10 gương mặt nguyên thủ tham nhũng

(ĐTTCO) - Những nguyên thủ nằm trong top 5 tham nhũng đa phần là những người đã có công dẫn dắt đất nước tăng trưởng kinh tế khá tốt, giúp cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, họ cũng bòn rút rất lớn từ sự tăng trưởng kinh tế đó. (Tiếp theo kỳ trước)

(ĐTTCO) - Những nguyên thủ nằm trong top 5 tham nhũng đa phần là những người đã có công dẫn dắt đất nước tăng trưởng kinh tế khá tốt, giúp cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, họ cũng bòn rút rất lớn từ sự tăng trưởng kinh tế đó. (Tiếp theo kỳ trước)

Châm ngòi “Mùa xuân Ả-rập” 

Đứng vị trí thứ 5 trong top 10 nguyên thủ tham nhũng nhất thế giới gần đây là Zine al-Abidine Ben Ali, Tổng thống Tunisia từ 1987-2011. Dưới chính quyền Ben Ali, GDP của Tunisia tăng trung bình gần 5%/năm trong suốt 20 năm, với GDP đầu người GDP tăng gấp 3 lần, từ 1.201USD vào năm 1986 lên 3.786USD trong năm 2008.

Tuy nhiên, trong khi công cuộc cải cách Ben Ali giảm một nửa tỷ lệ nghèo của cả nước (từ 7,4% năm 1990 xuống khoảng 3,8% trong năm 2005), nó lại làm tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, tạo ra những vùng nông thôn lạc hậu và thành thị nghèo nàn, gia tăng đàn áp khiến bất ổn ngày càng tăng cao. Đỉnh điểm là ngày 18-12-2010, Mohamed Bouazizi đã tự thiêu sau khi bị cảnh sát địa phương làm nhục. Điều này làm thổi bùng mùa xuân Ả Rập, một làn sóng các cuộc biểu tình trên toàn đất nước, khiến Ben Ali và vợ phải trốn khỏi đất nước.

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2015, gia đình ông Ben Ali bị cáo buộc tham ô ngân sách 1-2,6 tỷ USD trong vòng 7 năm. Có giai đoạn, những người thân cận của Ben Ali đã bòn rút tới 21% lợi nhuận của các khu vực tư nhân ở Tunisia. Sau khi Ben Ali lưu vong, chính phủ đã tịch thu khoảng 13 tỷ USD tài sản 114 thành viên của phe cánh Ali Ben. Số tài sản này lớn hơn 1/4 GDP của Tunisia năm 2011.

Tổ quốc vinh danh 

Vị trí kế tiếp thuộc về Sani Abacha, Tổng thống Nigeria (1993-1998). 1 năm sau khi nắm quyền, Abacha đã ban hành một nghị định đặt chính phủ của ông lên trên thẩm quyền của tòa án. Được hỗ trợ bởi Đội Hộ vệ đặc biệt (một lực lượng vũ trang 2.000-3.000 người làm việc tại dinh tổng thống), Abacha thanh lọc quân đội, cấm các hoạt động chính trị và nắm quyền kiểm soát của báo chí. Mặc dù vi phạm nhân quyền, nhưng đứng trên góc độ kinh tế, trong 5 năm cầm quyền của Abacha nợ nước ngoài đã giảm từ 36 tỷ USD còn 27 tỷ USD; dự trữ ngoại hối tăng từ 494 triệu USD lên 9,6 tỷ USD; lạm phát giảm từ 54% xuống còn 8,5%.

Triều đại của Abacha kết thúc sớm khi ông qua đời vì một cơn đau tim vào ngày 8-6-1998. Trong 5 năm nắm quyền, ông và gia đình bị cáo buộc biển thủ 3-5 tỷ USD. Vào tháng 2-2014, 16 năm sau khi ông chết, Abacha được truy tặng giải thưởng Centenary như một phần của Lễ kỷ niệm 50 năm độc lập Nigeria. Theo chính phủ, giải thưởng nhằm công nhận những "đóng góp to lớn cho sự phát triển quốc gia" của ông.

 “Big Man” châu Phi 

Xếp vị trí thứ 3 là Mobutu Sese Seko, tổng thống Zaire (nay là Cộng hòa Dân chủ Congo) từ 1965-1997. Là phiên bản gốc của “Big Man” châu Phi, Mobutu củng cố và giữ quyền lực bằng cách tạo ra mạng lưới bảo trợ rộng lớn. Được xây dựng trên việc khai thác tài nguyên khoáng sản to lớn của đất nước, Mobutu sử dụng nó để làm vô hiệu hóa bất kỳ sự phản đối nào. Chính phủ của ông nổi tiếng với tham nhũng, quản lý yếu kém trong nhiều năm, dẫn đến lạm phát phi mã (4.000% năm 1991), nợ nước ngoài khổng lồ và đồng nội tệ phá giá.

