Bóng ma khủng bố trong lòng nước Mỹ (K1): Tồn tại nhiều thách thức

(ĐTTCO) - Trong vòng chưa đầy 2 tháng, 2 vụ khủng bố đã diễn ra ở Hoa Kỳ. Đáng ngại hơn, cả 2 vụ khủng bố đều có liên quan hoặc được lấy cảm hứng từ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Phải chăng cuộc chiến chống khủng bố do Hoa Kỳ phát động từ năm 2001 không có tác dụng?
 
Từ khi tuyên bố chiến tranh chống khủng bố năm 2001, Hoa Kỳ đã ra nước ngoài “đánh Đông dẹp Bắc” để tiêu diệt các phần tử khủng bố. Điều này khiến nhiều người tưởng rằng ở Hoa Kỳ hoàn toàn không còn bóng dáng khủng bố, tuy nhiên nước này có tới 15 tổ chức khủng bố đã và đang hiện hữu. Đó là chưa kể các phong trào khủng bố không hình thành tổ chức và những cá nhân đơn lẻ.
Phân biệt chủng tộc
Nạn phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ hiện vẫn còn khá phổ biến, với các nhóm được liệt vào hàng khủng bố như Ku Klux Klan và The Order. Ku Klux Klan, còn gọi KKK hay 3K, là tên của các hội kín chủ trương đề cao thuyết người da trắng thượng đẳng. Các hội kín này thường sử dụng các biện pháp khủng bố, bạo lực và các hoạt động mang tính hăm dọa chẳng hạn như đốt thập giá, treo cổ... để đe dọa người Mỹ gốc Phi và những người khác. 
Phong trào cực đoan môi trường và động vật là "một trong những mối đe dọa khủng bố trong nước nghiêm trọng nhất tại Hoa Kỳ ngày nay". Họ đã gây ra hơn 2.000 tội ác và gây thiệt hại hơn 110 triệu USD từ năm 1979. Các mục tiêu của họ bao gồm các công ty chế biến gỗ, các cơ sở kiểm tra động vật và các công ty nghiên cứu di truyền.
Ngày nay, hội KKK được cho là đã tan rã nhưng vẫn tồn tại một số hoạt động của các nhóm lẻ tẻ. Vào năm 2016, các nhà nghiên cứu ước tính có khoảng 30 bang hội Klan tồn tại ở Hoa Kỳ, với khoảng 130 băng nhóm. Ước tính tổng số thành viên của các nhóm này 5.000-8.000 người. Ngoài các thành viên tích cực Klan có một số cộng sự và người ủng hộ.
Ngày 27-2 năm nay, 4 người đã bị đâm trong vụ ẩu đả giữa thành viên nhóm KKK và những người phản đối cuộc tuần hành của họ ở California. 
Với The Order là một tổ chức khủng bố cực đoan da trắng, hoạt động tại Hoa Kỳ từ tháng 9-1983 đến tháng 12-1984. Nhóm này đã gây quỹ bằng cướp có vũ trang. 10 thành viên đã bị xử và bị kết án vì gian lận, và 2 người vì tham gia cuộc mưu sát người dẫn chương trình truyền hình Alan Berg năm 1984.

