Cẩn trọng sóng CTF

(ĐTTCO) - Chào sàn với giá tham chiếu 12.000 đồng/CP, mã CTF của CTCP City Auto có chuỗi tăng điểm liên tục và vượt mốc 20.000 đồng/CP chỉ sau 5 phiên giao dịch.
 NĐT mua vào CTF với kỳ vọng về chính sách ưu đãi thuế và nhu cầu tiêu thụ xe bùng nổ trong thời gian tới, nhưng việc CP tăng dựng đứng đang tiềm ẩn quá nhiều rủi ro cho NĐT.
Hưởng lợi nhờ thuế

 Theo CTCK ASEAN, nếu định giá CP CTF dựa trên 2 phương pháp định giá thông dụng là phương pháp P/E và P/B, giá hợp lý của CTF là 13.100 đồng/CP.
CTF hiện là đại lý phân phối ô tô Ford lớn thứ 2 tại Việt Nam với thị phần khoảng 10%, xếp sau Hà Thành Ford (chiếm 12% thị phần). Trong cơ cấu cổ đông của CTF, Tập đoàn Tân Thành Đô (New City Group) hiện đang nắm giữ 10,5 triệu cổ phần (tương đương 58,33% vốn điều lệ).
Năm 2016, doanh thu của CTF đạt 3.236,3 tỷ đồng (tăng 56,2%), lợi nhuận sau thuế đạt 27 tỷ đồng (tăng 125%), EPS 2016 đạt 1.500 đồng/CP. Đáng chú ý lợi nhuận khác chiếm gần 73%, đó là khoản tiền thưởng mỗi tháng khi CTF bán xe ô tô đạt chỉ tiêu của Ford Việt Nam đặt ra trong kế hoạch năm.

Năm 2017, CTF đặt kế hoạch tiêu thụ 6.000 xe ô tô với doanh thu ước tính đạt 5.280 tỷ đồng (tăng 63%), lợi nhuận sau thuế đạt 48 tỷ đồng (tăng 72%), tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến 12%. Kế hoạch đầy tham vọng này được CTF xây dựng dựa trên những điều kiện kinh doanh mà doanh nghiệp đang thụ hưởng. Chẳng hạn, theo quy định mới thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được chia theo dung tích động cơ xe.
Cụ thể, mặt hàng xe ô tô nhập khẩu với dung tích động cơ dưới 1,5l sẽ có sự thay đổi với mức thuế suất giảm 5% (từ 45% xuống còn 40%) và tiếp tục giảm còn 35% kể từ 1-1-2018. Những mẫu xe có dung tích động cơ từ 1,5-2l vẫn tạm thời giữ nguyên mức thuế suất 45% đến ngày 31-12-2017, sau đó giảm xuống còn 40% kể từ ngày 1-1-2018.
Ngoài ra, theo hiệp định AFFTA trong khu vực Asean, nếu các xe được sản suất trong khu vực AFFTA tỷ lệ nội địa hóa trên 40% thì năm 2017 thuế nhập khẩu về 30% và đến năm 2018 sẽ còn 0%. Đây là điều kiện thuận lợi rất to lớn cho CTF vì công ty chỉ phân phối chủ yếu xe Ford có dung tích 2.0 trở xuống và được sản xuất tại Việt Nam và khu vực ASEAN, nên sẽ được hưởng lợi từ chính sách. Điều này sẽ giúp giá xe hạ và người tiêu dùng đẩy mạnh mua xe của doanh nghiệp. Từ đó kéo theo doanh số của dịch vụ kèm theo như bảo dưỡng, bảo hành, bán phụ tùng và phụ kiện.
Cẩn trọng sóng CTF ảnh 1 NĐT mua vào CTF với kỳ vọng về chính sách ưu đãi thuế và nhu cầu tiêu thụ xe bùng nổ trong thời gian tới. 
Rủi ro từ công ty mẹ
Ngày 30-5, 18 triệu CP CTF đã chính thức được giao dịch trên sàn HOSE với giá tham chiếu 12.000 đồng/CP. Trái với những nhận định thận trọng trước đó của giới phân tích, CTF có 7 phiên tăng trần liên tục, kéo giá CP lên mức 21.500 đồng/CP trong phiên giao dịch ngày 7-6. Tuy nhiên, có một thực tế mà không phải NĐT nào cũng biết là những rủi ro CTF đang phải đối mặt.
Đầu tiên là rủi ro về đặc thù kinh doanh. Lĩnh vực kinh doanh phân phối xe ô tô là ngành có tỷ suất lợi nhuận ổn định, nhưng cũng là lĩnh vực nhạy cảm, chứa đựng nhiều thách thức mang tính chu kỳ. Đặc thù của lĩnh vực kinh doanh phân phối xe ô tô đòi hỏi doanh nghiệp cần có hệ thống phân phối rộng trên nhiều địa bàn và đội ngũ bán hàng có nhiều kinh nghiệm. Vì vậy, các công ty trong cùng ngành thường cạnh tranh mạnh với nhau để giành khách hàng.

Trên sàn HOSE, một trong những đối thủ được NĐT mang ra so sánh là CTCP Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (HAX), doanh nghiệp phân phối xe Mercedes. Theo thống kê, dù doanh thu của CTF nhỉnh hơn HAX nhưng lợi nhuận lại kém xa.
Sự khác biệt này chủ yếu do chi phí HAX tiết giảm tối đa cũng như chính sách hỗ trợ bán hàng của Mercedes Việt Nam nhỉnh hơn so với Ford Việt Nam. Cụ thể, chi phí bán hàng/doanh thu, chi phí quản lý/doanh thu của CTF lần lượt ở mức 3,5% và 1,5%, cao hơn so với mức 2% và 0,8% của HAX. Bên cạnh đó, chi phí hỗ trợ bán hàng/doanh thu của CTF ở mức 0,7%, thấp hơn nhiều so với mức 2,9% của HAX.

Đáng chú ý là rủi ro đến từ công ty mẹ của CTF là New City Group. Đây là tập đoàn lớn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và xe ô tô. Tập đoàn này hiện là nhà phân phối chính hãng 4 thương hiệu xe sang tại Việt Nam gồm: Land Rover, Jaguar, Maserati, Volkswagen.
Gần đây, New City Group đối mặt với vụ án truy thu thuế khủng. Cụ thể, sau gần 2 tháng thực hiện kiểm tra sau thông quan tại trụ sở New City Group, Chi cục Kiểm tra sau thông quan (Cục Hải quan TPHCM) đã ban hành Quyết định ấn định thuế truy thu gần 720 tỷ đồng tiền thuế đối với nhiều dòng xe ô tô nhập khẩu của công ty này. Nếu điều này xảy ra, CP CTF sẽ bị tác động mạnh bởi doanh nghiệp có khoản phải thu dài hạn hơn 42,4 tỷ đồng đối với New City Group (chiếm 23% vốn chủ sở hữu).

Các tin khác