Brazil - Hiệu quả xóa nghèo (kỳ 2): Những chính sách chắp cánh

Sau 8 năm làm Tổng thống, ông Lula da Silva được sự ủng hộ của hơn 80% dân chúng Brazil, một tỷ lệ tín nhiệm rất cao mà chưa đời tổng thống nào có được. Sự ủng hộ trên chính nhờ những thành công của các chương trình phúc lợi xã hội và phát triển kinh tế Brazil trong 2 nhiệm kỳ qua.

Sau 8 năm làm Tổng thống, ông Lula da Silva được sự ủng hộ của hơn 80% dân chúng Brazil, một tỷ lệ tín nhiệm rất cao mà chưa đời tổng thống nào có được. Sự ủng hộ trên chính nhờ những thành công của các chương trình phúc lợi xã hội và phát triển kinh tế Brazil trong 2 nhiệm kỳ qua.

> Kỳ 1: "Phép lạ" Lula da Silva 

Brazil đi theo hướng phát triển ngành dịch vụ, với 71% trong số lực lượng lao động 100 triệu người hoạt động ở ngành dịch vụ, đóng góp 66,8% GDP. Năm 1995 có 15% trẻ em Brazil trong độ tuổi đến trường không được đi học. Nhưng sau 10 năm (2005), tỷ lệ này giảm xuống 3% và đến năm 2009 Brazil đã hoàn thành phổ cập giáo dục.

Brazil thực hiện cải cách an sinh xã hội và hệ thống thuế, đi kèm với sự bổ sung đáng chú ý: Luật Trách nhiệm tài chính để kiểm soát chi tiêu công. Đồng thời, các khoản đầu tư được thực hiện theo hướng hiệu quả hành chính và những chính sách đưa ra nhằm khuyến khích xuất khẩu, công nghiệp và thương mại, mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất, nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Thành phố Sao Paulo.

Thành phố Sao Paulo.

Trong số những biện pháp thúc đẩy kinh tế có việc giảm 30% thuế sản phẩm chế biến (IPI) và đầu tư 8 tỷ USD vào vận chuyển hàng hóa đường bộ giúp cải thiện khâu hậu cần. Chính phủ cũng đầu tư 19,5 tỷ USD cho các ngành đặc thù, như phần mềm, bán dẫn, sản phẩm y dược…

Tổng thống Lula ưu tiên thực hiện chiến dịch “Xóa đói” kết hợp nhiều chương trình như: xây dựng hồ chứa nước ở khu vực bán khô hạn Sertão, hành động ngăn chặn tình trạng trẻ vị thành niên mang thai, tăng cường nông nghiệp hộ gia đình, phân phối tiền mặt cho người nghèo…

Từ chương trình “Trợ cấp học đường” thời Tổng thống tiền nhiệm Fernando Henrique Cardoso, ông Lula đã mở rộng thành “Trợ cấp gia đình” - một chương trình hỗ trợ quy mô lớn nhất. Song song các chương trình xã hội, chính quyền Lula thực hiện Chương trình tăng tốc tăng trưởng (PAC) với tổng ngân sách đã chi đến năm 2010 là 353 tỷ USD nhằm đầu tư cơ sở hạ tầng, kích thích khu vực tư nhân và tạo việc làm.

Cùng với chính sách đảm bảo tăng lương thực tế (đã tăng 54% mức lương tối thiểu), các chương trình trên của Chính phủ trong 2 nhiệm kỳ đã giúp trên 20 triệu người dân Brazil thoát đói nghèo.

Tăng cường tiêu dùng trong nước

Năm 2006, Brazil đã ân xá tài chính cho những doanh nghiệp cam kết từ nay đóng thuế đầy đủ và tham gia vào nền kinh tế chính thức với sự tiếp cận tốt hơn vào nguồn tín dụng các thị trường hợp pháp. Đây là một chính sách mang tính cách mạng trong môi trường châu Mỹ Latinh, nơi những người bán hàng trên đường phố, các nghệ nhân, người lao động chân tay và nông dân không có đất thường xuyên làm việc ngoài lề pháp luật. Với quy mô dân số 195,4 triệu người, diện tích 8,55 triệu km2, tổng thu nhập quốc gia (GNI) mỗi người đạt 8.040USD, nền kinh tế Brazil hiện đang đứng thứ 8 thế giới.