Quá khích tôn giáo
Có 4 nhóm được xếp vào diện khủng bố ở Hoa Kỳ có nguồn gốc từ tôn giáo, cụ thể là Thiên Chúa giáo, gồm Quân đội của Thiên Chúa (AOG); Các quốc gia Aryan (AN); Giao ước, Kiếm, và Bàn tay của Chúa (CSA); và Tư Tế Phineas. AOG  là một mạng lưới lỏng lẻo của các cá nhân và các nhóm sử dụng vũ lực để chấm dứt việc phá thai ở Hoa Kỳ. Hành vi bạo lực chống phá thai tăng lên vào giữa những năm 1990, đỉnh điểm là hàng loạt vụ đánh bom của Eric Robert Rudolph, với mục tiêu bao gồm 2 phòng khám phá thai, câu lạc bộ đêm đồng tính nữ và Olympic năm 1996 ở Atlanta. 
AN được thành lập vào những năm 1970 bởi Richard Girnt Butler, như một cánh tay của nhóm Cơ đốc giáo được biết đến với tên gọi Nhà thờ Jesus Christ-Christian. Tính đến tháng 12-2007, có 2 phe phái chính tuyên bố thuộc nhóm Butler. AN bị FBI xếp vào "mối đe dọa khủng bố", và công ty nghiên cứu RAND Corporation gọi nó là "mạng lưới khủng bố thực sự đầu tiên trên toàn quốc" ở Hoa Kỳ. CSA là một tổ chức Cơ đốc giáo cực đoan được thành lập vào năm 1971 trong cộng đồng Elijah ở miền Nam Missouri, Hoa Kỳ. Một trong những thành viên của nó, Richard Wayne Snell đã chịu trách nhiệm về vụ giết một chủ tiệm cầm đồ và một cảnh sát tiểu bang Missouri. CSA sụp đổ sau cuộc bao vây của FBI năm 1985. 
Tư Tế Phineas là một phong trào Đặc trách Kitô Hữu phản đối tình dục nam nữ, sự pha trộn chủng tộc, đồng tính luyến ái và phá thai. Nó cũng được đánh dấu bằng chủ nghĩa chống Do Thái, chống lại đa văn hóa và chống đối việc đánh thuế. Một người trở thành Tư Tế Phineas bằng cách đơn giản chấp nhận niềm tin của Chức Tư Tế và hành động theo những niềm tin đó. Tư Tế Phineas từng lên kế hoạch thổi bay các tòa nhà của FBI và các vụ cướp ngân hàng.
Bóng ma khủng bố trong lòng nước Mỹ (K1): Tồn tại nhiều thách thức ảnh 1 Những người ủng hộ KKK tuần hành ở Bắc Carolina. 
Cực đoan cánh tả
Những nhóm khủng bố cực đoan cánh tả tại Hoa Kỳ gồm Đội quân Giải phóng Đen (BLA), Thời tiết Ngầm (WU), Quân giải phóng Symbionese (SLA) và Mặt trận Thống nhất Tự Do (UFF). BLA đã tìm cách lật đổ chính phủ Hoa Kỳ dưới chủ trương ly khai chủng tộc. Cảnh sát cho rằng BLA là thủ phạm giết chết ít nhất 13 sĩ quan cảnh sát. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp về hoạt động BLA, nhóm bị nghi ngờ liên quan đến hơn 60 vụ bạo lực từ năm 1970 đến năm 1980. WU là một tổ chức cực tả hoạt động từ năm 1969 đến năm 1975. Nó bắt nguồn từ năm 1969 với tư cách là một nhóm học sinh của đảng Xã hội Dân chủ (SDS).
SLA là một nhóm chiến binh du kích cánh tả cực đoan, đã thực hiện nhiều vụ cướp ngân hàng, 2 vụ giết người và các hành động bạo lực khác trong khoảng thời gian 1973-1975. Trong số những hành động khét tiếng nhất của họ là vụ bắt cóc nữ nhà báo Patty Hearst. Còn UFF hoạt động trong những năm 1970 và 1980. Từ năm 1975 đến năm 1984, UFF đã tiến hành ít nhất 20 vụ đánh bom và 9 vụ cướp ngân hàng ở vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, nhằm vào tòa nhà của công ty, tòa án và cơ sở quân sự.
Ngoài các tổ chức cực đoan kể trên, tại Hoa Kỳ còn có các nhóm cực đoan khác như Alpha 66 và Omega 7 chống lại việc hòa hoãn với Cuba. Nhóm Mặt trận Giải phóng Động vật (ALF) đấu tranh cho quyền động vật. Liên đoàn Quốc phòng Do Thái (JDL) đấu tranh cho quyền lợi của người Do Thái. Song song đó cũng tồn tại những phong trào cực đoan như phong trào chống phá thai và phong trào cực đoan chống ngược đãi động vật và phá hoại thiên nhiên.
Phong trào bạo lực chống phá thai cũng được coi là một hình thức khủng bố, thường xảy ra tại Hoa Kỳ đối với các cá nhân và tổ chức cung cấp dịch vụ phá thai hoặc tư vấn phá thai. Những hành động bạo lực bao gồm các tội ác như giết người, tấn công, bắt cóc, và rình rập; tội phạm ảnh hưởng đến cả người và tài sản như là cố ý gây hỏa hoạn hoặc ném bom; các tội phạm về tài sản như phá hoại. Các thủ phạm lập luận hành động của họ là cần thiết để bảo vệ thai nhi, thường được thúc đẩy bởi niềm tin Cơ đốc giáo, dẫn đến việc nhận dạng bạo lực chống phá thai là khủng bố Cơ đốc giáo; nó cũng liên quan đến chủ nghĩa chống nữ quyền.
(còn tiếp)

Các tin khác