Lời cảnh tỉnh ngành giáo dục

(ĐTTCO) - Dù đã một tuần lễ trôi qua, nhưng vụ nhảy lầu tự tử của nam sinh lớp 10, Trường tư thục Nguyễn Khuyến - TPHCM vẫn khiến nhiều bậc phụ huynh bàng hoàng. 
Nguyên nhân dẫn đến thảm kịch trên do áp lực học tập căng thẳng. Trong lá thư tuyệt mệnh, nam sinh lớp 10 đã viết: “Con xin lỗi vì đã không hoàn thành được ước mơ của bố mẹ, làm bố mẹ thất vọng”. Thế nhưng, trên thực tế chuyện học tập của nam sinh lớp 10 không hề tệ, với điểm trung bình môn đạt 8,9 điểm. Nghĩa là nam sinh lớp 10 phải vươn lên loại xuất sắc như những người xung quanh mong muốn, và em đã không chiến thắng được cái bảng vàng thành tích lạnh lùng đáng sợ và cũng không chiến thắng được nao núng bản thân. Cái chết đau đớn của em khiến những ai quan tâm đến nền giáo dục nước nhà phải nhức nhối.
Dù không nằm ở khu vực trung tâm, nhưng Trường tư thục Nguyễn Khuyến là một địa chỉ nổi tiếng trong ngành giáo dục TPHCM. Ngay từ khi thành lập, Trường tư thục Nguyễn Khuyến đã mời một giáo sư lừng lẫy về làm Hiệu trưởng, và liên tục chinh phục các bậc phụ huynh bằng kết quả thi cử rất cao của học sinh qua từng năm. Cho nên, không chỉ học sinh tại TPHCM, học sinh nhiều tỉnh phía Nam cũng được bố mẹ tin cậy như một chọn lựa tối ưu. Tiêu chí trường luôn tuyên truyền cho các học sinh là: "Nên người. Học giỏi. Tốt nghiệp 100%. Đường vào đại học - cao đẳng thẳng tắp”. Tuy nhiên, chính vì ham hố lập kỳ tích giáo dục nên trường thiết kế một chương trình dạy và học rất kinh khủng. Với đặc điểm học sinh nội trú, trường đưa các em vào guồng quay học và học. Sáng học trên lớp, chiều học trên lớp, còn buổi tối tự học tại phòng riêng với sự giám sát của giáo viên đến tận 12 giờ đêm. Mỗi ngày, học sinh chỉ có giấc ngủ 5 tiếng với nhiều mệt mỏi và âu lo. Thậm chí, trường còn có “đặc sản” bài tập Tết khi trả các em về đón Tết với gia đình dăm ngày ngắn ngủi.
Hành vi nhảy lầu tự tử của nam sinh lớp 10, gần như là một hệ lụy được báo trước khi nhìn vào chương trình dạy và học. Nam sinh lớp 10 đã đoản mệnh vì sách vở giống như cơn ác mộng. Lỗi lầm thuộc về cả 2 phía, phụ huynh và nhà trường. Phụ huynh cứ đòi hỏi con em mình phải vươn lên dẫn đầu theo tiêu chuẩn thiên tài, còn nhà trường dồn ép học sinh cắm đầu vào học hành nhằm có điểm số ngất ngưởng trong các kỳ thi. Ông Lê Trọng Tín, Hiệu trưởng Trường Nguyễn Khuyến, bày tỏ sự nuối tiếc một cách muộn màng: "Chúng tôi phải thừa nhận chăm sóc chưa toàn diện, môi trường học nặng nề với một số em mà lẽ ra mình phải động viên, hỗ trợ kịp thời. Các em cần được quan tâm, chăm sóc kỹ càng hơn, trong khi nhà trường chưa làm được bao nhiêu”. Đã đến lúc ngành giáo dục phải xem lại mô hình dạy và học kiểu nhồi nhét gây ức chế cho học sinh.

Các tin khác