Châu Âu không trong lành (K2): Ô nhiễm nước

(ĐTTCO) - Cải thiện đáng kể chất lượng nước ngọt vào năm 2015 là mục tiêu đã được tuyên bố của các nước thành viên EU. 

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây cho thấy mục tiêu này dường như không thể đạt được. Ô nhiễm nước là một trong những vấn đề đau đầu của các lãnh đạo châu Âu hiện nay.

Đe dọa 1/2 hệ sinh thái nước
Nghiên cứu của viện Nghiên cứu Khoa học môi trường Landau cùng với Trung tâm Nghiên cứu môi trường Helmholtz và các nhà khoa học thành viên đến từ Pháp và Thụy Sĩ, cho thấy các rủi ro về sinh thái học gây ra bởi các hóa chất độc hại tại châu Âu lớn hơn nhiều so với giả định thông thường. Các cơ quan chức năng về môi trường và cộng đồng khoa học cho rằng hóa chất độc là vấn đề có tính địa phương, chỉ gây ảnh hưởng một vài lưu vực nước.
Tuy nhiên, nghiên cứu nói trên cho thấy các độc chất hóa học gây rủi ro trên quy mô lớn đối với hàng ngàn hệ sinh thái nước của châu Âu. Độc tính hóa học đại diện cho mối nguy hại về sinh thái học tới gần một nửa lưu vực nước ở châu Âu và trong khoảng 15% trường hợp, các sinh vật trong hệ sinh thái nước ngọt có thể bị đột tử.
 Những yếu tố cơ bản góp phần gây ô nhiễm hóa học các hệ sinh thái nước là việc xả thải từ các hoạt động nông nghiệp, vùng đô thị và nhà máy xử lý nước thải đô thị. Thuốc trừ sâu là độc chất đe dọa nghiêm trọng đối với hệ sinh thái nước ngọt. Vấn đề là một lượng lớn hóa chất hiện đang được sử dụng không được đưa vào danh sách các chỉ tiêu trong quan trắc nước thải.
TS. WERNER BRACK
Trung tâm nghiên cứu môi trường Helmholtz Leipzig
 
 Các nhà nghiên cứu đã xem xét ngưỡng rủi ro trong lưu vực sông của mạng lưới suối chính, chẳng hạn như sông Danube và sông Rhine. Nghiên cứu phát hiện chất lượng nước ở Pháp là xấu nhất, có thể do quốc gia này đã lắp đặt mạng lưới quan trắc dày đặc để phân tích các mẫu nước với vô số chỉ tiêu, gồm có các hợp chất liên quan đến nhiễm độc hệ sinh thái.
Trong khi đó, tại những quốc gia khác, những nguy cơ vẫn không được phát hiện, không được nhận dạng do độ nhạy không đáp ứng của các phân tích hóa học, hoặc danh sách các hợp chất cần quan trắc liên quan đến nhiễm độc sinh thái không được liệt kê đầy đủ. “Nói chung có nhiều khả năng chúng tôi đã đánh giá thấp các rủi ro trong các phân tích. Tình trạng và môi trường thực tế của các hệ sinh thái nước ngọt của châu Âu có thể còn tệ hơn” - GS.TS Ralf B.Schäfe, Viện nghiên cứu Khoa học môi trường Landau, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, giải thích.

