“Vô tư” vi phạm Luật Cạnh tranh

(ĐTTCO) - Ngày 15-11, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Luật Cạnh tranh là nền tảng vận hành của nền kinh tế thị trường và người ta cũng rất có lý khi nói rằng đó là bản Hiến pháp của kinh tế thị trường. 
 
“Vô tư” vi phạm Luật Cạnh tranh
ĐTTC trích đăng ý kiến này.
12 năm, 8 vụ điều tra hạn chế cạnh tranh
Sau 12 năm thực thi Luật Cạnh tranh (ban hành năm 2004), tác động của Luật Cạnh tranh ở nước ta rất mờ nhạt. Thứ nhất, số lượng vụ việc được kết luận là hạn chế cạnh tranh rất ít và mới có 8 vụ điều tra chính thức (trung bình 0,7 vụ/năm).
Trong khi môi trường kinh doanh ở Việt Nam chúng ta đều hiểu rằng người lạc quan nhất cũng không thể nói rằng cạnh tranh hoàn hảo. Thị trường vẫn chứng kiến những sự kiện vô lý đến kỳ lạ, giá xăng giảm nhưng giá vận tải không giảm, giá sữa cứ tăng trong khi giá nguyên liệu không tăng. Cơ quan nhà nước loay hoay tìm kiếm các giải pháp hành chính can thiệp nhưng không nổi. Vấn đề của cạnh tranh nhưng không ai nói đến pháp luật về cạnh tranh.
 Chúng ta phải đặt luật này trong toàn bộ chính sách bảo vệ và phát triển cạnh tranh của Việt Nam. Điều được rất nhiều Nghị quyết và Hiến pháp đặt ra không chỉ đơn thuần là đạo luật mà là chính sách của quốc gia. Trong thời kỳ hội nhập, quốc gia có khả năng cạnh tranh mới tồn tại và phát triển, nên đó là vấn đề quốc gia, toàn bộ hệ thống chính trị và pháp luật. Tinh thần của nó phải thấm đẫm trong đạo luật khác có liên quan tới pháp luật cạnh tranh.
Ông Trần Hữu Huỳnh
Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam
Cơ quan nhà nước có thể vô tư ra lệnh cấm bán cát cho khách ngoại tỉnh, uống bia nội tỉnh, yêu cầu nông dân phải dùng thuốc trừ sâu tỉnh nhà. Những quyết định hành chính như vậy đã can thiệp trực tiếp vào cung cầu và rất ít cơ quan khi ban hành một quyết định hành chính như vậy lại có tính toán đến góc độ là nó có ảnh hưởng như thế nào đến cạnh tranh.
Nguyên nhân của thực trạng này được cho nằm ở các hạn chế, đó là luật chưa đủ bao quát các hành vi hạn chế cạnh tranh, quy định chưa đủ thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp sử dụng. Cùng với đó là hạn chế từ các cơ quan thực thi, cơ quan thực thi chưa chủ động phát hiện xử lý hoặc ít nhất là lên tiếng các vụ việc có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh.
Cuối cùng là hạn chế trong nhận thức của người dân, doanh nghiệp và xã hội và tất cả các cơ quan nhà nước về các quyền và nghĩa vụ liên quan đến cạnh tranh thiếu động lực để các cá nhân, tổ chức lên tiếng đối với các hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh. 

