giá tới 1,4 tỷ USD với Đài Loan. Đây được xem là hành động khiêu khích trực tiếp với Trung Quốc. Thời điểm ký thỏa thuận này cũng khá nhạy cảm: chỉ 1 tuần trước khi ông Tập Cận Bình đến dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Đức, nơi có sự hiện diện của ông D.Trump.
Ngoài ra, việc Hoa Kỳ triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc gần đây cũng khiến Bắc Kinh tức giận. Dù không thể đưa ra lệnh trừng phạt kinh tế vì các quy định thương mại tự do, nhưng Bắc Kinh đã nâng các điều luật tiêu chuẩn nhập khẩu khắt khe hơn đối với các sản phẩm Hàn Quốc như một biện pháp trả đũa.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang làm ăn tại Trung Quốc cũng gặp khó khăn. Chẳng hạn, Tập đoàn Lotte đã giao sân golf do tập đoàn này sở hữu cho chính phủ Hàn Quốc để lấy mặt bằng triển khai Hệ thống THAAD. Ngay sau đó, trang web mua sắm miễn thuế của Lotte đã bị một nhóm tin tặc Trung Quốc tấn công, khiến tập đoàn thiệt hại gần 500 triệu won. 

Các tin khác