Bế tắc cuộc chiến chống khủng bố (K1): Thế giới kém an toàn hơn

(ĐTTCO) -Với những vụ khủng bố đẫm máu mới xảy ra tại Anh và Hoa Kỳ, cùng thực tế số lượng vụ khủng bố tăng tới 4 lần trong vòng 10 năm từ 2001-2011, có lẽ đã đến lúc phải nhìn nhận một thực tế đáng thất vọng rằng cuộc chiến chống khủng bố do Hoa Kỳ phát động hơn 15 năm qua đã hoàn toàn thất bại.

(ĐTTCO) -Với những vụ khủng bố đẫm máu mới xảy ra tại Anh và Hoa Kỳ, cùng thực tế số lượng vụ khủng bố tăng tới 4 lần trong vòng 10 năm từ 2001-2011, có lẽ đã đến lúc phải nhìn nhận một thực tế đáng thất vọng rằng cuộc chiến chống khủng bố do Hoa Kỳ phát động hơn 15 năm qua đã hoàn toàn thất bại.

Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, Tổng thống Hoa Kỳ lúc đó là George W. Bush tuyên bố khởi động cuộc chiến tranh chống khủng bố, nhằm tiêu diệt những phần tử khủng bố trên khắp thế giới, với mục đích giúp người Hoa Kỳ được an toàn hơn. Các đồng minh của Hoa Kỳ sau đó cũng nhanh chóng tham gia. Tuy nhiên, hơn 15 năm sau người dân Hoa Kỳ và các nước châu Âu vẫn không hề an toàn hơn, mà ngược lại.

10 năm, khủng bố tăng 4 lần 

Bắc Mỹ vẫn là khu vực ít bị tác động bởi khủng bố. Trong khi đó người Tây Âu có nguy cơ chết vì khủng bố cao gấp 19 lần người Bắc Mỹ.

Theo Chỉ số Khủng bố toàn cầu (Global Terrorist Index), các vụ khủng bố trên thế giới đã tăng nhanh kể từ khi Hoa Kỳ phát động chiến tranh chống khủng bố. Cụ thể, năm 2002 có 982 vụ thì năm 2011 tăng đến 4.564 vụ. Các nhà nghiên cứu cho rằng sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ tại nhiều nơi trên thế giới để chống chủ nghĩa khủng bố đã làm khủng bố bùng phát thậm tệ hơn.

Và cho đến nay, không có gì chắc chắn để chứng tỏ chính sách của Nhà Trắng giúp người dân an toàn hơn, dù số người chết vì khủng bố có giảm. Năm 2007, số người chết vì khủng bố lên đến 10.009 người khi cuộc chiến của Hoa Kỳ ở Iraq xảy ra khốc liệt. Con số này đã giảm còn 7.473 người vào năm 2011. Iraq, Pakistan, Afghanistan, Ấn Độ và Yemen là những nước bị ảnh hưởng khủng bố nặng nhất trong những năm qua.

 Steve Killelea, sáng lập viên kiêm Chủ tịch Viện Kinh tế - Hòa bình (IEP), cho biết: “Sau vụ 11-9, hoạt động khủng bố giảm xuống mức trước những năm 2000 cho đến khi Hoa Kỳ tiến hành đánh chiếm Iraq. Kể từ đó, khủng bố gia tăng nhanh chóng. Iraq có khoảng 1/3 người chết vì các vụ khủng bố trong 10 năm kể từ 2001. Iraq, Pakistan, Afghanistan chiếm hơn 50% số người chết”.

Trong vòng 10 năm sau vụ 11-9, số vụ tấn công khủng bố trên toàn cầu tăng 460%, số người chết tăng 195% và số người bị thương tăng 224%. Các vụ tấn công ở cả Afghanistan và Pakistan chỉ gia tăng kể từ sau cuộc chiến Iraq, cùng với đó là việc NATO triển khai nhiều chiến dịch quân sự.

“Điều này cho thấy các thế lực nước ngoài cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi can thiệp quân sự, cho dù là ở những nước như Syria” - ông Killelea nói và khẳng định trừ phi xung đột dẫn tới một kết thúc nhanh chóng, nếu không khủng bố sẽ gia tăng.

Chỉ số Khủng bố lấy dữ liệu từ Global Terrorism Database do Đại học Maryland thu thập. Trong số 158 nước được theo dõi, chỉ 31 nước không có vụ khủng bố xảy ra từ năm 2001. Đáng chú ý, dù tính luôn vụ khủng bố 11-9 ở New York và Washington, Bắc Mỹ vẫn là khu vực ít bị tác động bởi khủng bố. Trong khi đó, người Tây Âu có nguy cơ chết vì khủng bố cao gấp 19 lần người Bắc Mỹ. Nga cũng là một nước bị ảnh hưởng nặng từ khủng bố.

Cuộc chiến chống khủng bố làm gia tăng khủng bố.

Cuộc chiến chống khủng bố làm gia tăng khủng bố.

