Ấn Độ vươn mình lớn mạnh (K2): Chiến lược hướng Đông

(ĐTTCO) - Tổng thống Hoa Kỳ D. Trump đã dần định hình chiến lược của nước này theo hướng “Xoay trục sang châu Á” bằng việc lần đầu tiên công bố Chiến lược An ninh quốc gia mới. 
Hoa Kỳ đã dùng cụm từ Ấn Độ - Thái Bình Dương, là khu vực được đặt lên trước châu Âu và Trung Đông. Giới quan sát quốc tế cho rằng điều này là nhằm duy trì thịnh vượng, hòa bình ở một khu vực rộng lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với các lợi ích của Hoa Kỳ. Điều này còn nhằm tạo ra đối trọng với “Giấc mơ Trung Hoa” và Sáng kiến một vành đai, một con đường của Bắc Kinh. Trước đó rất lâu, Ấn Độ cũng chuyển trục với Chính sách hướng Đông (Look East Policy). Vì sao?
Ý tưởng lớn gặp nhau
Khái niệm Ấn Độ - Thái Bình Dương bao gồm vùng biển Bắc Ấn Độ Dương và toàn bộ vùng biển giữa Thái Bình Dương, kéo dài đến bờ Tây Hoa Kỳ. Chiến lược An ninh quốc gia Hoa Kỳ nói rõ tầm quan trọng khu vực này, đề cao vai trò của Ấn Độ là một “quốc gia dẫn đầu, một đối tác quốc phòng, an ninh chiến lược”; đồng thời kêu gọi sự hợp tác liên minh 4 bên: Hoa Kỳ - Nhật Bản - Australia - Ấn Độ và mở rộng quan hệ với các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia, Malaysia. Giáo sư Takashi Terada của Đại học Doshisha nhận định: Khái niệm này làm sáng tỏ lập trường đa phương hóa của Hoa Kỳ ở châu Á; tạo ra trật tự mới ở khu vực nhằm tăng cường niềm tin các quốc gia trong vùng; tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với hòa bình, an ninh khu vực.
 Cả Ấn Độ và Việt Nam đều có dân số trẻ và năng động, phần lớn dân số ở dưới độ tuổi 35. Vì thế, điều quan trọng là phải đảm bảo được tương lai của chúng ta và trọng tâm của mối quan hệ giữa 2 nước được xây dựng đúng đắn, hướng tới việc hoàn thành khát vọng của giới trẻ cả 2 nước.
2 nước có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa, tôn giáo; tình bằng hữu và hiểu biết lẫn nhau đã được thử thách qua những thăng trầm lịch sử. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói rằng quan hệ Ấn Độ - Việt Nam “trong sáng như bầu trời không một gợn mây”. Chúng ta có nhiệm vụ giúp người dân làm giàu thêm vốn di sản giàu có này.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi
Cuối năm ngoái cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản, ông Kentaro Sonoura, đã thuyết trình về “Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở”, khẳng định: Chìa khóa cho sự ổn định và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế là dựa trên sự kết hợp 2 châu lục: Á và Phi, 2 vùng biển: Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Từ đó, định hình các giá trị cơ bản như tự do hàng hải, thượng tôn pháp luật, kinh tế thị trường; thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ, Ấn Độ, Australia, các nước ASEAN và cả châu Âu, Trung Đông.
“Nhật Bản sẵn sàng hợp tác với bất kỳ quốc gia nào tán thành chiến lược này, trong đó Việt Nam là quốc gia then chốt” - ông Sonoura cho biết và lý giải: Việt Nam là quốc gia tiếp giáp với biển Đông, là cửa ngõ hành lang kinh tế Đông - Tây và hành lang kinh tế phía Nam, đồng thời 2 nước là đối tác chiến lược. Vì điều này, Nhật Bản đã cung cấp 6 tàu tuần tra mới nhằm hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển.
Đối với Ấn Độ, chính sách “nhìn về hướng Đông” xác định từ năm 1992 dưới thời Thủ tướng Narasimha Rao, trong bối cảnh Ấn Độ bắt đầu tiến hành công cuộc cải cách, mở cửa mạnh mẽ. Khu vực Đông Nam Á được Ấn Độ quan tâm đặc biệt bởi vị trí địa lý - chiến lược quan trọng trong giao thương quốc tế, là “tấm ván bật để chúng tôi tiến vào thị trường toàn cầu thì Đông Nam Á có thể coi là điểm đầu tiên Ấn Độ cần đặt chân đến” - Thủ tướng Rao nhấn mạnh.
Với tầm nhìn này, sau 20 năm ASEAN và Ấn Độ đã quyết định nâng mối quan hệ lên tầm đối tác chiến lược (2012). Đặc biệt, sau cuộc gặp cấp cao giữa Thủ tướng N.Modi và Tổng thống B. Obama (2014), Ấn Độ đã quyết định chuyển chính sách “Nhìn về hướng Đông” sang “Hành động hướng Đông” với các chương trình hợp tác kinh tế - đầu tư các nước ASEAN, nhất là lĩnh vực cơ sở hạ tầng, xúc tiến thương mại.
