Brexit - Lợi ít hại nhiều? (K2): Kinh động Á-Âu

(ĐTTCO) - Brexit là quyết định riêng của người dân Vương quốc Anh, nhưng nó không chỉ ảnh hưởng riêng tới Anh mà còn tác động mạnh tới toàn châu Âu, châu Á và cả thế giới.
Những người biểu tình chống Brexit trước tòa nhà Quốc hội Anh ngày 13-3. Ảnh: Reuters
Những người biểu tình chống Brexit trước tòa nhà Quốc hội Anh ngày 13-3. Ảnh: Reuters
Châu Âu lo âu

Về thương mại, Anh là đối tác lớn thứ 2 của EU, chỉ sau Đức. Năm 2014, Anh xuất khẩu 284 tỷ USD sang EU và nhập lại hơn 360 tỷ USD. Thương mại với Anh đóng góp khoảng 5% vào GDP của EU. Việc Anh rời EU nhiều khả năng sẽ tác động tiêu cực đến thương mại 2 bên.  Đầu tiên, các nhà xuất khẩu châu Âu sẽ mất khả năng tiếp cận Anh, nơi mang lại thặng dư thương mại khoảng 0,5% GDP cho toàn khối. Thứ hai, Brexit ước tính làm GDP Anh giảm tăng trưởng 2-7%, kéo theo làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa của châu Âu. Tuy nhiên, tác động thực sự phụ thuộc lớn vào các đàm phán giữa 2 bên, tùy theo Anh sẽ chọn Brexit cứng hay mềm.

Brexit còn khiến dòng vốn FDI vào Anh chuyển hướng sang các nước khác trong EU. Cho đến nay, Anh là nơi thu hút vốn FDI lớn nhất EU. Như năm 2010, nước này là đích đến của 20% vốn FDI đổ vào EU. Đối với nhiều công ty bên ngoài EU, Anh là lựa chọn lý tưởng để đặt trụ sở ở châu Âu, bởi có môi trường kinh doanh và thị trường lao động thuận lợi, tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế nên dễ dàng tiếp cận các thị trường tài chính quốc tế. Tuy nhiên, nếu Anh không còn trong thị trường chung EU, những công ty này có thể sẽ chuyển đến các thành phố EU khác như Dublin, Frankfurt, Paris, Amsterdam hay Brussels. Dòng vốn mới này được kỳ vọng mang theo sự thịnh vượng, việc làm và năng suất. Về tài chính, lợi suất trái phiếu ở một số nước sẽ tiếp tục giảm do tình trạng không chắc chắn gia tăng, khiến trái phiếu trở thành một trong các kênh trú ẩn ưa thích. Một yếu tố quan trọng khác là niềm tin. Brexit có thể tạo ra tiền lệ xấu, khiến giới đầu tư kinh doanh giảm sút niềm tin vào sự bền vững ổn định của EU. Vì vậy, các quyết định kinh doanh đầu tư lớn có thể sẽ bị hoãn lại, đặc biệt những quyết định có tính dài hạn.

Theo đánh giá của Viện Kinh tế AXA (Anh), tác động của Brexit tới châu Âu khá phức tạp vì bao phủ nhiều vấn đề. Nếu giả định thương mại bị tác động với nhu cầu hàng hóa EU ở Anh giảm 5%, và giảm thêm 5% do khó tiếp cận thị trường EU, cũng như thêm 10% nữa do tỷ giá đồng EUR và bảng Anh thay đổi, khi đó GDP của EU sẽ mất 0,3% tăng trưởng. Nếu niềm tin suy giảm khiến đầu tư tài sản cứng giảm 20% so với năm 2012, GDP EU sẽ mất thêm 0,4% tăng trưởng, Như vậy, trong những năm tới tác động của Brexit không quá 0,7% GDP EU.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận định bi quan. CEO toàn cầu kiêm Giám đốc đầu tư của Công ty Quản lý quỹ Northern Trust, ông Wayne Bowers, cho rằng nền kinh tế 27 thành viên EU còn lại đã có những bước tiến quan trọng sau khi Anh quyết định Brexit. “Thứ nhất, các thành viên EU đã tiến được bước dài kể từ khi xảy ra Brexit. Những dấu chỉ tích cực này cho phép Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nâng dự báo tăng trưởng năm nay lên 1,8%. Thất nghiệp đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2009 và lạm phát ở trên mức mục tiêu 2% của ECB. Nhìn chung, các thị trường ở cả Anh và EU đều diễn biến tốt, ngay cả trong làn gió ngược Brexit” - ông Bowers nói. Tương tự, Thứ trưởng Bộ Tài chính Italia Enrico Morando cho rằng: “Việc Anh rời khỏi không khiến EU rơi vào khủng hoảng như mọi người đồn thổi. Trái lại, Brexit đe dọa lớn cho Anh hơn là cho kinh tế EU”.

