Brazil-Hiệu quả xóa nghèo (kỳ 1): “Phép lạ” Lula da Silva

Trong 1 thập niên gần đây, Brazil đã có những bước phát triển nhanh chóng, xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, trở thành một cường quốc mới nổi của thế giới.

Trong 1 thập niên gần đây, Brazil đã có những bước phát triển nhanh chóng, xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, trở thành một cường quốc mới nổi của thế giới.

Lula da Silva - một câu chuyện “thần kỳ” về nghị lực vươn lên trong cuộc sống - chính là người đã tạo ra những “phép lạ” ở Brazil trong 2 nhiệm kỳ Tổng thống từ năm 2002-2010.

Chú bé đánh giày trở thành Tổng thống

Năm 2002, sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử, ông Luiz Inacio Lula da Silva (tên thường gọi: Lula) trở thành ứng viên cánh tả đầu tiên nắm quyền lãnh đạo đất nước trong gần nửa thế kỷ qua, viết nên câu chuyện vô tiền khoáng hậu: Từ chú bé đánh giày trở thành tổng thống.

Lula cam kết cải cách mạnh mẽ hệ thống kinh tế, chính trị, đặc biệt là xóa đói giảm nghèo, xây dựng hình ảnh mới đầy tự tin cho đất nước Brazil. Các chương trình xã hội của chính quyền Lula đã mang đến lợi ích cho hàng chục triệu người dân nước này.

Lula xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo khó, thất học. Thuở nhỏ Lula từng đi đánh giày và bán đậu phộng kiếm sống. Mãi tới năm lên 10 tuổi, ông mới bắt đầu học chữ.

Lớn hơn một chút, Lula làm thợ ở thành phố công nghiệp gần Sao Paulo và bị tai nạn lao động mất ngón út bàn tay trái. Tất cả điều này khiến Lula thấm thía sâu sắc nỗi khổ của người nghèo.

Tổng thống Lula da Silva - kiến trúc sư những thành tựu của Brazil thời gian qua.
Tổng thống Lula da Silva - kiến trúc sư
những thành tựu của Brazil thời gian qua.

Thoạt đầu Lula không có hứng thú với chính trị, nhưng sau cái chết của vợ vào năm 1969 vì viêm gan mà không có tiền chữa chạy, ông bắt đầu tham gia các hoạt động của nghiệp đoàn. Năm 1975, Lula được bầu làm lãnh đạo nghiệp đoàn công nhân đường sắt và chuyển hóa hoạt động nghiệp đoàn từ chỗ thân Chính phủ trở thành một phong trào độc lập mạnh mẽ.

5 năm sau, Lula liên kết nghiệp đoàn, các học giả, những người theo học thuyết Trotsky, nhà hoạt động tôn giáo dưới ngọn cờ chung để thành lập Đảng Lao động (PT) - đảng xã hội chủ nghĩa chính yếu đầu tiên trong lịch sử Brazil. Sau này, PT dần bác bỏ những cam kết cách mạng thay đổi cơ cấu quyền lực ở Brazil bằng một nền tảng mang tính thực dụng và dân chủ xã hội.

Sau 3 lần thất bại khi tham gia tranh cử tổng thống, Lula đã nhận định đảng của ông sẽ không thể chiến thắng trong cuộc đua quyền lực nếu không thành lập liên minh và lôi kéo những “ông trùm” kinh tế. Bước vào cuộc bầu cử năm 2002, Lula đã liên minh với một đảng cánh hữu nhỏ và tập họp những lãnh đạo doanh nghiệp trong và ngoài nước. Lần này, ông đã thành công. Đến năm 2006, ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2.

Thành tựu 2 nhiệm kỳ

Trong 2 nhiệm kỳ, Lula đã chi hàng tỷ USD vào các chương trình xã hội, làm thay đổi những bất bình đẳng “thâm căn cố đế” tại Brazil. Bằng những biện pháp như tăng lương tối thiểu cao hơn tốc độ lạm phát và mở rộng trợ giúp của Nhà nước với người nghèo, Lula đã giúp 44 triệu người nâng cao chất lượng cuộc sống.

Mặc dù theo một số nhà bình luận, chương trình trên chưa giải quyết triệt để vấn đề đói nghèo hoặc Brazil mất dần lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ quốc tế, nhưng không thể phủ nhận chính quyền Lula đã dẹp yên những mối lo ngại trên thị trường tài chính bằng cách giữ nền kinh tế ổn định và đạt thặng dư ngân sách như yêu cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Trong đó, Phong trào Lao động nông thôn không có đất (MST) đã vận động phân chia lại đất đai bởi phần lớn đất canh tác nằm trong tay một nhóm nhỏ các gia đình giàu có. Tại những thành phố lớn như Rio de Janeiro và Sao Paulo, có 1/3 dân số phải sống trong các khu ổ chuột và tồn tại nhiều băng nhóm xã hội đen.

Chương trình phòng chống AIDS của Brazil đã đạt được một số thành tựu. Brazil “khôn khéo” lựa chọn sản xuất các loại thuốc AIDS hết hạn độc quyền sáng chế, giúp giá điều trị rẻ hơn. Nhờ vậy Brazil kiềm chế tỷ lệ lây nhiễm và kéo giảm số ca tử vong vì AIDS, trở thành hình mẫu cho các nước đang phát triển khác.

Những nỗ lực thu hẹp sự bất bình đẳng kinh tế và xã hội ở Brazil đã được Ngân hàng Thế giới (WB) ca ngợi. Bên cạnh đó, Brazil đã giành được quyền tổ chức vòng chung kết World Cup 2014 và đăng cai Thế vận hội mùa hè năm 2016.

Thị trường truyền thông Brazil lớn nhất Nam Mỹ với hàng ngàn trạm phát thanh và hàng trăm kênh truyền hình, tập trung trong tay các tập đoàn nội địa, nổi bật là Globo - kẻ thống lĩnh thị trường, vận hành mạng lưới phát thanh, truyền hình, báo chí, truyền hình trả tiền. Hiến pháp Brazil cho quyền tự do báo chí nên các cuộc tranh luận nảy lửa về những vấn đề chính trị, xã hội diễn ra thường xuyên trên các phương tiện truyền thông.

Brazil đang phát triển mạnh mẽ truyền hình kỹ thuật số, dự kiến từ năm 2016 sẽ chấm dứt phát sóng analog. Trong một thời gian dài, truyền hình là phương tiện truyền thông có ảnh hưởng nhiều nhất, nhưng điều này đang thay đổi nhanh chóng cùng với sự bùng nổ của internet.

Đến tháng 6-2010, ước tính có 76 triệu dân Brazil trở thành công dân mạng. Các quán cà phê internet mọc lên như nấm. Người dân Brazil được biết đến là một trong những cộng đồng sử dụng blog và mạng xã hội nhiều nhất thế giới.

Các cuộc thăm dò cho thấy sau gần 10 năm ngồi trên đỉnh cao quyền lực, ông Lula vẫn rất được lòng người dân với tỷ lệ tín nhiệm tuyệt đối, gần như đảm bảo ông có thể lập “hat-trick” 3 nhiệm kỳ. Tuy nhiên, vào giữa nhiệm kỳ 2, Lula đã tuyên bố không có ý định thay đổi Hiến pháp để tranh cử nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp.

Hiện ông đang dùng sức ảnh hưởng của mình để vận động tranh cử cho bà Dilma Rousseff trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Brazil vào đầu năm 2011. Bà Dilma được cho là sẽ tiếp tục các chính sách của Lula.

----------- 

Kỳ 2: Những chính sách chắp cánh Brazil

Các tin khác