Bàn cờ Nga - phương Tây (K1): Đòn đánh liên hoàn

(ĐTTCO) - 3 năm trôi qua kể từ khi các nước phương Tây bủa vây Nga bằng những biện pháp cấm vận, hòng buộc nước này phải xuống nước trong vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, đến nay Nga vẫn trụ vững trong sự kinh ngạc của giới quan sát. Không chỉ vậy, gấu Nga còn tỏ ra rất sung sức khi tích cực tham chiến ở Syria với những màn phô diễn vũ khí ngoạn mục. Phải chăng khủng hoảng đã rời xa xứ Bạch dương?

(ĐTTCO) - 3 năm trôi qua kể từ khi các nước phương Tây bủa vây Nga bằng những biện pháp cấm vận, hòng buộc nước này phải xuống nước trong vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, đến nay Nga vẫn trụ vững trong sự kinh ngạc của giới quan sát. Không chỉ vậy, gấu Nga còn tỏ ra rất sung sức khi tích cực tham chiến ở Syria với những màn phô diễn vũ khí ngoạn mục. Phải chăng khủng hoảng đã rời xa xứ Bạch dương?

Tháng 3-2014, Hoa Kỳ, Canada và Liên minh châu Âu cùng một số nước đồng loạt triển khai các biện pháp cấm vận và trừng phạt đối với Nga, theo sau việc nước này thôn tính Crimea. Sau đó ít lâu, giá dầu đột ngột lao dốc khiến nền kinh tế phụ thuộc nặng vào xuất khẩu dầu mỏ của Nga phải chịu cú sốc kép.

Thời điểm khó khăn

Đối với Nga, 2014 là năm khó khăn nhất trong thập niên qua. Kể từ khi giá dầu bắt đầu giảm vào tháng 6-2014, Nga đã tụt từ vị trí thứ 6 xuống vị trí thứ 14 trong bảng xếp hạng kinh tế toàn cầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF): GDP giảm từ 2.100 tỷ USD xuống còn 1.100 tỷ USD, chỉ bằng 6% GDP của Hoa Kỳ; tổng mức đầu tư và mức sống đều đang giảm; mức thu nhập khả dụng thực tế đã giảm 10% trong năm 2015, ước tính giảm thêm 5-6% trong năm 2016. Năm 2015, đầu tư đã giảm hơn 8% và giảm còn 4% trong năm ngoái. Đó là mục tiêu của các biện pháp trừng phạt của phương Tây hướng tới: phá hoại nền kinh tế Nga, gây ra bất ổn xã hội và chính trị nhằm thay đổi thể chế chính trị Nga, thậm chí lật đổ Vladimir Putin, người bị phương Tây cáo buộc đứng đằng sau những bất ổn ở Ukraine.

Tuy nhiên, 3 năm đã trôi qua và rõ ràng các lệnh trừng phạt không đạt được mục đích cao nhất. Về kinh tế, Nga vẫn duy trì được sự cân bằng vĩ mô đáng ngưỡng mộ, cho dù các triển vọng tăng trưởng đã trở nên mờ nhạt. Moscow cần một khoảng thời gian để có thể đưa mọi thứ trở lại quỹ đạo, và các khoản dự trữ ngoại tệ của nước này đã sụt giảm nghiêm trọng trong năm 2014. Nhưng đến tháng 12 năm đó, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã thả nổi tỷ giá hối đoái của đồng rúp, nhờ đó tình hình kinh tế vĩ mô đã trở nên ổn định.

Tác dụng ngược?

Tại diễn đàn đầu tư “Russia Calling!” thường niên hồi tháng 10-2016, ông Putin cho biết dự trữ ngoại tệ của Nga đang gia tăng và hiện đang có khoảng 400 tỷ USD. Bằng cách thả nổi tỷ giá hối đoái với giá dầu, CBR đã có thể duy trì một khoản thặng dư tài khoản vãng lai lớn, ngay cả khi giá hàng hóa cơ bản thấp hơn đã làm giảm kim ngạch xuất nhập khẩu xuống còn một nửa kể từ năm 2013. Tương tự, Bộ Tài chính đang duy trì thâm hụt ngân sách trong khoảng 3% GDP, và tỷ giá hối đoái giảm cũng giúp thu ngân sách tính bằng đồng rúp tương đối ổn định, ngay cả khi doanh thu tuyệt đối (bằng USD) đã giảm. Chính phủ cũng bù vào các khoản thâm hụt ngân sách bằng cách cắt giảm mạnh chi tiêu dành cho giáo dục, y tế và cả tiền lương hưu. Khi đồng rúp mất giá đầu năm ngoái, lạm phát đã tăng trên 16%. Song chính sách tiền tệ thắt chặt của CBR sau đó đã giúp giảm lạm phát xuống còn 6% và có khả năng còn 4% vào năm nay. Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp hiện nay của Nga chỉ ở mức 5,4%, nợ công ở mức 13%, chiếm một phần nhỏ trong GDP.

