Bin Laden: Giấc mơ phá kinh tế Hoa Kỳ - Bài 2: Chết nhưng chưa hết?

Khi cái chết của trùm khủng bố được loan báo vào ngày 2-5, các thị trường chứng khoán khắp thế giới đồng loạt tăng điểm nhẹ. Liệu cái chết của Osama Bin Laden sẽ là một nhân tố tốt cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu, đặt dấu chấm hết cho kế hoạch khiến Hoa Kỳ phá sản của mạng lưới al Qaeda?

Khi cái chết của trùm khủng bố được loan báo vào ngày 2-5, các thị trường chứng khoán khắp thế giới đồng loạt tăng điểm nhẹ. Liệu cái chết của Osama Bin Laden sẽ là một nhân tố tốt cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu, đặt dấu chấm hết cho kế hoạch khiến Hoa Kỳ phá sản của mạng lưới al Qaeda?

Ngắn hạn: Lợi ít lo nhiều

Cái chết của Bin Laden giúp TTCK toàn cầu tăng trưởng trong ngắn hạn.

Cái chết của Bin Laden giúp TTCK toàn cầu tăng trưởng trong ngắn hạn.

Trong phiên giao dịch ngày 2-5, chỉ số Dow Jones của Hoa Kỳ tăng 0,5%, chỉ số Nikkei (Nhật Bản) tăng 1%, chỉ số Kospi (Hàn Quốc) tăng 0,9%, chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương, trừ Nhật Bản, tiếp tục tăng 0,08% sau khi tăng lên mức cao nhất trong 3 năm, lên 506,62 điểm. Một số nhà chuyên môn tin rằng trong ngắn hạn, cái chết của Bin Laden là một nhân tố tốt cho thị trường.

“Cái chết của Bin Laden sẽ là một cú hích cho thị trường giống như khi chúng ta bắt được Saddam Hussein”- Paul Hickey, sáng lập viên Bespoke Investment Group, nói.

Tương tự, Giám đốc điều hành Công ty Quản lý đầu tư Thái Bình Dương (PIMCO), Mohamed El-Erian, cho rằng thị trường sẽ xem cái chết của Bin Laden như một sự suy giảm tổng thể đối với các đe dọa khủng bố, giảm nguy cơ bảo hiểm. “Trong một giai đoạn ngắn, nó có thể giúp giới đầu tư bớt lo lắng về những bất ổn ở Trung Đông và châu Á. Bin Laden bị tiêu diệt làm giảm nguy cơ tổng thể đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ, hỗ trợ thị trường chứng khoán và nghịch chuyển dòng chảy vốn đầu tư an toàn”.

Ngoài ra, việc giảm thiểu nguy cơ tấn công khủng bố trên toàn cầu sẽ tạo điều kiện cho giá bất động sản tăng trở lại. Qua đó, sẽ tạo sức ép lên các chính phủ trong việc phát hành trái phiếu, vốn được lợi khi dòng chảy vốn không tập trung vào bất động sản.

Tuy nhiên, ông El-Erian cũng cảnh báo nguy cơ trong ngắn hạn khi các phần tử khủng bố có thể gia tăng tấn công để báo thù cho Bin Laden. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đặt các đại sứ quán của nước này trên khắp thế giới trong tình trạng cảnh giác cao độ, đồng thời cảnh báo người Hoa Kỳ về các cuộc tấn công trả đũa của al Qaeda.

Nouriel Roubini, nhà kinh tế dự báo chính xác về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, cũng tin rằng cái chết của Bin Laden có thể dẫn đến các hành động trả thù của al Qaeda, đe dọa nền kinh tế toàn cầu. David Stockman, cựu Giám đốc Ủy ban Ngân sách Quốc hội dưới thời Tổng thống Reagan, nói: “Cái chết của Bin Laden chỉ là tin vui nhất thời. Vấn đề vẫn còn đó: nợ công khổng lồ và trần nợ sẽ bị chọc thủng vào tháng 6, trong khi chưa có sự đồng thuận giữa 2 đảng về việc làm thế nào để kiểm soát điều này. Chúng ta có thể vui mừng trước sự kiện này nhưng cũng cần quay lại việc kinh doanh và đối mặt với những vấn đề thực tế của đất nước”.

Trong thực tế, tác động tích cực từ cái chết của Bin Laden đối với thị trường Hoa Kỳ rất nhỏ so với sự kiện ngày 11-9-2001. Khi đó, các trung tâm giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ phải đóng cửa 4 ngày và khi mở lại vào ngày 17-9, chỉ số Standard & Poor's 500 mất gần 5%. Trong 5 ngày tiếp theo, thị trường mất tới 11,6%.

Tốt trong dài hạn?

Nhà phân tích Barry Ritholtz lại có cái nhìn khác. Trong ngắn hạn, ông đồng ý với quan điểm của Roubini và El-Erian về việc cái chết của Bin Laden chỉ có thể đẩy thị trường đi lên trong chốc lát. Tuy nhiên, về dài hạn Ritholtz tin rằng dân chủ sẽ được cải thiện ở thế giới Arab theo sau cái chết của Bin Laden, một bước tiến rõ ràng đến thời kỳ “hậu al Qaeda” và giá dầu sẽ hạ nhiệt do tình hình Trung Đông ổn định hơn.

“Sự kiện này sẽ tác động tích cực đến kinh tế vĩ mô toàn cầu. Điều này sẽ cần thời gian nhưng sẽ được nhận thấy trong vài năm tới” - Ritholtz viết trong một bài phân tích. 

Ý kiến của ông Ritholtz nhận được sự tán đồng từ một số nhà phân tích khác. Những người này cho rằng 2 trong số các nhân tố chính cho sự phục hồi kinh tế Hoa Kỳ là tiêu dùng và niềm tin doanh nghiệp. Những tin tức gần đây về tình hình bất ổn ở Trung Đông, thảm họa ở Nhật Bản và tranh cãi của Chính phủ quanh ngân sách và trần nợ công đã đẩy 2 nhân tố này xuống mức thấp. Cái chết của kẻ thù số một đất nước suốt 1 thập niên qua sẽ bù lại những phần mất đi đó.

“Điều quan trọng nhất cái chết Bin Laden mang lại có lẽ là sự phục hồi uy tín cho Hoa Kỳ, cho Tổng thống Obama và sự đoàn kết của Chính phủ” - Mark Zandi, Kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, nói. Một phụ nữ 35 tuổi tên Carol Morrinson cho biết cô sẽ bỏ phiếu cho Obama trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới. “Sẽ rất có lợi cho Hoa Kỳ và nền kinh tế toàn cầu khi người Hoa Kỳ an tâm về an ninh và tin tưởng vào Tổng thống của họ” - nhà phân tích Andrew Leonard nói.

Rõ ràng cái chết của Bin Laden là một tổn thất lớn cho al Qaeda, qua đó làm gián đoạn kế hoạch phá sản kinh tế Hoa Kỳ của mạng lưới này. Tuy nhiên, giới phân tích tin rằng al Qaeda được tổ chức theo cách có thể tiếp tục trụ được khi mất các lãnh đạo cao cấp.

Thay vì chỉ có cấu trúc 1 lãnh đạo và nhận lệnh từ Bin Laden, mạng lưới này đã hoạt động như nhiều chi nhánh khác nhau, hoạt động độc lập với những mục tiêu và cách thức tương tự. Vì vậy, dù nhiều lãnh đạo cao cấp của al Qaeda từ năm 2001 đến nay đã chết hoặc bị bắt, nhưng một điều chắc chắn là ý đồ khủng bố, phá hoại kinh tế Hoa Kỳ của al Qaeda sẽ vẫn luôn là mối lo canh cánh đối với Chính phủ Hoa Kỳ.

----------

> Bài 1: Lên kế hoạch

Các tin khác