Chiến tranh lạnh 2.0 (K1): Căng thẳng Nga - phương Tây

(ĐTTCO) - Tại Hội nghị an ninh Munich, Đức vào tháng 2-2016, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho rằng những căng thẳng giữa Nga và phương Tây đang đẩy thế giới vào cuộc chiến tranh lạnh mới. 

Ngày 14-4-2017, cựu lãnh đạo Xô viết Mikhail Gorbachev cũng cảnh báo thế giới đang tiến đến một cuộc chiến tranh lạnh 2.0.

Năm 2008, trong cuốn sách nhan đề “Cuộc chiến tranh Lạnh mới: Kremlin đe dọa cả Nga và phương Tây như thế nào”, nhà báo Edward Lucas tuyên bố một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Nga và phương Tây đã bắt đầu. Quan điểm này được ủng hộ mạnh mẽ từ sau xung đột ở Ukraine năm 2014, khi Nga chiếm Crimea.

Chiến tranh thương mại

Tháng 2-2014, theo sau những cuộc biểu tình ủng hộ thân Nga và kích động cổ súy chủ nghĩa dân tộc, bạo lực đã nổ ra ở các khu vực miền Đông Ukraine. Lợi dụng những bất ổn này, Nga đã tiến hành thu hồi Crimea, một phần lãnh thổ của Nga trước đây được phân bổ cho Ukraine dưới thời Liên bang Xô Viết. Chính điều này đã mở màn cho một cuộc chiến tranh lạnh 2.0. 

 Hoa Kỳ đang chuẩn bị một chiến dịch quy mô lớn nhằm lật đổ chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad bằng đòn tấn công phủ đầu chớp nhoáng và thành lập chế độ ở Syria dưới sự kiểm soát của Hoa Kỳ. Nếu điều này xảy ra, chắc chắn Moscow không đứng yên, và người ta lo ngại một cuộc chiến tranh lạnh có thể trở thành chiến tranh nóng.
Ông Igor Morozov
Thượng nghị sỹ Nga 

Đầu tiên, Hoa Kỳ và EU đồng loạt công bố áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Moscow, nhắm vào 2 ngành chủ chốt của Nga là dầu mỏ và vũ khí. Các doanh nghiệp nhà nước của Nga cũng gặp nhiều hạn chế khi tiếp cận thị trường vốn phương Tây, cũng như có thể bị đóng băng số cổ phiếu đang giao dịch trên TTCK châu Âu và New York. Hãng hàng không giá rẻ Dobrolet cũng buộc phải tạm ngừng tất cả chuyến bay do lệnh cấm vận khiến hãng không thể thuê máy bay Boeing. 

Đáp lại, ngày 5-8-2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho chính phủ lên dự thảo về những biện pháp trả đũa đáp lại các lệnh trừng phạt của phương Tây.  “Dùng sức ép lên nền kinh tế làm công cụ chính trị là điều không thể chấp nhận được và đi ngược với tất cả luật lệ cũng như quy tắc thông thường. Chính phủ Nga đã đưa ra một số biện pháp phản ứng lại lệnh cấm vận của một vài quốc gia. Tôi nghĩ rằng trong điều kiện hiện nay, để đảm bảo lợi ích của các nhà sản xuất Nga, đã đến lúc nghĩ đến các biện pháp này” - ông Putin nói.

Tiếp đó, ngày 7-8, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cảnh báo Nga có thể cấm tất cả chuyến bay giữa châu Á và châu Âu qua không phận nước này. “Đầu tiên sẽ là lệnh cấm sử dụng không phận của Nga cho các chuyến bay chuyển tiếp thực hiện bởi các hãng hàng không châu Âu và Hoa Kỳ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương” - ông Medvedev nói. 

Những biện pháp trừng phạt kinh tế của EU-Hoa Kỳ đối với Nga và ngược lại cho đến nay vẫn chưa chấm dứt. Song song đó, các nhà quan sát cho rằng NATO - liên minh quân sự của Hoa Kỳ và châu Âu - đang tiến hành các cuộc chiến tranh ủy nhiệm với Nga tại miền Đông Ukraine và các khu vực bất ổn trên thế giới như Syria.

Chiến tranh lạnh 2.0 (K1): Căng thẳng Nga - phương Tây ảnh 1 Cụm tàu chiến và tàu sân bay của Hoa Kỳ ở Vùng Vịnh đã sẵn sàng cho đòn tấn công phủ đầu Syria. 