Nhiều quy định còn chung chung
 Trong dự thảo lần này, điều mới nhất nằm ở hai khía cạnh, nội dung được làm tinh hơn nhiều khi rút kinh nghiệm từ áp dụng luật cạnh tranh cũ. Xây dựng thể chế thực thi luật này, tạo ra cơ quan thực thi giám sát luật cạnh tranh mới. Trong dự thảo lần này, mô hình và địa vị cơ quan cạnh tranh là Ủy ban cạnh tranh quốc gia - cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ, do Chính phủ thành lập. Chỉ tồn tại một cơ quan cạnh tranh duy nhất để thực hiện cả chức năng điều tra và xử lý các vụ việc cạnh tranh.
TS. Nguyễn Đức Thành,
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)
Dự thảo vẫn còn một số hạn chế nếu không xử lý được sẽ không thể đạt được mục tiêu mà chúng ta trông đợi. Thứ nhất, nhiều quy định quan trọng cốt lõi nhưng còn quá chung chung. Thí dụ các căn cứ để miễn trừ thỏa thuận hạn chế cạnh tranh với các căn cứ chung chung nên thỏa thuận nào cũng có thể giải thích là cần thiết và được loại trừ.
Thứ hai, ngưỡng thông báo tập trung kinh tế. Chúng ta cần lưu ý rằng quyền tập trung kinh tế là kinh tế tự do của doanh nghiệp. Việc hạn chế chỉ là trong trường hợp trong đó tập trung kinh tế đạt tới một ngưỡng nào đó có thể ảnh hưởng đến cạnh tranh chung trên thị trường. Do đó, ngưỡng này là ranh giới giữa quyền và hạn chế quyền nhưng dự thảo luật lại không quy định mà lại giao cho nghị định. Tôi nghĩ những điều căn bản, cốt lõi như thế này phải được trực tiếp quy định trong luật.
Thứ ba, một số quy định không thích hợp. Thí dụ, quy định về tập trung kinh tế. Tiêu chí cho phép hay không cho phép tập trung kinh tế phải dựa vào tác động của tập trung kinh tế đối với thị trường. Ví dụ căn cứ vào thị phần lớn đến mức nào thì có khả năng ảnh hưởng đến hành vi cạnh tranh của các chủ thể khác trên thị trường.
Nhưng các tiêu chí hiện tại trong dự luật căn cứ vào trị giá giao dịch hay tổng doanh thu. Tôi đề nghị phải căn cứ vào tỷ lệ doanh thu hoặc trị giá giao dịch trên thị trường của hàng hóa hay dịch vụ đó. Điều đó mới phản ánh trình độ tập trung kinh tế, ngưỡng tập trung kinh tế chứ không phải là giá trị của các giao dịch hay doanh thu.
Về mối quan hệ đối với các điều luật khác, tôi đề nghị phải quy định rất rõ, chỉ một số lĩnh vực rất ít được loại trừ, liên quan đến điều tiết kinh tế của Chính phủ và nước nào cũng như vậy. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) hay ASEAN cũng có hướng dẫn như vậy. Họ khuyến khích các nước quy định trong Luật Cạnh tranh nói rõ những lĩnh vực loại trừ cần thiết cho họ.
Thí dụ ở Việt Nam những luật được loại trừ, đó là: Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng nhà nước, Luật Kinh doanh về bảo hiểm, Luật Viễn thông, còn tất cả những luật khác phải được áp dụng theo Luật Cạnh tranh, bởi nếu không luật này không còn tác dụng.
Về quyền khởi kiện dân sự ra tòa, trong luật này cũng như luật tới không quy định gì. Giải thích của ban soạn thảo là trong Luật Dân sự quy định rồi, mọi người đều hiểu, nhưng trên thực tế chúng ta thấy mọi người không hiểu, người dân và doanh nghiệp cứ nghĩ rằng khi gặp vụ việc cạnh tranh thì chỉ có quyền kiện ra cơ quan quản lý cạnh tranh, thậm chí các chuyên gia cũng hiểu như vậy. Tôi đề nghị ghi trong luật là người dân, doanh nghiệp, tất cả cá nhân, tổ chức có quyền kiện ra tòa án dân sự, không nhất thiết là phải xử lý qua cơ quan quản lý cạnh tranh. 
Về vị trí cơ quan cạnh tranh quốc gia, tôi nhấn mạnh rằng nằm ở đâu không quan trọng, miễn đảm bảo tính độc lập và phải nâng cao trách nhiệm, cũng như năng lực của cơ quan này trong việc xử lý các vụ việc cạnh tranh. Có ĐB băn khoăn, Bộ Công Thương đang là cơ quan chủ quản một loạt các doanh nghiệp nhà nước, cho nên giao Bộ Công Thương là không hợp lý.
Đảng đã có chủ trương, Chính phủ đang có đề án thành lập cơ quan quản lý vốn và tài sản nhà nước nên tất cả các doanh nghiệp của Bộ Công Thương sẽ được chuyển giao cho cơ quan quản lý đó. Như vậy, Bộ Công Thương không còn là cơ quan chủ quản. Cho nên nếu cơ quan quản lý cạnh tranh này do Bộ trưởng Bộ Công Thương trực tiếp quản lý cũng không ảnh hưởng gì đến tính chất độc lập, đảm bảo tính công bằng.

Các tin khác