Chiến địa dầu mỏ Syria (K1): Dương đông kích tây

(ĐTTCO) - Theo nhận định của nhiều chuyên gia, khủng hoảng ở Syria chưa thể kết thúc trong ngắn hạn bởi xung đột giữa các phe phái với lực lượng chính phủ, đặc biệt là vai trò địa chính trị của Syria trên bàn cờ Trung Đông, khi các cường quốc tranh giành quyền kiểm soát tiềm năng dầu khí trên lục địa Á-Âu.

Hoa Kỳ: Muốn xưng bá Trung Đông
Cho đến nay, Washington vẫn kiên định trong việc cố gắng hủy diệt IS ở Syria và Iraq, còn ý định về các vấn đề khác không rõ ràng. Tổng thống Donald Trump nói với các phóng viên vào tháng 9-2017 rằng, Hoa Kỳ "rất ít liên quan đến Syria trừ việc tiêu diệt IS".
Nhưng trước đó vào tháng 7-2017, Nhà Trắng đã tham gia sâu vào vai trò trung gian cho một cuộc ngừng bắn giữa chính phủ và các lực lượng đối lập. Như vậy chính quyền mới của Tổng thống D.Trump cũng đưa ra những tín hiệu mâu thuẫn về việc liệu Hoa Kỳ có phản đối một thỏa thuận hòa bình với ông Assad vẫn nắm quyền hay không. Người tiền nhiệm của ông D. Trump, Barack Obama từng nói "Assad phải ra đi" trước khi bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào có thể hoạt động. 
 Ngoài mục tiêu tiêu diệt IS, khi ủng hộ các bên tham chiến tại Syria, Hoa Kỳ cho biết họ muốn lật đổ “chế độ tàn bạo” của Tổng thống Bashar al-Assad, giải phóng cho người dân. Trong khi đó Nga lại cho biết họ muốn bảo vệ một “chính quyền hợp pháp”. Tuy nhiên, đâu mới là mục tiêu thực sự của các bên vẫn đang được toan tính theo kiểu “dương đông kích tây”.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, những động thái trên chỉ là tuyên bố bề mặt, thật ra Hoa Kỳ có 4 mục tiêu ngầm khác. Thứ nhất, nhằm gia tăng ảnh hưởng tại khu vực, đồng thời mong muốn tiếp tục khai phá nguồn tài nguyên của quốc gia này. Syria là một phần dự án đường ống dẫn khí đốt đi qua nhiều nước Ảrập, có khả năng chuyển tải tối đa gần 10 tỷ m3 khí đốt.
Dự án này thành công sẽ làm thay đổi toàn bộ tình hình địa chính trị thị trường khí đốt quốc tế, gây thiệt hại cho Nga, Syria, Iran và Iraq, đồng thời cũng là một đòn đánh nghiêm trọng vào Trung Quốc. Do đó, Hoa Kỳ triệt để lợi dụng cuộc chiến chống IS để phá vỡ sự độc quyền khí đốt của Nga ở châu Âu; giải phóng sự phụ thuộc của Thổ Nhĩ Kỳ vào khí đốt của Iran; cung cấp cho Israel cơ hội xuất khẩu khí đốt sang châu Âu bằng đường bộ với chi phí thấp, và làm gián đoạn nguồn cung năng lượng cho Trung Quốc.
Thứ hai, tạo thế bao vây, cô lập Nga, hất Moscow ra khỏi khu vực, đồng thời gia tăng quyền kiểm soát đối với toàn bộ lục địa Á - Âu.
Thứ ba, gián tiếp làm suy yếu các nước bị Hoa Kỳ cho là thù địch trong khu vực. Và cuộc chiến đã làm suy yếu nghiêm trọng Syria, một kẻ thù truyền thống đối với lợi ích của Hoa Kỳ ở Trung Đông. Nó cũng làm Hezbollah và Iran bị chảy máu về tài chính và quân sự.
Thứ tư, lợi dụng việc thành lập liên minh chống IS để thúc đẩy mối liên kết an ninh toàn cầu. Việc hình thành liên minh quốc tế chống IS gồm trên 60 quốc gia, đã giúp Hoa Kỳ đánh bóng hình ảnh và khẳng định vị trí số 1 thế giới, từ đó tiến tới hình thành một tổ chức quân sự tương tự NATO trên phạm vi toàn cầu.