Chiến tranh ủy nhiệm

Theo một số định nghĩa, chiến tranh ủy nhiệm là việc các thế lực đứng ngoài thúc đẩy chiến tranh bằng việc sử dụng các vũ khí của mình, hoặc hỗ trợ tài chính cho các lực lượng tiền tuyến. Trong cuộc nội chiến Syria, ban đầu Hoa Kỳ chỉ ủng hộ các lực lượng ly khai bằng viện trợ không sát thương, bao gồm thực phẩm, xe tải. Nhưng sau đó nhanh chóng chuyển sang các hình thức viện trợ khác bao gồm tiền mặt, hỗ trợ đào tạo và cung cấp thông tin tình báo cho các lãnh đạo ly khai. 

Không dừng ở đó, tháng 9-2014, Hoa Kỳ bắt đầu các nhiệm vụ giám sát tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria. Tiếp theo, Tổng thống Hoa Kỳ lúc đó là Barack Obama tỏ dấu hiệu can thiệp quân sự bằng tuyên bố sẽ tiêu diệt IS ở bất cứ nơi đâu để bảo vệ an toàn cho công dân Hoa Kỳ. Sau đó 12 ngày, Hoa Kỳ cùng với các đồng minh trong khu vực là Bahrain, Jordan, Qatar, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) bắt đầu tấn công IS ở bên trong lãnh thổ Syria bằng không kích. 

Về phần mình, Moscow bày tỏ thái độ ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đã cung ứng các trang thiết bị cho quân đội Syria để chống lại lực lượng ly khai do Hoa Kỳ và liên quân ủng hộ. Nga bắt đầu gửi hàng trăm binh lính, hàng chục máy bay chiến đấu, trực thăng, xe tăng, pháo binh và các quân cụ tới phi trường quốc tế Bassel Al-Assad gần hải cảng của thành phố Latakia ở Syria. Nga tuyên bố một liên minh cùng với Iran, Iraq và Syria chống lại IS. Vào ngày 30-9-2015, Thượng viện Nga, Hội đồng liên bang Nga đã chấp thuận yêu cầu của Tổng thống Vladimir Putin cho không quân Nga tham dự cuộc chiến ở Syria. Và Nga nhanh chóng tiến hành các cuộc không kích, với danh nghĩa chống lại các lực lượng khủng bố, nhưng cũng là chống lại lực lượng ly khai do Hoa Kỳ ủng hộ.

Nguy cơ chiến tranh thật

Tháng 4 năm nay, cuộc chiến ủy nhiệm ở Syria lại có nguy cơ bùng phát thành chiến tranh thật giữa Hoa Kỳ và Nga, sau khi Tổng thống Donald Trump hạ lệnh trút tên lửa vào một căn cứ không quân của Syria. Vụ bắn tên lửa diễn ra sau khi Lầu Năm góc cáo buộc chính phủ Assad đã tấn công hóa học ngày 4-4 ở Khan Sheikhoun khiến 1.800 người thương vong. Lúc đầu, các nhà quan sát còn nghi ngờ liệu có vụ tấn công hóa học hay chỉ là chiêu trò của Nhà trắng. Tuy nhiên, trong thông cáo ngày 29-6, Tổ chức Ngăn cấm vũ khí hóa học (OPCW) của Liên hiệp quốc đã chính thức xác nhận vụ tấn công hóa học có xảy ra, và chất độc thần kinh sarin đã được dùng trong vụ tấn công này. 

Mới đây, ngày 26-6, Lầu Năm góc lại tung tin "Syria chuẩn bị sử dụng vũ khí hóa học". Điều này được Nga và các nhà quan sát tin là động thái dọn đường cho một sự leo thang can thiệp quân sự mới vào Syria. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, nhấn mạnh chiến dịch thông tin này không mới lạ và đã từng được sử dụng năm 2013 để chuẩn bị cho sự can thiệp quân sự của phương Tây vào Syria. Tuy nhiên, phía Nga cảnh báo sẽ có hành động đáp trả nếu Hoa Kỳ và đồng minh có bất kỳ hành động leo thang quân sự nào. “Chúng tôi sẽ đáp trả thích đáng và thích hợp đối với tình huống leo thang. Tôi hy vọng Hoa Kỳ không sử dụng đánh giá tình báo về những kế hoạch của chính quyền Syria để làm cái cớ cho các hành động tấn công chính phủ ở Syria đang chiến đấu chống lại các nhóm khủng bố” - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói.

(còn tiếp)

Các tin khác