Bóng ma khủng bố trong lòng nước Mỹ (Kỳ 2)

(ĐTTCO) - Trước nguy cơ khủng bố ngày càng cao, Tổng thống Donald Trump đã mạnh tay siết lại luật nhập cư. Tháng 5-2017 ông công bố chiến lược chống khủng bố mới, yêu cầu các đồng minh chia sẻ thêm gánh nặng trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. 

Kỳ 2: Sách lược của Tổng thống Trump

Thúc đẩy cải tổ luật nhập cư
Ngày 15-12, hãng tin AFP cho biết Nhà Trắng đang triển khai chiến dịch lớn chống lại “nhập cư dây chuyền”, tức hệ thống nhập cư dựa vào quan hệ gia đình. Theo đó, Washington sẽ thúc đẩy cải cách quy định nhập cư theo cấu trúc dựa nhiều hơn vào công việc.
"Điều trước nhất, như tôi đã luôn nói kể từ khi tôi tuyên bố ứng cử tổng thống, Hoa Kỳ phải siết lại hệ thống nhập cư lỏng lẻo đã cho phép quá nhiều thành phần nguy hiểm vào đất nước chúng ta. Quốc hội phải cấp tốc thông qua các biện pháp cải cách để bảo vệ người dân Hoa Kỳ, phải chấm dứt tình trạng nhập cư theo dây chuyền” - Tổng thống Donald Trump nói.
 Dự thảo chiến lược chống khủng bố mới vẽ ra một bức tranh "u ám nhưng cũng chính xác hơn" so với văn bản thời cựu Tổng thống Obama.
Bruce Hoffman, 
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu an ninh, Đại học Georgetown
Những nỗ lực của Nhà Trắng được đẩy mạnh sau vụ khủng bố bằng bom tự tạo trong một trạm tàu điện ngầm gần Quảng trường Thời Đại, New York, ngày 11-12.
Trong đó, nghi phạm 27 tuổi người Bangladesh Akayed Ullah đã nhập cư Hoa Kỳ thông qua chính sách nhập cư dây chuyền, và người nhà của Ullah đã nhập cư vào Hoa Kỳ trước đó nhờ chương trình xổ số visa. Tương tự, vụ tấn công bằng xe tải tại Manhattan ngày 31-10, thủ phạm cũng là người nhập cư. 
Số liệu của cơ quan an ninh quốc gia cho thấy gần 9,3 triệu trong tổng số 13 triệu người nhập cư vào Hoa Kỳ giai đoạn 2005-2016 theo diện nhập cư dây chuyền. Vì thế, việc chấm dứt nhập cư dây chuyền sẽ là thay đổi cơ bản nhất đối với hệ thống nhập cư Hoa Kỳ trong 30 năm.
Nó sẽ kết thúc "sự di cư theo chuỗi", trong đó những người nhập cư được phép mang một chuỗi các thành viên trong gia đình sang Hoa Kỳ. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu nhập cư Hoa Kỳ, gần 90% người nhập cư từ Bangladesh trong thập niên qua đã nhận được thẻ xanh thông qua sự bảo lãnh của người họ hàng nhập cư trước đó. Số lượng thị thực di dân cấp cho Bangladesh khoảng 6.000 vào năm 2000, nhưng hiện nay khoảng 12.000 vào năm 2017, là minh họa hiệu quả số người di cư theo chuỗi.
Nhà Trắng hy vọng Quốc hội sẽ đưa vấn đề này ra bàn bạc vào đầu năm 2018.
Liên đoàn Cải cách Nhập cư Hoa Kỳ, hay FAIR, ủng hộ hạn chế nhập cư cùng với những thay đổi khác, gần đây đã bắt đầu chiến dịch phát thanh truyền hình quốc gia cảnh báo về mối nguy hiểm của việc di cư theo chuỗi và chương trình xổ số visa. FAIR đã chi gần 1 triệu USD trong vòng 1 tháng rưỡi qua chiến dịch của mình.
Trước đó, ngày 4-12, Tòa Tối cao Hoa Kỳ đã thông qua toàn bộ lệnh cấm nhập cư mới nhất của Tổng thống Donald Trump, bao gồm việc hạn chế đi lại với công dân của 6 nước Hồi giáo Chad, Iran, Libya, Somalia, Syria và Yemen. Trong tuyên bố chính thức, Tổng Chưởng lý Jeff Sessions gọi phán quyết của Tòa Tối cao là “thắng lợi đáng kể cho an ninh, an toàn của Hoa Kỳ”. Lệnh cấm của Tổng thống Trump sẽ có hiệu lực bất chấp các vụ kiện đang diễn ra ở bang Hawaii và Liên đoàn Tự do Dân sự Hoa Kỳ. 

