Châu Âu tan giấc mộng vàng - Kỳ 1: “Lỗ đen” Hy Lạp

Khi thành lập Liên minh châu Âu (EU) và phát hành đồng tiền chung EUR, các nhà lãnh đạo châu Âu mơ tới một châu Âu nơi khoảng cách kinh tế và xã hội giữa các quốc gia sẽ được xóa nhòa để đưa châu lục thành một khối thống nhất và thịnh vượng. Nhưng viễn cảnh đó đang ngày càng giống ảo tượng, cùng với cuộc khủng hoảng nợ đang lan rộng hơn.

Khi thành lập Liên minh châu Âu (EU) và phát hành đồng tiền chung EUR, các nhà lãnh đạo châu Âu mơ tới một châu Âu nơi khoảng cách kinh tế và xã hội giữa các quốc gia sẽ được xóa nhòa để đưa châu lục thành một khối thống nhất và thịnh vượng. Nhưng viễn cảnh đó đang ngày càng giống ảo tượng, cùng với cuộc khủng hoảng nợ đang lan rộng hơn.

Ngày 4-7, hãng đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) cho rằng Hy Lạp đang ở trong tình trạng vỡ nợ không chính thức. Ngày 12-7, các Bộ trưởng châu Âu chính thức đặt khả năng để Hy Lạp vỡ nợ lên bàn nghị sự. Sau gói ứng cứu 110 tỷ EUR cách nay hơn 1 năm, các lãnh đạo EU ngày 21-7 lại phải họp thượng đỉnh khẩn cấp để bàn về gói ứng cứu thứ 2 cho Athens.

Tệ hơn Argentina

Cách đây 10 năm, thế giới chao đảo với thông tin vỡ nợ truyền đi từ Argentina. Cũng như tình hình Hy Lạp năm 2011, Argentina năm 2001 chìm trong hoảng loạn và phản loạn. Người ta đổ xuống đường biểu tình và cướp phá, xông vào các nhà băng để giành tiền. Rồi lại xếp hàng rồng rắn ở Đại sứ quán các nước phương Tây với mong muốn được “thoát ly” khỏi cảnh hỗn loạn ở quê hương càng sớm càng tốt.

“Người ta bán hết mọi thứ để ra nước ngoài, chấp nhận làm bất kỳ việc gì vì cảm thấy không còn hy vọng gì ở đất nước” - Daniel Kerner, nhà phân tích thuộc tổ chức tư vấn rủi ro chính trị Á-Âu Eurasia Group, nhớ lại. Trong vòng 10 ngày kể từ khi Tổng thống de la Rua từ chức vào 21-12-2001, có đến 4 tổng thống khác lên thay và cũng lần lượt… từ chức.

Một thập niên sau cuộc khủng hoảng, Argentina vẫn chưa quay lại được thị trường tín dụng toàn cầu. “Một cuộc vỡ nợ không phải chuyện vô thưởng vô phạt. Bạn phải lãnh hậu quả trong một thời gian dài. Argentina nay không còn được xem là một đất nước nghiêm túc” - theo Jaime Abut, một cố vấn doanh nghiệp ở Rosario, thành phố phía Bắc Buenos Aires.

Nhưng dù sao, tình hình Argentina lúc đó vẫn tốt hơn Hy Lạp hiện nay. Lúc đó Argentina là một nhà xuất khẩu nông sản lớn và có thặng dư mậu dịch. Trong khi Hy Lạp chỉ dựa vào dịch vụ, chủ yếu là du lịch và từ lâu đã chìm trong thâm hụt mậu dịch. Hơn nữa, khi bị vỡ nợ, Argentina chỉ có thâm hụt ngân sách ở mức 3,2% GDP, trong khi con số này của Hy Lạp đã là 10,5% vào năm 2010, cao gấp 3 so với giới hạn 3% của Ủy ban châu Âu (EC).

Tính theo tỷ lệ với GDP, nợ công của Hy Lạp hiện ở 150%, so với 54% của Argentina lúc vỡ nợ. Với những yếu kém trên, nhà đầu tư huyền thoại George Soros nhận định trong một bài viết cho Financial Times (FT) rằng rất khó để giữ cho Hy Lạp khỏi vỡ nợ: “Một cuộc vỡ nợ Hy Lạp có lẽ là điều không thể tránh khỏi”.

