Viện dẫn tăng thuế chưa thuyết phục

(ĐTTCO) - Việc đề xuất của Bộ Tài chính lên Chính phủ điều chỉnh 5 chính sách thuế, trong đó có thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Viện dẫn tăng thuế chưa thuyết phục
Cụ thể: chuyển hàng hóa không chịu thuế GTGT lên chịu thuế, hàng hóa đang chịu thuế GTGT 5% lên 10% và tăng thuế suất GTGT thông thường từ 10% lên 12%, đã bị dư luận phản ứng mạnh, bởi sẽ ảnh hưởng mạnh đến sản xuất, tiêu dùng. Trao đổi với ĐTTC về vấn đề này, ông ĐINH TUẤN MINH, Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu thị trường MarketIntello, cho biết:
Đúng là trên thế giới hiện đang có xu hướng tăng thuế GTGT. Cụ thể thuế suất trung bình tại các nước EU năm 2000 là 19%, đến năm 2014 mức thuế suất trung bình xấp xỉ 21,5%. Các nước thuộc Tổ chức Hợp tác - Phát triển kinh tế (OECD) cũng có xu hướng tăng thuế suất thuế GTGT từ mức trung bình 18% năm 2000 lên khoảng 19% năm 2014 và hơn 19% vào năm 2016.
Các nước châu Á cũng có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng thuế tiêu dùng trong tổng thu ngân sách từ việc tăng thuế suất thuế GTGT. Ngân hàng Thế giới (WB) đã thống kê mức thuế suất của 112 nước, có 88 nước có mức thuế suất từ 12-25% (trong đó 56 nước có mức thuế suất 17-25%), còn lại 24 nước phổ biến ở mức hơn 10%. 
Tuy nhiên, đây là xu hướng chung chuyển từ việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) chuyển sang thuế tiêu dùng, không phải là giải pháp ngắn hạn để bù đắp thâm hụt ngân sách và nợ công như Bộ Tài chính đưa ra. Xu hướng này cũng đang diễn ra ở Hoa Kỳ, hiện họ đang lên kế hoạch cắt giảm mạnh thuế TNDN cũng như giảm biểu thuế TNCN và bù đắp bằng tăng thuế doanh thu. 

Và tôi không rõ liệu việc tăng thuế GTGT Bộ Tài chính đề xuất có nằm trong lộ trình cải cách thuế theo xu hướng trên hay không. Nếu quả thực việc bộ này cắt giảm thuế TNDN, thuế nhập khẩu như trong thời gian vừa qua nằm trong lộ trình cải cách tổng thể theo hướng dịch nguồn thu thuế chuyển sang thuế tiêu dùng, thì việc đề xuất tăng thuế GTGT có thể lý giải được. 

PHÓNG VIÊN: - Vậy đối với Việt Nam, ông dự báo ra sao về tác động của việc tăng thuế GTGT đối với sản xuất và tiêu dùng?

Ông ĐINH TUẤN MINH: - Để đảm bảo chi ngân sách, thu ngân sách phải đáp ứng khoản tương ứng. Vì thế, nếu thu giảm ở thuế TNDN, TNCN đương nhiên phải tăng thuế ở chỗ khác, ở đây là thuế GTGT hay thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô chẳng hạn. Thậm chí, khoản tăng thuế sẽ giúp tăng thu cao hơn những khoản phải giảm như đại diện Bộ Tài chính dự báo. Tất nhiên tăng, giảm ở đâu phải tính toán để không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, tiêu dùng.

Tuy nhiên, có thể thấy việc tăng thuế GTGT sẽ tác động rất lớn đến sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, đặc biệt hiện thuế và phí tại Việt Nam còn cao so với thu nhập của người dân. Vì vậy, nếu chính sách thuế thay đổi cần tính toán thận trọng về mức thuế và thời gian áp dụng với lộ trình hợp lý.
Bởi như đã nói, trong ngắn hạn sẽ có nhiều người chịu thiệt, còn lợi ích phải đợi trong giai đoạn dài hơn. Vì thế, việc tăng thuế này, giảm thuế kia Bộ Tài chính cũng cần có đánh giá tác động cụ thể mới biết các đối tượng chịu ảnh hưởng sẽ ra sao và doanh nghiệp, người dân sẽ được gì, mất gì.

- Nhưng có vẻ như lập luận của Bộ Tài chính về việc cần thiết phải tăng thuế GTGT khá hợp lý khi được viện dẫn “phù hợp với thông lệ quốc tế”. Tuy nhiên, điều nhiều người quan tâm là tăng thuế, tăng thu ngân sách nhưng việc chi tiêu có hợp lý, tiết kiệm hơn?

