Bùng nổ công nghiệp hàng giả: Trung Quốc là số một

(ĐTTCO) - Theo Forbes, hàng giả là công nghiệp tội phạm lớn nhất thế giới trong năm nay. Doanh thu hàng giả và hàng lậu tổng cộng 1.700 tỷ USD mỗi năm, cao hơn cả ma túy và buôn người, và dự kiến sẽ tăng lên 2.800 tỷ USD vào năm 2022. 

The Counterfeit Report (TCP), cơ quan nghiên cứu chống hàng giả có trụ sở ở Hoa Kỳ, Trung Quốc sản xuất 80% hàng giả trên thế giới. Trong khi đó, báo cáo của GIPC thuộc Phòng Thương mại Hoa Kỳ (USCC), khoảng 86% số hàng nhái trên thế giới hiện nay có xuất xứ từ Trung Quốc. 

“Văn hóa” hàng nhái
Tại Trung Quốc, vấn đề hàng nhái, hàng giả đã trở thành chuyện quá bình thường. Các nhà sản xuất có thể nhái mọi thứ, từ hàng thời trang, điện tử cho đến thực phẩm, miễn là chúng đem lại lợi nhuận. Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng cũng chuộng hàng nhái hơn hàng thật do lối sống vật chất ngày càng tăng cao. Sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc đã tạo nên một lớp trẻ chuộng hàng hiệu, một xã hội đánh giá con người dựa trên những gì họ mặc, xe họ đi, dùng điện thoại nào... Hệ quả, nhiều người tiêu dùng không thể mua hàng hiệu chuyển sang các sản phẩm nhái để có thể “bằng bạn bằng bè”.
Trung Quốc sản xuất 80% hàng giả thế giới nhưng chúng ta đang hỗ trợ Trung Quốc tiêu thụ nó, khi người dân Hoa Kỳ dù biết hàng giả vẫn mua 60-80% các sản phẩm này. Trung Quốc đang phá hủy nền kinh tế của chúng ta, họ đang phá hủy các trung tâm mua sắm, các cửa hàng bán lẻ…
Ông Craig Crosby, 
sáng lập viên TCP
Một cuộc khảo sát của Trường Đại học Curtin University, Australia cho thấy gần 3/4 người tiêu dùng tại các trung tâm mua sắm của Thượng Hải thừa nhận họ có sử dụng hàng giả. Theo các chuyên gia, những nhà phân tích mới đánh giá được mức chênh lệch giá cả, chưa thể tính đến sự chênh lệch giá trị khi sử dụng hàng hiệu, dù thật hay giả, với không phải hàng hiệu. Tại Trung Quốc, vị thế và sự tự tin của một người khi dùng thương hiệu nổi tiếng bất chấp hàng nhái cao hơn rất nhiều so với người không dùng, đang khiến ngành hàng giả Trung Quốc vẫn ngang nhiên tồn tại, dù nhiều lần bị chính phủ truy quét.
Thêm vào đó, việc tồn tại hàng giả khiến những nhãn hàng thật có giá hơn trong mắt người tiêu dùng, tạo tiền đề để các hãng nâng giá sản phẩm một cách vô lý nhưng vẫn hút khách. Báo cáo của Bain Consulting năm 2012, cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc chỉ chiếm 6% chi tiêu toàn cầu nhưng lại là khách hàng của 20% doanh số các thương hiệu xa xỉ.
Trong khoảng từ năm 2005 đến 2014, số đơn khiếu nại vi phạm bản quyền tại Trung Quốc đã tăng 9 lần lên 133.000 đơn, trong khi số vụ án làm hàng giả tăng 10 lần lên 11.000 vụ. Báo cáo năm 2017 cho thấy 30% số rượu và 70% số rượu vang tại Trung Quốc là hàng giả. Tồi tệ hơn, sự bùng nổ của thương mại điện tử khiến ngành hàng giả hàng nhái càng có cơ hội phát triển, bởi người tiêu dùng khó lòng kiềm tra trực tiếp được hàng hóa cũng như nguồn gốc xuất xứ. Hiện gần 2/3 số hàng hóa được vận chuyển bằng bưu điện, chuyển phát nhanh hay các dịch vụ khác và phần lớn trong số đó được mua trực tuyến.
Bùng nổ công nghiệp hàng giả: Trung Quốc là số một ảnh 1 Chợ 13 Quảng Châu – thiên đường kinh doanh thời trang nhái. 
Theo báo cáo của GIPC, doanh thu từ ngành hàng nhái/hàng giả của Trung Quốc đem về cho nước này 396 tỷ USD mỗi năm. Xếp sau Trung Quốc là Ukraine với 0,43% thị phần hàng nhái với tổng trị giá 2 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng với 0,33% và 1,5 tỷ USD.Những mặt hàng được ưa chuộng
Số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong khoảng 2011-2013, cho thấy giày dép là mặt hàng bị làm nhái nhiều nhất, sau đó đến quần áo và thiết bị điện tử. Điều trớ trêu, những người bán hàng nhái hay vận chuyển hàng nhái không bị phạt quá cao, qua đó không đủ tính răn đe đối với loại tội phạm này. Theo Hiệp hội chống hàng nhái quốc tế (IACC), việc vận chuyển 1 chai dầu gội đầu làm giả hay những đôi giày nhái qua biên giới không khiến người buôn lậu phải ngồi tù lâu, đã thúc đẩy các tập đoàn tội phạm gia nhập ngành này.