Châu Á phập phồng

Dù xuất khẩu của các nước châu Á giảm trong thời gian gần đây, nhiều nền kinh tế hàng đầu trong khu vực từ lâu xem Anh và EU là điểm đến đầu tư trực tiếp. Vì vậy, Brexit có thể khiến những đầu tư này gặp rủi ro. Chẳng hạn Trung Quốc, trong thập niên qua, các nhà đầu tư nước này đã đổ hàng chục tỷ USD vào nhiều tài sản ở Anh. Trong khi đó, Nhật Bản cũng đối mặt với một số vấn đề, vì nhiều nhà sản xuất và dịch vụ tài chính của họ có trụ sở khu vực đặt ở Anh. Dù vậy, Brexit cũng tạo ra những cơ hội cho châu Á. Chẳng hạn, Singapore, Myanmar và Malaysia đã có mối quan hệ lịch sử với Anh, nhân cơ hội này có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Thực tế, xuất khẩu của châu Á sang Anh khá thấp (2,56% năm 2011) và giảm dần trong 20 năm qua. Chẳng hạn Malaysia chỉ xuất khẩu 4,39% sang Anh năm 1995 và giảm còn 1,26% năm 2011. Vì vậy, nếu kịch bản Brexit mềm diễn ra, tác động tới châu Á rất ít. Trong khi đó, xuất khẩu của khu vực châu Á sang EU khá lớn, bình quân 12,83% xuất khẩu các nước. Trong đó, những nước có tỷ lệ xuất khẩu lớn sang EU gồm Ấn Độ (25,15%), Campuchia (22,66%), Trung Quốc (18,62%), Việt Nam (15,56%) và Singapore (13,09%). Vì vậy, nếu kịch bản Brexit cứng xảy ra và nền kinh tế EU bị ảnh hưởng nặng, những nước này cũng sẽ bị tác động mạnh.

Với những nền kinh tế lớn của châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc, ước tính tác động từ Brexit sẽ có nhiều khác biệt. Với Hàn Quốc, do duy trì quan hệ thương mại với Anh ở mức thấp (0,93%), nên ước tính tác động của Brexit lên nước này cũng chỉ ngang ngửa với tác động lên toàn cầu. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo Brexit sẽ làm giảm 0,2% tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm nay. Tuy nhiên, dự báo Brexit có thể làm tăng giá đồng won, từ đó khiến xuất khẩu của Hàn Quốc khó khăn hơn. Với Nhật Bản, tác động của Brexit sẽ lớn hơn. Dù xuất khẩu của nước này sang Anh chỉ ở mức thấp 1,92%, nhưng hiện có tới 1.380 công ty Nhật đang hoạt động ở Anh, trong đó 40% hoạt động trong lĩnh vực sản xuất. Đối với những nhà sản xuất lớn của Nhật Bản như Nissan Motor Co., Toyota Motor Corp. và Hitachi Ltd., hoạt động tại châu Âu của họ tập trung tại Anh. Vì vậy, dự báo Brexit sẽ khiến Nhật Bản thiệt hại 3,4-9,5% GDP trong năm 2017.

Riêng với Trung Quốc, tác động từ Brexit có thể thấy rõ trong ngắn và trung hạn. Dù chỉ xuất khẩu 2,98% sang Anh năm 2011, nhưng Trung Quốc đã đầu tư mạnh sang nước này thời gian gần đây. Trong những năm qua, Bắc Kinh đã cố gắng tạo ấn tượng với London bằng việc đổ hàng núi tiền vào đầu tư trực tiếp tại Anh, với tổng giá trị hơn 57 tỷ USD. Ngoài ra, các công ty Trung Quốc cũng xem Anh là địa chỉ ưa thích cho hoạt động mua bán sáp nhập. Chẳng hạn, năm 2015, các công ty Trung Quốc hoàn tất 22 vụ mua lại lớn ở Anh, trong đó lớn nhất là vụ mua lại 33,5% cổ phần Hinkley Point với giá 9 tỷ USD của General Nuclear Power Corporation. Vì vậy, nếu Brexit cứng xảy ra, những khoản đầu tư này của Trung Quốc sẽ bị tổn hại nặng nề. Hơn nữa, nếu có bất cứ tổn hại nào cho vị thế trung tâm tài chính của London, kế hoạch quốc tế hóa đồng NDT của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng.

Các tin khác