TTCK: Ai người giữ lửa?

Chứng khoán đang ở trạng thái cạn kiệt thanh khoản, sức chịu đựng của các thành viên cũng trong tình cảnh tương tự, hơn lúc nào hết thị trường đang cần những thông điệp, hành động cụ thể.

Chứng khoán đang ở trạng thái cạn kiệt thanh khoản, sức chịu đựng của các thành viên cũng trong tình cảnh tương tự, hơn lúc nào hết thị trường đang cần những thông điệp, hành động cụ thể.

Trưởng phòng Nghiên cứu - Phân tích, CTCK Quốc tế Hoàng Gia (IRS), ông Nguyễn Hữu Việt cho biết, tính đến nay, chỉ số chứng khoán tại sàn Hà Nội đã giảm tháng thứ 7 liên tiếp với thanh khoản ở mức cạn kiệt.

Mỗi phiên, chỉ có khoảng 15 - 20 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, cho thấy sức cầu và lực cung đều rất yếu ớt. Chưa bao giờ trong lịch sử TTCK ViệtNam lại chứng kiến quãng thời gian suy giảm dài như vậy. Dù mức giảm mỗi phiên không lớn, nhưng sự "ăn mòn" rả rích đang dần làm tiêu tan ý chí của các NĐT.

Theo ông Việt, TTCK hiện đang ở trạng thái "lãnh cảm" với thông tin vĩ mô và đang rất cần một sự khích lệ tâm lý đủ lớn để dần trở về trạng thái sôi động hơn. Vẫn biết, sự khởi sắc trở lại của thị trường chủ yếu phải trông đợi vào những điểm sáng của bức tranh kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mong đợi này chưa thể sớm diễn ra như kỳ vọng, thì theo chủ tịch HĐQT một DN niêm yết trên HOSE, cơ quan quản lý, tổ chức thị trường cần quan tâm phát đi những thông điệp mang tính "giữ lửa" cho TTCK, thay vì cũng khá "lạnh" như diễn biến của thị trường thời gian qua.

Dưới cái nhìn của ông chủ DN này, với không ít DN hiện tại, thị giá cổ phiếu đang phản ánh "méo mó" giá trị thực của DN. Thế nhưng, bản thân từng DN chẳng thể làm gì khác để phần nào cứu vãn hình ảnh của mình trong con mắt NĐT và toàn thị trường. Tình thế có thể sẽ khác nếu thị trường nhận được sự quan tâm hơn, chia sẻ nhiều hơn của các cơ quan quản lý tới các thành viên thị trường như DN niêm yết, CTCK và các NĐT...

Sự quan tâm này có thể được thể hiện qua việc cơ quan quản lý “lên lịch” tháo gỡ một loạt "nút thắt" tồn tại từ nhiều năm nay, làm ảnh hưởng tới nỗ lực cải thiện thanh khoản cho thị trường như: tăng room cho khối ngoại, đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản cho NĐT nước ngoài, hay định kỳ thông tin ra TTCK những thông điệp về định hướng điều hành thị trường.

Nói cách khác, khi TTCK khó khăn như hiện tại, đó là lúc các thành viên thị trường muốn nhìn thấy hình ảnh lãnh đạo Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) gần hơn với những nhịp đập thị trường, để giúp các thành viên duy trì nhiệt huyết, chứ không bị sụt giảm niềm tin như thời gian qua.

Còn nhớ, hồi đầu năm nay, bối cảnh thị trường vẫn tiếp tục diễn biến không mấy thuận lợi, nhưng những thông điệp mạnh mẽ của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ tại lễ đánh cồng chào mừng phiên giao dịch đầu năm trên sàn Hà Nội, hay tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2012 của ngành chứng khoán... đã mang lại hiệu ứng tích cực cho thị trường. Gần một năm sắp trôi qua, thị trường đã không còn được tiếp sức bởi những thông điệp tương tự như vậy.

Chứng khoán đang ở trạng thái cạn kiệt thanh khoản, sức chịu đựng của các thành viên tham gia cũng ở trong tình cảnh tương tự, hơn lúc nào hết thị trường đang cần thấy những thông điệp, hành động cụ thể từ UBCK, Bộ Tài chính và Chính phủ vực dậy TTCK.

Xin lưu ý, TTCK không chỉ tác động đến một nhóm người, mà đó là thị trường của 1 triệu NĐT, gần 1.000 DN niêm yết, hàng trăm định chế tài chính và đặc biệt, đối với các NĐT quốc tế thì hình ảnh của TTCK chính là hình ảnh đại diện của nền kinh tế và mỗi quốc gia.

Các tin khác