TTCK phái sinh: Thúc đẩy nguồn vốn luân chuyển

(ĐTTCO) - Tuần qua, thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) chính thức được khai trương (ngày 10-8). 

Đây được xem là trụ cột quan trọng trong cấu trúc TTCK hiện đại (bên cạnh thị trường cổ phiếu và trái phiếu). Trao đổi với ĐTTC về vai trò của TTCKPS, ông TRẦN VĂN DŨNG (ảnh), Chủ tịch UBCKNN, nói:

TTCK phái sinh: Thúc đẩy nguồn vốn luân chuyển ảnh 1
TTCKPS là trụ cột thứ 3 tạo ra thế chân kiềng vững chắc cho TTCK và thị trường tài chính ở Việt Nam. Sự ra đời của TTCKPS sẽ hỗ trợ thị trường cơ sở, quản lý rủi ro và là sản phẩm đầu tư cho nhà đầu tư. Vì thế, với việc TTCKPS hình thành và đi vào hoạt động, chắc chắn thanh khoản trên TTCK cơ sở sẽ được cải thiện, nhà đầu tư khi đầu tư vào chứng khoán cơ sở sẽ có công cụ bảo vệ tốt hơn. Điều này giúp nhà đầu tư hứng khởi hơn trong việc tham gia TTCK cơ sở. Từ đó, nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham gia nhiều hơn vào TTCK Việt Nam. 

Ý nghĩa của TTCKPS còn được thể hiện qua việc khi nhà đầu tư cả nội và ngoại đầu tư vào nhiều hơn sẽ giúp sự luân chuyển vốn và vai trò của TTCK Việt Nam được nâng lên trong tương lai, đồng nghĩa với việc chúng ta đang tiếp cận gần hơn với thị trường mới nổi.

PHÓNG VIÊN: - Hiện nay, trên TTCKPS mới có 1 sản phẩm là hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30. Vậy lộ trình cho sự ra đời các sản phẩm khác thời gian tới ra sao, thưa ông?

Ông TRẦN VĂN DŨNG: -
Hiện nay Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán đã hoàn thành nghiên cứu 3 sản phẩm. Đó là hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30, HNX30 và trái phiếu chính phủ dựa trên trái phiếu giả lập 5 năm, lãi suất 5%/năm. Với quan điểm phát triển thị trường một cách thận trọng, ban đầu chỉ đưa ra sản phẩm đầu tiên là VN30. Sau một thời gian tổ chức giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30, chúng tôi sẽ báo cáo Bộ Tài chính về thời điểm có thể đưa vào giao dịch sản phẩm tiếp theo là hợp đồng tương lai HNX30, và sau đó đến hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ. 

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng bắt đầu nghiên cứu sản phẩm quyền chọn theo chỉ đạo của Thủ tướng. Thực ra việc nghiên cứu sản phẩm quyền chọn đã được tiến hành hơn 1 năm nay. Và tiếp theo sản phẩm quyền chọn là đến hợp đồng tương lai hàng hóa. Chúng tôi rất hy vọng có thể đưa sản phẩm về quyền chọn, hợp đồng tương lai của hàng hóa… vào vận hành trong năm 2021.

- Việc có thêm TTCKPS với nhiều sản phẩm mới ra đời, mục tiêu cân bằng phát triển giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, thúcđẩy TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn để thị trường tiền tệ làm đúng chức năng dẫn vốn ngắn hạn, sẽ bao giờ đạt được, thưa ông?

- Trong thời kỳ đầu phát triển, hệ thống ngân hàng đóng vai trò chủ chốt, nhưng khi có TTCK và sau một thời gian TTCK sẽ có vai trò tương đối cân bằng với hệ thống tín dụng. Như chúng ta đã thấy, hiện nay giá trị vốn hóa cổ phiếu trên TTCK của Việt Nam khoảng 57% GDP, còn tổng mức tín dụng hiện nay khoảng 110% GDP. Dù con số này cho thấy sự mất cân bằng nhưng nhìn nhận sự phát triển gần đây, tỷ trọng của TTCK đang phát triển rất nhanh. Nếu tính cả thị trường trái phiếu, giá trị vốn hóa chiếm 80% GDP. Sự ra đời của TTCKPS chắc chắn sẽ thúc đẩy nguồn vốn luân chuyển một cách nhanh hơn, sự tham gia của nhà đầu tư quốc tế sẽ nhiều hơn. Do đó, sau khi TTCKPS ra đời, lượng vốn hóa của TTCK chắc chắn sẽ tăng nhanh hơn. Chúng tôi hy vọng trong thời gian khoảng 3-5 năm tới, chúng ta sẽ có một cơ cấu cân bằng hơn giữa TTCK và thị trường tín dụng, làm trụ cột cho nền kinh tế nước nhà. 

- TTCK cơ sở vừa mất khoảng 2 tỷ USD vốn hóa do tin đồn. TTCKPS mới và được nhìn nhận cũng có nhiều rủi ro. Vậy Chính phủ, cơ quan quản lý sẽ làm thế nào để ngăn tác động tiêu cực từ tin đồn, thưa ông?

- Việc TTCK sụt giảm mạnh vừa qua (ngày 9-8) bắt nguồn từ 2 nguyên nhân. Thứ nhất, trên bình diện quốc tế, đó là Tổng thống Hoa Kỳ Donal Trump có đưa ra tối hậu thư cho Triều Tiên về việc nước này đe dọa bắn tên lửa vào vùng gần đảo Guam của Hoa Kỳ, đã tác động đến TTCK quốc tế. Còn trong nước cũng có những tin đồn thất thiệt như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nêu. Với TTCKPS, nếu nhà đầu tư sử dụng đúng đó là công cụ để quản lý rủi ro, nhưng nếu sử dụng không đúng thì cũng là thị trường rất rủi ro.

Bộ Tài chính đã có quyết định giao nhiệm vụ cho UBCKNN, các sở GDCK và Trung tâm Lưu ký xây dựng và thiết lập hệ thống quản lý rủi ro và giám sát chặt chẽ hoạt động của thị trường. Đặc biệt giám sát các hoạt động giao dịch liên thị trường, giữa TTCKPS và TTCK cơ sở để đảm bảo thị trường hoạt động một cách công khai, minh bạch. UBCKNN cũng đã có những chỉ đạo cụ thể đối với 2 sở GDCK và đã ban hành bộ tiêu chí để các sở GDCK, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán phải báo cáo định kỳ hoặc báo cáo bất thường những hoạt động có nghi ngờ là bất thường.
Đồng thời, các sở GDCK và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán đã ký với nhau biên bản quy chế phối hợp để trao đổi thông tin, phục vụ cho việc giám sát thị trường. Bên cạnh đó, giữa Trung tâm Lưu ký Chứng khoán và ngân hàng chỉ định thanh toán cũng đã có những quy chế phối hợp để cung cấp thông tin. Với những cơ chế được thiết lập này, chúng tôi bảo đảm rằng hoạt động của TTCKPS đang được quản lý một cách rất chặt chẽ và đúng hướng.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác