Lời xin lỗi có thật lòng?

(ĐTTCO) - Cuối cùng ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, đã chính thức lên tiếng xin lỗi công chúng vì những hệ lụy đơn vị này gây ra cho đời sống văn hóa. 

Liên tục nhiều sự lúng túng đến mức ngây ngô của Cục Nghệ thuật trong việc ứng xử với những sáng tác trước năm 1975. Đầu tiên là văn bản tạm dừng cấp phép cho “Con đường xưa em đi” và 4 ca khúc khác, sau đó phải thu hồi văn bản. Tiếp đến lại cấp phép cho 10 ca khúc, trong đó có ca khúc “Còn thương rau đắng mọc sau hè” rất quen thuộc trên các sân khấu lớn nhỏ hơn 40 năm qua. Và đỉnh điểm là công bố 300 ca khúc nhạc đỏ được lưu hành, trong đó có “Tiến quân ca” đã trở thành quốc ca Việt Nam. 

Ông Nguyễn Đăng Chương.
 Việc cập nhật “Tiến quân ca" vào danh sách những bài hát được phép lưu hành, đã khiến nhiều người bất bình. Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội ông Lưu Bình Nhưỡng thắc mắc: “Ai cho ông Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn có quyền cấp phép cái này? Quốc hội, Chính phủ có cho cấp phép không? Đây là tài sản quốc gia được công nhận. Đây là vi phạm pháp luật chứ không còn là lạm quyền nữa".

Trước những hành động càng ngày càng bấn loạn của việc cấp giấy phép phổ biến các ca khúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến chỉ đạo: Cục Nghệ thuật biểu diễn khẩn trương, nghiêm túc phối hợp với Vụ Pháp chế triển khai rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, báo cáo lãnh đạo Bộ để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển. Đối với các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, không xâm phạm lợi ích quốc gia không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác.

Ông Nguyễn Đăng Chương tỏ vẻ ăn năn: “Với cương vị Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, tôi thay mặt tập thể lãnh đạo cục, cá nhân tôi xin nhận trách nhiệm, rút kinh nghiệm trước lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch xin lỗi độc giả vì phương pháp làm việc của chúng tôi đã gây nên sự hiểu nhầm và bức xúc trong công luận”. Đây là lời xin lỗi muộn màng, có vẻ chưa thỏa đáng, vì đưa ra trong tình thế bắt buộc, bởi sự sai trái trong hành vi quản lý văn hóa đã quá rõ. Tuy nhiên, khắc phục như thế nào còn tùy thuộc trình độ và sự cầu thị của lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn. Trong khi giới nhạc sĩ đề xuất lập danh sách các bài hát cấm để quản lý theo đúng tinh thần “điều gì luật không cấm thì dân được làm”, nhưng ông Nguyễn Đăng Chương lại băn khoăn: “Cục nhận thấy không thể quản lý được bài hát cấm. Những bài đó cơ quan quản lý nhà nước không có dữ liệu, do các chủ sở hữu tác phẩm lưu giữ. Có thể hôm nay phát hiện bài này nhưng ngày mai lại xuất hiện nhiều bài khác. Chính vì vậy, việc cập nhật bài hát cấm là bất khả thi”.

Xem ra, xin lỗi chưa phải đã hết chuyện trong chức năng quản lý văn hóa nước nhà!

Các tin khác