Ấn Độ - Đường tới siêu cường (K2): So kè để vượt Trung Quốc

(ĐTTCO) - Năm 2012, một báo cáo của Knight Frank and Citi Private Bank dự báo vào năm 2050 Ấn Độ sẽ nhảy lên vị trí số 1 về kinh tế thế giới, với quy mô GDP đạt 85.970 tỷ USD/năm.
Trong khi Trung Quốc và Hoa Kỳ lần lượt đạt quy mô GDP 80.020 và 39.070 tỷ USD.
Mô hình bền vững

Để gọi là siêu cường không chỉ xét về mặt kinh tế mà cả các mặt khác như quân sự, văn hóa, ngoại giao, khoa học kỹ thuật... Trước tiên về kinh tế, cả Trung Quốc và Ấn Độ hiện đều là thành viên của câu lạc bộ GDP ngàn tỷ. Cả 2 nước đều có thị trường nội địa lớn về kích thước và quy mô, đến mức hầu hết các nước đang phát triển khác hiện đều phải phụ thuộc về xuất khẩu và nhập khẩu từ 2 nước này.
Tuy nhiên, trong nhiều lĩnh vực Trung Quốc hiện vượt trội hơn Ấn Độ. Tăng trưởng 2 con số ổn định trong thời gian dài đã giúp Trung Quốc bỏ Ấn Độ khá xa về quy mô GDP với ước tính năm 2016 đạt 11.391 tỷ USD, so với Ấn Độ chỉ 2.250 tỷ USD.

 Nếu Trung Quốc là một công xưởng làm ra những gì người khác đã thiết kế, thì Ấn Độ đang nhanh chóng bắt kịp trở thành một bộ não thiết kế và làm ra những thứ mà thế giới chưa hề biết cho đến khi Ấn Độ thiết kế ra nó. Ấn Độ đang ở vị trí lý tưởng có thể tiến lên và song hành cùng với Hoa Kỳ như là một siêu cường toàn cầu thực sự, làm nên “thế kỷ của Ấn Độ”.
Dù vậy, xét về cấu trúc kinh tế, Ấn Độ dường như tăng trưởng dựa trên một mô hình bền vững hơn. Các báo cáo gần đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy Trung Quốc vẫn tăng trưởng dựa vào sản xuất và công nghiệp (chiếm 44% GDP).
Trong khi đó, tại Ấn Độ công nghiệp chỉ chiếm 24%, dịch vụ chiếm 58%. Điều này cho thấy Ấn Độ đang đầu tư mạnh vào nguồn lực thông qua giáo dục nhằm tạo ra các kỹ sư, các nhà khoa học - nguồn nhân lực cần thiết cho sự thành công trong thế giới toàn cầu hóa mà không cần phải đi theo lối mòn truyền thống công nghiệp hóa trước khi bước vào nền kinh tế tri thức.

Về hội nhập, Ấn Độ cũng vượt trội so với Trung Quốc. Theo báo cáo của Forbes năm 2016, dù Trung Quốc chiếm 17% GDP toàn cầu trong khi Ấn Độ chỉ chiếm 7%, nhưng xuất khẩu của Ấn Độ đạt giá trị phần trăm GDP lớn hơn nhiều so với Trung Quốc. Điều này cũng đúng về mặt thu hút FDI.
Theo số liệu của CIA World Factbook, FDI vào Trung Quốc đạt 1.440 tỷ USD, lớn hơn 12 lần so với Ấn Độ. Tuy nhiên, FDI đầu tư vào bên trong tại Ấn Độ chiếm tới 12,3%, trong khi con số này của Trung Quốc chỉ đạt 10,5%. Về FDI đầu tư ra ngoài, nếu xét về tỷ lệ thành công của Ấn Độ cũng lớn hơn.
Năm 2015, các công ty Ấn Độ đã hoàn thành 70% việc mua bán, sáp nhập ở nước ngoài, so với Trung Quốc là 50%. Và lý do đàng sau con số này rất quan trọng: vì Ấn Độ là một nước dân chủ, các công ty chủ yếu là thuộc lĩnh vực tư nhân, trong khi đó các công ty của Trung Quốc là công ty nhà nước bị trung ương kiểm soát. Khi phải lựa chọn, các công ty nước ngoài thường chọn bán cho Ấn Độ.