Không nước nào an toàn 
Một nghiên cứu vào năm 2015 của tổ chức sinh thái Ecologists in Action, cho biết Tây Ban Nha đã bị mất 20% nguồn nước ngọt trong 20 năm qua. Con số này sẽ tăng cao hơn trong vòng 10 năm tới nếu không có điều gì để cải thiện tình hình. Đây mới chỉ là con số trung bình, bởi lượng nước ngọt ở một số nơi của Tây Ban Nha thậm chí giảm xuống 40% khi nghiên cứu này được tiến hành.
Tại Đức, một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2011 cho thấy các nguồn nước ngọt bị ô nhiễm với 331 loại chất hữu cơ, bao gồm vi khuẩn, trầm tích và các chất tự nhiên độc hại như chì và asen. Trong số 331 loại chất gây ô nhiễm, 257 chất được tìm thấy trong các con sông ở Đức, chưa kể đến các hồ và nguồn nước ngọt khác. Ở một số con sông này, số lượng chất ô nhiễm hữu cơ hiện diện đủ để đạt đến mức độ độc hại đối với đời sống thực vật và động vật trong khu vực. Các chất gây ô nhiễm này lại không được chính phủ Đức quy định và do đókhông bắt buộc phải trừ khử.
Châu Âu không trong lành (K2): Ô nhiễm nước ảnh 1 Nguồn nước ngọt tại châu Âu bị ô nhiễm vượt ngưỡng. 
Tại Anh và xứ Wales, hàng năm có hơn 3.000 trường hợp ô nhiễm dầu và nhiên liệu. Riêng trong năm 2006, nước thải và ngành công nghiệp xử lý nước thải ở Wales và Anh đã góp phần gây ra 25% sự cố lớn về nước và sự bùng phát dịch bệnh xảy ra trên khắp các quốc gia này. Theo một nghiên cứu năm 2015 do Cơ quan Môi trường châu Âu thực hiện, chỉ 17% sông của Anh có những chỉ tiêu đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường. Đây là sự sụt giảm lớn so với con số 29% những năm trước. Chỉ có 0,08% con sông ở Anh được coi là có chất lượng tốt, còn lại hầu hết ở mức độ vừa phải.
Ô nhiễm nước trên các con sông ở Anh dẫn đến gia tăng đáng ngạc nhiên các bệnh lây truyền qua nước ở khắp nước Anh mỗi năm. Những bệnh này xuất phát từ số lượng vi khuẩn được tìm thấy trong các nguồn nước bị ô nhiễm. Như bệnh Weil khiến người nhiễm bệnh có những triệu chứng tiêu chảy, nôn mửa, đau cơ và đau đầu. Bệnh này đã khiến 58 người bị chết chỉ tính riêng trong năm 2009. Hàng năm, hơn 5.000 người ở Anh bị nhiễm cryptosporidiosis - một ký sinh trùng thường sinh sống trong nguồn nước bị ô nhiễm.
Một nghiên cứu năm 2014 ở Pháp đã xác định có khoảng 1,5 triệu người đang sử dụng nước máy có thể được coi là ô nhiễm. Phần lớn là những cư dân sống ở các vùng nông thôn, nơi nước thải không được kiểm soát bởi những cơ sở xử lý nước thải nghiêm ngặt và chuyên dụng. Điều này cũng liên quan trực tiếp đến sản lượng nông nghiệp đang được sản xuất tại Pháp. Ngành nông nghiệp càng mở rộng quy mô nước bị ô nhiễm càng nhiều hơn bởi các chất bẩn, thậm chí là thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hay vi khuẩn. Đáng lo hơn khi có tới 63% hộ gia đình trong nghiên cứu này đang sử dụng nước bị ô nhiễm với thuốc trừ sâu.
Tại các thị trấn nhỏ khắp vùng nông thôn nước Pháp, lượng ô nhiễm trong nước đã tăng lên đáng kể tính từ năm 2012. Các khu vực có dân số dưới 500 người bị ô nhiễm nguồn nước nhiều hơn những khu vực khác trong vài năm trở lại đây. Trong khi đó ở các khu vực nông nghiệp xung quanh Paris, ít nhất 20% dân số đang sử dụng nước không sạch. Điển hình nhất là thị trấn Berck ở miền Bắc nước Pháp liên tục cho thấy đây là khu vực ô nhiễm nhất cả nước.
Năm 2015, Scottish Water được coi là một trong những thủ phạm chính gây ô nhiễm nguồn nước ở Scotland. Công ty này đã chịu trách nhiệm về 51 sự cố ô nhiễm nguồn nước trong 1 năm, bao gồm vụ tràn Clorine nghiêm trọng giết chết hơn 1.000 con cá và vụ rò rỉ hơn 10.000 lít axit HCl vào sông Devon trong cùng năm đó. Vậy nhưng công ty này vẫn không bị phạt bởi các quy định của Scotland về ô nhiễm nguồn nước còn nhiều bất cập, cần phải được cải thiện nhiều hơn nữa.
Ô nhiễm từ dòng chảy độc hại và ô nhiễm nước ngầm ở Scotland hiện đang ảnh hưởng đến 25% dòng sông và 17% hồ. Ô nhiễm tác động trực tiếp đến nguồn nước mặt của 15% con sông và 11% hồ. Số lượng lớn các chất gây ô nhiễm trong nguồn nước trên khắp Scotland góp phần làm ảnh hưởng tới số lượng các loài cá và động vật, đồng thời ảnh hưởng lớn tới đời sống của những người sống dựa vào nguồn nước này.

Các tin khác