Nga: Tạo liên kết đồng minh 
Mục tiêu công khai của Moscow là bảo vệ “chính quyền hợp pháp”  Assad. Các nhà lãnh đạo Nga ủng hộ 1 thỏa thuận hòa bình với sự nhất trí rộng rãi trong các phe phái ôn hòa của Syria, cho phép Assad nắm quyền. Moscow cũng ám chỉ rằng họ có thể hỗ trợ tự trị, hạn chế cho các lực lượng đối lập ở một số khu vực của Syria. 
Tuy nhiên, CNN cho rằng Nga cũng có 4 mục tiêu chính. Thứ nhất, bảo vệ quyền lợi của Nga tại Syria. Nga có lợi ích kinh tế và quân sự đáng kể ở Syria, chẳng hạn như căn cứ hải quân Địa Trung Hải ở Tartus. Nga đã có một cơ sở hải quân tại Tartus kể từ thời Xô viết, và đây là căn cứ duy nhất của Nga ở Địa Trung Hải. Kể từ khi tham gia chiến tranh, trung tâm chiến lược  hoạt động quân sự của Nga là căn cứ không quân Hymymim gần Latakia. 
Thứ hai, duy trì lợi ích chiến lược. Bằng việc tham chiến ở Syria, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang gửi một thông điệp đến toàn thế giới: Nga vẫn là một sức mạnh đáng gờm. Đây là một bài học Nga rút tỉa được khi đứng ngoài cuộc chiến năm 2003 của Hoa Kỳ ở Iraq, và cuộc nổi dậy năm 2011 chống chế độ Libya của Moammar Gadhafi - được trợ giúp bởi một chiến dịch ném bom liên minh. Khi đó, việc khoanh tay đã khiến Moscow bị tước mất các đồng minh quan trọng. Syria dưới thời Assad được điện Kremlin xem như một trụ cột quan trọng của ảnh hưởng chiến lược ở Trung Đông.
Thứ ba, củng cố sự ủng hộ của ông Putin ở quê nhà. Giá dầu thấp và các lệnh trừng phạt của phương Tây sau sự kiện Crimea đã làm cho kinh tế Nga lâm vào khủng hoảng. GDP Nga đã giảm 3,7% vào năm 2015, trở thành 1 trong 10 thị trường mới nổi tồi tệ nhất trên thế giới, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Giá trị của đồng rúp Nga giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD, làm cho hàng triệu người Nga trở nên nghèo hơn trước đây. Trong bối cảnh đó, Kremlin rất cần một sự phân tâm. Một cuộc chiến tranh Syria là một cách để tập hợp sự ủng hộ và thúc đẩy niềm tự hào dân tộc.
Thứ tư, bán vũ khí. Từ những chiếc máy bay chiến đấu siêu ưu thế Su-35 đầu tiên trên thế giới đến tên lửa hành trình Kalrub thế hệ mới, Syria như một vũ đài để Nga quảng bá các loại vũ khí công nghệ cao nhất. Nga đã là một trong những nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới. Doanh số vũ khí của Nga với các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ giờ đây có thể gia tăng đáng kể.
Chiến địa dầu mỏ Syria (K1): Dương đông kích tây ảnh 1 Hoa Kỳ được cho có 4 mục tiêu lớn ở Syria. 
Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cũng vào cuộc
Ngay từ đầu cuộc nội chiến ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những người ủng hộ phe đối lập Syria, đã chiến đấu bên cạnh các phe phái không phải là người Kurd trong phe đối lập Syria bao gồm cả Quân đội Giải phóng Syria (FSA). Ankara đã tiến hành các cuộc không kích vào các mục tiêu IS như một phần của liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo.
Họ cũng tiến hành các cuộc không kích đơn phương chống lại lực lượng đối lập người Kurd ở miền Bắc Syria và đưa các lực lượng mặt đất vào Syria để chống lại các lực lượng IS và người Kurd, như là một phần của chiến dịch do Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu, gọi là "Euphrates Shield - Lá chắn Euphrates". 
Theo giới quan sát, Ankara muốn ngăn chặn các lợi ích lãnh thổ của người Kurd và ngăn họ giành được quyền tự trị trong bất kỳ kịch bản giải quyết hậu chiến nào. Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, các chiến binh người Kurd ở Syria được gắn với Đảng Công nhân người Kurd (PKK), đã chiến đấu trong một cuộc chiến tranh kéo dài hơn 3 thập niên ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara cũng muốn đánh bại IS và các nhóm cực đoan khác đã tấn công khủng bố vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. 
Trong khi đó, Iran đã hỗ trợ chính phủ Assad ít nhất từ năm 2012, cung cấp hỗ trợ quân sự dưới các hình thức đào tạo, cung cấp vũ khí và chia sẻ tình báo. Tehran cũng đã triển khai lực lượng quân sự ưu tú của Iran, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) và dân quân Shiite từ khắp khu vực. Đồng minh Hezbollah của Iran ở Lebanon cũng là những người ủng hộ lớn cho chế độ Assad. Iran đã trực tiếp và gián tiếp chiến đấu chống lại cả các phe nhóm ôn hòa và cực đoan trong phe đối lập Syria, cũng như IS. 
(Còn tiếp)

Các tin khác