Tổng thống Lula chuyển đổi vận mệnh kinh tế Brazil dựa trên sự kết hợp phương pháp tiếp cận thị trường một cách thân thiện và những chính sách cải thiện đời sống người dân. Mức lương tối thiểu được tính trên công thức xem xét tăng trưởng kinh tế của những năm trước và tốc độ lạm phát; người dân được hưởng lợi từ nguồn tín dụng rẻ, miễn giảm thuế và đồng tiền mạnh, những điều này đã làm tăng đáng kể nền tảng tiêu dùng của Brazil.

Trên cơ sở đẩy mạnh thị trường nội địa, năm 2010, Brazil đạt tăng trưởng GDP 7,5%, cao nhất kể từ năm 1986, chứng tỏ sức khỏe nền kinh tế Brazil miễn dịch tốt giữa cuộc khủng hoảng toàn cầu đang lan rộng. Từ năm 2003, gần 30 triệu người Brazil đã gia nhập tầng lớp trung lưu với hơn 20 triệu người thoát khỏi đói nghèo. Tỷ lệ thất nghiệp khoảng 6% vào tháng 9-2010, tốt hơn cả Hoa Kỳ.

Liên kết thị trường quốc tế

Brazil đã trở thành một cường quốc kinh tế và là một trong những thị trường mới nổi nóng nhất thế giới. Tháng 9-2010, tại thị trường chứng khoán Sao Paulo, Tổng thống sắp mãn nhiệm Lula da Silva đã chủ trì cuộc IPO của Công ty dầu khí quốc gia Petrobras huy động được 52 tỷ EUR, thiết lập kỷ lục thế giới, một thước đo lòng tin của các nhà đầu tư.

Tổng thống Lula phát biểu: "Không phải ở Frankfurt, London hay New York mà chính tại thị trường chứng khoán Sao Paulo, chúng ta đã thực hiện quá trình vốn hóa lớn nhất trong lịch sử chủ nghĩa tư bản”. Ông Lula cũng tự hào sự phát triển mạnh của ngành dầu khí với việc khai thác nhiều mỏ dầu khổng lồ ngoài khơi giúp Brazil có thể tự túc nguồn dầu mỏ, chấm dứt hàng thập niên phụ thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài.

Cũng trong chiến lược độc lập năng lượng đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng bùng nổ, Brazil đã trở thành một trong những nhà sản xuất thủy điện hàng đầu với công suất khoảng 260.000MW, cung cấp 90% điện năng quốc gia. Bên cạnh đó, Brazil đang vận hành 2 lò phản ứng hạt nhân thương mại Angra I, II và chuẩn bị khánh thành Angra III vào năm 2014, nâng tổng công suất điện hạt nhân cung cấp lên 9.000MW.

Brazil cũng tập trung nghiên cứu, phát triển nhiên liệu sinh học ethanol và trở thành nhà xuất khẩu ethanol hàng đầu thế giới. Bên cạnh ethanol, Brazil cũng là nhà xuất khẩu số một các sản phẩm như cà phê, đường, gia cầm, thịt bò, nước cam, thuốc lá. Brazil tham gia vào nhiều tổ chức kinh tế quốc tế, như Mercosul, Unasul, G8+5, G20, WTO, BRICS… với những đối tác thương mại chính: Mercosul và Mỹ Latin (25,9%, năm 2008), EU (23,4%), châu Á (18,9%), Hoa Kỳ (14%). Năm 2011, có 36 công ty Brazil lọt vào danh sách Forbes Global 2000, trong đó Petrobras đứng thứ 4 với giá trị thị trường 238,8 tỷ USD.

Mặc dù vậy, Brazil và gần 200 triệu dân vẫn còn một chặng đường dài phải vượt qua để trở thành quốc gia phát triển. Cải tiến thực sự về giáo dục, năng suất và cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông, bến cảng và sân bay, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo vẫn là những thách thức lớn đối với quốc gia nhiều tham vọng Brazil.

Các tin khác