Việc điều chỉnh chính sách trước hết do Ấn Độ đã có thực lực lớn hơn, quan tâm hơn việc bảo vệ lợi ích quốc gia trước những mối dọa dẫm ngày càng trở nên nghiêm trọng. Việc Trung Quốc hành xử cứng rắn trong các vấn đề tranh chấp chủ quyền biển, đảo càng tạo nên những thách thức, đe dọa tự do hàng hải và luật pháp quốc tế. Trong khi đó, hướng Đông là khu vực gắn bó với lợi ích thiết thân của Ấn Độ; 55% tổng lượng hàng hóa trung chuyển của Ấn Độ được chuyên chở qua khu vực biển Đông tới các nước!
Ấn Độ vươn mình lớn mạnh (K2): Chiến lược hướng Đông ảnh 1 Năng lượng tái tạo - điện mặt trời là một thế mạnh của ngành công nghiệp Ấn Độ. 
Việt Nam - Cầu nối quan trọng
Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ 45 năm qua đã từng bước phát triển hết sức tốt đẹp, thu hái được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực. Tháng 7-2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Ấn Độ, 2 bên ký tuyên bố chung thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, mở đường cho quan hệ song phương sâu rộng và chặt chẽ hơn.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến thăm Việt Nam đã phát biểu: “Ấn Độ không chỉ đứng bên Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành tự do, mà còn cả trong giai đoạn tái thống nhất đất nước. Cuối những năm 1970 và 1980 là thời điểm khó khăn đối với Việt Nam, Ấn Độ là một trong ít nước hỗ trợ Việt Nam lúc đó. Chuyến thăm của tôi tới Việt Nam là biểu tượng tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết và hợp tác toàn diện của chúng ta; thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác song phương và đa phương trong tất cả lĩnh vực. Điều này nhằm hướng đến sự ổn định, duy trì hòa bình, tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng 2 nước chúng ta, khu vực châu Á và vươn ra cả ngoài khu vực này”.
Mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ được nâng tầm đi vào thực chất: Về thương mại, hiện nay ở mức 10 tỷ USD, 2 bên cam kết sẽ đạt 15 tỷ USD vào năm 2020. Ấn Độ cho biết sẽ tăng cường đầu tư các dự án lớn vào Việt Nam, mặt khác mời các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào vùng Đông Bắc của Ấn Độ - là khu vực trọng tâm chính sách hành động hướng Đông của Ấn Độ.
Thủ tướng N. Modi nêu rõ: Chính sách hành động hướng Đông nhằm tạo dựng quan hệ đối tác với các nước láng giềng phía Đông; trong đó bao trùm sự hợp tác về an ninh, chiến lược, chính trị, chống khủng bố và quốc phòng bên cạnh việc thúc đẩy phát triển kinh tế. Việt Nam là một thành viên không thể thiếu của ASEAN; là trụ cột rất quan trọng của chính sách này. Việt Nam là nước điều phối quan hệ giữa ASEAN và Ấn Độ trong giai đoạn 2015-2018 và cả 2 nước đều cam kết tăng cường mối quan hệ đối tác trong các khuôn khổ hợp tác Ấn Độ - ASEAN và Mê Công - Sông Hằng.
Nhận định về mối quan hệ hợp tác Ấn Độ - Việt Nam, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish, cho rằng lĩnh vực thương mại - kinh tế 2 nước vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác, khám phá. Do đó, cần thúc đẩy hơn nữa trong việc cung cấp thông tin, tìm hiểu các cơ hội của nhau. Việt Nam hiện nay là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Ấn Độ trong các nước ASEAN, và ngược lại Ấn Độ nằm trong số 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Kỳ vọng dòng vốn mới
Mới đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ với đoàn tháp tùng hùng hậu gồm các doanh nghiệp nhiều lĩnh vực. Chỉ hơn 1 tháng trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có chuyến thăm Ấn Độ nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm ASEAN - Ấn Độ và Lễ kỷ niệm lần thứ 69 Ngày Cộng hòa Ấn Độ. Các cuộc gặp gỡ cấp cao này đã nói lên kỳ vọng về thắt chặt sự hợp tác, nâng cao hiệu quả hơn nữa về đầu tư - thương mại giữa 2 nước.
Thực tế dòng vốn từ Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam liên tục tăng: Tập đoàn Adani với dự án đầu tư năng lượng tái tạo với công suất 1.000MW  sẽ triển khai tại Ninh Thuận. Tập đoàn sản xuất tua bin điện gió hàng đầu Ấn Độ Suzlon đang nghiên cứu xây dựng cánh đồng điện gió tại nhiều tỉnh ở Việt Nam. Tata Power đang đeo đuổi dự án Nhiệt Điện Long Phú 2 (Sóc Trăng) và đang muốn đầu tư tiếp Nhiệt điện Long Phú 3… Rất nhiều kế hoạch hợp tác đầu tư đã được vạch ra trong các lĩnh vực tàu điện ngầm, đóng tàu, công nghiệp phần mềm…
Mối quan tâm của các nhà đầu tư Ấn Độ đang gia tăng mạnh mẽ với 187,5 triệu USD năm 2017, chiếm tới 25% tổng số vốn được đăng ký của Ấn Độ vào Việt Nam trong 30 năm qua! Doanh nghiệp cả 2 nước đều mong muốn thắt chặt quan hệ hợp tác hơn nữa, và khi đó nguồn vốn đầu tư sẽ bùng nổ, hiện thực hóa cam kết giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam - Ấn Độ.

Các tin khác