Mobutu bị cáo buộc đã biển thủ 4-5 tỷ USD (tương đương nợ nước ngoài của quốc gia tại thời điểm nước này vỡ nợ quốc tế vào năm 1989). Ông đã từng chi tiền để thợ bánh ngọt hàng đầu thế giới Gaston Lenôtre, mang chiếc bánh sinh nhật cho ông từ Paris đến dinh thự của ông bằng máy bay Concorde. Mặc dù không công khai, tham nhũng rất có hệ thống dưới thời Mobutu. Tháng 5-1996, sau cuộc nổi dậy do Laurent Kabila dẫn đầu, Mobutu chạy sang Togo rồi tới Morocco, nơi ông qua đời vì bệnh ung thư tuyến tiền liệt năm sau đó.

Xa hoa nhất châu Á 

Ở vị trí số 2 là Ferdinand Marcos, Tổng thống Philippines từ 1965-1986. Trong suốt 21 năm ông cầm quyền, Philippines đã trở thành một trong những nước nợ nần nhiều nhất châu Á. Nợ nước ngoài tăng từ 360 triệu USD năm 1962 lên 28 tỷ USD năm 1986. Tiền lương giảm khoảng 1/3 và số người sống dưới mức nghèo khổ gần như tăng gấp đôi, từ 18 triệu lên 35 triệu người. Trong thời gian đó, Marcos bị cáo buộc đã biển thủ 5-10 tỷ USD.

Kiểm kê tài sản còn lại tại Cung điện Malacanang ở Manila, người ta phát hiện hơn 1.000 đôi giày thuộc đệ nhất phu nhân Imelda Marcos, 888 túi xách, 71 cặp kính mát và 65 cây lọng. Khi đến Hoa Kỳ, đồ trang sức của họ đã bị Cục Hải quan thu giữ và trả lại cho Philippines, trị giá hơn 21 triệu USD. Những của cải này hiện đang được "triển lãm ảo" trong một chiến dịch chống tham nhũng trực tuyến. Chính phủ Philippines gần đây đã công bố kế hoạch bán đấu giá số tài sản đó.

Imelda Marcos bị kết án tối thiểu 12 năm tù giam về tội tham nhũng, nhưng bản án này đã bị hủy bỏ sau khi kháng cáo. Bà hiện đang là nghị sĩ của Hạ viện, trong khi con trai bà, Ferdinand Jr., là thượng nghị sĩ và con gái Imee là thống đốc của tỉnh Ilocos Norte.

Bậc thầy “điều hành tham nhũng” 

Danh hiệu nguyên thủ tham nhũng nhất lịch sử hiện đại thuộc về Mohamed Suharto, Tổng thống Indonesia từ 1967-1998. Trong thời gian này, kinh tế Indonesia tăng trưởng nhanh và bền vững, cũng như những cải thiện đáng kể cải về y tế, giáo dục và mức sống của người dân.

Giai đoạn 1965-1996, GNP bình quân Indonesia tăng đáng kể 6,7%/năm, GDP đầu người tăng từ 806USD lên 4.114USD. Đến năm 1997, tỷ lệ hộ nghèo nước này giảm còn 11% từ 45% năm 1970; tuổi thọ trung bình tăng từ 47 lên 67 vào năm 1996; tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh đã được cắt giảm hơn 60%; đất nước đã có thể sản xuất gạo đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, giữa những năm 1990, độc tài gia tăng và tham nhũng tràn lan.

Sử dụng một hệ thống bảo trợ, Suharto tích lũy được tài sản trị giá 15-35 tỷ USD. Nhiều tổ chức/công ty phải thuê các cơ sở giám sát của Suharto (yayasams - có vai trò như những ngân hàng cá nhân của Suharto) để giảm các “bất trắc" trong hoạt động kinh doanh. Đổi lại, họ phải đóng góp hàng triệu USD cho các yayasams. Robert Elson, người viết tiểu sử của Suharto, nhận xét: "Tham nhũng được Suharto điều khiển như McDonald vận hành các cửa hàng. Ai cũng biết cần hối lộ bao nhiêu và phải trả cho ai. Suharto điều hành tham nhũng trên một quy mô chưa từng ai làm được".

Năm 1998, khủng hoảng tài chính châu Á đẩy nền kinh tế Indonesia đến bờ vực sụp đổ. Điều này làm gia tăng bất bình trong dân chúng, dẫn đến bạo động và biểu tình buộc Suharto từ chức. 2 năm sau đó, ông bị buộc tội lạm dụng 550 triệu USD từ 7 tổ chức từ thiện và bị quản thúc tại nhà.

Các tin khác