Cuộc tháo chạy khó tránh khỏi

Như S&P nhận định, thật ra Hy Lạp đã ở trong tình trạng vỡ nợ không chính thức. Giả sử hôm nay (21-7), các lãnh đạo châu Âu đạt được thỏa thuận về gói ứng cứu thứ 2 cho Athens, thì đó cũng là một gói ứng cứu tạm thời và bao gồm các điều khoản mà các công ty đánh giá tín dụng (CRA) liệt vào diện vỡ nợ, chẳng hạn việc yêu cầu các trái chủ tư nhân đóng góp bằng việc lùi thời hạn nợ cho Hy Lạp. Nhưng dù vỡ nợ hay không, một khi còn là thành viên của khu vực EUR, Hy Lạp vẫn thiếu một công cụ tối quan trọng mà Argentina đã dùng để phục hồi nhanh chóng sau vỡ nợ: đó là sở hữu nội tệ riêng.

Châu Âu và khu vực EUR đang bị cuốn vào “lỗ đen” do Hy Lạp tạo ra. (Minh họa: Văn Cường)

Châu Âu và khu vực EUR đang bị cuốn vào “lỗ đen”
do Hy Lạp tạo ra. (Minh họa: Văn Cường)

Do độc lập về tiền tệ, Argentina có thể thoải mái phá giá đồng tiền của mình (peso), nhờ đó chống chọi được với cơn bão kinh tế hậu vỡ nợ. Bất chấp những khó khăn tài chính sau cuộc vỡ nợ, nền kinh tế Argentina nhanh chóng hồi phục và đạt tăng trưởng hơn 8% mỗi năm kể từ năm 2003. Trong thời gian này, nhiều ngành công nghiệp được hưởng lợi từ việc phá giá nội tệ. Argentina từng bước khôi phục việc xuất khẩu xe hơi sang Brazil, du khách lại đổ về đất nước của điệu Tango để hưởng lợi từ việc chênh lệch tỷ giá.

 “Vấn đề lớn của Hy Lạp là họ có một đồng tiền quá mạnh, mạnh hơn nhiều so với năng suất của họ” - theo Eric Ritondale, nhà kinh tế cấp cao của Công ty Tư vấn Econviews. Từ năm 2003, Tổng thống Néstor Kirchner và sau đó là vợ ông - đương kim Tổng thống Cristina Fernández de Kirchner - triển khai mô hình kinh tế mới, với trụ cột là một nội tệ yếu để thúc đẩy xuất khẩu trong khi hạn chế nhập khẩu, đồng thời duy trì thặng dư mậu dịch và ngân sách. Những chính sách này đã giúp gia đình Kirchner được tín nhiệm cho đến ngày nay.

Như vậy, áp lực rời bỏ EUR ngay cả khi được ứng cứu vẫn ngày một đè nặng lên chính quyền Athens. Điều này đã được nhiều nhà phân tích nói đến. Thậm chí, tờ Spiegel của Đức từng dẫn nguồn tin từ Chính phủ Đức cho biết các nhà lãnh đạo Hy Lạp đã tính tới khả năng này (Xem thêm: Hy Lạp “tháo chạy” khỏi EUR? trên ĐTTC ngày 9-5-2011).

Một bài viết của Wall Street Journal mới đây cho biết một số ngân hàng lớn nhất châu Âu đang có các bước đi chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng nợ vượt tầm kiểm soát và 1 hoặc 2 nước rời bỏ EUR (Xem thêm: Hy Lạp vỡ nợ? trên ĐTTC số ngày 14-7-2011).

Nhưng vấn đề là cuộc khủng hoảng không dừng ở Hy Lạp. Cho đến nay, Ireland và Bồ Đào Nha đã bị cuốn vào vòng xoáy, phải nhờ đến sự ứng cứu từ bên ngoài. Cả 3 nước này đều đã bị đánh tuột tín nhiệm khỏi hạng mức có thể đầu tư.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng đang có nhiều nguy cơ lây lan sang Italia và Tây Ban Nha. Nếu phải ứng cứu Italia, EU cần nâng quỹ ứng cứu hiện nay (EFTF) lên gấp đôi, 1.500 tỷ EUR.

-----------

Kỳ 2: Lỗ hổng cấu trúc

Các tin khác