Rayban, Rolex và Louis Vuitton là những thương hiệu bị làm nhái nhiều nhất trên toàn thế giới, với Nike là thương hiệu bị giả mạo nhất trên toàn cầu, theo OECD. Quần áo, giày dép, đồ trang sức và túi xách giả từ các thương hiệu thiết kế được sản xuất với chất lượng khác nhau, đôi khi kẻ làm hàng giả chỉ làm giả nhãn mác, nhưng cũng có những kẻ đặt nhiều công sức hơn vào việc làm giả, bắt chước từng chi tiết thời trang. Khách du lịch quốc tế đến thăm Bắc Kinh, Trung Quốc, có thể tìm thấy nhiều lựa chọn hàng may mặc giả thương hiệu tại Phố Silk. Đồng hồ đắt tiền cũng dễ bị giả mạo.
Các linh kiện điện tử giả đã tăng nhanh trong những năm gần đây, bao gồm mạch tích hợp (IC), rơ le, bộ ngắt mạch, cầu chì, ổ cắm tiếp đất, cụm cáp, cũng như đầu nối. Giá trị của các linh kiện điện tử giả được ước tính chiếm khoảng 2% doanh thu toàn cầu - tương đương 460 tỷ USD vào năm 2011. Các sự cố liên quan đến IC giả đã dẫn đến Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và NASA thiết lập các chương trình để xác định các bộ phận giả và ngăn chặn chúng xâm nhập chuỗi cung ứng. “Một kết nối không thành công có thể tắt 1 vệ tinh nhanh như một vi mạch bị lỗi” - Giám đốc sản phẩm Robert Hult cho biết. Các thiết bị điện tử giả vì vậy cũng đặt ra mối đe dọa đáng kể cho các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, bao gồm cả quân đội. Vào năm 2012, một báo cáo của Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Thượng viện Hoa Kỳ, đã nêu bật những rủi ro khi xác định khoảng 1.800 trường hợp nghi ngờ các phần giả trong chuỗi cung ứng quốc phòng trong năm 2009 và 2010. 
Các bộ phận điện tử giả có thể làm suy yếu tính bảo mật và độ tin cậy của các hệ thống kinh doanh quan trọng, gây thiệt hại lớn về doanh thu cho các công ty và làm hỏng danh tiếng của họ. Chúng cũng có thể gây ra các mối đe dọa lớn đối với sức khỏe và an toàn, như khi máy tạo nhịp tim cấy ghép ngừng lại, hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) bị lỗi hoặc pin điện thoại di động phát nổ. Trong năm 2017, OECD ước tính 1 trong 5 (19%) điện thoại thông minh được bán trên toàn thế giới là giả, với số lượng ngày càng tăng. Ở một số nước châu Phi, có đến 60% điện thoại thông minh là giả. Điện thoại giả gây tổn thất tài chính cho chủ sở hữu và nhà phân phối thiết bị hợp pháp, làm thất thu thuế cho chính phủ. Ngoài ra, các điện thoại giả được sản xuất kém, có thể tạo ra bức xạ cao và chứa các mức nguy hiểm của các nguyên tố nguy hiểm như chì. 
Theo FBI của Hoa Kỳ, hàng giả dược phẩm chiếm khoảng 600 tỷ USD trong thương mại toàn cầu, được coi là “tội ác của thế kỷ 21”. Nó đã gây ra những hậu quả kinh tế và sức khỏe bất lợi đáng kể cho các cá nhân và tập đoàn. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính hơn 30% dược phẩm ở các nước đang phát triển là giả mạo. “Bất cứ ai, bất cứ nơi nào trên thế giới, có thể thấy thuốc dường như được đóng gói đúng cách nhưng không chứa các thành phần chính xác, trong trường hợp xấu nhất có thể chứa đầy các chất độc hại cao” - WHO cho biết.
Hiện nay khoảng 1/3 các quốc gia trên thế giới thiếu các cơ quan quản lý thuốc có hiệu quả, khiến họ trở thành con mồi dễ dàng cho hàng giả. Trên toàn cầu, hơn một nửa số dược phẩm giả được bán là các loại thuốc quan trọng cho mạng sống, như thuốc chống sốt rét, lao, HIV/AIDS và ung thư. Ước tính có khoảng một triệu người tử vong mỗi năm vì dùng thuốc giả độc hại. Với việc tăng doanh số bán hàng qua internet, các loại thuốc giả như vậy dễ dàng vượt qua các ranh giới quốc tế và có thể được bán trực tiếp cho những người mua. Vào tháng 9-2017, sau cuộc điều tra kéo dài 10 năm, Interpol đã phá 3.584 trang web ở các quốc gia khác nhau, loại bỏ 3.000 quảng cáo trực tuyến quảng bá dược phẩm bất hợp pháp và bắt giữ 400 người. 
(Còn tiếp)

Các tin khác