Nhà nước kiến tạo

Thực tế, Ấn Độ lựa chọn con đường phát triển tuần tự từ dưới lên trên, trong khi Trung Quốc vẫn theo đuổi phương thức đi từ trên xuống dưới. Điều này phản ánh hệ thống chính trị khác biệt giữa 2 quốc gia: Ấn Độ là một quốc gia dân chủ, còn Trung Quốc là nhà nước tập trung. Trong khi Trung Quốc đặt ra những rào cản đối với doanh nghiệp trong nước, thì Ấn Độ lại tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp nội địa có cơ hội phát triển.
Từ khi bắt đầu công cuộc cải cách năm 1991, Ấn Độ dần từ bỏ mô hình “nhà nước quản lý” sang “nhà nước kiến tạo”. Chính phủ đã dần xóa bỏ tình trạng độc quyền đối với dịch vụ điện thoại đường dài, cắt giảm thuế quan, giảm bớt thủ tục hành chính và nhiều ngành đã được tự do thu hút đầu tư tư nhân, trong đó có đầu tư nước ngoài.

Nhờ đó các doanh nghiệp tự do và tư nhân phát triển mạnh. Kết quả điều tra về các công ty dẫn đầu châu Á do Tạp chí Kinh tế Viễn Đông (FEER) thực hiện cho thấy Ấn Độ đạt số điểm trung bình cao hơn so với các nước khác trong khu vực, kể cả Trung Quốc.
Thực tế, chỉ có 2 công ty của Trung Quốc ghi điểm đủ cao để xếp hạng, trong khi số doanh nghiệp của Ấn Độ là 10. Hầu hết các công ty của Ấn Độ là sở hữu tư nhân hoàn toàn, trong khi đa số các doanh nghiệp Trung Quốc đều có sự can thiệp đáng kể từ phía nhà nước.

Ngược lại, tại Trung Quốc chính phủ vẫn là những người gác cửa, kiểm soát chặt việc phân bổ nguồn vốn và hạn chế nhiều khả năng thâm nhập và niêm yết tên trên thị trường chứng khoán, huy động số vốn cần cho tăng trưởng của các công ty tư nhân. Trong suốt một thời gian dài, Bắc Kinh đã dùng các thị trường tài chính như một công cụ kìm chế tình trạng mất thăng bằng của các doanh nghiệp quốc doanh. Những chính sách này tạo nên nhiều méo mó, hạn chế sự ổn định và tăng trưởng của thị trường. 

Tập đoàn công nghệ Oracle của Ấn Độ hoạt động ở mọi lục địa và có quy mô toàn cầu. 


Nền kinh tế sáng tạo

Như đã biết, động lực tăng trưởng kinh tế bền vững phải dựa trên tính sáng tạo, đổi mới công nghệ. Về mặt này, hiện Ấn Độ vẫn còn kém Trung Quốc đôi chút. Tạp chí Tuần Công nghiệp cho biết Ấn Độ hiện đi sau Trung Quốc 10 năm về đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R & D) và số bằng sáng chế được đăng ký.
Tuy nhiên, điều này không phải vì chính phủ Ấn Độ ít ưu tiên cho đổi mới sáng tạo, mà do họ bước vào công cuộc cải cách muộn hơn (từ 1991 - xem lại Kỳ 1). Dù vậy, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Ấn Độ đang dần đuổi kịp Trung Quốc.
Báo cáo của Tuần Công nghiệp lưu ý rằng, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc trong các ngành công nghiệp dược phẩm, thép, công nghệ ô tô, nhờ các công ty đa quốc gia của Ấn Độ mua lại được những công ty đã phát triển ở nước ngoài và tiếp cận với công nghệ của họ, thí dụ Tata đã mua Jaguar Landrover và Corus. Khoa học đời sống cũng đang bùng nổ ở Ấn Độ, với tăng đầu tư hàng năm vào R & D chủ yếu đến từ khu vực tư nhân chứ không phải chính phủ. 

Các công ty công nghệ Ấn Độ ở nước ngoài cũng đang ở thời điểm tốt. Họ dễ dàng hơn nhiều so với đối tác Trung Quốc trong việc tiếp cận thị trường nước ngoài nhờ kiến thức tốt về tiếng Anh và hiểu cách thế giới phương Tây làm việc.
Kai-Fu Lee, Giám đốc điều hành và sáng lập công ty Innovation Works của Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg rằng trong khi tăng trưởng trong khu vực công nghệ của Trung Quốc lớn, thì chính khu vực công nghệ lại rất nhỏ và không có nhiều công ty Trung Quốc làm tốt bên ngoài Trung Quốc, hay các công ty nước ngoài làm tốt ở Trung Quốc vì những khó khăn về văn hóa và ngôn ngữ.
Ngược lại, với Ấn Độ, các công ty công nghệ lớn như Tata Consultancy Services, Infosys hay Oracle Financial Services Software hoạt động ở mọi lục địa và thực sự có quy mô toàn cầu. 

Các tin khác