- Phải nói rằng chính sách thuế về GTGT của chúng ta có quá nhiều thay đổi trong ngắn hạn. Thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế nếu tích cực được gọi là linh hoạt, ngược lại thay đổi nhanh trong ngắn hạn sẽ khiến chính sách thuế khó đoán định với doanh nghiệp và thể hiện tầm nhìn chính sách chưa được dài hơi.
Trong lập luận về tăng thuế GTGT, Bộ Tài chính viện dẫn theo thông lệ quốc tế, điều này đúng nếu Bộ Tài chính nhấn mạnh rằng đó là “chính sách thuộc lộ trình chuyển dịch từ hệ thống thuế dựa trên nguồn thuế thu nhập sang hệ thống thuế dựa trên nguồn thuế tiêu thụ”.

Tuy nhiên, dường như Bộ Tài chính bỏ qua vế chi tiêu của Chính phủ trong lập luận của mình. Việc chuyển dịch từ hình thức thu này sang hình thức thu khác cần phải giúp bộ máy Chính phủ gọn nhẹ và giảm bớt chi tiêu. Bộ Tài chính không thể thuyết phục được người dân nếu việc chuyển dịch này để tăng thu bù đắp cho thâm hụt ngân sách và trả nợ công.
Để chính sách này thành công, kèm theo đó phải giảm chi tiêu của Chính phủ, đặc biệt là giảm chi thường xuyên. Đây là những vấn đề đã được nói nhiều nhưng tốc độ cải thiện rất chậm. Vì thế, cải cách hệ thống thuế để thu ngân sách theo thông lệ cũng cần phải thay đổi chi ngân sách. Đó mới là quan điểm sòng phẳng.

- Viện dẫn thông lệ quốc tế để cho rằng cần tăng thuế, trong khi thu nhập và tiêu dùng ở nước phát triển khác với Việt Nam, liệu có hợp lý, thưa ông?

- Cách viện dẫn “theo thông lệ quốc tế” về bản chất cuối cùng cũng chỉ nhằm làm sao để tăng thu, thu hiệu quả, bởi không thu cách này thì thu cách kia, không thu bằng thuế GTGT sẽ thu bằng thuế thu nhập. Trong khi hệ thống thuế dựa trên thu nhập rất phức tạp và rối rắm, nên để công bằng cần phải đặt ra rất nhiều mức thuế khác nhau, rất nhiều khoản giảm trừ khác nhau.
Thế nhưng, hệ thống thuế dựa trên tiêu thụ lại rất đơn giản, đặc biệt nếu như đó là hệ thống chỉ có một mức thuế tiêu thụ. Mọi người đều tiêu dùng và đều phải chịu thuế. Theo tôi, mấu chốt cuối cùng của việc tăng thuế là thu cách nào cho hiệu quả và ở đây là tăng thuế GTGT. Bằng chứng thực tiễn cho thấy Việt Nam thu thuế GTGT tương đối hiệu quả khi nguồn thu từ thuế GTGT ngày càng tăng, dù thuế suất trong nhiều năm không thay đổi. 

Tuy vậy vẫn cần cân nhắc nhiều phương án và tăng thuế nên là giải pháp cuối cùng, tránh gây tác động đến kinh tế, xã hội. Tức chúng ta không nên máy móc tăng thuế GTGT, mà cần điều chỉnh cho phù hợp với thu nhập của người dân, thực trạng của nền kinh tế, mức độ lạm phát…
Trường hợp vẫn tăng thuế cần rà soát và phân loại các nhóm hàng chịu thuế cao. Đồng thời tái cơ cấu thu chi ngân sách, giảm chi tiêu thường xuyên, giảm áp lực lên ngân sách nhà nước.
Thí dụ, vấn đề nợ công của Việt Nam - nguyên nhân chính khiến Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế GTGT - xuất phát từ việc chi thường xuyên quá cao và Chính phủ có vẻ như bất lực trong việc cắt giảm chi thường xuyên. Do đó, quan điểm tôi cho rằng việc giảm chi thường xuyên mới là mấu chốt của vấn đề nợ công.

- Xin cảm ơn ông.
 Tăng thuế trong ngắn hạn sẽ giảm kích thích tiêu dùng và có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Việc tăng thuế GTGT cũng sẽ có tác động tăng chỉ số giá tiêu dùng. Tuy nhiên, trong dài hạn nếu việc tăng thuế GTGT được bù đắp bằng việc giảm thuế TNDN và TNCN sẽ kích thích sản xuất và tăng thu nhập cho người dân, tức bù trừ được những khoản mất mát do thuế GTGT gây ra.

Các tin khác