Theo những người phản đối, lệnh cấm nhập cư mới nhất của Tổng thống Trump đã phân biệt đối xử với người Hồi giáo, vi phạm hiến pháp Hoa Kỳ. Trong khi đó, những người phản đối cho rằng việc siết lại luật nhập cư sẽ không có mấy tác dụng.
Báo cáo năm 2017 của Viện The Nation và Trung tâm Báo cáo Điều tra xem xét các sự cố khủng bố ở Hoa Kỳ từ năm 2008-2016, cho thấy có 115 vụ tấn công khủng bố cánh hữu cực đoan và 19 vụ khủng bố cánh tả cực đoan, trong khi chỉ 63 vụ khủng bố Hồi giáo cực đoan. Như vậy, đe dọa khủng bố lớn nhất ở Hoa Kỳ đến từ chính người dân trong nước, chứ không phải từ dân nhập cư. 
Bóng ma khủng bố trong lòng nước Mỹ (Kỳ 2) ảnh 1 Vụ khủng bố bằng xe ở New York ngày 31-10-2017. 
Phá vỡ, ngăn chặn và đáp trả
Nguyên tắc đầu tiên trong bản dự thảo chiến lược chống khủng dài 11 trang công bố hồi tháng 5 khẳng định Hoa Kỳ "sẽ luôn luôn hành động để phá vỡ, ngăn chặn và đáp trả các cuộc tấn công khủng bố chống lại đất nước, người dân Hoa Kỳ, lợi ích của Hoa Kỳ ở nước ngoài cũng như các đồng minh của Hoa Kỳ, bao gồm cả hành động trực tiếp và đơn phương trong trường hợp cần thiết".
Washington sẽ thúc đẩy an ninh nội địa bằng cách hợp tác với các đối tác và đồng minh để tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố. Dự thảo cũng kêu gọi tiêu diệt các vùng trú ẩn của các tổ chức khủng bố, cả trên thực tế và trên không gian mạng, và chặn đứng mọi ý đồ của các nhóm bạo lực cực đoan trong phát triển và sử dụng vũ khí hóa học và sinh học.
Dự thảo cũng khuyến cáo Hoa Kỳ tránh các cam kết quân sự tốn kém và "không có hồi kết". Washington cần tăng cường độ các chiến dịch chống khủng bố toàn cầu song cần giảm chi phí nhân lực và tài lực trong cuộc chiến này. Hoa Kỳ sẽ tránh can thiệp quân sự quy mô lớn và tốn kém, thay vào đó thúc đẩy chia sẻ trách nhiệm từ các đối tác.
Tuy nhiên, bản dự thảo không nêu chi tiết Hoa Kỳ sẽ làm thế nào để chuyển giao thêm trách nhiệm cho các nước đồng minh, mà khá nhiều trong số đó không có năng lực tình báo và quân sự phù hợp. Bên cạnh đó, dự thảo cũng thừa nhận rằng chủ nghĩa khủng bố sẽ "không thể bị tiêu diệt hoàn toàn". 
Ông Michael Anton, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng, cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump đang đánh giá lại toàn bộ chiến lược an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, trong đó bao gồm cả nhiệm vụ chống khủng bố đã khởi động trong cuộc chiến toàn cầu từ sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu ngày 11-9-2001.
Tiến trình này nhằm đảm bảo chiến lược mới tập trung đúng hướng vào mối đe dọa khủng bố đang ngày trở nên nguy hiểm, nhấn mạnh tới những mục tiêu thực tiễn và khả thi cũng như vạch ra các nguyên tắc mang tính hướng dẫn. 
Theo dự thảo, chiến lược chống khủng bố của Hoa Kỳ công bố gần đây nhất vào năm 2011 dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, trước khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trỗi dậy. Từ đó đến nay, mối đe dọa khủng bố đã mở rộng cả về kích thước, phạm vi và độ phức tạp.
Bên cạnh IS, Washington và các đồng minh đang phải đối mặt với các nhóm cực đoan như al-Qaeda, mạng lưới Haqqani và Hezbollah cũng như những phần tử "cực đoan hóa đơn lẻ" trong nước. 

Các tin khác