Về chính trị, dường như các biện pháp trừng phạt lại có tác dụng ngược, Tổng thống Putin có tỷ lệ ủng hộ rất cao, trên 80%, trong khi sự ủng hộ của dân chúng đối với chính phủ và quốc hội cũng đang gia tăng. Các biện pháp trừng phạt đã đưa đất nước xích lại gần nhau, như thường xảy ra khi một nước lâm cảnh chiến tranh hay thảm họa thiên tai. Anthony Scaramucci, một quan chức trong đội chuyển tiếp của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, nhận xét: "Các biện pháp trừng phạt đã có một số hậu quả ngược lại vì văn hóa Nga. Tôi nghĩ người Nga sẽ ăn tuyết nếu họ phải làm vậy".

Cơ hội cho hàng nội

Ảnh hưởng của giá dầu lên nền kinh tế Nga rất rõ, nhưng tác động của các biện pháp chế tài phương Tây lại khá mờ nhạt, và không như dự kiến của Hoa Kỳ và đồng minh. Trong khi những hạn chế về tài chính trên các thị trường quốc tế đã khiến Nga không có được đòn bẩy tài chính cần thiết cho tăng trưởng kinh tế, hiệu quả của các biện pháp trừng phạt như áp đặt lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm và nông sản, đã khiến nhiều ngành kinh tế của Nga phải vật lộn để tồn tại. Tuy nhiên, chính điều này lại giúp chữa lành các vết thương do cuộc xung đột chính trị gây ra, đồng thời kích thích một số lĩnh vực sản xuất của Nga, chủ yếu là nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm phát triển.

Ván cờ giữa “gấu Nga” và phương Tây vẫn chưa tới hồi kết.

Ván cờ giữa “gấu Nga” và phương Tây vẫn chưa tới hồi kết.

Kết quả, thực phẩm nội bắt đầu lấp đầy kệ của các chuỗi siêu thị quốc gia. Khối lượng thực phẩm và nông sản nhập khẩu vào năm 2015 đã giảm 20% so với năm trước khi các biện pháp trừng phạt mới áp dụng, cho phép nông dân Nga có cơ hội tăng sản lượng địa phương. Và như vậy họ đã chặn đường quay lại của nhiều thực phẩm nước ngoài. Chẳng hạn, pho mát nhập khẩu bị cấm, nhưng hiện nay người ta có thể mua Gorgonzola (pho mát kem) do Nga sản xuất với khoảng 300 rúp cho 100g tại các siêu thị ở Moscow. Trước đó, năm 2013, người Nga phải mua Gorgonzola nhập khẩu với giá 400-600 rúp cho 100g.

 Có thể nói diễn biến trong ngành thực phẩm về khía cạnh nào đó là điều các nhà chức trách Nga mong mỏi. Năm 2010, do quan ngại về việc nhập khẩu lương thực quá mức, chính phủ đã thông qua "Học thuyết an ninh lương thực Liên bang Nga", như một cách để kết hợp nhiều sản phẩm địa phương hơn tại các siêu thị. Và hiện nay các biện pháp trừng phạt và trả đũa của phương Tây “vô tình” có đóng góp đáng kể trong việc thực hiện học thuyết trên. Theo đó, hiệu quả tích cực của các biện pháp trừng phạt đã giúp đẩy nhanh tốc độ phục hồi trong nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, đồng thời cũng giúp ngành máy móc nông nghiệp trong nước mở rộng sang các thị trường trước đây bị các sản phẩm nhập khẩu thao túng. Điều này mang lại kỳ vọng gia tăng đầu tư và giúp tăng trưởng kinh tế bền vững.

 Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu các lệnh trừng phạt của phương Tây được dỡ bỏ? Lúc này nước cờ của gấu Nga sẽ là cũng bãi bỏ các biện pháp trừng phạt trả đũa phương Tây, nhưng Moscow sẽ không vội xóa bỏ các lệnh cấm nhập khẩu ngay. Tổng thống Putin nói ông "sẽ kéo dài các biện pháp trả đũa càng lâu càng tốt". Phản ứng của ông không có gì đáng ngạc nhiên khi một số nhà lập pháp Nga tin rằng cách duy nhất để bảo vệ ngành nông nghiệp Nga là kéo dài vô thời hạn các biện pháp trừng phạt. Tất nhiên, đây là một cách nhìn cực đoan và không thực tế, ảnh hưởng bởi các nhóm vận động hành lang nông nghiệp.

(còn tiếp)

Các tin khác