Vì sao người Việt khó vươn tầm?

(ĐTTCO) - Áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác, triết học thiếu nền tảng chuẩn, tư duy nhỏ lẻ và lười biếng, khiến Việt Nam khó vươn tầm với các nước phát triển. Đó là nhận định của ông Đỗ Cao Bảo (ảnh), Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FPT.Để mổ xẻ vấn đề này, ĐTTC đã có cuộc trò chuyện với ông Bảo.

PHÓNG VIÊN: - Năm 2017 ông cho ra mắt cuốn sách “nói xấu” người Việt. Ý tưởng để ông viết sách là từ đâu?
Ông ĐỖ CAO BẢO: - Sau khi đi nước ngoài nhiều, chứng kiến nhiều thành tựu của các nước mà họ hơn Việt Nam, tôi có thắc mắc: Tại sao họ lại đạt được những thành tựu như vậy mà Việt Nam lại không thể? Từ thắc mắc, tôi tìm hiểu, quan sát và lý giải.
Có 4 nguyên nhân chủ đạo. Một là sự lười biếng biểu hiện từ thanh niên không chịu lập nghiệp, nằm chờ người khác tạo công ăn việc làm. Hai là không chịu vận động và chỉ làm những việc bé, dẫn đến tư duy nhỏ lẻ, dễ hài lòng. Ba là áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác.
Bốn là nền tảng triết học yếu, không chuẩn đã cản trở sự phát triển. Lúc đó khi viết và in sách như thế, còn bây giờ sắp xếp lại theo thứ tự: áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác, triết học thiếu nền tảng chuẩn, tư duy nhỏ lẻ và lười biếng.
- Tại sao ông lại cho rằng người Việt mang tư duy áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác?
- Đơn giản như chuyện ăn uống hàng ngày. Nếu ở nước ngoài, mỗi món ăn khi đem ra họ đều hỏi khách có ăn kiêng gì không, bất cứ ai ăn kiêng họ đều rất tôn trọng, chiều theo ý khách. Nhưng người Việt không cần kiêng gì cả. Người nấu cứ theo công thức, đầu bếp cứ việc cho những gia vị ấy vào. Còn ai muốn ăn ra sao, ăn được hay không mặc kệ. Bây giờ có khác, thí dụ như món bún chả có gia vị tỏi, dấm, ớt để riêng, khách ai ăn tự bỏ. Như vậy ai ăn được vẫn đủ gia vị, ai không ăn được tỏi ớt cũng chẳng sao. 
Về phương diện làm việc, phương Tây rất thích chuyên môn hóa, mỗi người làm một bộ phận, rồi tất cả cùng ghép lại thành sản phẩm cuối cùng. Còn người Việt lại thích chế tạo tất cả mọi thứ, vì nếu không làm như vậy sợ bị xem mình không giỏi.
Do đó, họ muốn đập đi để làm mới. Công việc cũng không muốn giao cho tập thể, vì sợ mất bảo bối, trong khi chính những người khác cũng không muốn dùng lại sản phẩm của người cũ, đó là đặc tính cố hữu của người Việt. Trong tổ chức không chấp nhận người khác nêu chính kiến, ông khác nói lệch tai là rất khó tồn tại.
Vì sao người Việt khó vươn tầm? ảnh 1
- Vậy nền tảng triết học và tư duy không chuẩn?
- Tôi lấy dẫn chứng việc bổ nhiệm quan chức trong bộ máy nhà nước trước kia. Ngày xưa, việc bổ nhiệm toàn thi đối, nếu ai đối giỏi bổ nhiệm làm quan. Các quan không học kinh tế, không có nghiệp vụ về quản lý, vậy làm sao đất nước có thể giàu có được? Rõ ràng ông cha ta bổ nhiệm quan lại như thế là sai. Tôi cho rằng đó là quan niệm và triết lý sai. 
Để đất nước giàu có phải dựa vào doanh nghiệp. Nhà nước muốn có tiền để làm cầu, làm đường, nuôi bộ máy, trợ cấp an sinh, phúc lợi xã hội... phải có ngân sách dồi dào và ngân sách đó phải lấy từ thuế, mà thuế đóng nhiều nhất đó chính là doanh nghiệp. Như vậy doanh nghiệp chính là đối tượng gián tiếp nuôi chính quyền, vậy phải xem đó là trung tâm, phải ưu tiên, khuyến khích cho doanh nghiệp phát triển. 
- Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, để hội nhập và phát triển cần phải có tư duy dám nghĩ dám làm và khát vọng. Vậy tại sao ông lại cho rằng người Việt mang tư duy nhỏ lẻ và thích quanh quẩn, dễ hài lòng?
- Năm 1998, Công ty FPT bắt đầu sản xuất phần mềm và vươn ra nước ngoài trong xu hướng toàn cầu hóa để hội nhập. Chúng tôi mất 3 năm đầu chật vật, đến năm thứ 4 mới tìm được đường ra và phát triển. Ngay từ năm 1998, chúng tôi xác định nếu chỉ làm thuê cho các hãng nước ngoài chưa đủ, do đó FPT phải tự chủ, không làm thuê mà phải tự mình làm. Hiện nay FPT có 10.000 người làm sản xuất phần mềm và thu 300 triệu USD từ sản xuất, kinh doanh phần mềm.
Lúc đó tôi dẫn một “cánh quân” sang Lào, Campuchia, Banglades, Philippines và một số nước ở châu Phi để tìm thị trường, tham gia đấu thầu các dự án. Khâu khó nhất là chọn người để triển khai dự án. Rất nhiều người kêu rằng xa nhà, lâu quá...
Số người ký hợp đồng lúc đầu đã khó, đến lúc cử đi ra nước ngoài làm việc lại càng ít, buộc công ty phải khuyến khích bằng cách trợ cấp, tức ngoài lương cứng công tác phí đi lại phải hấp dẫn, 3 tháng lại mua vé máy bay để nhân viên về nhà. Nhưng dù ưu đãi như vậy, vẫn không có nhiều người đi. 
Một dẫn chứng nữa là những chuyến công tác, tôi đi rất nhiều nơi khắp thế giới, đi riêng có, đi với nhiều đoàn công tác của Chính phủ, bộ, ngành cũng có. Tôi để ý thấy các đoàn Việt Nam đi nước ngoài đều do có sự bố trí sẵn, rất ít người dám tự đi nên không có tư duy lớn.
Tôi có đối tác người Malaysia, ông này đi công tác ở đâu cũng chỉ một mình hoặc vài người. Ông ta tự thâm nhập, tìm kiếm thị trường và cơ hội kinh doanh. Làm như vậy họ mới học hỏi, tiếp thu được cái hay, cái mới và đem về áp dụng cho mình. 
- Lâu nay vẫn thường nghe nói người Việt cần cù, chịu khó. Dường như ông là người đầu tiên nhận xét người Việt lười biếng?
- Trước kia nhà tôi thường hay thuê người giúp việc. Gia đình bận, sợ mất người làm nên phải chiều người giúp việc. Tết là đưa xe về tận nhà, mua quà tặng, hy vọng sau nghỉ tết họ sẽ lên sớm giúp mình. Họ hẹn mùng 5 âm lịch sẽ lên.
Nhưng rồi mùng 5 lại bảo cháu nhiều việc lắm, có đám cưới, hẹn mùng 10; đến mùng 10 lại bảo quê cháu có nhiều lễ hội lắm, lại hẹn 15 và cuối cùng tận 20. Cái này hiện rất phổ biến. Có nghĩa họ coi công việc là thứ yếu, chưa chăm chỉ, chú tâm.
Một dẫn chứng nữa là công trình xây dựng (trừ những dự án đặc biệt), sau Tết Nguyên đán đều đóng cửa, đến hết tháng giêng, kể cả đường sá đang làm dở, cũng không làm. Công nhân, người giúp việc, thợ xây dựng, họ đều là những người nghèo. Nhưng qua những chỉ dấu trên đã cho thấy, họ đã nghèo nhưng còn lười.
Tất nhiên, nói thế không phải đánh đồng mọi người đều lười biếng, mà vẫn có những người lao động chăm chỉ. Nhưng với điều này, thống kê không cần quá bán mà chỉ cần 30% người dân lười biếng sẽ kéo đất nước đi xuống, và đất nước khó phát triển là hệ quả tất yếu thôi.
- Xin cảm ơn ông.
 Ngẫm ra người Việt mình lạ lắm. Lúc nghèo khó thì vượt biên để tìm đường đi, dù có chết cũng đi, có ông còn bỏ cả nghề kỹ sư để sang Đông Âu làm công nhân. Còn sau Đổi mới, khi cuộc sống trong nước tạm ổn lại không muốn ra nước ngoài, lại lo sợ xa gia đình, vợ con… Từ đó tôi mới nghĩ người Việt mang tư duy nhỏ lẻ, không dám vươn ra ngoài để thử sức mà chỉ thích quanh quẩn ở nhà.

Các tin khác