Một số vụ nghiêm trọng

Kể từ khi Hoa Kỳ tiến hành chiến tranh chống khủng bố đến năm 2015, ghi nhận cho thấy có đến hàng chục vụ khủng bố với số người chết từ 2 con số trở lên. Ngày 12-10-2002, 2 câu lạc bộ đêm ở Bali, Indonesia bị đánh bom, khiến 202 người bị chết. Thủ phạm là nhóm Jemaah Islamiyah, một chi nhánh của al-Qaida. Ngày 23-10 cùng năm, hàng chục tay súng người Chechnya đã tấn công rạp hát Dubrovka ở Moscow và bắt con tin. Các lực lượng đặc nhiệm Nga sau đó đã phun khí gas vào phòng nơi con tin bị bắt giữ và tấn công bọn khủng bố. Tất cả bọn khủng bố bị giết, cùng với 130 con tin.

Ngày 15 và 20-11-2003, những vụ khủng bố bằng bom xe đã diễn ra tại Đại sứ quán Anh và Ngân hàng HSBC của Anh ở Thổ Nhĩ Kỳ, giết chết hơn 50 người. Thủ phạm là chi nhánh của al-Qaida. Ngày 11-3-2004, những phần tử khủng bố ủng hộ al-Qaida đã đánh bom xe lửa ở nhà ga Atocha, Madrid (Tây Ban Nha) làm chết 191 người, là vụ khủng bố gây chết chóc nhất tại châu Âu.

Ngày 1-9-2004, các phần tử Hồi giáo kết hợp tay súng Chechnya tấn công một ngôi trường ở Beslan, Bắc Ossetia và giữ hơn 1.100 con tin, trong đó gần 800 con tin là trẻ em. Các lực lượng đặc nhiệm Nga đã tấn công vào ngôi trường, hơn 330 con tin và hàng chục tên khủng bố bị giết.

Ngày 7-7-2005, 52 hành khách tử vong khi các phần tử khủng bố ủng hộ al-Qaida đánh bom liều chết vào hệ thống xe điện ngầm và xe buýt ở London. Ngày 20-9-2008, một xe tải chở đầy chất nổ đã phát nổ ở khách sạn Marriott tại Islamabad, Pakistan, giết chết hơn 50 người. Taliban và al-Qaida bị nghi là thủ phạm.

Ngày 23-11-2008, các tay súng khủng bố Lashkar-e-Tayyiba tấn công các tòa nhà ở Mumbai, Ấn Độ, giết chết 164 người. Ngày 22-7-2011, kẻ cực đoan chống Hồi giáo Anders Behring Breivik đặt bom ở Oslo, sau đó tấn công một khu trại ở Utoya, Na Uy làm chết 77 người, trong đó phần lớn là thiếu niên.

Ngày 21-9-2013, các tay súng tấn công khu mua sắm Westgate ở Nairobi, Kenya, giết chết 67 người và làm bị thương hơn 175 người. Nhóm al-Shabaab lên tiếng chịu trách nhiệm. Từ ngày 3 đến ngày 7-1-2015, nhóm vũ trang Boko Haram tấn công Baga, Nigeria, giết chết 150-2.000 người. Tháng 7-2015, 2 tay súng có liên hệ với al-Qaida đã giết 11 người tại tòa báo Charlie Hebdo ở Paris và giết 1 cảnh sát ở bên ngoài. Tổng cộng 17 người và 3 tay súng bị giết chết trong vụ khủng bố Paris.

Hàng triệu người chết vì chống khủng bố

Điều đáng nói, trong khi số người bị giết vì khủng bố khoảng vài chục ngàn người, thì số người bị giết vì chiến tranh chống khủng bố lại lên tới hàng triệu người. Theo ước tính của tổ chức Physicians for Social Responsibility, từ năm 2002 đến tháng 3-2015, số người bị giết trực tiếp và gián tiếp trong cuộc chiến chống khủng bố lên tới 1 triệu người ở Iraq, 220.000 người ở Afghanistan và 80.000 người ở Pakistan, tổng cộng 1,3 triệu người.

Tuy nhiên, một số ước tính khác cho rằng con số thực sự lên tới gần 2 triệu người. Và theo Cục Báo chí điều tra, số người chết vì các vụ tấn công bằng máy bay không người lái (drone) của liên quân chống khủng bố lên tới hơn 7.000 người, chủ yếu là dân thường.

Tại châu Âu - đồng minh lớn của Hoa Kỳ - khảo sát của Sputnik.Mneniya cũng cho thấy, đa số người Đức (74%), Pháp (65%) và Italia (63%) cho rằng các biện pháp chống khủng bố của Hoa Kỳ sau cuộc tấn công ngày 11-9 đã không tăng cường an ninh trên thế giới, mà ngược lại khiến châu Âu bị tấn công nhiều hơn.

Điều này cũng diễn ra tại Hoa Kỳ, nơi khơi mào cuộc chiến tranh. Khảo sát của Hội đồng Quan hệ toàn cầu Chicago cho biết có tới 42% người Hoa Kỳ cho rằng họ thấy ít an toàn hơn trước kia. Trong khi đó, khảo sát của trang Debate.org với độc giả tiếng Anh toàn cầu cho thấy có đến 64% tin rằng thế giới ít an toàn hơn.

(Còn tiếp)

Các tin khác